Phúc hay họa trong ‘Thế giới ảo’ mà Facebook đang phát triển? (Ảnh: tổng hợp)

 

 

 

 

 

Ngày 28/10 vừa qua CEO của Facebook Mark Zuckerberg thông báo rằng, công ty này sẽ đổi tên thành Meta, để thể hiện sự phát triển của công ty theo hướng thực tế ảo ‘metaverse’. Đối với nhiều người, khái niệm thực tế ảo gợi nhớ đến những bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng cũng có nhiều người khác tỏ ra quan ngại về những gì mà Zuckerberg đang toan tính.

 

 

Vấn đề được đặt ra hiện nay là liệu thực tế ảo và công nghệ mạng xã hội ngày càng phát triển sẽ là một bước tiến hay một con đường nguy hiểm cho nhân loại?

 

 

Tại cuộc họp thường niên của Facebook diễn ra vào hôm 28/10, CEO Zuckerberg đã thông báo về quyết định đổi tên của công ty. Ông nói: “Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ đặt Metaverse lên hàng đầu, chứ không phải Facebook”. Theo sau tuyên bố đó, kể từ ngày 1/12/2021, mã cổ phiếu của công ty cũng được thay đổi là MVRS.

 

 

Về Metaverse, đây là một thế giới siêu ảo được xây dựng thông qua công nghệ thực tế ảo VR và tương tác thực tế ảo AR. Người dùng có thể tiến vào không gian ảo được chia sẻ thông qua thiết bị đeo thông minh và mọi người có thể hòa mình vào thế giới này để làm việc, vui chơi và tương tác với nhau.

 

 

 

Metaverse là một thế giới siêu ảo được xây dựng thông qua công nghệ VR và AR (Ảnh: Wikipedia Common)

 

 

 

 

Trong một cuộc phỏng vấn vào hồi tháng 7 năm nay, CEO của Facebook đã nói rằng: “Trong vòng vài năm, công ty sẽ thay đổi từ một công ty truyền thông xã hội thành một công ty thực tế ảo”. Và ông mô tả thực tế ảo là hình thức cao nhất của công nghệ về giao tiếp xã hội.

 

 

 

Nguyên do của việc đổi tên là gì?

Trước sự kiện đổi tên của Facebook, nhiều người cho rằng động thái này có lẽ là một bước trong kế hoạch đánh lạc hướng thế giới bên ngoài khỏi các vụ bê bối của Facebook, và định hình lại vị thế của thương hiệu. 

 

 

Cựu chuyên gia Facebook, bà Frances Haugen gần đây đã tiết lộ một số lượng lớn các nghiên cứu và tài liệu nội bộ của công ty, cho thấy “nguyên tắc lợi ích trên hết” của Facebook gây hàng loạt vấn đề kích động chia rẽ, phá hoại dân chủ, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của người dùng trẻ. Sau đó, Quốc hội Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần về các tài liệu này. 

 

 

Ngoài ra, Facebook cũng đang phải đối mặt với áp lực bị điều tra và xét xử tại Anh và Mỹ, do các vụ bê bối như: rò rỉ thông tin riêng tư của người dùng, và vi phạm luật cạnh tranh. Việc đổi tên có thể xem như “kế hoạch đào tẩu”, cho phép Zuckerberg thoát khỏi hàng loạt tranh chấp pháp lý. 

 

 

Việc đổi tên có thể cho phép Zuckerberg thoát khỏi những bê bối về rò rỉ thông tin riêng tư của người dùng (Ảnh: Flickr)

 

 

 

 

Cũng có người cho rằng, Zuckerberg vốn đã nắm bắt được triển vọng của nền tảng ảo. Do vậy, đây là một bước đón đầu với kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường thực tế ảo. Tuy nhiên, Zuckerberg thật sự đang tính toán điều gì? Đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

 

 

Nhưng chúng ta cũng có thể trước tiên xem xét và đưa ra nhận định về sản phẩm mới của họ.

 

 

 

Thực tế ảo có thể hủy diệt nhân loại

CEO Elon Musk của Tesla từng chỉ ra việc lạm dụng những công nghệ như thực tế ảo có thể hủy diệt nhân loại. Dưới góc nhìn của của ông, cơ hội để con người được an toàn sẽ là rất nhỏ nếu một số ít công ty lớn toàn quyền kiểm soát AI, vì xác suất làm cho AI an toàn chỉ đạt từ 5 – 10%. Thậm chí, ông e sợ rằng AI sẽ biến con người trở thành “vật nuôi trong nhà”.

 

 

Đối với nhiều người cái tên “Thế giới ảo” làm gợi nhớ đến cốt truyện kinh dị trong bộ phim Ma trận (tên tiếng Anh: The Matrix). Trong câu chuyện này, loài người sống cho một thế giới được định hình bởi máy tính, mọi trải nghiệm đều được máy tính hư cấu. Do vậy, cơ thể giống như ngủ vùi dưới sự điều khiển của những cỗ máy. Nhân vật chính phải đối mặt với sự lựa chọn: uống viên thuốc màu xanh lam để tiến vào cảnh mộng nhàn hạ hay uống viên màu đỏ để nhìn rõ hiện thực.

 

Trong phim “Ma trận”, loài người sống trong thế giới được định hình bởi máy tính (Ảnh: flickr)

 

 

 

 

 

 

Báo Vision Times cho hay, trong một chương trình trực tuyến, học giả Gavin Chiu người Hongkong cho biết: “Việc phát minh ra các trang mạng xã hội như Facebook đã giúp thỏa mãn mong muốn được chú ý của con người. Cho phép những người bình thường tận hưởng cảm giác là người nổi tiếng khi được mọi người chú ý đến suy nghĩ cá nhân và cuộc sống riêng tư của mình. Tuy vậy, người ta dần phát hiện ra rằng Facebook đang bán quyền riêng tư và sử dụng nguồn dữ liệu lớn để thu lợi nhuận. Những thế hệ sau này đã dần không còn thích sử dụng Facebook”. 

 

 

Nhưng thế giới ảo còn tiến xa hơn nữa. Nó cho phép người dùng tạo dựng danh tính cá nhân mới và tương tác xã hội trong thực tế ảo đó với tính chất thời gian thực. Nó sẽ cho phép người dùng nhập vai và hoàn toàn ở trong đó sau giờ làm việc và học hành. Thế giới ảo sẽ hoàn toàn thay đổi cách tiếp xúc xã hội của con người. Thậm chí, có thể có vòng kinh tế riêng trong đó, mọi người có thể kiếm tiền ảo và chi tiêu trong đó. 

 

 

Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nó có nhiều khả năng thỏa mãn các giác quan cho đến cả thể chất, và thậm chí kết hôn trong đó. Nhưng học giả Gavin Chiu nhận định: “Điều này thực sự rất đáng sợ. Làm thế nào để mọi người rút lui khỏi một thực tế ảo như vậy? Hậu quả sẽ như thế nào nếu loài người chỉ chìm đắm trong đó?”.

 

 

Học giả Gavin Chiu cho biết, thế giới ảo cho phép mọi người tận hưởng những thứ không thể có trong cuộc sống hàng ngày. Nó chắc chắn sẽ được đón nhận và sẽ trở thành xu hướng chung. Nhưng khi con người trở lại thế giới thực, nhất định sẽ có nhiều yếu tố không kiểm soát được, bao gồm: áp lực công việc, vấn đề gia đình, trong lòng trống rỗng, v.v. Và khi con người đã quen với việc tận hưởng cảm giác thỏa mãn do cuộc sống ảo mang lại, họ phải đối mặt như thế nào với những điều không vừa ý trong cuộc sống thực? Điều này chắc chắn sẽ làm giảm nhiệt huyết của con người trong cuộc sống thực, thích chìm đắm sống hạnh phúc trong thế giới ảo. 

 

 

 

Khi con người đã đắm chìm trong thế giới ảo, rồi họ sẽ ra sao khi quay lại đời thực? (Ảnh: tổng hợp) 

 

 

 

 

Nhà lý luận truyền thông và nhà văn người Mỹ Douglas Rushkoff đã đăng một bài bình luận trên CNN, trong đó nói rằng: “Có lẽ những gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon đã mơ mộng về việc đảo ngược mối quan hệ giữa con người và công nghệ, đảo ngược thực và ảo. Thế giới ảo của Mark Zuckerberg không chỉ là một thực tế ảo bình thường mà mọi người có thể dễ dàng ra vào, mà nó sẽ dần chiếm hữu thế giới thực và cuối cùng chi phối hoàn toàn mọi thứ trong thế giới thực của chúng ta”. 

 

Ông Rushkoff chỉ ra những nguy hại mà thế giới ảo Metaverse có thể tác động đến con người (Ảnh: Wikipedia Common)

 

 

 

 

Ông Rushkoff nói thêm rằng: “Tương lai trong kế hoạch của Facebook, hành vi và tương tác của con người sẽ bị tiêu chuẩn hóa và cơ giới hóa; nét mặt của con người sẽ không còn được sử dụng để biểu đạt mà sẽ được thay thế bằng biểu tượng cảm xúc.  Con người sẽ không còn sống chung trong căn phòng nữa, trải nghiệm tiếp xúc của mọi người chỉ còn là nhìn ảnh chiếu của nhau tọa lạc trong không gian phòng, giống như Pokemon của tương tác thực tế ảo”. 

 

 

Con người ngày càng bị công nghệ điều khiển chứ không phải công nghệ thích ứng với con người. Giờ đây khi nhiều người đã ý thức được nguy hại của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của mình, sự xói mòn của xã hội và từ bỏ Facebook, thì Zuckerberg liền nhanh chóng đưa ra một lời chào mời mới - Đó là chúng ta nên từ bỏ việc vật lộn trong thực tế, hãy đeo kính thực tế ảo lên và bước vào thế giới ảo mà anh ta đã thiết lập.

 

 

Vậy một khi bạn cho phép mình bước vào cánh cổng thế giới ảo đầy hấp dẫn ấy, và sống trong những điều mà Zuckerberg muốn bạn sống, tâm hồn bạn sẽ đi về đâu? Liệu bạn có chấp nhận đánh đổi cuộc sống tươi đẹp này để được những “hạnh phúc ảo” ấy?

(Nguồn: ntdvn.com)