(Tác giả: Jonah Blank - Chuyển ngữ: Trùng Dương. Bài được đăng trên trang mạng damau.org)
Lời Người Dịch: Từ nhiều tuần qua tôi theo dõi – với một trái tim nặng nề – tin tức quân Hoa Kỳ và các đồng minh NATO rút khỏi Afghanistan sau 20 năm chinh chiến tại đây. Đồng thời như thấy mình sống lại những ngày cuối tháng Tư 1975 tại Miền Nam. Tôi hiểu Tổng thống Biden không thể làm khác vì người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Trump, đã tuyên bố rút khỏi Afghanistan, và ông Biden có trách nhiệm phải thực hiện cuộc rút quân này để chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tôi cũng vui khi nghe chính quyền của ông Biden sẽ không vận những người Afghan đã từng giúp quân đội Mỹ ra khỏi nơi đây để tránh họ bị tàn sát bởi quân Taliban một khi họ có thể tái chiếm quốc gia này. Nhưng cái gì sẽ xẩy ra cho người dân Afghan, nhất là giới phụ nữ, nếu quân Taliban chiếm lại Afghanistan và tái áp dụng Luật Hồi Giáo hà khắc Sharia?
Cựu Tổng thống George W. Bush, người khởi động hai cuộc chiến tại Afghanistan năm 2002 và Iraq năm 2003, cách đây vài ngày đã lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn của hãng truyền thông DW của Đức, tỏ ý lo ngại cho phụ nữ Afghan sẽ bị đưa trở lại vào vòng kềm kẹp của Taliban. “Họ sẽ bị bỏ rơi và sẽ bị tàn sát bởi những tên hung bạo này, và điều đó làm tan nát lòng tôi,” ông Bush nói, có vẻ thành thực, thành thực cả trong việc có lẽ ông đã quên một mảnh lịch sử do chính ông và phe “diều hâu” của ông tạo nên. Tôi thực tâm muốn khóc khi nghe ông nói thế. Song tôi cũng không khỏi nghĩ tới việc chính vì ông và các tay hiếu chiến trong chính quyền của ông đã khởi động cuộc chiến không cần thiết ở Iraq và do đấy “bỏ rơi” mặt trận Afghanistan nên nay mới ra nông nỗi.
Bài chuyển ngữ dưới đây từ một bài viết đăng tải từ tháng Tư năm nay trên tạp chí The Atlantic, “The Original Sin of the War in Afghanistan” của tác giả Jonah Blank. Ông Blank nguyên là một cố vấn chính sách trong vùng Châu Á bao gồm cả Afghanistan trong thời gian xẩy ra vụ tấn công 9/11. Sau khi quân đội Mỹ và đồng minh NATO lật đổ chế độ Taliban và đặt tổng hành dinh tại đây, ông Blank đã tiếp tay cố vấn các công trình nhằm ổn định tình hình chính trị và cải thiện đời sống của dân Afghan trong một thời gian đầu kéo dài chưa tới hai năm thì chính phủ của TT Bush khởi động cuộc chiến tại Iraq nhằm theo đuổi một mục tiêu hạn hẹp thay vì củng cố lực lượng chống khủng bố từ Afghanistan, vốn là mục tiêu hàng đầu của việc Mỹ đem quân vào quốc gia này. Bài viết vẽ lại bối cảnh hậu trường chính trị trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Aghanistan mà ta thẩy đều đã quên hoặc không được biết chi tiết hồi ấy, và công cuộc canh tân ngắn ngủi của Hoa Kỳ tại nơi nguyên là sào huyệt của quân khủng bố al-Qaeda, là tổ chức đã tấn công vào lãnh thổ Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tác giả Blank cũng bầy tỏ ở cuối bài một niềm hy vọng –tuy có vẻ mong manh, song vẫn là hy vọng – trong bối cảnh khá bi quan cho dân Afghan trước việc Mỹ và đồng minh rút khỏi vùng đất nhiều khổ đau này. Bài viết cũng mô tả thái độ của TT Biden khi còn là một thượng nghị sĩ đối với hai cuộc chiến này, và suy diễn của tác giả về việc sử dụng quân lực Mỹ thận trọng hơn của TT Biden trong những năm tới.
Là người Việt đã từng có kinh nghiệm về các nỗ lực kiến quốc trong thời chiến của Miền Nam, để rồi cuối cùng phải bỏ nước ra đi, ta không thể không đồng cảm với dân Afghan khi đọc bài này. Xin thành khẩn cầu mong vẫn có sự tốt lành may mắn đến với dân tộc Afghan, nhất là giới phụ nữ. –Trùng Dương
Ảnh Andrew Harnik / Tauseef Mustafa / AFP / Getty / The Atlantic
Tội tổ tông của cuộc chiến tại Iraq là [Mỹ] đã tham chiến tại Iraq. Và tội tổ tông của cuộc chiến tại Afghanistan là đã tham chiến tại Iraq.
Vào tháng Chín 2001, khi Joe Biden còn là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Thượng viện, lúc ấy tôi [Blank] đang làm cố vấn về chính sách cho vùng Á đông gồm cả Afghanistan. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 11 tháng 9, tôi cảm thấy chắc chắn là tổ chức al-Qaeda (lúc ấy đặt bản doanh bên trong Afghanistan) nằm đằng sau các cuộc tấn công này—thế nhưng chúng ta lại kết thúc bằng cuộc đổ bộ Iraq.
Lúc ấy là thời khoảng một năm rưỡi trước cuộc đổ bộ này. Và đây chính là thời kỳ duy nhất sứ mệnh của ta tại Afghanistan có cơ hội tiến hành tốt hơn cả. Tuần này [giữa tháng Tư 2021], Tổng thống Biden tuyên bố rút toàn lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày đầy 20 năm của biến cố 9/11. Để hiểu rõ về quyết định rút quân này, ta cần hiểu lý do của quyết định đưa quân vào—và làm thế nào mà sự chọn lựa lúc đầu ấy lại bị xói mòn bởi quyết định xâm lăng một quốc gia khác.
Vào năm 2001, ngay cả thành viên háo chiến nhất [của chính quyền Bush] cũng không muốn xâm lăng Afghanistan: Họ muốn xâm chiếm Iraq kìa. Phái tân bảo thủ (neoconservatives), như các viên chức Ngũ Giác Đài Paul Wolfowitz và Doug Feith, mang hoài bão lớn là tái dựng quốc gia [Iraq] theo hình ảnh của Mỹ. Phái cực bảo thủ (paleoconservatives), như Phó Tổng thống Dick Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, thì muốn lật đổ Saddam Hussein, dựng nên một chính phủ bù nhìn biết vâng lời, và từ đó làm nản lòng bất cứ kẻ thù nào trong tương lai. Cả hai phe cùng nhìn Afghanistan như một chướng ngại vật cho biến cố chính, song họ áp dụng cùng căn bản lý luận như nhau.
Ông Biden không thuộc phe nào trong hai phe kể trên. Ông bác bỏ cả hai tham vọng không thực tế của phe tân bảo thủ và cả cái thực tế không tham vọng của phe cực bảo thủ. Quyết định hỗ trợ cuộc tiến quân vào Afghanistan và nếp suy nghĩ của ông được khai triển cùng lúc với cuộc chiến kéo dài đã cho thấy việc ông sẽ giải quyết các vấn đề quân sự ra sao trong tương lai.
Chọn lựa hàng đầu của các nhà làm chính sách Mỹ phải làm vào năm 2001 là làm thế nào để đối phó với một cuộc tấn công trên chính đất Mỹ. Không làm gì cả hiển nhiên không phải là một lựa chọn. Nhiều vị trong Quốc Hội cổ võ cho chiến dịch đánh bom oanh tạc mà thôi, song giới chiến lược gia chuyên môn thì cho việc đó vô ích: Nhóm lãnh đạo al-Qaeda thì đã lẩn trốn trong các hang động, và quân Taliban thì chẳng có hạ tầng cơ sơ nào đáng để đánh bom cả.
Vào ngày 22 tháng Mười năm ấy, ông Biden đọc một bài diễn văn nhấn mạnh là các mục tiêu của Hoa Kỳ—đánh bật gốc rễ al-Qaeda và giúp thiết lập một chính quyền thân thiện đối nghịch với một Taliban gây hấn—đòi một số quân nhiều hơn là số quân của Lực lượng Đặc biệt lúc ấy đang có mặt tại Afghanistan. Ông tỏ sự lo ngại là chiến dịch oanh tạc từ trên cao độ 30,000 feet sẽ chỉ giết nhiều dân lành mà không đạt được mục tiêu mong muốn; mà một hành động như thế chỉ khiến Mỹ trông giống như một “tên hiếp đáp bằng kỹ thuật cao,” ông nói, và như thế sẽ dần khiến dân Hồi giáo khắp thế giới xa lánh. Các nhà dân cử Cộng Hoà đã chỉ trích Biden, nhưng các tiên đoán của ông đã cho thấy là thực tế đã diễn ra như vậy. Khối lượng bom đổ xuống Afghanistan chưa hề được kết toán, song riêng vào năm 2019 tổng số 7,423 quả bom đã đổ xuống nơi này, và quân Taliban chưa cho thấy dấu hiệu đầu hàng.
Biden tuy thế không hề có ý niệm gì về việc làm một cuộc kiến quốc toàn diện. Như ông nói tại hội trường Thượng Nghị viện ngay sau chuyến tham quan đầu tiên tại Afghanistan, “Ta không nói tới việc biến Kandahar thành Paris.” Song ông thực tin là nếu Hoa Kỳ xâm lăng một quốc gia thì phải có bổn phận đạo đức và chính trị hành xử cho đúng đối với dân bản xứ. Ông là chính khách Mỹ đầu tiên đã đề nghị một tỉ Mỹ kim viện trợ cho việc tái thiết.
Một tỉ Mỹ kim ư? Ngày nay, sau khi Hoa Kỳ đã tiêu 1,000 lần hơn tại Afghanistan, con số này nghe giống như mớ tiền lẻ. Thế nhưng khi ông Biden đưa ra đề xuớng đó vào ngày 3 tháng Ba, 2001, nó lớn gấp hơn ba lần con số chính quyền Bush đề nghị dài theo nhiều tháng sau đó cộng lại. Vậy mà ông Biden bị chống đối kịch liệt. Tôi biết—vì là kẻ đã đề nghị con số [1 tỉ Mỹ kim] với ông sếp của tôi và đã phải chuẩn bị các lý lẽ biện minh tại sao nên cam kết một số tiền lớn như vậy, và có thể cả sinh mạng lính Mỹ trong tương lai, là hợp lý:
Ta không có chọn lựa nào khác ngoài một cuộc xâm lăng. Nếu không, đã hẳn là ta để mặc al-Qaeda tồn tại và tiếp tục tính kế tấn công Hoa Kỳ ác liệt hơn.
Nếu ta xâm lăng một quốc gia, ta có bổn phận đạo đức là gây tổn thương cho kẻ thù chứ không phải cho thường dân vô tội. Người dân Afghan đã đau khổ quá rồi: Nếu ta định đổ bộ vào đó thì ta nên làm cho đời họ khấm khá hơn mới phải.
Về phương diện chính trị toàn cầu, ta không nên để thế giới thấy ta là một con ngoáo ộp—không chỉ tại Afghanistan mà cả trong thế giới Hồi giáo. Ta không thể “thắng” một cuộc chiến tại chiến trường mà lại thất bại trong một cuộc chiến lớn hơn nhằm tạo ảnh hưởng trên sân khấu hoàn vũ được.
Ông Biden đã trang bị cho những ý niệm trên bằng sự thực tại chỗ sớm hơn bất cứ vị dân cử nào. Vào ngày 10 tháng Một, 2002, chỉ vài tuần sau khi quân Taliban chạy khỏi Kabul, ông tới Afghanistan cho một chuyến tham quan thu thập thông tin dài bốn ngày. (Thượng Nghị sĩ John McCain trước đó đã được phép thăm viếng, song chỉ được vài tiếng và phần lớn thời gian bị hạn chế trong vòng đai căn cứ không quân Bagram.) Chúng tôi tá túc ban đêm với Thủy quân Lục chiến tại tòa đại sứ Mỹ đã bị bom phá hoại, và ban ngày thì đi quanh thành phố đã bị tàn phá bởi hai thập niên nội chiến. Trên một bức tường của tòa đại sứ, lồng trong mấy khung hình bám đầy bụi và kính rạn nứt là chân dung của Ronald Reagan và George Shultz—vị tổng thống và bộ trưởng ngoại giao thời toà nhà này được sử dụng lần cuối.
Chủ trương tiếp cận của ông Biden là nghiêng tới phía trước nhưng không kỳ vọng một cách thiếu thực tế: Đưa vào vừa đủ quân để diệt al-Qaeda và ngăn không cho Taliban trở lại cầm quyền trước khi một chính phủ được thiết lập; viện trợ đủ để giúp một dân tộc đã quá lầm than tan tác đứng lên được và tự lập; và các nỗ lực này phải có sự góp sức của nhiều quốc gia. Có thể nào chủ trương này sẽ hữu hiệu?
Có—nó đã tỏ ra hữu hiệu. Trong khoảng hai năm sau khi quân Taliban bị lật đổ, và đó chính là con đường mà quốc gia này theo đuổi lúc đó. Vào tháng Tám 2002, tôi đi tới mọi ngõ ngách của Afghanistan, không có ông sếp của tôi cùng đi. Tôi tham quan Kandahar, Herat, Mazar-e-Sharif, và Kabul, do các tổ chức phi chính phủ (NGOs) giàn xếp và không cần phải có quân Mỹ hộ tống. Tôi thực hiện nhiều chuyến như vậy vào những năm sau này, nhưng không còn được đi lại tự do như trước. Cũng vậy đối với cả dân Afghan lẫn người nước ngoài: Đó chắc chắn không phải là thời vàng son—nhưng lại có vẻ như tạo nền móng cho một thời đại.
Cái gì đã thay đổi sau năm 2002? Gọn trong một chữ: Iraq. Tập trung của chính phủ Bush bắt đầu chuyển hướng trong vòng vài tuần sau khi Taliban bị loại, và kế hoạch xâm chiếm Iraq chiếm ngự hết mọi quan tâm. Quá ít quân số tại Afghanistan có nghĩa là an ninh tại đây không thực sự được thiết lập; quá ít tài trợ được sử dụng có nghĩa là chính phủ còn non nớt sẽ không thể tạo được tín nhiệm nơi người dân của họ; quá ít quan tâm của giới lập chính sách Mỹ có nghĩa là một định chế cai trị tập quyền đem áp đặt trên một quốc gia chưa-hề-có-hệ-thống-tập-quyền không thể ngăn được sự thoái hoá thành thói bao che dung túng bè phái, vô hiệu quả, và tham nhũng tràn lan. Sự thất bại vì [lúc đầu] đã không cung cấp đủ quân số, tiền bạc, và chỉ chú tâm vào bề nổi và kết quả là càng ngày càng phải tăng thêm quân số, đổ thêm tiền của, và sự tập trung dài theo cuộc chiến.
Khi quân Mỹ vượt biên giới vào Iraq, Afghanistan đã trở thành chuyện phụ của chính phủ Bush. Quân Taliban tái tập họp bên kia biên giới trong Pakistan và chẳng bao lâu trở lại tấn công. Osama bin Laden và các lãnh tụ al-Qaeda, sau khi tránh được mẻ lưới của Mỹ tại hang động Tora Bora, đã ẩn nấp an toàn gần đó. Không có được sự hỗ trợ hiệu quả của Hoa Kỳ trong thời kỳ then chốt (vài năm đầu ít ỏi chính là lúc sự cam kết thành hay bại), cuộc thí nghiệm mong manh tại Afghanistan ít có cơ hội thành đạt.
Có quá nhiều sự việc sai trái đã diễn ra trong những năm kế đó, và không thiếu sự trách cứ lẫn nhau. Tôi đã thấy ông Biden ngày càng thêm thất vọng: thất vọng với chính phủ ông Bush, với tổng thống Afghan lúc đó là ông Hamid Karzai, với tất cả những vị cố vấn lẽ-ra-phải-là-thông-thái (và cả với các cộng sự viên hiển-nhiên-là-thiếu-thông-minh), những người này không biết phải làm cách nào để công trình tại Afghan tiển triển có hiệu quả.
Ông Biden thấy mình ở bước đường cùng trong chuyến công tác cuối cùng tôi đi với ông khi ông còn giữ chức chủ tịch [Ủy ban Đối ngoại Thượng viện] vào tháng Một 2009. Sau chuyến viếng thăm tỉnh Kunar, nơi ông đã thấy cũng tình trạng dậm chân tại chỗ như đã thấy tại nhưng căn cứ khác vào năm trước đó, và bữa cơm tối với TT Karzai và cuộc trao đổi hơn-cả-gượng-gạo tương tự như lần viếng thăm trước, ông kết luận là không thể tiếp tục rơi vào các lỗi lầm trong những năm tới. Ông đã đi trước thời thế: Trên chục năm sau, nhiều nhân vật trong chính quyền Mỹ vẫn chưa muốn bỏ Afghanistan.
Cái gì sẽ xẩy ra bây giờ đây? Hoa Kỳ có một món nợ đạo đức đặc biệt đối với hàng ngàn người Afghan đã liều mạng cộng tác với quân đội và dân chính Mỹ, và họ (cũng như những người Iraq trong cùng hoàn cảnh) phải được giúp di cư nếu họ muốn. [Việc này đã được giải quyết gần đây khi chính phủ Biden tuyên bố sẽ bắt đầu di tản thành phần này bắt đầu vào cuối tháng Bẩy.-TD]
Thế nhưng câu hỏi lớn hơn là cái gì sẽ xẩy ra cho chính quốc gia Afghanistan. Cái đó tùy thuộc nơi người dân Afghan, như trước kia vẫn thế. Dân Afghan sẽ phải rèn tạo lấy tương lai mình trong những tình huống khó khăn hơn nhiều so với trước nếu cái xã hội dân sự mong manh của họ đã có được cơ hội đâm rễ một thập niên về trước. Cái khoảng không gian cần thiết cho việc mọc rễ ấy, tiếc thay, đã không được đáp ứng vì nguồn tài trợ của Hoa Kỳ đã bị đem đổ vào cuộc chiến Iraq.
Có nhiều triển vọng Afghanistan sẽ lại rơi vào tình trạng vô chính phủ đẫm máu của thập niên 1990. Thế nhưng cũng có nhiều triển vọng là việc đó sẽ không xẩy ra. Như Phó TT Amrullah Saleh gần đây nhận định là Afghanistan hiện đã có một thế hệ lớn lên không bị Taliban kềm kẹp, và họ sẽ không dễ dàng để mất các quyền tự do đã có. “Số phận của đất nước chúng tôi,” ông nói, “không nằm trong chuyến bay trực thăng cuối cùng của Mỹ.” Việc rút quân của Hoa Kỳ không cùng ra đi với sự hỗ trợ của Mỹ đối với chế độ mà, mặc dù những khuyết điểm của nó, vốn vẫn là một chính quyền tạm coi như hữu hiệu nhất mà Afghanistan có được từ khoảng nửa thế kỷ qua, và là một chính quyền có tính đại diện của nhiều thành phần xã hội nhất trong lịch sử.
Hôm nay, chân dung treo trong toà đại sứ là của TT Biden và Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken—người đã trở thành chánh văn phòng của ông Biden ở Thượng viện khoảng một năm sau chuyến tham quan Afghanistan năm 2002, và là người đã giúp định hướng cái nhìn về Afghanistan của ông Biden từ đó. Nếu chính phủ ông Biden tài trợ Afghanistan đủ, theo sát việc quản trị, và dùng áp lực ngoại giao trên các láng giềng ưa xen vô chuyện của quốc gia này, thì có thể giúp chính qyyền của TT Ashraf Ghani vượt qua các thử thách suôn sẻ hơn là những kẻ bi quan vẫn lo ngại. Với một chú tâm và nỗ lực, khi ông Biden rời văn phòng tổng thống, có thể chân dung của ông cũng vẫn còn treo tại toà đại sứ ở Kabul.
Jonah Blank tốt nghiệp ngành sử tại Đại học Yale và nhân chủng học tại Đại học Harvard. Ông là một tác giả, nhà báo và chuyên gia về chính sách đối ngoại, chú trọng tới các vấn đề văn hoá và lịch sử thuộc vùng Nam Á châu gồm các nước như Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, và Maldives.
(Nguồn: damau.org)