Ảnh: Reuters
Vắc xin viêm phổi Vũ Hán Coronavac của tập đoàn Sinovac dự kiến sẽ được phân phối tại các nước đang phát triển như Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho đến nay tập đoàn dược phẩm có trụ sở tại Bắc Kinh này vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm chi tiết của vắc xin này, theo Vision Times.
Vài ngày trước, truyền thông Mỹ đã vạch trần “lịch sử đen tối” về quá khứ hối lộ các quan chức của Sinovac, một động thái đã phủ bóng đen lên uy tín của công ty này.
Sinovac chưa công bố kết quả thử nghiệm vắc xin quan trọng
Theo tờ Washington Post ngày 4/12, Sinovac tự xưng là người đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển vắc xin Coronavac tại Trung Quốc. Tương tự Sinovac, các công ty dược phẩm Hoa Kỳ gồm Pfizer và Modena và các nhà sản xuất quốc tế khác cũng đang tiến đến giai đoạn thử nghiệm vắc-xin thứ ba, tức giai đoạn cuối cùng. Trong khi Pfizer và Modena lần lượt công bố tỷ lệ hiệu quả của vắc xin của họ, thì Sinovac lại không công bố dữ liệu chi tiết về vắc xin. Điều này khiến thế giới bên ngoài đặt câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của vắc xin trên cơ thể người của Sinovac.
Vào giữa tháng 11, Sinovac Biotech đã công bố dữ liệu thử nghiệm vắc-xin lâm sàng giai đoạn một và hai trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh, trong đó cho biết rằng vắc-xin của họ có thể “kích hoạt phản ứng miễn dịch nhanh chóng”, tuy rằng mức độ kháng thể được tạo ra thấp hơn so với những người đã mắc rồi khỏi bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, báo cáo không cung cấp số liệu cụ thể về tính hiệu quả của vắc xin Sinovac, trong khi tỷ lệ hiệu quả của vắc xin của Pfizer và Modena được công bố đạt khoảng 95%.
Trong một bài bình luận đăng vào cùng thời điểm, Phó giáo sư Naor Bar-Zeev từ Đại học Johns Hopkins đã nhắc nhở rằng, Sinovac phải cẩn thận phân tích các kết quả trước khi công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Về vấn đề này, người phát ngôn của Sinovac giải thích rằng, hiện chưa có đủ các tình nguyện viên từng nhiễm Covid-19 tham gia thử nghiệm lâm sàng, nên hiện chưa thể tính toán được hiệu quả của vắc xin cũng như chưa thể thu thập được các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Nhưng giới khoa học biết rằng giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng lại là giai đoạn then chốt.
Các tập đoàn dược phẩm của Mỹ cùng tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh đều đã công bố kết quả phân tích dữ liệu tạm thời của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba vào hồi tháng 11, cho thấy hiệu quả của vắc xin cúm Vũ Hán đều vượt quá 90%.
Ngược lại, Trung Quốc, quốc gia lúc ban đầu đã mạnh miệng tuyên bố rằng vắc xin Trung Quốc là chủ lực trên thế giới, hiện lại “chững lại” ở bước này.
Ngoài Sinovac, Tập đoàn dược phẩm Quốc gia Trung Quốc cũng đã phát triển được hai loại vắc xin cúm Vũ Hán, nhưng cho đến nay vẫn chưa công bố báo cáo phân tích dữ liệu tạm thời của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Ông Arthur Caplan, giám đốc Phòng đạo đức Y tế của Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, cho biết Sinovac đã không tiết lộ thông tin về vắc xin và chưa tiến hành xác minh dữ liệu chéo. Cùng với lịch sử hối lộ tồi tệ của công ty này trong quá khứ, thì một công ty có hồ sơ đạo đức có vấn đề như Sinovac cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Lịch sử hối lộ quan chức của Sinovac
Theo Reuters, trong quá trình thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của Sinovac ở Brazil, có một tình nguyện viên đã thiệt mạng vào ngày 29/10. Các quan chức Brazil sau đó đã ra lệnh đình chỉ quá trình thử nghiệm vắc xin giai đoạn ba vào ngày 9/11.
Tờ Washington Post ngày 4/12 đã đăng một bài phóng sự dài, khai quật thêm “lịch sử đen tối” về việc Sinovac Biotech từ lâu đã hối lộ Cục quản lý dược Trung Quốc.
Năm 2016, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sinovac Doãn Vệ Đông khai trước tòa rằng, từ năm 2002 đến 2011, ông này đã hối lộ quan chức Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc là Doãn Hồng Trương và vợ tổng cộng 550.000 nhân dân tệ.
Doãn Hồng Trương cũng đã thừa nhận rằng đổi lại, ông sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt các loại vắc xin Viêm gan A, SARS, Cúm gia cầm, Tay chân miệng và Cúm A do Sinovac Biotech phát triển.
Doãn Hồng Trương sau đó đã bị kết án 10 năm tù vào năm 2017, nhưng Doãn Vệ Đông không bị truy tố.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2016, có ít nhất 20 quan chức và quản lý bệnh viện tại 5 tỉnh của Trung Quốc cũng thừa nhận đã nhận hối lộ từ Sinovac. Nhưng điều kỳ lạ là Doãn Vệ Đông vẫn là giám đốc điều hành của Sinovac sau đó. Mặc dù Sinovac đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vụ hối lộ vào năm 2017, cho đến nay kết quả vẫn chưa được công bố.
(Theo dkn.tv)