Giáo hoàng Francis (bên phải) gặp Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI tại Thành phố Vatican hồi năm 2015. Nguồn: AAP

 

Giáo hoàng Francis đã tưởng nhớ cố Giáo hoàng Benedict XVI như một đấng bề trên đáng kính, trong khi các nhà lãnh đạo toàn cầu và tín đồ Công giáo trên toàn thế giới tiếc thương sự ra đi của cố Giáo hoàng. Linh cửu của Đức Giáo hoàng Danh dự đang được đặt tại Vương cung Thánh đường Peter để chuẩn bị cho tang lễ vào ngày 5/1.

 

“Đây là Đài phát thanh Vatican, chúng tôi xin gián đoạn chương trình để thông báo với niềm tiếc thương vô hạn rằng Đức Giáo hoàng Danh dự đã qua đời. Văn phòng Báo chí Vatican vừa thông báo rằng Ngài qua đời vào lúc 9h34 giờ địa phương tại Tu viện Mater Ecclesiae.”

 

Là một nhà thần học người Đức, cố Giáo Hoàng Benedict được nhớ đến với tư cách là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau 600 năm.

 

Nhà lãnh đạo thứ 265 của Giáo hội Công giáo đã làm cả thế giới sửng sốt vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, khi tuyên bố rằng sau 8 năm, Ngài không còn đủ sức để điều hành Giáo hội với 1,2 tỷ giáo dân.

 

Giáo hoàng Francis đã được bầu làm người kế vị.

 

Hai Giáo hoàng sau đó đã sống cạnh nhau trong khu vườn của Vatican, một sự sắp xếp chưa từng có nhằm tạo tiền đề cho các giáo hoàng danh dự trong tương lai làm điều tương tự.

 

Giáo hoàng Francis đã ca ngợi người tiền nhiệm của mình.

“Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tâm trí của chúng tôi tự nhiên hướng đến Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI thân yêu nhất của chúng tôi, người đã rời xa chúng tôi sáng nay. Chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ đến một người thật cao cả, thật nhân hậu. Và chúng tôi cảm thấy biết ơn, biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Người cho Giáo hội và thế giới; vì tất cả những điều tốt lành mà Người đã hoàn thành, và đặc biệt là vì chứng nhận đức tin và lời cầu nguyện của Người, nhất là trong những năm cuối đời của Người. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của Người, của những hy sinh Người dâng hiến vì lợi ích của Giáo Hội.”

 

Chuông nhà thờ đã ngân vang ở Marktl, Đức, nơi sinh của cố Giáo hoàng Benedict sau khi tin buồn được loan.

 

Các nhà lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng đăng trên Twitter lời chia buồn của họ đối với Đức Benedict, vị giáo hoàng người Đức đầu tiên sau 1.000 năm.

 

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã tweet: Thật đau buồn khi biết tin về sự ra đi của Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI vào tối nay. Cầu mong ngài yên nghỉ vĩnh hằng.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Ngoại trưởng Anthony Blinken đều bày tỏ sự kính trọng đối với cố Giáo hoàng Benedict.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mô tả vị giáo hoàng gốc Đức là “nhân vật hình thành nên Giáo hội Công giáo”.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết suy nghĩ của ông hướng đến người Công giáo ở cả nước Pháp và trên toàn thế giới.

 

Thủ tướng Ý mô tả cố Giáo hoàng là "vĩ nhân của niềm tin và lý trí".

 

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng bày tỏ lòng kính trọng cố Giáo hoàng. Người đứng đầu tinh thần của nhà thờ Anh giáo nói rằng “trong cuộc đời phụng sự của mình, Giáo hoàng Benedict XVI đã hướng mọi người đến với Chúa Kitô”.

 

Trưởng Hội đồng Giám mục Đức Georg Baetzing nhớ đến cựu giáo hoàng như một người có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thần học gia.

“Ngài là một nhà thần học lỗi lạc. Không như nhiều người khác, Ngài cố gắng truyền đạt niềm tin sâu sắc cho mọi người. Ngài ấy là một Đức Giáo Hoàng. Chính Ngài đã giúp hình thành Cộng đồng Vatican thứ hai, với tư cách là cố vấn thần học vào thời điểm đó. Ngài đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sinh viên thần học và có tác động vượt xa điều đó thông qua các cuốn sách của Ngài.”

 

Trong phần lớn thời kỳ Đức Benedic làm giáo hoàng, Giáo hội Công giáo phải đối mặt với các cáo buộc, khiếu nại pháp lý và các báo cáo chính thức về tình trạng lạm dụng trẻ em của các linh mục trong nhiều thập niên.

 

Sau khi một cuộc điều tra pháp lý của Đức với Giáo hội Công giáo cáo buộc Ngài đã không hành động trong bốn trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, đầu năm nay, Đức Benedict XVI thừa nhận rằng đã có sai sót trong việc xử lý các vụ lạm dụng khi Ngài còn là tổng giám mục Munich từ năm 1977 đến 1982.

 

Trong một bức thư do Vatican công bố, cựu Giáo hoàng xin tha thứ cho bất kỳ "lỗi lầm nghiêm trọng" nào nhưng phủ nhận sai trái cá nhân.

 

Các luật sư của cố Giáo hoàng đã lập luận trong một bác bỏ chi tiết rằng ông không phải là người trực tiếp gây ra lỗi lầm.

 

Tại Vương cung thánh đường Thánh Peter của Vatican, khách du lịch và người dân địa phương rất đau buồn trước tin Đức Benedict qua đời.

 

Francesco Bernardi nói rằng ông biết Đức Benedict rất rõ.

 “Đối với tôi ông ấy là một vị thánh. Tôi biết ông ấy rất rõ, bởi vì tôi đã theo ông ấy trong rất nhiều nghi lễ.”

Phóng viên: "Tại sao ông nghĩ Ngài ấy là một vị thánh?"

Francesco Bernardi: "Bởi vì ngay cả trước khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, Ngài ấy đã từng đi bộ trong khu phố Borgo này và bạn có thể thấy khuôn mặt của Ngài ấy hiện rõ sự tinh tế."

 

Khách du lịch và người dân địa phương ở Thành phố Cổ của Jerusalem cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Benedict.

 

Linh cửu của Đức Benedict XVI được quàn tại Vương cung thánh đường Peter từ thứ Hai 2/1 cho đến tang lễ dự kiến vào ngày 5/1/2023.