Thủ tướng Nhật Bản, Abe Shinzo, ngày 7-4 ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 7-4 ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cuộc số của khoảng 44% dân số Nhật bản trong khoảng 1 tháng.
"Chúng tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vì nhận định tốc độc lan nhanh của virus corona chủng mới trên toàn quốc có thể ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, cũng như nền kinh tế", ông Abe tuyên bố trước Quốc hội Nhật.
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kinh tế khẩn cấp trị giá 108.200 tỉ yen (993 tỉ USD), tương đương 20% sản lượng kinh tế của Nhật, để đối phó với dịch COVID-19. Trong gói hỗ trợ này, chính phủ Nhật tuyên bố đại dịch COVID-19 là “khủng hoảng lớn nhất” mà kinh tế thế giới phải đối mặt kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
* Bộ Y tế Philippines ngày 7-4 ghi nhận thêm 14 ca tử vong và 104 ca nhiễm mới trong dịch COVID-19. Các số liệu mới này đã đưa số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại đây lên 177, trong khi số ca nhiễm là 3.764.
* Bộ Y tế Indonesia ngày 7-4 thông báo nước này có 247 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.738. Đây là lượt tăng trong ngày cao nhất của Indonesia. Ngoài ra, thêm 12 trường hợp tử vong đã nâng số bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tại đây lên 221.
* Malaysia ghi nhận thêm 170 ca nhiễm, nâng tổng số ca lên 3.963. Quốc gia này chỉ có thêm 1 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 63.
Tình hình Thủ tướng Anh không có thay đổi
Hai nguồn tin thân cận của Reuters ngày 7-4 cho biết tình hình của Thủ tướng Anh Boris Johnsons vẫn không có gì thay đổi. Ông Johnsons trước đó đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện sau khi các triệu chứng của ông do mắc COVID-19 trở nên xấu hơn.
Thủ tướng Anh được đưa vào Bệnh viện St Thomas ở London đêm 5-4 và trải qua nhiều cuộc xét nghiệm sau khi có các triệu chứng dai dẳng do nhiễm virus corona chủng mới, gồm nhiệt độ cao trong hơn 10 ngày.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tạm thời sẽ điều hành đất nước thay cho Thủ tướng Boris Johnson. Ông Raab sẽ là người chịu trách nhiệm tháo dỡ tình trạng phong tỏa nếu cần thiết, theo bộ trưởng Nội vụ Anh Michael Gove hôm 7-4.
Khi được hỏi về việc thay đổi các biện pháp phong tỏa, ông Gove cho biết: "Lệnh này sẽ không bị hoãn. Chúng tôi sẽ xem xét việc này với tư cách nội các... người đưa ra quyết định cuối cùng là ngài ngoại trưởng".
* Số ca nhiễm của Nga đã lần đầu tiên tăng hơn 1.000 ca một ngày, trung tâm đối phó khủng hoảng của Nga tuyên bố ngày 7-4. Với 1,154 ca mới, tổng số ca nhiễm tại đây đã lên đến 7,497, trong khi số bệnh nhân tử vong tăng thêm 11 lên 58 trường hợp.
* Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, Kianush Jahanpur, ngày 7-4 cho biết số ca tử vong tại đây đã thành 3,872 sau khi ghi nhận thêm 133 bệnh nhân qua đời. Tổng số ca nhiễm cũng tăng thêm 2,089 thành 62,589 ca.
Ghana kêu gọi Trung Quốc giúp châu Phi giảm gánh nợ
Bộ trưởng Tài chính Ghana, Ken Ofori-Atta, ngày 7-4 tuyên bố Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để giảm nhẹ gánh nặng nợ cho các nước châu Phi trong bối cảnh nền kinh tế chung chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Phát biểu tại Trung tâm Phát triển Toàn câu, ông Ofori-Atta cho biết châu Âu cũng có thể giúp sức bằng cách cấp quyền rút vốn đặc biệt, tức thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quản lý, để bảo vệ châu Phi khỏi cảnh vỡ nợ.
Ghana hiện có 214 ca COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại châu Phi tính tới ngày 7-4 đang là 9.767, với 482 trường hợp tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khu vực này là Algeria với 1.423 ca nhiễm.
Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo
Ngày 7-4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Lời kêu gọi trên, do nhóm hành động Jubilee Debt dẫn đầu, đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp dự kiến của G20 về việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với COVID-19.
Các nhóm và tổ chức trên đã kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong hết năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn cho năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có "thắt lưng buộc bụng", cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo hơn.
Dubai kéo dài hạn chế thương mại
Dubai, trung tâm thương mại của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã kéo dài lệnh đóng cửa các hoạt động thương mại cho đến ngày 18-4 nhằm ngăn virus lây lan, theo Bộ Kinh tế Dubai.
Trong giai đoạn này, các lĩnh vực được miễn trừ trước đó vẫn được phép hoạt động bình thường. Lệnh giới hạn mới được áp dụng từ 20h ngày 4-4, theo giờ địa phương.
Tính đến ngày 7-4, UAE có tổng cộng 2.076 ca nhiễm và 11 trường hợp tử vong.
Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử duy nhất ở EU trong mùa COVID-19
Bất chấp các mối lo ngại về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, chính quyền Ba Lan vẫn quyết định thúc đẩy tiến trình bầu cử vào ngày 10-5 tới.
Đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý đã tìm cách thông qua các biện pháp tổ chức bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu qua thư ở Hạ viện trong một đêm. Hành động này gây ra một số tranh cãi liên quan tới tính minh bạch.
Các ứng viên đối lập, vốn đã dừng vận động tranh cử, trong khi đó đã kêu gọi chính quyền Ba Lan hoãn cuộc bầu cử và tập trung vào phản ứng với đại dịch để cứu nền kinh tế.
Hồi tuần trước, Hungary cũng gây tranh cãi khi thông qua luật cho phép chính phủ nắm quyền bằng nghị định bao lâu tùy thích. Động thái này khiến nhiều ý kiến lo rằng một số lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang muốn lợi dịch tình hình COVID-19 để củng cố quyền lực.