Trái: ảnh thumbnail Youtube/BBC News, Phải: Tượng chúa Giê-su tại Rio de Janeiro, Brazil (ảnh: desktopbackground.org).

 

 

 

Khi bức tượng các danh nhân lịch sử nước Mỹ, bao gồm cả các cựu tổng thống Mỹ, đang bị tấn công phá hoại trên toàn quốc, các nhà hoạt động của phong trào Người Da Đen Đáng Được Sống (Black Lives Matter – BLM) hiện đang bắt đầu nhắm vào Kitô giáo. Các nhà thờ lịch sử đang bị hủy hoại khi một số kẻ kêu gọi phá hủy các bức tượng của Chúa Giê-su.

 

“Đúng, tôi nghĩ rằng những bức tượng của một người châu Âu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giê-su cũng nên bị dỡ xuống. Chúng là một biểu tượng cho thứ quyền lực da trắng thượng đẳng”, Shaun King, một nhà hoạt động chính trị công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter, viết trên Twitter.

 

“Trong Kinh thánh, khi gia đình Giê-su chạy trốn, đoán xem họ đã đi đâu? Ai Cập! Chứ không phải Đan Mạch”, King tiếp tục nói trong một bài đăng trên Twitter ngày 22/6. “Kéo đổ chúng [những bức tượng] xuống”.

 

Thời Ai Cập cổ đại, tình trạng buôn bán nô lệ là rất phổ biến. Thành phần nô lệ chủ yếu là người da đen.

Tại Washington, những kẻ phá hoại đã phỉ báng Nhà thờ Tân giáo St. John lịch sử nằm không xa Nhà Trắng. Các chữ cái BHAZ (Black House Autonomous Zone – Khu tự trị Nhà Người da Đen) được viết nguệch ngoạc trên những cây cột trước nhà thờ (ảnh dưới). Khu vực này đã bị cảnh sát  giải tán.

 

Trong khi đó, một số người đã công khai ủng hộ những bình luận của King.

“Shaun King nói đúng về Chúa Giê-su da trắng và quyền lực thượng đẳng da trắng”, nhà hoạt động và nhà kinh tế học Boyce Watkins đã viết trên Twitter. “Nếu Chúa Jesus xuất hiện bằng thân xác chân thật nhất của ông, bọn họ sẽ treo cổ ông ta trên cây”.

 

Tory Russell, giám đốc sứ mệnh của Liên minh Tự do Người da Đen Quốc tế, đã viết trên Twitter rằng “Shaun King đã cố gắng phi thực dân hóa nước Mỹ ở mức độ lớn hơn so với những người ủng hộ phong trào [Black Lives Mattter] này”.

 

Trong một bài đăng nối tiếp trên Twitter, King kêu gọi tất cả các công trình mô tả về một Chúa Giê-su da trắng phải bị phá bỏ, dán nhãn chúng là “các tuyên truyền phân biệt chủng tộc”.

 

“Tất cả các bức tranh treo tường và kính cửa sổ khắc họa hình tượng Chúa Giê-su da trắng, và người mẹ châu Âu của ông ta, và những bạn bè da trắng của ông ta cũng phải bị dỡ xuống”, King nói. “Nó là một dạng thức rõ ràng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Được tạo ra như một thứ công cụ áp bức, nhằm tuyên truyền hình thái ý thức phân biệt chủng tộc. Tất cả chúng phải bị dỡ xuống”.

 

Các sự việc nối tiếp nhau, từ vụ biểu tình trên quy mô toàn nước Mỹ sau cái chết của người đàn da màu George Floyd bị ngộ sát khi bị một cảnh sát da trắng bắt giữ, cho đến việc tấn công các bức tượng của các tướng lĩnh chính phủ Liên minh Miền Nam thời Nội chiến Mỹ – vốn ủng hộ việc duy trì thể chế nô lệ tại Mỹ thời kỳ đầu, rồi đến nạn nhân tiếp theo là các bức tượng cựu tổng thống Mỹ cho đến mục tiêu liên luỵ mới nhất là các bức tượng Chúa Giê-su.

 

Tổng chưởng lý William Barr gần đây nói rằng Bộ Tư pháp có bằng chứng cho thấy Antifa – nhóm hoạt động theo chủ nghĩa cộng sản-vô chính phủ – và các nhóm tương tự khác đã “thao túng” các cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu, leo thang bạo lực dẫn đến tình trạng bất ổn như hiện nay. Cuối tháng 5 tổng thống Trump đã quyết định dán nhãn Antifa là một “tổ chức khủng bố”.

 

 

Chính quyền tổng thống Trump đang gia tăng các nỗ lực trấn áp những kẻ phá hoại. Ngày 23/6, ông Trump tuyên bố cấp quyền cho chính phủ liên bang bắt giữ bất cứ ai bôi bẩn hoặc hủy hoại bất kỳ công trình tưởng niệm nào, lệnh hành pháp “có hiệu lực ngay lập tức”.

 

“Tôi đã ủy quyền cho Chính phủ Liên bang bắt giữ bất cứ kẻ nào hủy hoại bất kỳ công trình tượng niệm, tượng đài hoặc tài sản Liên bang nào khác ở Hoa Kỳ với mức án tối đa 10 năm tù, theo Đạo luật Bảo tồn Tưởng niệm Cựu binh”, ông nói trên Twitter.

“Chỉ thị này có hiệu lực ngay lập tức, nhưng cũng có thể được sử dụng để hồi tố việc phá hoại và hủy hoại đã gây ra trước đó”, Tổng thống Trump nói tiếp. “Sẽ không có trường hợp ngoại lệ!”

 

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã ví làn sóng lật đổ tượng với cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc.

 

“Cơn giận dữ từ phía cánh tả này lại đang phớt lờ một số anh hùng của riêng họ”, ông nói vào ngày 23/6. “Tôi biết rằng ở Seattle, một bức tượng lớn của Vladimir Lenin không hề bị đụng đến”.

 

Lật đổ tượng đài những nhân vật lịch sử

Người biểu tình ở California đã lật đổ bức tượng của Junipero Serra, một linh mục Công giáo La Mã người Tây Ban Nha, người sáng lập các Sứ vụ tôn giáo bang California. Trước tình hình này, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Washington đã đăng một loạt bài trên Twitter nói rằng họ “cảm thấy rất đáng tiếc về việc bức tượng bị phá hủy… và muốn đưa ra lời nhắc nhở về những nỗ lực tuyệt vời của linh mục Serra trong việc hỗ trợ các cộng đồng người bản địa Mỹ”.

 

Tượng các nhân vật lịch sử khác nhau đã bị phá hủy tại nhiều bang. Trong một sự vụ ở California, một nhóm những kẻ phá hoại mặc đồ đen đã rất phấn khích khi họ dùng dây để kéo đổ bức tượng của Francis Scott Key, người viết quốc ca Hoa Kỳ.

Trong tình trạng bất ổn, các bức tượng của những người sáng lập nước Mỹ cũng đã trở thành mục tiêu phá hoại; lấy ví dụ, các tượng đài của George Washington và Thomas Jefferson bị phá hủy. Một trong những mục tiêu mới nhất là bức tượng của tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt, nằm ở lối vào Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại Thành phố New York.

 

 

 

Bức tượng Theodore Roosevelt, chụp ngày 23/6/2020 (ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times).

 

 

 

Trong khi bức tượng Tổng thống Roosevelt vẫn chưa bị lật đổ bởi những kẻ phá hoại, Ellen Futter, chủ tịch bảo tàng, đã yêu cầu Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio di dời bức tượng, và nhận được sự chấp thuận.

 

Ông Futter nói trong một bức thư rằng bức tượng này có thể gây tranh cãi do “cấu trúc thứ bậc khi đặt một nhân vật ngồi trên lưng ngựa (một người da trắng) trong khi những người khác đi cạnh bên (người da màu và bản địa), và nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy vị trí của hai nhân vật người Mỹ bản địa và người da màu gốc Phi mang tính phân biệt chủng tộc”.

 

Chuyên gia và tác giả về chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt trên phương diện ý thức hệ cộng sản thâm nhập xã hội tự do phương Tây, ông Trevor Loudon đã gọi tình trạng phá hoại các bức tượng xảy ra trên toàn quốc là một “chiến thuật mang phong cách chủ nghĩa Mao nhằm xóa bỏ một dạng thức văn hóa dân tộc”.

 

“Chủ nghĩa Mao đề cập đến việc xây dựng một con người mới, một xã hội mới”,  ông Loudon nói với The Epoch Times. “Chủ nghĩa này tuyên bố rằng cần phải tiêu diệt tất cả tàn dư của xã hội cũ. Họ muốn phá hủy các tượng đài và nền văn hóa cũ để có thể xây dựng một xã hội mới”.

 

Theo ông Loudon, các tổ chức Mác-xít ở Mỹ như Đường Giải phóng (Liberation Road) và Đảng Công nhân Thế giới (Workers World Party) đều có dính líu đến các cuộc leo thang bạo lực gần đây.

 

“Họ đang đi theo con đường của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc”, ông nói. “Cách mạng Văn hóa đã xóa sạch tinh hoa văn hóa truyền thống của Trung Quốc; họ lật đổ những bức tượng và phá hủy các công trình tưởng niệm”.

 

Một người đồng sáng lập phong trào “Black Lives Matter” cũng từng nói rằng những sáng lập viên của nó đều là “những người theo chủ nghĩa Mác”. Họ được đào tạo và “khá thành thạo về các lý thuyết xoay quanh ý thức hệ”.

 

Yang Jianli, một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc và là con trai của một cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản nước này, người hiện đang đứng đầu tổ chức Sáng kiến Trao trả ​​Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ dân chủ ở Hoa Kỳ, cũng cho rằng việc lật đổ các bức tượng gợi tưởng đến cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc trong thập niên 60-70.

 

“Hành vi của những người biểu tình khiến tôi hồi tưởng lại rất nhiều về cuộc cách mạng văn hóa khi đó”, ông Yang nói với The Epoch Times.

 

“Nó giống nhau về tính bạo lực, phản luật pháp và cổ xúy tính chính trị”, ông nói. “Black Live Matters đã vượt quá ranh giới khi phá hủy hoặc lật đổ các bức tượng của những người cha sáng lập nước Mỹ như Washington và Jefferson”.