Các mảng vụn của chiếc máy bay Boeing 777, số hiệu MH17, của hãng hàng không Mã Lai Á, khi bị nổ tung trên không phận phía đông của Ukraine. Nguồn: EPA / ALYONA ZYKINA/EPA

 

 

QUỐC TẾ - Úc và Hoà Lan tiến hành vụ kiện Nga, qua vụ bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không Mã Lai mang số hiệu MH-17. Hành động nầy được xem là một sự leo thang từ toán điều tra do Hoà Lan dẫn đầu, nhằm truy tố những cá nhân có trách nhiệm trong vụ tấn công nói trên.

 

Nước Úc và Hoà Lan đang khởi động hành động pháp lý chống lại Liên bang Nga, về vụ bắn rơi chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia vào năm 2014.

 

Được biết chiếc máy bay Boeing 777, đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào ngày 14 tháng 7, thì bị bắn rơi ở miền đông Ukraine bởi những gì các công tố viên nói là, một hỏa tiễn hành trình Buk do phiến quân thân Nga bắn.

 

Tất cả 298 người trên máy bay, bao gồm 38 người Úc, đã chết.

 

Ngoại Trưởng Úc bà Marise Payne đã thông báo về việc này vào tối thứ Hai 14 tháng 3.

 

Bà Marise Payne nói “Chúng tôi thông báo rằng, chúng tôi đã khởi xướng các thủ tục pháp lý chống lại Liên bang Nga trong Tổ chức Hàng không Dân Sự Quốc tế, về vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vào năm 2014".

"Đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến vì sự thật, công lý và trách nhiệm cho tất cả các nạn nhân của MH17, bao gồm 38 người đã gọi nước Úc là quê hương”.

 

Được biết các thủ tục pháp lý đang được tiến hành, thông qua Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế, vốn là một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc.

 

Cả Úc và Hoà Lan đều cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công theo luật pháp quốc tế, trong khi đó Nga chối bỏ trách nhiệm.

 

Giám đốc chương trình Các vấn đề Quốc tế và An ninh của Viện Nghiên Cứu Úc Châu là ông Allan Behm cho biết, tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

 

Allan Behm nói “Bây giờ trong trường hợp của hành động cụ thể này, Hoà Lan và Úc đang nói với Nga rằng, 'Quí vị cũng phải tuân thủ tất cả các quy tắc,' và đó là lý do tại sao điều này rất quan trọng đối với chúng tôi, về vấn đề nầy với Tổ chức Hàng không Dân Sự Quốc tế ở Montreal, để vấn đề được lắng nghe và thực hiện một số hành động nhằm bảo đảm rằng, Nga phải đáp ứng các nghĩa vụ của mình đối với chuyến bay đó của Malaysia Airlines".

 

"Thế nhưng quan trọng hơn nữa, là tuân thủ tất cả các quy tắc để chắn chắn rằng, chuyện đó không bao giờ xảy ra nữa”.

 

Được biết hành động pháp lý đang được nước Úc và Hoà Lan thực hiện, khác với việc Đội Điều tra chung Hoà Lan viết tắt là JIT truy tố 4 cá nhân, gồm 1 người Ukraine và 3 người Nga bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Trong khi đó hành động pháp lý này nhắm mục tiêu vào nhà nước Nga, thay vì các cá nhân.

 

Ông Daniel Flitton là biên tập viên của tờ Interpreter tại Viện Lowy và là một cựu phân tích gia tình báo cho biết, Úc đã báo trước mong muốn được nhìn thấy công lý cho các nạn nhân từ lâu.

 

Ông Daniel Flitton nói “Điều rõ ràng là ở đây, cũng là một phần của chiến thuật gây áp lực lên Nga về những gì đang xảy ra với chính Ukraine".

 

"Nga đã ngừng đàm phán với các nhà điều tra Úc và Hoà Lan cách đây khoảng 18 tháng".

 

"Một phần là do Nga đang che giấu chủ quyền của mình khi nói rằng, họ không công nhận quyền tài phán của cuộc điều tra và họ cũng tuyên bố rằng, họ không liên quan gì đến vấn đề đó".

 

"Nga không còn tôn trọng Ukraine vào lúc này, vì vậy thật là mỉa mai và cay đắng”.

 

Còn ông Allen Behm thuộc Viện Nghiên cứu Úc Châu nói rằng, có một số bước cần thực hiện trong vụ nầy.

 

Ông nói “Có một thủ tục được đặt ra trong hiệp định mà các quốc gia hoạt động theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế gọi tắt là ICAO".

 

"Việc này bây giờ sẽ trải qua một loạt các phiên điều trần, đây là những điều quan trọng vì vấn đề thực tế sẽ phải được thiết lập lại".

 

"Chuyện đó đã thông qua tòa án ở Hoà Lan, nhưng sẽ phải được thiết lập lại để đạt được sự hài lòng của ICAO và sau đó trong chính ICAO, một ban Hội thẩm sẽ xem xét những sự kiện này và đi đến một quyết định”.

 

Người ta hy vọng thủ tục pháp lý mới nầy có thể mang Nga trở lại bàn thương thuyết.

 

Được biết Nga đã rút khỏi các cuộc hội đàm về chuyện máy bay MH-17 hồi tháng 10 năm 2020.

 

Tổng Trưởng Tư pháp Úc là bà Michaelia Cash cho biết, các cuộc thương thuyết với Nga đã bị bế tắc, bất chấp những nỗ lực hết sức mạnh mẽ.

 

Bà Michaelia Cash nói “Vì vậy chúng tôi kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân Sự Quốc tế hay ICAO, với tư cách là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề này để hoàn thành nhiệm vụ của mình và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động nghiêm trọng của họ, trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 và điều đó đã kéo theo thiệt hại nhân mạng hết sức thương tâm”.

 

Trong khi đó Thượng nghị sĩ Payne nói rằng, mọi giải pháp đều được theo đuổi.

 

Bà nói “Nga cho đến nay đã từ chối thừa nhận và chịu trách nhiệm về vai trò rõ ràng của họ trong vụ việc kinh hoàng này".

 

"Chúng tôi luôn nói rằng, tất cả các lựa chọn pháp lý đã được đưa ra bàn thảo".

 

"Sau khi Úc và Hoà Lan giải quyết vào năm 2018 rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi của chuyến bay MH17, chúng tôi theo đuổi các cuộc đàm phán 3 bên một cách thiện chí với Nga, nhằm cố gắng đạt được một kết quả".

 

"Thế nhưng Nga đã từ chối quay trở lại các cuộc đàm phán đó, bất chấp các yêu cầu rất nhiều lần của chúng tôi”.

 

Khi được hỏi về chuyện này, Ngoại Trưởng Hoà Lan là ông Wopke Hoekstra cho biết.

 

Ông Wopke Hoekstra nói “Hiện tại, chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì, thế nhưng chúng tôi muốn tiếp tục con đường tư pháp hình sự, thông qua Tòa án Nhân quyền Châu Âu và chúng tôi cũng muốn tiếp tục con đường thông qua Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng nó cũng có khả năng là một con đường đầy hứa hẹn”.

 

Sau cùng Giám đốc chương trình Các vấn đề Quốc tế và An ninh của Viện Nghiên Cứu Úc Châu là ông Allan Behm cho biết, trong khi quá khó để dự báo tương lai nhưng ông lại tin rằng, không có khả năng Nga sẽ thừa nhận trách nhiệm hoặc theo đuổi việc bồi thường.

 

Ông Allan Behm nói “Tuy nhiên, đây là điều rất quan trọng đối với nước Úc và Hoà Lan".

 

"Bởi vì chúng tôi khẳng định rằng, các loại quy tắc quốc tế này nằm ở trọng tâm của cách các quốc gia nên đối phó với nhau và chúng nằm ở trọng tâm của cách thức công dân của chúng tôi vẫn được an toàn, khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác".

 

"Chúng tôi phải có mức độ tin cậy, khi có thể đi từ Kuala Lumpur đến Luân Đôn và có thể từ nơi này đến nơi khác một cách an toàn”.