Một tàu chở dầu có liên quan đến hạm đội ngầm của Nga bị Hải quân Estonia bắt giữ tại Vịnh Phần Lan vào ngày 11 tháng 4. Reuters
Nguồn: Christian Caryl, “Why This Is the Best Time to Sanction Russia,” Foreign Policy, 13/05/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Nếu Trump muốn chấm dứt chiến tranh, ông nên gây sức ép với Putin ngay bây giờ.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng sẵn sàng cứng rắn với Nga. Trong bài đăng ngày 26/04 trên nền tảng Truth Social của mình, ông gay gắt chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã để lực lượng của mình ném bom dân thường Ukraine bất chấp việc đã bày tỏ mong muốn ngừng bắn. Trump viết: “Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng chiến tranh, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi, và tôi phải đối phó theo cách khác, thông qua ‘Ngân hàng’ hoặc ‘Trừng phạt thứ cấp?’ Quá nhiều người đang chết!!!”
Việc đề cập đến các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ đã làm nảy sinh hy vọng rằng Trump sẽ giúp ngăn chặn cuộc chiến của Nga, nhưng thực tế thì điều đó đã không xảy ra. Hôm Chủ Nhật 11/05, ông đã quay lại với cách làm quen thuộc của mình là dịu dàng với Putin và gây áp lực lên Ukraine. Sau khi Điện Kremlin đề xuất thêm các cuộc đàm phán thay vì chấp nhận lệnh ngừng bắn ngay lập tức mà phía Kyiv đã đồng ý, Trump một lần nữa ủng hộ Putin – nói thêm rằng “Ukraine nên đồng ý với điều này, NGAY LẬP TỨC.” Khi làm như vậy, Tổng thống Mỹ đã làm suy yếu một sáng kiến ngừng bắn riêng biệt của Âu châu được hỗ trợ bởi lời đe dọa về các lệnh trừng phạt mới, mà người Âu châu dường như nghĩ rằng Washington đang phối hợp với họ. Vậy là Putin đã trở lại vị trí dẫn đầu với sự ủng hộ của Tòa Bạch Ốc.
Dù rất khó xảy ra, nhưng nếu Trump thực sự muốn gây sức ép lên Putin, thì các cố vấn của ông nên nói với ông rằng đây là thời điểm hoàn hảo để làm điều đó. Trong vài tuần qua, người Âu châu đã thể hiện sự đoàn kết và kiên cường đáng kinh ngạc khi họ ra tối hậu thư cho Moscow: hoặc đồng ý ngừng bắn, hoặc chuẩn bị cho một loạt các lệnh trừng phạt mới. (Hạn chót đã kết thúc vào đêm Thứ Hai, nhưng vì thiếu sự ủng hộ của Mỹ, nên người Âu châu đành lùi bước bằng cách gia hạn tối hậu thư của họ cho đến Thứ Năm.)
Một hành động phối hợp sẽ là phép thử quan trọng đối với bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào. Nhưng quan trọng nhất, nền kinh tế Nga đang cho thấy những điểm yếu mới có thể bị khai thác bằng các lệnh trừng phạt thông minh, nhằm lấp đầy một số lỗ hổng khá lớn của chế độ hiện tại.
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 02/2022, họ đã thành công một cách đáng ngạc nhiên trong việc duy trì sự phát triển kinh tế – bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có trong lịch sử do Washington và các đồng minh áp đặt. Tuy nhiên, một tập hợp dữ liệu ngày càng tăng cho thấy chiến lược đối phó của Nga đã bắt đầu đi đến giới hạn của nó.
Ngày 25/04 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định rằng họ sẽ giữ nguyên lãi suất chính ở mức cao ngất ngưởng là 21% – cao nhất trong hai thập kỷ. Dưới thời vị thống đốc đáng gờm Elvira Nabiullina, ngân hàng này đã tỏ rõ quyết tâm duy trì lãi suất trong nỗ lực kéo dài nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng. Nabiullina và các đồng nghiệp của bà đã đưa ra quyết định về lãi suất bất chấp sự chỉ trích ngầm của Putin, người rõ ràng muốn ngân hàng hạ lãi suất cho vay cơ bản. Ông đã sử dụng một hình ảnh kỳ lạ để nhấn mạnh quan điểm, cảnh báo các quan chức giấu tên không nên để nền kinh tế “bị làm lạnh quá mức như trong một buồng trị liệu bằng liệu pháp đông lạnh.”
Quyết tâm của Nabiullina trong việc duy trì lệnh đóng băng lãi suất phản ánh mức độ nghiêm trọng của thiệt hại mà lạm phát đang gây ra cho nền kinh tế Nga. Tỷ lệ lạm phát hàng năm chánh thức đang dao động ở mức trên 10%, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn. Đã rõ ai là thủ phạm chánh gây ra mức giá cao này: Điện Kremlin đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào cuộc chiến chống lại Ukraine. Năm ngoái, nhà cầm quyền Nga tuyên bố rằng họ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 6,3% GDP – mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ngay cả con số đó cũng có thể không phản ánh được toàn bộ quy mô chi tiêu. Lạm phát gia tăng có nghĩa là sẽ rất khó để chánh phủ dùng chi tiêu để giải quyết khủng hoảng. Đây là điều mà các cơ quan hoạch định biện pháp trừng phạt cần tính đến.
Cho đến nay, gói kích thích chiến tranh khổng lồ này đã giúp nền kinh tế Nga đạt được những con số tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào năm 2022. Nabiullina và các nhân vật kỹ trị khác, những người quản lý các vấn đề tài chánh và tiền tệ hàng ngày, đã làm được điều đáng nể là duy trì mọi thứ vận hành trơn tru. Sự khéo léo của Nga trong việc né tránh các lệnh trừng phạt và tìm kiếm thị trường mới cho nguồn dầu khí dồi dào của mình – trên hết là ở Trung Quốc và Ấn Độ – đã cho phép Putin tiếp tục tài trợ mạnh tay cho cuộc chiến.
Nhưng giờ đây, những tháng ngày tốt đẹp sắp kết thúc. Lạm phát vẫn còn dai dẳng, nhưng tăng trưởng vẫn đang đình trệ, giảm từ 5% vào năm 2024 xuống mức gần 0% theo năm vào đầu năm nay, khiến một số chuyên viên quan sát cảnh báo về nguy cơ đình lạm. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với lợi nhuận sụt giảm và các khoản nợ không thể chi trả được, làm dấy lên quan ngại về một làn sóng phá sản của các công ty. Tình trạng thiếu hụt lao động do sự bùng nổ của ngành công nghiệp quốc phòng đã khiến các doanh nghiệp tư nhân thiếu hụt nhân công. Tệ hơn nữa, tình trạng bài ngoại ngày càng sâu sắc đã dẫn đến việc trục xuất hàng loạt lao động nhập cư Trung Á – chính là loại lao động giá rẻ mà Nga đang rất cần vào lúc này.
Điều nguy hiểm nhất đối với Điện Kremlin là giá dầu toàn cầu đang có xu hướng giảm đều đặn, chủ yếu do quyết định tăng sản lượng của nhóm OPEC+. Alexandra Prokopenko, thành viên của Trung tâm Carnegie về Nga Á-Âu, cho biết: nếu giá dầu ổn định trong khoảng 60 đến 65 đô-la một thùng, thì Nga có thể tránh được điều tồi tệ nhất. Nhưng bà nói thêm, ngay cả khi đó, “vẫn khó để đầu tư quy mô lớn và tăng trưởng mạnh.” Hơn nữa, Điện Kremlin đã né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách xuất cảng dầu của mình thông qua một đội tàu chở dầu lớn được vận hành theo những cách khiến phương Tây khó theo dõi hơn. Các chuyên gia về lệnh trừng phạt, những người mà mãi đến gần đây mới tìm hiểu về cái gọi là “hạm đội bóng đêm” này, hiện đang nghiên cứu các chiến thuật nhắm vào những con tàu này và các cảng mà chúng hoạt động – đây là một cách khác mà thành công trong quá khứ của Nga lại tạo ra những điểm tấn công mới.
Tóm lại, Điện Kremlin đang ở trong một thời khắc dễ bị tổn thương nghiêm trọng, mở ra cơ hội để gây áp lực lên Moscow nhằm chấm dứt chiến tranh. Các lệnh trừng phạt có thể không hiệu quả như một số người ủng hộ chúng kỳ vọng. Nhưng chúng thực sự đã gây ra những vấn đề đáng kể cho nền kinh tế Nga – và những lệnh trừng phạt mới có thể gây ra nhiều vấn đề hơn nữa nếu chúng được thiết kế để khai thác điểm yếu của Nga.
Nicholas Fenton, một giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lập luận rằng Mỹ và các đồng minh nên nắm bắt thời cơ bằng cách phát động một chiến dịch phối hợp nhằm cắt giảm xuất cảng của Nga và khuyến khích dòng vốn tháo chạy. Hồi tháng 11/2024, phương Tây từng áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với một số ngân hàng quan trọng của Nga. Chỉ trong vài ngày, đồng rúp đã mất 15% giá trị. Fenton cho biết nhược điểm chánh của các lệnh trừng phạt được áp dụng cho đến nay là tính chậm rãi của chúng – cái mà ông gọi là phương cách “luộc ếch.” Ông nhận định: “Áp lực dữ dội trong thời gian ngắn có thể mang lại cho chúng ta kết quả lớn hơn so với áp lực tích tụ trong suốt thời gian dài.”
Một số công ty dầu khí quan trọng nhất của Nga vẫn hầu như không bị trừng phạt, bao gồm các tập đoàn lớn như Gazprom, Lukoil, và Rosneft. Nataliia Shapoval, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chánh sách tại Trường Kinh tế Kyiv, nói rằng việc đóng băng các tài khoản ở nước ngoài của các công ty này có thể khiến Nga mất hàng chục tỷ đô-la. Áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào kinh doanh với họ cũng khiến các công ty dầu mỏ lớn của Moscow gặp khó khăn khi kinh doanh.
Và tại sao chúng ta chỉ dừng lại ở dầu mỏ? Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham tuyên bố đã nhận được ủng hộ sâu rộng cho một dự luật của Thượng viện mà theo đó sẽ tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo tờ Wall Street Journal, Graham muốn áp mức thuế 500% lên hàng hóa nhập cảng từ bất kỳ quốc gia nào mua dầu, khí đốt, uranium, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của Nga.
Tòa Bạch Ốc của Trump thường nhanh chóng kỷ luật các cơ quan lập pháp thúc đẩy các chánh sách được coi là trái ngược với chương trình nghị sự của tổng thống. Tuy nhiên, cho đến nay, Graham vẫn chưa gặp phải sự phản kháng nào. Liệu đó có phải là lý do để hy vọng rằng Trump dường như đã sẵn sàng cứng rắn với người bạn Putin của mình, bất chấp sự thay đổi thái độ gần đây của ông đối với các lệnh trừng phạt? Nếu đúng là vậy, thì đây sẽ là thời điểm ông nên hành động.
Christian Caryl từng là Trưởng Văn phòng Moscow của Newsweek và US News & World Report. Ông đã đưa tin từ hơn 60 quốc gia và là tác giả của cuốn sách “Strange Revels: 1979 and the Birth of the 21st Century” (Basic Books, 2014).