(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Omar M. Dajani và Limor Yehuda, “A Two-State Solution That Can Work,” Foreign Affairs, 19/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Tháng Bảy vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về cuộc chiến ở Gaza và tương lai của Trung Đông. Sau đó, Harris nhấn mạnh cam kết của bà đối với giải pháp hai nhà nước cho người Israel và người Palestine – nói rằng nó là “con đường duy nhất bảo đảm Israel vẫn là một nhà nước Do Thái và dân chủ an toàn, và con đường bảo đảm người Palestine cuối cùng có thể được hưởng tự do, an ninh, và thịnh vượng mà họ xứng đáng được hưởng.” Harris không phải là người duy nhất có quan điểm này. Trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo tiếp tục cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước, lập luận rằng giải pháp này cung cấp định hướng và động lực cho các nỗ lực chấm dứt chiến tranh và cuối cùng là tái thiết Gaza. Trong một nghị quyết ngừng bắn được mong đợi từ lâu, được thông qua vào tháng Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một lần nữa cam kết với “tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, trong đó hai quốc gia dân chủ, Israel và Palestine, chung sống hòa bình bên cạnh nhau, với các đường biên giới an toàn và được công nhận.”
Tuy nhiên, đối với bất kỳ ai theo dõi sát sao những gì đang diễn ra trên chiến trường, những tuyên bố này có vẻ tách biệt với thực tế. Netanyahu và các đối tác trong liên minh cực hữu của ông đã cam kết không cho phép thành lập một nhà nước Palestine. Ngay cả những đối thủ hàng đầu của Netanyahu cũng cảnh giác với ý tưởng này, bởi các cuộc thăm dò cho thấy người Israel đang phản đối áp đảo. Israel không muốn từ bỏ quyền kiểm soát Bờ Tây và Dải Gaza, cũng không muốn di dời hàng trăm nghìn người định cư hoặc dựng lên một đường biên giới vật lý chia cắt Jerusalem. Có lẽ đó là lý do tại sao, trong các cuộc trò chuyện riêng tư, hầu như không ai mà chúng tôi nói chuyện cùng – từ các chuyên gia phân tích, đến các viên chức ngoại giao hay các viên chức hoạch định chính sách – thực sự tin rằng có thể đạt được giải pháp hai nhà nước được mong đợi từ lâu. Như chính Harris đã thừa nhận sau cuộc họp của bà vào tháng Bảy, “Ngay bây giờ, thật khó để hình dung ra viễn cảnh đó.”
Tính bất khả thi của kế hoạch hai nhà nước quen thuộc đã khiến một số trí thức quay sang ủng hộ giải pháp một nhà nước. Theo các đề xuất này, người Palestine và người Israel gốc Do Thái sẽ là công dân bình đẳng trong một nhà nước, do một chính phủ dân cử duy nhất quản lý. Một giải pháp như vậy có thể là một mục tiêu dài hạn xứng đáng, nhưng hiện tại, nó chỉ là tham vọng hão huyền. Cả người Israel gốc Do Thái và người Palestine đều không muốn hy sinh quyền tự quyết quốc gia của mình. Và cả hai đều có lý do chính đáng để làm vậy. Không có bản sắc chung nào giữa Israel và Palestine, và dù bản sắc là có thể tiến triển, nhưng sẽ cần thêm nhiều thế hệ.
Nếu giải pháp hai nhà nước quen thuộc cũng như giải pháp một nhà nước đều không hiệu quả, thì triển vọng hòa bình giữa hai dân tộc có lẽ vô cùng ảm đạm. Nhưng vẫn còn một giải pháp thay thế: một liên bang Israel-Palestine, được xây dựng trên các nguyên tắc bình đẳng và hợp tác. Trong đó, người Israel và người Palestine sẽ có các quốc gia riêng biệt của mình. Họ sẽ có biên giới rõ ràng và quyền thông qua luật pháp của riêng mình. Nhưng sau một thời gian chuyển tiếp, biên giới sẽ được mở ra, và cuối cùng, cả hai dân tộc sẽ có quyền sinh sống trên toàn bộ vùng đất nằm giữa Jordan và Biển Địa Trung Hải, nơi mà cả hai đều xem là quê hương lịch sử của mình. Các cơ quan chung của Israel-Palestine sẽ quản lý các vấn đề vượt ra ngoài ranh giới của mỗi quốc gia, chẳng hạn như năng lượng và an ninh đối ngoại. Cũng sẽ có các thể chế tư pháp chung để bảo vệ quyền tự do của mọi người.
Bằng cách làm tất cả những điều này, một liên bang sẽ giải quyết được những câu hỏi hóc búa phát sinh từ sự bất nhất giữa quyền công dân, quốc tịch, và nhà nước, cũng như giữa nhân khẩu học, quốc tịch, và chủ quyền. Nó sẽ bảo đảm sự bình đẳng cho cả người Israel và người Palestine, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể. Và nó sẽ giúp cả hai bên hợp tác trên cơ sở công bằng sau nhiều thập kỷ chiếm đóng và xung đột.
CÁI CHẾT VÀ SỰ CHIA CẮT
Kể từ những năm 1990, việc phân chia vùng đất giữa Sông Jordan và Biển Địa Trung Hải thành hai quốc gia đã gắn liền với mô hình “phân tách” (hay hafrada trong tiếng Do Thái). Mô hình này giả định rằng Israel chỉ có thể là một nhà nước Do Thái và dân chủ nếu nó tách biệt về mặt vật lý khỏi hàng triệu người Palestine mà nó cai trị ở Bờ Tây và Dải Gaza. Trong chiến dịch tranh cử thành công vào năm 1999, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak đã nói với cả nước rằng ông sẽ theo đuổi “hòa bình thông qua phân tách.” Một trong những câu thần chú của ông là “Chúng ta ở đây; họ ở đó.”
Mô hình này đã định hình nền tảng của thỏa thuận hòa bình mà người Israel thúc đẩy. Theo các điều khoản của các đề xuất do Barak và người kế nhiệm Ehud Olmert đưa ra, các khu định cư lớn nhất ở Bờ Tây của Israel sẽ bị sáp nhập, và tất cả những người định cư sống bên ngoài các khu định cư này sẽ phải di tản. Một đường biên giới vật lý sẽ được dựng lên bên trong Jerusalem, phân chia thành phố theo ranh giới sắc tộc. Và người tị nạn Palestine sẽ bị từ chối quyền trở về quê hương của họ, vốn nằm bên trong Israel.
Nhưng hai bên không thể thống nhất về cách biến khái niệm này thành hiện thực. Trong các cuộc đàm phán hòa bình dưới ba đời chính quyền Mỹ, người Israel và người Palestine đã liên tục tranh cãi về việc khu định cư nào sẽ ở lại và khu định cư nào sẽ biến mất – tất cả đều được xây dựng trái với luật pháp quốc tế. Họ cũng không thể thống nhất về cách chính xác mà thành phố Jerusalem sẽ được phân chia.
Ngày nay, mô hình phân tách gần như đã chết. Dân số định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem đã vượt quá 700.000 người, gấp đôi con số của năm 2000. Hơn 115.000 người trong nhóm này sống bên ngoài các khu đất mà Israel trước đây đã tuyên bố sáp nhập. Trong khi đó, phe cực hữu đang có ảnh hưởng chưa từng có trong chính phủ Israel. Kết quả là, chi phí chính trị, kinh tế, và an ninh của việc cưỡng bức di dời người định cư đã trở nên quá cao.
Những vấn đề mà giải pháp hai nhà nước dựa trên phân tách phải đối mặt không chỉ mang tính thực tế, mà còn mang tính đạo đức. Sự thật là mô hình này được xây dựng trên những tiền đề đáng ngờ. Nó củng cố quan niệm về các quốc gia dân tộc đồng nhất về mặt sắc tộc, theo đó gợi nhớ lại, và đe dọa lặp lại, những cuộc di cư thảm khốc của thế kỷ 20. Nó gạt bỏ quyền của người tị nạn Palestine, đồng thời dựng lên những đường biên giới vững chắc chia cắt người Palestine và người Do Thái khỏi những nơi đóng vai trò trung tâm trong lịch sử và ký ức của họ. Cuối cùng, nó đưa ra một khuôn khổ thể chế hạn chế để quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi của người Israel và người Palestine, những người – cho dù đã phân tách hay chưa – đều phải sống cùng nhau trên một vùng lãnh thổ chỉ lớn hơn tiểu bang Vermont một chút. Do vị trí địa lý gần gũi đó, họ phải đối mặt với những rủi ro có thể vượt qua mọi biên giới. Phải có lý do thì các chuyên gia y tế mới cảnh báo rằng bệnh bại liệt từ hệ thống nước bị tàn phá của Gaza có thể lây lan sang Israel.
Bất chấp những sai sót này, các chuyên gia phân tích thường lập luận rằng sự phân tách về mặt vật lý giữa người Palestine và người Israel gốc Do Thái là cần thiết vì lợi ích an ninh của người Do Thái. Họ cho rằng điều này có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và giảm căng thẳng giữa các sắc tộc. Nhưng lập luận này đã bị phản bác bởi trải nghiệm thực tế. Bên trong Israel, nơi người Do Thái đang sống cùng với khoảng hai triệu công dân Israel gốc Palestine, bạo lực giữa các sắc tộc là rất hiếm. Ngược lại, việc cô lập Dải Gaza khỏi Israel và Bờ Tây không chỉ không ngăn chặn được chiến tranh và các cuộc tấn công xuyên biên giới, mà còn góp phần gây ra chúng. Ngay cả khi có thể dựng lên những rào cản để tách biệt hoàn toàn người Do Thái với những người hàng xóm Palestine của họ ở Bờ Tây và Dải Gaza, thì các trung tâm dân số chính của Israel vẫn rất dễ bị tấn công. Mọi người chỉ đơn giản là sống quá gần nhau.
Đối với hầu hết những người ủng hộ việc phân tách, câu trả lời cho tình thế lưỡng nan này là duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối của Israel trên toàn bộ vùng lãnh thổ. Quan điểm này đã được Yair Lapid – một chính trị gia trung dung của Israel – nêu chi tiết vào tháng Ba, khi ông kêu gọi giải pháp hai nhà nước “bao gồm lợi thế quyền lực có lợi cho chúng ta, tạo ra hai thực thể chính trị không ngang bằng về quyền lực hoặc giá trị. Một là nhà nước Palestine phi quân sự, nhỏ bé và phụ thuộc vào chúng ta, và một là nhà nước Israel mạnh mẽ đã lấy lại được sự tự tin của mình.” Nhưng đây hoàn toàn không phải là giải pháp hai nhà nước. Thay vào đó, nó sẽ chỉ trao mạng sống và sinh kế của người Palestine vào tay các thể chế Israel, những thể chế liên tục thể hiện sự coi thường trắng trợn đối với người Palestine. Nó chính là một viễn cảnh về sự thống trị và xung đột liên tục: trái ngược với quyền tự quyết và sự chung sống hòa bình.
CHIA SẺ KHÔNG GIAN
Nếu giải pháp phân tách là không hiệu quả, và nếu giải pháp một nhà nước là không thể đạt được trong tương lai gần, thì dường như chẳng còn lựa chọn nào tốt. Đây là quan điểm của phần lớn người Israel và người Palestine, theo các kết quả thăm dò gần đây. Nhưng ngày càng có nhiều nhân vật quan sát, bao gồm cả chúng tôi, tin rằng một liên bang hai nhà nước cung cấp một lập trường trung dung khả thi. Nó sẽ cung cấp cho cả hai dân tộc quyền tự quyết quốc gia, đồng thời cũng cung cấp một khuôn khổ công bằng để quản lý sự gắn bó của họ với quê hương chung và sự phụ thuộc lẫn nhau của họ trong quê hương đó.
Liên bang Israel-Palestine không phải là trường hợp đầu tiên của một liên bang kiểu này. Các liên bang (confederation) đã tồn tại suốt hàng thế kỷ: thuật ngữ này đề cập đến một liên hiệp hoặc liên minh trong đó hai hoặc nhiều quốc gia có chủ quyền đồng ý nhượng một số quyền chủ quyền của họ cho các thể chế chung nhằm mục đích đạt được các mục tiêu chung, chẳng hạn như an ninh chung hoặc hội nhập kinh tế. Các quốc gia thành viên trong một liên bang thường độc lập trên trường quốc tế. Nhưng các liên bang cũng thường tạo điều kiện cho việc tự do di chuyển của con người và hàng hóa trong phạm vi liên bang.
Các liên bang, giống như các thỏa thuận chia sẻ quyền lực khác, từ lâu đã được sử dụng để giải quyết căng thẳng sắc tộc trong các không gian chung. Đôi khi, chúng đóng vai trò tạm thời. Ví dụ, Liên bang Serbia và Montenegro đã tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi hòa bình sang nền độc lập của Montenegro trong một khu vực vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh sắc tộc. Thụy Sĩ từng là một liên bang giữa các bang nói tiếng Đức, tiếng Pháp, và tiếng Ý. Nhưng với hiến pháp năm 1848, nước này đã chuyển đổi thành một liên bang gắn kết chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, các liên bang không nhất thiết phải là tạm thời. Ví dụ, Liên minh Âu châu là một liên bang đã chứng minh được tính bền vững. EU được thành lập để bảo đảm rằng Âu châu sẽ không trở thành nguồn gốc của chiến tranh thế giới thứ ba và đã vô cùng thành công trong sứ mệnh đó. EU thậm chí còn giành được Giải Nobel Hòa bình năm 2012. Khối này cũng đã thành công theo nhiều cách khác. EU đã tạo ra sự hợp tác kinh tế và khoa học, cho phép tự do di chuyển và thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, và pháp quyền. Các quốc gia bên ngoài đã yêu cầu được gia nhập liên minh và chỉ có một thành viên rời đi. Và dù EU đã thiết lập chính sách thương mại chung, các quy tắc về môi trường, và nhiều loại quy định khác, mọi quốc gia trong khối vẫn có chủ quyền, với luật pháp, đặc điểm quốc tế, và bản sắc dân tộc riêng.
Một liên bang Israel-Palestine, giống như Liên minh Âu châu, sẽ bao gồm các quốc gia riêng biệt. Palestine sẽ được thành lập bên cạnh Israel, với một đường biên giới quốc tế được công nhận giữa hai quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ có chủ quyền, sở hữu một trật tự hiến pháp riêng biệt, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, và thẩm quyền độc lập đối với một loạt các lĩnh vực rộng lớn, chẳng hạn như giáo dục, ngoại giao, hành pháp, phúc lợi xã hội và thuế. Xét trên những khía cạnh này, một liên bang, về bản chất, chính là một giải pháp hai nhà nước.
Nhưng khuôn khổ này sẽ khác với giải pháp hai nhà nước ở những khía cạnh quan trọng. Ví dụ, sẽ có một biên giới mở, được giám sát giữa hai nhà nước. Trong thời gian chuyển tiếp, công dân của cả hai bên sẽ có quyền di chuyển trên toàn bộ đất nước, tùy thuộc vào các biện pháp an ninh trên cơ sở có đi có lại và phối hợp với nhau. Sau cùng, người Israel và người Palestine cũng sẽ được hưởng quyền tự do cư trú trên khắp quê hương chung của họ (dù quyền cư trú sẽ được tích hợp một cách từ từ và cẩn trọng, có tính đến ổn định chính trị và kinh tế). Điều đó có nghĩa là công dân Israel, bao gồm cả những người định cư ở Bờ Tây, có thể cư trú tại Palestine miễn là họ tuân thủ luật pháp của nước này, trong khi công dân Palestine, bao gồm cả những người tị nạn, có thể cư trú tại Israel theo cùng một nguyên tắc. Còn người Israel gốc Palestine sẽ giữ nguyên quyền công dân và quyền cư trú ở Israel.
Giống như ở Liên minh Âu châu, quyền bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử quốc gia sẽ dựa trên quyền công dân, trong khi quyền bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử địa phương sẽ dựa trên nơi cư trú. Theo đó, một người tị nạn Palestine trở về sống ở Jaffa sẽ bỏ phiếu cho Quốc hội Palestine, chứ không phải Knesset (Quốc hội Israel), nhưng sẽ có thể bỏ phiếu cho hội đồng thành phố Yafo–Tel Aviv. Ngược lại, một người Israel cư trú tại một khu định cư (cũ) như Ariel sẽ bỏ phiếu bầu Knesset, chứ không phải Quốc hội Palestine, nhưng có thể tham gia bầu đại diện trong chính quyền thành phố Ariel hợp nhất.
Chế độ biên giới này sẽ giải quyết một số vấn đề đã cản trở các thỏa thuận hòa bình trong quá khứ. Nó đưa ra một giải pháp cho các khu định cư mà không đòi hỏi phải di tản hàng loạt những người định cư Israel, cũng như không làm suy yếu chủ quyền của người Palestine. Nó cung cấp cho những người tị nạn Palestine cơ hội trở về sống ở nơi họ sinh ra, trong khi vẫn bảo đảm Israel là quê hương của người Do Thái. Và nó tránh được việc xây dựng một rào cản vật lý chia cắt Jerusalem, cho phép thủ đô của cả hai quốc gia là một thành phố mở, được quản lý bởi một chính quyền thành phố duy nhất hoặc bởi hai chính quyền thành phố phối hợp do cư dân của cả hai bên bầu ra. Ngoài ra, vì khuôn khổ này không yêu cầu người Israel hoặc người Palestine phải từ bỏ sự ràng buộc của họ với bất kỳ phần nào của đất nước, nên nó làm giảm rủi ro trong việc xác định biên giới giữa hai quốc gia sẽ ở đâu.
ĐỐI TÁC BÌNH ĐẲNG
Một liên bang sẽ khác với giải pháp hai nhà nước quen thuộc theo một cách quan trọng khác. Nó sẽ cung cấp cho người Israel và người Palestine một khuôn khổ thể chế đủ mạnh và đủ linh hoạt để quản lý những thách thức chung mà họ đang phải đối mặt. Trong các cuộc đàm phán hòa bình trước đây, cả hai bên đều hiểu rằng khoảng không gian nhỏ bé mà họ chia sẻ đòi hỏi sự hợp tác giữa một Israel và một Palestine riêng biệt. Và trong một số lĩnh vực – như nông nghiệp, ngân hàng, tư pháp hình sự, quy hoạch phát triển, giáo dục, ngoại giao, thuế, và du lịch – sự hợp tác như vậy là đủ. Nhưng một liên bang sẽ tạo điều kiện để hai bên cùng nhau giải quyết các chủ đề khó khăn hơn.
Chẳng hạn, Israel và Palestine có thể thiết lập các thể chế chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng hoặc tài nguyên, bao gồm hàng không dân dụng, hải quan, năng lượng, bảo vệ môi trường, nhập cư, y tế công, và giao thông. Mỗi bên sẽ có thẩm quyền đối với an ninh nội bộ của riêng mình, nhưng các thể chế liên bang sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ thông tin tình báo giữa các đơn vị cảnh sát của mỗi bên. Mặt khác, an ninh đối ngoại có thể được quản lý thông qua các thể chế chung liên kết với khuôn khổ an ninh khu vực.
Để bảo đảm rằng các tranh chấp giữa hai quốc gia được giải quyết một cách hòa bình, và rằng các quyền con người được bảo vệ trên toàn bộ đất nước, liên bang sẽ cần một loạt các thể chế tư pháp chung (như một sự bổ trợ cho các tòa án quốc gia). Các tòa án này và các cơ quan liên bang khác có thể sẽ yêu cầu sự tham gia của bên thứ ba ngay từ đầu, để xây dựng lòng tin lẫn nhau và tránh rơi vào bế tắc. Tất cả chúng đều cần được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng tập thể: ý tưởng rằng cả hai bên đều bình đẳng và không bên nào thống trị bên kia. Nguyên tắc này là thiết yếu, sau kinh nghiệm từ các hiệp định Oslo, vốn đã thành lập các ủy ban chung để hợp tác trong những lĩnh vực như an ninh, quản lý nước, và viễn thông mà người Palestine thường cho là có tính cưỡng ép.
Việc xây dựng các thỏa thuận liên bang xoay quanh nguyên tắc bình đẳng tập thể không có nghĩa là các bên phải đàm phán với năng lực giống hệt nhau. Trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như năng lực kinh tế, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, và quốc phòng, có sự bất đối xứng lớn giữa người Israel và người Palestine, theo đó đòi hỏi các bên phải đảm nhận các vai trò khác nhau hoặc nhận được các lợi ích khác nhau trong một thời gian. Tuy nhiên, điều cần thiết là một cam kết chuẩn mực đối với bình đẳng cá nhân và tập thể, và một khuôn khổ bảo đảm cam kết này được chuyển hóa thành hiện thực.
CÙNG NHAU
Chắc chắn, việc tạo ra một liên bang Israel-Palestine sẽ rất khó khăn. Trên thực tế, đối với một số người, một kịch bản mà trong đó một nhà nước Palestine được xây dựng lại từ đống đổ nát ở Gaza và từ Bờ Tây bị chia cắt, rồi sau đó hợp tác chặt chẽ với Israel dường như là không thể tưởng tượng được. Sự thù địch giữa các bên, sự bất cân xứng quyền lực đến cực độ, và sự coi thường trắng trợn của họ đối với luật pháp quốc tế tạo ra những trở ngại to lớn cho hòa bình. Nhưng giải pháp nào cũng sẽ bị cản trở bởi những rào cản này, và một liên bang vẫn khả thi hơn một cách tiếp cận được xây dựng trên phân tách và thống trị. Quan trọng là, liên bang được thiết kế để thiết lập một nền hòa bình bền vững, hơn là một hệ thống quản lý xung đột không điểm dừng.
Tuy nhiên, để vượt qua các rào cản, người Israel và người Palestine sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thậm chí có thể cần đến một chính quyền chuyển tiếp quốc tế có thẩm quyền đối với Bờ Tây và Dải Gaza, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực từ quân đội Israel sang các thể chế chính phủ Palestine. Trong ngắn hạn, một chính quyền như vậy sẽ rất cần thiết để mang lại an ninh, trật tự công cộng, và cứu trợ nhân đạo cho cả hai khu vực. Trong trung hạn, chính quyền sẽ tập trung vào việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, giúp xây dựng một nhà nước Palestine đủ năng lực, và thành lập các thể chế chung của liên bang. Chính quyền này cũng sẽ nỗ lực giảm bớt sự chênh lệch kinh tế xã hội giữa người Palestine và người Israel gốc Do Thái. Chính quyền này nên được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủy quyền, hợp tác với cả chính phủ Israel và Palestine, đồng thời có các điều khoản rõ ràng về thời điểm kết thúc.
Ở thời điểm hiện tại, nói về một chính quyền như vậy có vẻ còn quá sớm. Thế giới vẫn đang tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn có thể chấm dứt tình trạng giết chóc và hủy diệt ở Gaza, đưa con tin và tù nhân trở về nhà, và giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực lớn hơn. Nhưng để thành công trong tất cả các mục tiêu này, các quốc gia liên quan phải được hướng dẫn bởi một tầm nhìn về tương lai rõ ràng, đáng tin cậy, và công bằng. Họ phải thừa nhận rằng hai dân tộc, mỗi dân tộc có hơn bảy triệu người, sẽ tiếp tục chung sống trên quê hương chung của họ. Một liên bang được xây dựng trên các giá trị của quan hệ đối tác bình đẳng và tự do đi lại chính xác là một tầm nhìn như vậy, và nó cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn cho khát vọng nguy hiểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nó sẽ đóng vai trò kim chỉ nam giúp các quan chức vạch ra con đường vượt qua những quyết định khó khăn sắp tới.
Omar M. Dajani là Giáo sư Luật Quốc tế tại Trường Luật McGeorge, Đại học Thái Bình Dương (McGeorge School of Law, University of the Pacific). Từ năm 1999 đến năm 2001, ông đã làm cố vấn pháp lý cho nhóm đàm phán Palestine trong các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.
Limor Yehuda là Nghiên cứu viên cấp cao và là người đứng đầu dự án Hòa bình Israel-Palestine dựa trên Quan hệ Đối tác (Partnership-Based Israeli-Palestinian Peace project) tại Học Viện Van Leer Jerusalem, Giảng viên Khoa Luật của Đại học Hebrew, và là tác giả cuốn sách “Collective Equality: Democracy and Human Rights in Ethno-National Conflicts.” (Bình đẳng tập thể: Dân chủ và Nhân quyền trong Xung đột Dân tộc-Quốc gia).
Hai người cũng là đồng chủ tịch ban quản trị “A Land for All,” một phong trào Israel-Palestine ủng hộ viễn cảnh liên bang “hai nhà nước, một quê hương.” (“two states, one homeland.”)
(nghiencuuquocte.org)