Ảnh minh diễn (Ảnh: Pixabay).

 

 

ÂU CHÂU - Cuộc chiến ở Ukraina đã khiến các tuyến đường sắt của Trung Quốc tới Âu châu gặp rủi ro vì hầu hết các tuyến đường sắt của nước này đều đi qua Nga. Nó cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về triển vọng của sáng kiến ‘Vành đai và con đường’ của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở hàng chục quốc gia.

 

Các phân tích gia cho rằng cả Trung Quốc và Ukraina sẽ không quan tâm đến việc tiếp tục dự án ‘Vành đai và con đường’ ở Ukraina, ngay cả khi chiến tranh sớm kết thúc.

 

Ông Jacob Mardell, nhà nghiên cứu về hạ tầng cơ sở toàn cầu và chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Mercator, nói với VOA rằng “Dự án ‘Vành đai và con đường’ ở Ukraina về cơ bản nằm ngoài phạm vi thảo luận. Thậm chí Trung Quốc có thể không quan tâm đến việc tiếp tục đầu tư vào một quốc gia có nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng”.

 

‘Vành đai và Con đường’ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trên thế giới, với các dự án tại một số quốc gia ở Âu châu, Á châu và Phi châu. Theo ước tính, Trung Quốc đã đầu tư 59,5 tỷ USD vào các dự án ‘Vành đai và con đường’ chỉ trong năm ngoái, và đã đầu tư hơn 800 tỷ USD kể từ khi dự án được khởi động vào năm 2013.

 

Chỉ một tuần trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra vào ngày 24/2, Pháp và Trung Quốc đã đồng ý cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1,7 tỷ USD ở Phi châu, Đông Nam Á và Đông Âu. Kế hoạch này có thể bị lu mờ bởi viễn cảnh một số nước phương Tây tẩy chay Nga và Trung Quốc cũng bị vạ lây, vì nước này được một số người coi là nước bí mật ủng hộ Matxcơva.

 

Đường sắt Trung Quốc – Âu Châu là tuyến đường trung chuyển cho hàng xuất cảng của Trung Quốc, nhưng nó cũng vận chuyển một lượng nhỏ hàng hóa từ Âu Châu đến các thành phố của Trung Quốc. Mạng lưới có tổng cộng 73 đường sắt, kết nối Trung Quốc với Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Pháp và Tây Ban Nha. Trong quý đầu tiên của năm nay, các chuyến tàu hàng trên các tuyến đường này đã thực hiện 3.630 chuyến, theo các nguồn tin chính thức của Trung Quốc.

 

Các chuyên gia cho rằng số lượng các chuyến tàu này dự kiến ​​sẽ bị cắt giảm một nửa hoặc nhiều hơn nếu các nước Âu châu tiếp tục cô lập Nga. Bởi vì, có một số tuyến đường trung gian nằm ở Nga.

 

Ông Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại Sáng kiến ​​An ninh Á Châu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với VOA rằng: “Sự cô lập của Nga có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển hơn nữa tuyến đường sắt ‘Vành đai và Con đường’ tới Âu Châu, phần lớn trong số đó chạy qua lãnh thổ Nga”.

 

“Điều này gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc họ sẵn sàng chấp nhận khối lượng lớn hàng hóa từ thị trường Âu châu ra vào biên giới Nga. Rất ít khả năng Nga sẽ cho phép hàng hóa Âu châu đi qua lãnh thổ của mình khi nước này bị trừng phạt”, ông Dexter Roberts nói. Ông là tác giả của cuốn sách “The Myth of Chinese Capitalism” (tạm dịch: Thần thoại về Chủ nghĩa Tư bản Trung Quốc).

 

Ngoài các tuyến đường sắt hiện có, Trung Quốc còn có một số tuyến đường sắt khác đang được xây dựng hoặc vẫn đang được thiết kế ở Âu châu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Ông Mohammadbagher Forough, một nhà nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Đức có trụ sở tại Hamburg viết trên tạp chí The Diplomat rằng: “Hiện tại, sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với kết nối đường sắt sẽ phải suy giảm nghiêm trọng. Trước mắt, Trung Quốc phải đi vòng qua vị trí địa lý của Nga-Belarus và có lẽ là cả Ukraina”.

 

Các tuyến đường thay thế

 

Đối mặt với những thách thức đang nổi lên ở Âu châu, Trung Quốc có thể tập trung vào hành lang ‘Vành đai và Con đường’ ở Trung và Tây Á, kết nối hành lang này với các nước như Kazakhstan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác. Ý tưởng của Trung Quốc là xuất cảng nhiều sản phẩm của Trung Quốc qua các nước Trung Á, khu vực Caspi, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tuy nhiên, có một số vấn đề với tuyến đường này.

 

Ông Jacob Mardell cho biết “So với tuyến đường sắt qua Nga, tuyến đường sắt qua Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực vận tải hạn chế. Ngoài ra, nó còn bao gồm một hành trình trên biển. Nói chung, nó tốn nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn”.

 

Trong vài năm, Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường các tuyến đường trung chuyển dọc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, kết nối với cảng Gwadar ở Biển Ả Rập.

 

Tuy nhiên, Pakistan gần đây đã trải qua những bất ổn chính trị dẫn đến việc tân thủ tướng Shehbaz Sharif lên nắm quyền. Chính phủ mới dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử mới trước cuối năm nay. Ngoài ra, Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

 

Các nhà quan sát chính trị cho rằng Pakistan có thể trì hoãn hoặc hủy bỏ một số dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan vì nước này không có khả năng gánh thêm nợ Trung Quốc. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể ít nhiệt tình hơn trong việc hỗ trợ một quốc gia mắc nợ cao.

 

Một số nhà phân tích có quan điểm khác về điều này. Ông Dexter Roberts nói “Thủ tướng Sharif nổi tiếng với khả năng cân bằng các mối quan hệ địa chính trị. Trong khi ông có thể cố gắng xích lại gần Mỹ hơn, ông cũng gần như chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì hoặc nhiều khả năng là tăng cường quan hệ với Trung Quốc”.

 

Ông Sharif có thể đang cố gắng củng cố hơn nữa Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một dự án do Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông khởi xướng vào năm 2013.

 

Ngay cả khi việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan tiếp tục không suy giảm, thì sẽ còn rất lâu nữa cảng Gwadar mới cho phép các nhà xuất cảng Trung Quốc sử dụng tuyến đường Biển Ả Rập. Điều này không giải quyết được vấn đề trước mắt của Trung Quốc là: sự phản kháng của Âu châu đối với việc lưu thông hàng hóa Trung Quốc qua Nga bằng tàu hoả.

(dkn.tv - Theo VOA)