Singapore đã phạt 40 vụ liên quan đến các cá nhân vi phạm các biện pháp giãn cách xã hội. Thái Lan truy tố hơn 5,000 người, bắt ở nhà và có thể phạt tù, phạt tiền nếu tiếp tục vi phạm.

 

 

Ấn Độ, Armenia tiếp tục phong tỏa.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần. Theo Reuters, lý do được cho là công tác chống dịch của Ấn Độ đang có hiệu quả, nếu dỡ lệnh phong thành sớm thì sẽ thành công cốc.

 

Armenia cũng kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày nữa. Nước này đã đóng cửa các cơ sở giáo dục, tạm dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng và cấm người nước ngoài nhập cảnh.

 

Singapore phạt 40 vi phạm giãn cách xã hội trong một ngày

Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore ngày 11-4 cho biết chỉ riêng ngày 10-4 Singapore đã phát hành 2,900 cảnh báo và 40 vụ phạt liên quan đến các cá nhân vi phạm các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở nước này.

 

Kênh Channel NewsAsia cho biết cảnh sát đã phạt một người bán khẩu trang trái phép tại đại lộ Ang Mo Kio 1,000 đôla Singapore và ra lệnh buộc người này ngừng hoạt động kinh doanh này lại ngay lập tức. Cảnh sát cũng buộc phải giải tán hơn 20 đám đông khi các thành viên của các nhóm này từ chối hợp tác khi được yêu cầu giải tán.

 

Tính đến sáng ngày 11-4, Singapore đã ghi nhận 2,108 ca nhiễm coronavirus và 7 ca tử vong. Số ca nhiễm của Singapore tăng từ hơn 100 ca lên hơn 1,000 ca chỉ trong vòng 1 tháng và buộc chính phủ nước này phải ban hành các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

 

Ở Thái Lan, kể từ khi lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng từ ngày 3-4, đã ghi nhận hơn 6,500 trường hợp vi phạm. 5,264 người đã bị truy tố do vi phạm Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, trong đó có tới 50% là những người trong độ tuổi từ 20-35.

 

Thái Lan có thể áp dụng các biện pháp bổ sung mà những đối tượng trên phải tuân thủ như "lệnh ở trong nhà". Nếu vi phạm lệnh này, họ sẽ phải đối mặt với án tù giam tối đa 6 tháng và/hoặc tiền phạt tối đa 10,000 baht (300 USD).

 

Trong ngày 11-4, Thái Lan xác nhận thêm 45 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số lên 2,518 ca và 35 ca tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, trong khi khi tỉ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Phuket.

 

* Bộ Y tế Indonesia chiều 11-4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 330 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 3,842 ca và 327 ca tử vong, theo Reuters.

 

* Bộ Y tế Philippines chiều 11-4 thông báo nước này có thêm 233 ca nhiễm và 26 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 4,428 ca và 247 ca tử vong. Số người hồi phục cũng tăng thêm 17, nâng tổng số người xuất viện lên 157 người.

 

* Các quan chức y tế Malaysia chiều 11-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 184 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 4,530 ca và 73 ca tử vong. Hiện Malaysia có số ca nhiễm virus cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế Malaysia cho biết 44% ca nhiễm ở nước này đã hồi phục, theo Reuters.

 

Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong thấp nhất 19 ngày

Số ca tử vong hàng ngày của Tây Ban Nha tiếp tục giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp trong ngày 11-4 với 510 ca trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 16,353 ca so với 15.843 ca tử vong của ngày 10-4. Đây cũng là số ca tử vong thấp nhất trong ngày được ghi nhận kể từ 23-3. 

 

Theo Reuters tổng số ca COVID-19 cả nước tính đến ngày 11-4 là 161,852 ca.

 

Nga ghi nhận 1,667 ca nhiễm mới

Nga ghi nhận thêm 1,667 ca nhiễm mới trong ngày 11-4, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 13,584 ca. Số người qua đời vì virus corona chủng mới cũng tăng thêm 12 người, thành 106 ca tử vong, theo trung tâm phản ứng khủng hoảng virus corona của Nga.

 

Anh chưa tới đỉnh dịch, tiếp tục phong tỏa

Bộ Y tế Anh ngày 11-4 cho biết nước này vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch COVID-19 để có thể cho phép nới lỏng các biện pháp giới hạn đi lại. Số người chết tại các bệnh viện ở Anh đã gần chạm mốc 9,000 người, với 980 ca tử vong trong ngày 10-4.

 

Cách đây 3 tuần, Anh đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Chính phủ Anh hiện đang chịu áp lực về việc phải thông tin cụ thể rằng các biện pháp hạn chế dịch lây lan này sẽ kéo dài đến khi nào.

 

Theo Reuters, các bộ trưởng Anh từng nói rằng nước này cần phải qua đỉnh dịch trước khi có thể thay đổi các biện pháp hiện nay.

 

Gần 4,000 người Iran đang trong tình trạng nguy kịch

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpur nói trên truyền hình nhà nước rằng số ca bệnh COVID-19 của Iran đã vượt 70,000, trong đó có 3,987 người đang trong tình trạng nguy kịch. Số người tử vong trong 24 giờ qua cũng tăng thêm 125, lên tổng số 4,357 người.

 

Iran hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông. Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi người dân tôn trọng và tuân thủ các khuyến cáo y tế về phòng dịch COVID-19 khi nước này nối lại các hoạt động kinh doanh "nguy cơ thấp" trên toàn quốc vào ngày 11-4, theo hãng tin IRNA.

 

Những doanh nghiệp được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm thấp trong dịch COVID-19 sẽ hoạt động trở lại từ 11-4 trên toàn Iran, trừ thủ đô Tehran sẽ nối lại hoạt động này vào ngày 18-4. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất từ COVID-19 ở Trung Đông với 68,192 ca nhiễm, trong đó có 4,232 ca tử vong.

 

 

Nhân viên bệnh viện New York tưởng niệm các đồng nghiệp mất vì COVID-19

Theo hãng tin AFP  các nhân viên y tế chiều 10-4 (giờ địa phương) đã đặt vòng hoa, nến và ảnh trước cụm các bệnh viện Núi Sinai ở Manhattan, New York để tưởng niệm các đồng nghiệp đã qua đời vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ.

 

Họ đặt những cây nến điện thành thông điệp "HOPE" (hy vọng) và dành một khoảng thời gian ngắn để tưởng nhớ đến những y tá, bác sĩ và các nhân viên y tế khác không may trở thành nạn nhân của COVID-19.

 

Cho đến nay, thành phố New York là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở Mỹ với gần 95,000 ca nhiễm và hơn 5.800 ca tử vong.

 

Hàn Quốc đeo vòng tay điện tử với người vi phạm quy định tự cách ly

Trong 6 ngày liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trên dưới 50 ca, giảm mạnh so với 909 ca mắc mới trong ngày 29-2 vừa qua. Ngày 11-4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này là 10,480 người, tử vong 211 người.

 

Nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày thông báo sẽ gắn vòng tay điện tử đối với những người vi phạm các quy định tự cách ly, như đi ra ngoài mà không thông báo và không trả lời cuộc gọi điện thoại.

 

WHO chưa biết nguyên do bệnh nhân tái dương tính

Các quan chức Hàn Quốc hôm 10-4 ghi nhận 91 bệnh nhân COVID-19 tái dương tính nhờ kỹ thuật xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase).

 

Jeong Eun Kyeong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc nói cho rằng rằng virus trong người họ có thể đã được "tái kích hoạt" thay vì các bệnh nhân bị tái nhiễm.

 

WHO nói vì COVID-19 là dịch bệnh mới nên họ vẫn chưa biết nguyên nhân của tình trạng nói trên nhưng các cuộc điều tra dịch tễ đang được tiến hành để hiểu hơn về virus gây bệnh.

 

Khách sạn ở Bắc Kinh yêu cầu khách trình kết quả âm tính

Theo China Daily bắt đầu từ ngày 12-4, tất cả khách du lịch đến Bắc Kinh sẽ được yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận âm tính với virus corona chủng mới nếu muốn đăng ký phòng tại các khách sạn ở thủ đô Trung Quốc.

 

Theo đó, các khách sạn sẽ yêu cầu khách phải cung cấp giấy chứng nhận y tế quốc gia và tham gia một ứng dụng về tình trạng sức khỏe của Bắc Kinh, cả hai đều phải ở tình trạng "bình thường". Ngoài ra, các du khách cũng phải cung cấp thông tin liên lạc tại Bắc Kinh và chấp nhận yêu cầu quản lý sức khỏe của các khách sạn.

 

Nam Á kéo dài thời hạn các biện pháp ngăn coronavirus lây lan

Trong các động thái mới nhất tại khu vực Nam Á nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus (SARS-CoV-2), Bangladesh cuối ngày 10-4 quyết định gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc thêm 11 ngày, tức là đến 25-4 khi số người mắc COVID-19 tăng lên thành 424 ca với 27 người tử vong.

 

Trong khi đó, trong cuộc họp ngày 11-4, các bang của Ấn Độ đã thúc giục thủ tướng Narendra Modi gia hạn thêm thời gian phong trỏa toàn quốc trong bối cảnh 21 ngày phong tỏa của nước này sẽ chấm dứt vào 14-4.

 

Tính đến sáng 11-4, Ấn Độ đã ghi nhận 7,598 ca nhiễm coroanvirus và 246 ca tử vong với thủ phủ New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai là các điểm nóng mới nổi. Hãng tin Reuters cho biết ít nhất 2 bang Odisha ở phía đông và Punjab ở phía bắc Ấn Độ đã quyết định sẽ kéo dài lệnh phong tỏa cho đến cuối tháng 4.

 

Ngoài ra tính đến sáng 11-4, Pakistan hiện đã có 4.788 ca COVID-19, bao gồm 71 ca tử vong. Afghanistan ghi nhận 521 ca nhiễm và 15 ca tử vong, Sri Lanka có 190 ca nhiễm và 7 ca tử vong.

 

Maldives có 19 ca nhiễm, Nepal có 9 ca nhiễm và Bhutan có 5 ca nhiễm. Cả ba quốc gia này chưa ghi nhận ca tử vong nào.

 

Thụy Điển đào tạo lại nhân viên hàng không, khách sạn để hỗ trợ các bệnh viện

Các nhân viên hàng không và khách sạn đang được đào tạo lại để làm các công việc mang tính hỗ trợ trong các bệnh viện tại Thụy Điển khi số người qua đời vì COVID-19 ở nước này đã gần 900 người.

 

Sáng kiến này cung cấp cho các nhân viên hàng không, phần lớn là từ hãng hàng không SAS Scandinavian Airlines sau khi hãng này cho 10,000 nhân viên tạm nghỉ việc vào tháng 3, các khóa đào tạo chất lượng để có thể hỗ trợ trong các bệnh viện và các nhân viên khách sạn làm việc tại các viện dưỡng lão.

 

Hãng tin AFP cho biết những nhân viên này được đào tạo sơ cứu hầu hết các bệnh phổ biến và cũng biết cách chăm sóc cơ bản cho các bệnh nhân.