Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu sau một phiên họp ngắn buổi sáng ngày thứ tư xét xử vụ án dẫn độ. Bà Mạnh rời Tòa án Tối cao British Columbia vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 tại Vancouver, British Columbia (Nguồn ảnh: DON MACKINNON / AFP / Getty Images)

 

 

 

 

Thẩm phán Tòa án tối cao đã bác bỏ lập luận của Giám đốc Huawei - bà Mạnh Vãn Châu về việc huỷ bỏ dẫn độ bà Mạnh sang Hoa Kỳ, nhưng đồng ý để phía bà Mạnh được bổ sung bằng chứng trong hồ sơ vụ án.

 

 

Trong phán quyết vào ngày 28/10, Phó Chánh án Heather Holmes đã viết rằng, khẳng định của bà Mạnh về việc Hoa Kỳ đã trình bày sai bằng chứng trong yêu cầu chính thức của họ đối với Canada để dẫn độ bà là "không đúng thực tế".

 

 

Thẩm phán cũng đồng ý rằng bà Mạnh có quyền bổ sung một số bằng chứng trong hồ sơ vụ án "ở một mức độ hạn chế"

 

 

Bà Mạnh, 48 tuổi, đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo lệnh của Hoa Kỳ vào tháng 12/2018 khi bà đang ở tại sân bay quốc tế Vancouver để chuyển tiếp chuyến bay đến Mexico.

 

 

Hoa Kỳ buộc tội bà Mạnh lừa gạt ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom - công ty bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt.

 

 

Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Bắc Kinh đã đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ đến Canada yêu cầu trả tự do cho bà, đồng thời tuỳ tiện bắt giữ 2 công dân Canada ở Trung Quốc là Michael Spavor và Michael Kovrig, sau đó buộc tội họ tội làm gián điệp.

 

 

Bà Mạnh luôn nói rằng mình vô tội và chống lại những cáo buộc của Tòa án Vancouver. Hiện bà Mạnh vẫn đang bị quản thúc tại nhà của bà ở Canada. 

 

 

Ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, bình luận về vụ án bà Mạnh trên Twitter rằng, Trung Quốc đã “bắt cóc” 2 công dân Kovrig và Spavor của Canada và giam giữ họ trong “điều kiện tồi tệ”, còn Canada cho phép bà Mạnh “tự do ở nhà của bà” và cho phép “có một phiên điều trần công bằng” cho bà.

 

 

Bằng chứng chính chống lại bà Mạnh

Một bài thuyết trình bằng PowerPoint mà bà Mạnh đã trình bày cho một chủ ngân hàng HSBC ở Hong Kong vào năm 2013 đã cho thấy mối quan hệ của Huawei với Skycom Tech Co. Ltd. - công ty hoạt động tại Iran. Hoa Kỳ coi đây là bằng chứng chính chống lại bà Mạnh.

 

 

Phó Chánh án Holmes đồng ý với bà phía bà Mạnh rằng, yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ nên bao gồm một số nội dung cụ thể từ PowerPoint để tăng thêm “độ chính xác” cho tuyên bố của bà Mạnh về mối quan hệ kinh doanh của Huawei với Skycom ở Iran.

 

 

Bà Holmes đã đưa ra một ví dụ về việc Hoa Kỳ có khả năng trình bày sai bằng chứng, như không bao gồm cụm từ “Hợp tác kinh doanh của Huawei với Skycom là hợp tác kinh doanh bình thường và có thể kiểm soát được và điều này sẽ không thay đổi trong tương lai”.

 

 

Bà nói: “Một tuyên bố tương tự đã được đưa vào trước đó trong bản tóm tắt, nhưng tuyên bố đó đã bỏ qua từ ‘có thể kiểm soát’, có nghĩa là “Cam kết của Huawei với Skycom là hợp tác kinh doanh bình thường”.

 

 

Tuy Phó Chánh án Holmes đồng ý rằng, các lập luận của bà Mạnh không đủ mạnh để đảm bảo hủy bỏ vụ án ngay lập tức, nhưng “có thể có khả năng làm như vậy khi được xem xét cùng với các cáo buộc từ nhánh thứ nhất hoặc thứ hai”, đề cập đến các cáo buộc khác về việc lạm dụng quy trình khi bắt giữ bà Mạnh.

 

 

Lời khai của nhân chứng

Trong lời khai của nhân chứng vào ngày 29/10, ông Scott Kirkland, một quan chức của Cơ quan Hải quan Canada (CBSA) nói rằng, các cuộc thảo luận việc bắt bà Mạnh buộc phải diễn ra nhanh chóng, khi cơ quan chức năng biết về sự xuất hiện của bà Mạnh tại một sân bay Canada 2 năm trước.

 

 

Trước đó, ông Scott Kirkland đã nói với tòa án rằng ông quan ngại về những cáo buộc vi phạm quyền công dân nếu cơ quan này thẩm vấn bà Mạnh trước khi bà bị cảnh sát Canada bắt giữ.

 

 

Tuy nhiên ông đã không lên tiếng về mối quan ngại này với các đồng nghiệp, một phần vì chỉ còn chưa đến một tiếng đồng hồ để quyết định việc bắt giữ bà trước khi chuyến bay của bà Mạnh hạ cánh.

 

 

Lời khai tập trung vào chuỗi sự kiện trong quá trình điều tra bà Mạnh của cơ quan Hải quan. Luật sư của bà Mạnh cho rằng, việc ông Kirkland viết mật khẩu điện thoại di động của bà Mạnh ra một tờ giấy là không đúng, mà đáng lý ông chỉ nên ghi trong sổ ghi chép riêng của mình. Tuy nhiên ông Kirkland khẳng định, điều này không vi phạm quy trình chuẩn.

 

 

Các luật sư của bà Mạnh đã lập luận rằng, việc lạm dụng quy trình đã xảy ra trong gần 3 tiếng đồng hồ kể từ khi cơ quan Hải quan chặn bà và cảnh sát bắt bà, trong thời gian đó bà Mạnh không có đại diện pháp lý.

 

 

Cảnh sát Winston Yep là người đã bắt bà Mạnh. Sĩ quan này khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và không chỉ đạo Cơ quan Hải quan điều tra bà Mạnh.

 

 

Các công tố viên của chính phủ Canada đã cố gắng chứng minh rằng việc bắt giữ bà Mạnh tuân theo quy định, và bất kỳ sai sót nào trong quy trình đều không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của việc dẫn độ bà.

 

 

Lời khai của nhân chứng về vụ dẫn độ của bà Mạnh ​​kết thúc vào ngày 30/10. 

 

Các phiên điều trần về dẫn độ bà Mạnh dự kiến ​​kết thúc vào tháng 4/2021, mặc dù khả năng kháng cáo có thể khiến vụ việc kéo dài trong nhiều năm.

 

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh

(ntdvn.com)