Ảnh chụp từ trên cao cho thấy đường phố ngập nước và các tòa nhà bị ngập trong lũ sau khi một con đập bị vỡ do lũ lụt ở Cửu Giang, Trung Quốc vào ngày 13/7/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Lũ lụt do mưa lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 27 trong số 31 tỉnh và các vùng của Trung Quốc. Vào ngày 14/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng lưu vực sông Trường Giang sẽ còn hứng chịu mưa lớn hơn trong vòng 24 giờ tới.
Trung tâm này ước tính rằng tổng lượng mưa ở phía nam lưu vực sông Trường Giang của Trung Quốc sẽ đạt khoảng từ 100mm đến 180mm từ ngày 14/7 đến 16/7. Ở một số vùng, lượng mưa có thể lên đến 300mm.
Trung tâm cũng cảnh báo rằng các khu vực phía bắc Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Nội Mông, Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh và Hắc Long Giang sẽ có mưa lớn vào ngày 15/7 và 16/7.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân nói rằng sẽ có lũ lụt tại các sông Hoàng Hà, sông Hải và sông Tùng Hoa ở miền bắc Trung Quốc trong những tháng tới. Tuy nhiên, người dân tại các khu vực này lại thiếu kinh nghiệm đối phó với thảm họa lũ lụt.
Ông Diệp nói: “Chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến miền bắc Trung Quốc”.
Thứ trưởng Diệp giải thích, lượng mưa ở lưu vực sông Trường Giang và Thái Hồ mùa hè này sẽ cao gấp 1,5 lần đến 2,6 lần lượng mưa trong những năm trước, chính quyền cần sơ tán người dân bị ảnh hưởng từ trước.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times, người dân ở các tỉnh ngập lụt An Huy, Hồ Bắc và Giang Tây đã nói rằng, quê nhà của họ gần đây đã hoàn toàn bị nhấn chìm trong nước, sau khi chính quyền xả nước lũ tại các sông hồ hoặc do vỡ đê. Mặc dù vậy, chính quyền không hề có phương án hỗ trợ người dân thích hợp, người dân cho biết.
Xả lũ
Gần đây, lưu vực hồ Bà Dương của tỉnh Giang Tây đã lần lượt có 3 trạm thủy văn phá vỡ mực nước kỷ lục lịch sử và nhiều nơi đê bị vỡ. (Ảnh chụp video)
Một cư dân với bí danh Wang Min sống ở làng Yiguan, nằm ở thành phố Đồng Lăng, thuộc tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Dòng sông Trường Giang chảy qua làng này.
Ngày 13/7, ông Wang Min nói với The Epoch Times rằng ông và dân làng bị buộc rời khỏi quê nhà vốn ở gần một con đê nhỏ trong ngày hôm đó.
Ông Wang cho biết: “Chính quyền đã từ bỏ những khu vực đê nhỏ hơn để bảo vệ những khu vực đê lớn hơn. Ngoài ra, việc không gia cố bờ kè và để mặc đê vỡ một cách tự nhiên, hoặc bằng cách phá vỡ đê thủ công, họ để mặc nước lũ từ sông Trường Giang tràn qua đê”.
Ngày hôm đó, hơn 12.000 người phải rời khỏi nhà của mình ở Đồng Lăng, ông Wang nói. Hầu hết trong số họ không có nơi nào để đi và hiện đang chờ đợi lũ lụt giảm bớt tại các nhà tạm trú.
Ông Wang cho biết, các nhà tạm trú thiếu mọi thứ: nước uống, nhang xua đuổi côn trùng, áo mưa, đèn pin và lều.
Ông nói thêm rằng, chính quyền thậm chí không cung cấp cho dân làng đủ thực phẩm. Nhiều người dân lo lắng rằng tài sản của họ sẽ bị lũ cuốn trôi.
Gia tộc Yu sống tại làng Hudong thuộc huyện Bà Dương, ở tỉnh Giang Tây phía đông Trung Quốc. Ba thế hệ của gia đình sống chung dưới một mái nhà.
Làng Hudong và hàng chục ngôi làng khác trong huyện đã bị nước lũ nhấn chìm vào ngày 8/7 sau nhiều lần vỡ đê. Giới chức tuyên bố rằng họ đã sơ tán người dân bị ảnh hưởng, nhưng gia đình Yu vẫn bị mắc kẹt trong nhà của họ vào ngày 12/7. Lũ lụt hiện vẫn chưa rút khỏi khu vực này.
Trao đổi với The Epoch Times, người cha cho biết: “Ngập lụt ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể đi ra ngoài và chúng tôi thực sự cần thực phẩm”.
Người ông nội giải thích nước lũ đã cao đến tầng hai ở làng Hudong.
Ông Zhang là cư dân sống tại làng Dixi, cách làng Hudong khoảng 30 dặm. Ông Zhang và những người dân làng mình cũng bị kẹt trong tình trạng tương tự gia đình Yu.
Ông Zhang nói: “Ở làng tôi, rất nhiều người mất nhà. Nước lũ vẫn đang dâng cao... còn chính quyền thì đang xả nước lũ từ hồ Bà Dương”.
Vũ Hán
Ở miền nam Trung Quốc, mưa lớn đã gây ra thảm họa thiên tai. Tình hình lũ lụt ở Hồ Bắc, nằm ở trung lưu sông Dương Tử, đang trong tình trạng khẩn cấp. Hồ chứa Bạch Dương ở thành phố Hoàng Cương đột nhiên lở đất, biến dạng, Tiên Đào ra lệnh sơ tán khẩn cấp vào đêm khuya. (STR / AFP via Getty Images)
Nước lũ đã đạt đỉnh ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc, lúc 11 giờ đêm ngày 12/7, chính quyền thành phố Vũ Hán thông báo.
Ngày 14/7, một người dân tại làng Gangzhou thuộc quận Thái Điền của thành phố đã gửi một đoạn video tới The Epoch Times, trong đó ông nói rằng tất cả dân làng đã buộc phải sơ tán vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó, vì chính quyền sẽ xả nước lũ từ sông Trường Giang vào khu vực làng của ông.
Trong một đoạn phát sóng của đài truyền hình Trung Quốc CCTV vào ngày 13/7, ông Chen Guiya, phó kỹ sư trưởng của Ủy ban Thủy lợi sông Trường Giang của Bộ Thủy lợi cho biết, khúc sông Trường Giang đi ngang qua tỉnh Hồ Bắc có thể đạt mực nước nguy hiểm trong 10 ngày tới.
Trang web tin tức của chính quyền Vũ Hán là Changjiang Net đưa tin vào ngày 14/7 rằng, ngập lụt ở sông Trường Giang sẽ dẫn đến tình trạng 2 đỉnh lũ liên tiếp, có nghĩa là một đỉnh mới sẽ đến trước khi đỉnh cũ đi qua.
Ngày 12/7, Tiến sĩ Huang Guanhong, con trai của nhà thủy văn học nổi tiếng Huang Wanli, nói với The Epoch Times rằng: “Nếu đập Tam Hiệp không xả nước, thành phố Trùng Khánh [ở thượng nguồn] sẽ bị nhấn chìm. Nếu đập xả nước, Vũ Hán [ở hạ lưu] sẽ bị ngập. Tình huống sau chính là tình hình hiện tại”.
Không chỉ Vũ Hán, mà các thành phố khác ở hạ lưu đập Tam Hiệp cũng đang phải oằn mình hứng chịu thiên tai. Thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc báo cáo rằng, mực nước địa phương của sông Trường Giang cao hơn 134,112cm so với mức báo động.
Cảnh báo từ WHO
Lo lắng về khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm sau trận lụt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên tài khoản Weibo chính thức.
WHO kêu gọi các nạn nhân lũ lụt uống nước đun sôi hoặc nước được khử trùng bằng clo. Ngoài ra, họ không nên ăn thực phẩm lấy được trong nước lũ. Tổ chức này cũng khuyên không nên sử dụng quần áo hoặc các vật liệu khác ngâm trong nước lũ nếu chúng chưa được giặt bằng thuốc tẩy.
(theo ntdvn.com)