Nguồn ảnh: Gerd Altmann / Pixabay

 

 

 

 

Chính phủ Hoa Kỳ thông báo sẽ đầu tư 3,2 tỷ USD (khoảng 73.648 tỷ VNĐ) để đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng một số loại thuốc uống tiềm năng. Nếu các thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, dự kiến ​​thuốc kháng COVID-19 (Coronavirus mới, SARS-CoV-2) sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

 

 

 

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ (NIAID), đã thông báo về "kế hoạch thuốc kháng virus đại dịch" trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày hôm qua (17/6). Ông cho biết, khoản đầu tư 3,2 tỷ USD sẽ đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành và hỗ trợ thêm cho các việc nghiên cứu quan trọng khác. Kế hoạch lần này không chỉ nhắm vào loại Coronavirus mới mà còn cả những loại virus có thể gây ra đại dịch trong tương lai.

 

 

Tờ The New York Times là kênh đầu tiên đưa tin về sự việc này hôm 17/6. Bài báo chỉ ra rằng, năm ngoái chính phủ Mỹ đã đầu tư 1,8 tỷ USD (khoảng 41.427 tỷ VNĐ) vào "Chiến dịch Thần tốc" (Operation Warp Speed), và đã phát triển được ít nhất 5 loại vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong thời gian ngắn kỷ lục. Nhưng kế hoạch này tập trung vào việc phát triển vaccine hơn là thuốc điều trị. Do đó, hiện nay Mỹ đang đầu tư kinh phí để phát triển các loại thuốc có thể chống lại virus trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh.

 

 

 

Hôm 9/6, Bộ Y tế Hoa Kỳ (HHS) cho biết đã ký hợp đồng với công ty dược phẩm đa quốc gia Merck. Nếu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ cấp phép khẩn cấp, Merch sẽ cung cấp 1,7 triệu liệu trình trị giá 1,2 tỷ USD (khoảng 27.618 tỷ VNĐ) thuốc uống “molnupiravir” cho chính phủ Mỹ để điều trị COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình. Bộ này cho biết, một liệu trình kéo dài trong 5 ngày.

                                                           

 

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II cho bệnh nhân ở mức độ nhẹ đến trung bình và không phải nhập viện cho thấy, molnupiravir có thể làm giảm đáng kể lượng virus. Hiện loại thuốc uống này đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, Merck đang tuyển các đối tượng tình nguyện viên thuộc nhóm nguy cơ cao hơn như người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính, béo phì và tiểu đường.

 

 

 

Dự kiến ​​sẽ có kết quả vào mùa thu năm nay với dữ liệu thu thập từ khoảng 1.850 bệnh nhân.

 

 

 

Theo Bộ Y tế Mỹ, molnupiravir (hay còn gọi là MK-4482) được thiết kế để gây ra lỗi sao chép bộ gen của virus, để ngăn virus tái tạo trong cơ thể người. Tới nay, các bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân mắc COVID-19 cho thấy, molnupiravir có thể làm giảm quá trình virus SARS-CoV-2 nhân bản.

 

 

2 loại thuốc uống kháng COVID-19 khác.

                                        

Ông David Kessler, người đứng đầu bộ phận khoa học vaccine trong Nhóm phản ứng COVID-19 của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, nói rằng chính phủ có thể sẽ ký hợp đồng tương tự với hai loại thuốc uống khác trong tương lai. 

 

 

Tờ The New York Times cũng chỉ ra rằng, một trong những loại thuốc uống kháng COVID-19 khác đang được chính phủ Mỹ xem xét là "AT-527" do công ty dược Atea Pharmaceuticals phát triển. Công ty dược Roche đang hợp tác với Atea và đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

 

 

Loại còn lại là thuốc uống thử nghiệm “PF-07321332” của Pfizer. Công ty này bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3 và dự kiến ​​tháng sau sẽ bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối.

 

(ntdvn.com, Theo Liberty Times)