Quốc kỳ các nước tham gia Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Nuku'alofa, Tonga, ngày 26/08/2024. AP - Charlotte Graham-McLay
Trong ngày cuối cùng của thượng đỉnh Diễn đàn thường niên các đảo quốc Thái Bình Dương tại Tonga, 30/08/2024, lãnh đạo 18 nước đã bác bỏ lời kêu gọi từ một số đồng minh của Bắc Kinh, đề nghị cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Quan hệ của 18 nước thành viên Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương bị thử thách trong vấn đề đảo Đài Loan mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Một số nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nhất là quốc đảo Salomon.
Quần đảo Salomon được coi là đồng minh lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực này, đã gây áp lực, kêu gọi các nước thành viên của Diễn đàn loại bỏ « quy chế đối tác phát triển » đối với Đài Loan, khẳng định Đài Loan không phải là một quốc gia có chủ quyền và các nước thành viên « nên tuân thủ luật pháp quốc tế ». Trong khi đó, một số quốc đảo như Tuvalu, Palau hay Quần đảo Marshall, một trong những nước hiếm hoi trên thế giới, vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Trong thông cáo cuối cùng của Diễn đàn, được AFP trích dẫn, lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đã « tái khẳng định » thỏa thuận được ký từ năm 1992 cho phép đối thoại với Đài Bắc. Tại Tonga, nơi tổ chức diễn đàn, Đài Bắc cũng đã cử thứ trưởng Ngoại Giao Điền Trung Quang (Tien Chung-Kwang) đến dự, để tăng cường quan hệ với các đồng minh còn sót lại trong khu vực này. Những năm trở lại đây, nhiều nước đã quay lưng lại với Đài Loan, và xích gần lại với Trung Quốc.
Sáng ngày 30/08, theo trang ABC News của Úc, đại sứ Trung Quốc Trần Ba (Qian Bo) tại Thái Bình Dương đã mạnh mẽ chỉ trích thông cáo của Diễn đàn, cho rằng đó là một « sai lầm » khi bác bỏ đề nghị của Salomon, và khẳng định rằng 15 trong số 18 đảo quốc ủng hộ « nguyên tắc một Trung Hoa ». Bắc Kinh cũng phê phán cách sử dụng ngôn ngữ trong thông cáo khi đề cập đến cả Đài Loan và Trung Quốc, như là hai nước riêng biệt.
Thượng đỉnh Diễn đàn thường niên các quốc đảo Thái Bình Dương (26-30/08/2024), kết thúc hôm nay, các quốc gia cũng đã thông qua một thỏa thuận hợp tác lực lượng cảnh sát - Pacific Policing Initiative (PPI), chủ yếu do Úc tài trợ (400 triệu đô-la), nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
(Theo RFI Việt ngữ)