Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại sân bay Frankfurt, ngày 06/09/2024. AP - Boris Roessler

 

 

ÂU CHÂU - Hôm Chủ Nhật, 08/09/2024, thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình nhà nước ZDF, kêu gọi tập trung các nỗ lực ngoại giao để có được hòa bình một cách « nhanh chóng » cho Ukraine. Vì sao ông Olaf Scholz lại muốn thúc đẩy nhanh đàm phán hòa bình cho Ukraine vào lúc này?

 

Trên kênh truyền hình ZDF, thủ tướng Đức khẳng định : « Tôi nghĩ rằng giờ đã đến lúc thảo luận về cách thức mà chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng chiến tranh này và nhanh chóng đi đến hòa bình ». Cũng theo lãnh đạo Đức, Nga có lẽ nên tham dự hội nghị hòa bình sắp tới để chấm dứt chiến tranh.

 

Cho đến lúc này, cũng giống như NATO, thủ tướng Đức cho rằng không có giải pháp nào khác ngoài thắng lợi quân sự của Ukraine. Hơn nữa, khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Olaf Scholz đã thông báo một sự « thay đổi thời đại » khi cho tăng chi tiêu quân sự lên đến hơn 100 tỷ euro.

 

Nhưng đến cuối tháng 8/2024, Đức – quốc gia chỉ đứng sau Hoa Kỳ trong việc chi viện quân sự cho Ukraine – đã loan báo giảm một nửa khoản viện trợ này vào năm 2025. Làm thế nào giải thích cho sự thay đổi lập trường này của Berlin ? Phải chăng thủ tướng Đức đang nhượng bộ trước áp lực giảm hỗ trợ cho Ukraine và phải cải thiện quan hệ với Nga?

 

Theo nhận định báo Anh The Spectator, việc ông Scholz tán thành mời nguyên thủ Nga tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào sắp tới về tương lai của Ukraine không hoàn toàn xuất phát từ hành động vị tha. Kết quả bầu cử cấp vùng tại Thuringe và Saxe hồi đầu tháng 9/2024 đã cho thấy sự ủng hộ của cử tri dành cho đảng SPD của ông cũng như các đối tác liên minh là FDP và đảng Xanh đã bị suy giảm.

 

Một cuộc thăm dò do kênh truyền hình ZDF công bố hôm 06/9 cho thấy 72% số người Đức được hỏi tin rằng chính phủ của ông Scholz « làm một công việc tồi tệ ».

 

 

Chiến tranh Ukraine: Đông và Tây khác biệt tầm nhìn!

 

Ngoài ra, đảng cực hữu Giải pháp Thay thế cho nước Đức (AFD) và Liên minh cho Lẽ phải và Công Lý (Sahra Wagenknecht Alliance – BSW) theo cánh tả, những đảng mang nặng chủ nghĩa dân túy và về đầu trong cuộc bầu cử tại hai bang Thuringe và Saxe vừa qua, đều phản đối việc cấp vũ khí cho Ukraine và đòi cải thiện quan hệ với Nga. Các cuộc thăm dò của tạp chí Focus hồi tháng Sáu năm nay cho thấy 80% số người có cảm tình với AFD cho biết họ ủng hộ « giải pháp ngoại giao » cho xung đột.

 

Cuộc bầu cử cấp vùng này cũng cho thấy rõ cái nhìn khác biệt giữa những người dân ở đông và tây nước Đức. Theo báo cáo về an ninh Allensbach năm 2024, được kênh truyền thông quốc tế Deutsche Welle (DW) của Đức dẫn lại cho thấy 76% số người dân ở phía đông lo ngại nước Đức bị lôi kéo vào xung đột quân sự so với 44% ở phía tây. Còn theo một khảo sát khác do Infratest dimap thực hiện hồi tháng 7/2024, 36% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng chính phủ đã đi « quá xa » trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tỷ lệ này ở phía đông là 50%.

 

Giải thích với DW, chuyên gia sử học Katja Hoyer, hiện đang sống ở Anh nhận định người dân phía đông nước Đức lo ngại leo thang xung đột qua việc cấp thêm vũ khí. Tại khu vực này, người dân vẫn dành nhiều cảm tình đối với Liên Xô và bây giờ là nước Nga hơn là với phương Tây. Họ vẫn luôn có cái nhìn tích cực về Liên Xô và duy trì chủ nghĩa bài Mỹ.

 

Tuyên bố của thủ tướng Đức đưa ra khi chỉ còn một năm nữa là diễn ra bầu cử liên bang. Nếu như các chính sách đối ngoại không được đưa ra ở cấp vùng thì chính sách đối với Ukraine đang trở thành một chủ đề quan trọng trong chiến dịch bầu cử.

 

Ngay sau phát biểu của ông Scholz, phe đối lập bảo thủ Đức đã chỉ trích thủ tướng Đức đang xúc tiến một « hòa bình giả tạo ». Nhật báo Đức FAZ cũng cho rằng ông chỉ đang đánh bóng hình ảnh « thủ tướng của hòa bình » trong khi tuần rồi vẫn hứa hẹn gởi thêm 12 khẩu đại pháo PzH-200 cho Ukraine!

 

(Theo RFI Việt ngữ)