Một tiêm kích cơ của Pháp trên hàng không mẫu hạm Charles-De-Gaulle, ngày 23/02/2025, ngoài khơi Phi Luật Tân. AP - Jim Gomez

 

 

ÂU CHÂU - Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Âu châu, ngày 10/07/2025, đã có một diễn biến quan trọng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong chuyến công du Anh, đã cùng thủ tướng Keir Starmer thông qua một thỏa thuận về việc tiến tới thiết lập cơ chế hợp tác về hệ thống võ khí nguyên tử răn đe, trong bối cảnh đe dọa từ Nga gia tăng.

 

 

Việc phối hợp võ khí nguyên tử răn đe không chỉ nhằm để hai nước tự vệ trước Nga, mà đặc biệt hướng tới nâng cao năng lực tự vệ của Âu châu trong bối cảnh Mỹ có nguy cơ rút một phần đáng kể các cam kết bảo vệ Âu châu. Tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp, Anh có mang lại một thay đổi chiến lược đối với kiến trúc an ninh Âu  châu hay không?

 

 

Đe dọa Nga và thay đổi lớn trong « học thuyết võ khí nguyên tử » của Pháp và Anh

Về phối hợp võ khí nguyên tử răn đe Pháp – Anh, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố: « Về võ khí nguyên tử, chúng tôi đã đưa ra ba quyết định quan trọng. Vấn đề trước hết liên quan đến học thuyết của hai nước chúng ta. Chúng tôi thừa nhận hai nước Pháp và Anh chúng ta không thể tưởng tượng ra một tình huống đe dọa cực kỳ nguy hiểm nào đối với Âu châu nào mà không khiến chúng tôi phải phản ứng nhanh chóng, bất kể bản chất của phản ứng đó là gì. Quyết định thứ hai là chúng tôi không loại trừ việc phối hợp các lực lượng răn đe nguyên tử của nhau. Đây là một thông điệp mà các đối tác và đối thủ của chúng ta cần lắng nghe. Thứ ba là tăng cường hơn nữa hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực răn đe nguyên tử, về mặt chánh sách, về mặt lực lượng hay về mặt hoạt động. »

 

Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Anh, Pháp nêu rõ « đây là lần đầu tiên các lực lượng răn đe nguyên tử độc lập của hai nước có thể được phối hợp với nhau ». Theo tổng thống Pháp, đây là một quyết định « chưa có tiền lệ ». Đài Pháp France Info dẫn lại đô đốc Jean-Louis Lozier, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), xem đây là « bước tiến lớn » trong học thuyết nguyên tử, « đặc biệt về phía Pháp ».

 

Vị cố vấn của Ifri nhấn mạnh « trước tuyên bố này, chúng ta chưa bao giờ cân nhắc đến việc phối hợp lực lượng răn đe nguyên tử với các đồng minh, mặc dù chúng tôi có cùng chung lợi ích ». Paris và Luân Đôn từng ký một tuyên bố chung năm 1995, nêu rõ, « không có tình huống nào mà lợi ích sống còn của một bên bị đe dọa mà lợi ích sống còn của bên kia không bị đe dọa », nhưng văn bản này không đề cập đến năng lực răn đe nguyên tử. Chuyên gia Jean-Louis Lozier tin tưởng chủ trương phối hợp răn đe nguyên tử « có thể cho phép hai cường quốc nguyên tử Âu châu đáp trả trong trường hợp Hoa Kỳ phản ứng hơi chậm » trước một cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh Âu châu.

 

 

Chánh quyền Trump, một đối tượng chính của thông điệp hợp tác Pháp-Anh

Trong một cuộc tọa đàm của France Info về chủ đề này, được tổ chức sau tuyên bố của hai lãnh đạo Anh, Pháp, chuyên viên phân tách địa chiến lược Michel Fayard nhận định:

« Ở đây cũng có một thông điệp được gửi đi, vượt ra ngoài lãnh đạo Nga Vladimir Putin, mà đặc biệt là tới Donald Trump bởi, vì tình thế mà chúng ta đang sống hiện nay thực sự rất giống với thời điểm khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Khi Pháp và Anh, những đồng minh của Israel vào thời điểm đó, đã có phần bị người Mỹ phản bội. Hiện nay, nước Mỹ cũng muốn rút lui, ít nhất là một phần, khỏi các cam kết của họ với Âu châu. Họ vẫn còn ở trong NATO, nhưng muốn các đối tác của mình phải trả nhiều tiền hơn. Họ cũng muốn bán võ khí của mình và không viện trợ võ khí cho nước này hay nước khác.

 

Vì vậy, hiện nay, điều rất quan trọng đối với Pháp và Anh là xác lập một Thỏa thuận Liên kết mới (Entente Cordiale), thực sự củng cố sức mạnh của hai nước, không chỉ của Pháp và Anh, mà còn của toàn bộ Âu châu. Điều rất quan trọng là cả hai đều phải làm như vậy, vì họ là hai quốc gia duy nhất ở Âu châu có võ khí nguyên tử hiện nay. Ngay cả khi Đức muốn luân chuyển võ khí nguyên tử ở Âu châu, điều này là không thể chấp nhận được đối với Pháp, cũng như với Anh. »

 

Pháp và Anh sẽ phối hợp ra sao trong chiến lược răn đe nguyên tử? Theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, « một nhóm giám sát nguyên tử » (groupe de supervision nucléaire) sẽ được Paris và Luân Đôn thành lập, và do phủ tổng thống Pháp và văn phòng chánh phủ Anh đồng chủ trì, theo chuyên gia nghiên cứu Héloïse Fayet, tổ chức tư vấn Ifri. Nhóm giám sát nguyên tử này sẽ chịu trách nhiệm « điều phối sự hợp tác ngày càng tăng trong các lĩnh vực chánh sách, năng lực và hoạt động ». Theo chuyên gia Héloïse Fayet, việc phối hợp có thể liên quan đến việc tổ chức các cuộc tập trận.

 

Về mặt nguyên tắc, việc phối hợp hệ thống nguyên tử sẽ giúp cho sức mạnh răn đe của Pháp, với 290 đầu đạn và của Anh, với 225 đầu đạn, có trọng lượng hơn trước Nga. Hai kho võ khí nguyên tử của Pháp và Anh cộng lại nhỏ hơn nhiều so với hệ thống võ khí của Nga, với hơn 6.000 đầu đạn, nhưng « điều quan trọng là hệ thống răn đe phải đáng tin cậy trong mắt các đồng minh và đối thủ của chúng ta », bà Héloïse Fayet nhấn mạnh.

 

 

Chặng mới trong hợp tác quân sự mật thiết, lâu đời Anh Pháp

Quyết định có ý nghĩa lịch sử về việc phối hợp lực lượng răn đe nguyên tử Pháp, Anh, được đưa ra ngày 10/07/2025, trên thực tế nằm trong quan hệ hợp tác quân sự lâu đời giữa Paris và Luân Đôn, được xác lập từ đầu thế kỉ 20. Hợp tác về răn đe nguyên tử nói riêng và quốc phòng nói chung giữa Anh và Pháp có thể trở thành một trụ cột của an ninh Âu châu. Ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch viện nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại Âu châu (Institut Prospective et Sécurité en Europe - IPSE), nhận định:

« Ý tưởng mở rộng hợp tác này không chỉ liên quan đến Pháp và Anh, hai nước chiếm đến 40% phương tiện và lực lượng có thể khai triển tại Âu châu. Điều này không có nghĩa là các nước khác kém hơn, nhưng rõ ràng có một quyết tâm chánh trị đã được tái khẳng định trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Northwood, một căn cứ của NATO, ở Anh. Ý tưởng vốn đã được Jacques Chirac đưa ra tại thượng đỉnh năm 1998 tại Saint-Malo, thường được gọi là Thỏa thuận Liên kết Pháp – Anh lần thứ hai kể từ năm 1904, là năm mà Pháp và Anh xác lập « Entente Cordiale ». Vì vậy, chúng ta đang từng bước tiến tới ý tưởng rằng Anh và Pháp, gắn bó mật thiết, tạo ra thành phần cốt lõi của Âu châu về quốc phòng, không chỉ của Liên Hiệp Âu Châu, mà của Âu châu, vì Anh không nằm trong EU. Hiện tại còn rất nhiều điều không rõ ràng về những diễn biến tiếp theo ».

 

 

Phối hợp, nhưng độc lập trong quyết định xử dụng: Những giới hạn của hợp tác

Theo giới chuyên gia, tuyên bố ngày 10/07 về phối hợp răn đe nguyên tử Pháp – Anh trước hết mang ý nghĩa chánh trị là chủ yếu. Để việc hợp tác thực sự có thể diễn ra cần những điều chỉnh cụ thể về học thuyết nguyên tử của hai nước cũng như các chiến lược, phương tiện, cho phép phối hợp. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Pháp Cnews, tướng Jean-Paul Paloméros, cựu tư lệnh khối NATO, cựu tư lệnh Không quân Pháp, nhấn mạnh đến mối quan hệ phụ thuộc của Anh vào Mỹ về chiến lược nguyên tử, như một trở ngại lớn cho các hợp tác Anh – Pháp :  

« Ở đây có một vấn đề lớn, đó là sự phụ thuộc của nước Anh vào nước Mỹ. Điều quan trọng cần biết là cho đến nay, Anh chỉ có một lực lượng nguyên tử, đó là bốn tiềm thủy đỉnh được trang bị hỏa tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử, nhưng trong trường hợp này, những hỏa tiễn này là hỏa tiễn Trident, tức của Mỹ. Vì vậy, chúng ta thấy sự phụ thuộc của Vương quốc Anh vào Mỹ bất chấp mọi thứ. Vương quốc Anh, và đây là một yếu tố quan trọng của hồ sơ, cũng vừa quyết định hành động như một nước Âu châu, nghĩa là nhận lấy một trách nhiệm liên quan đến sức răn đe nguyên tử của NATO. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những tiêm kích cơ F-35, mà Anh mua từ Hoa Kỳ, sẽ mang theo bom nguyên tử, bản thân chúng là của Mỹ, do đó việc xử dụng nằm trong phạm vi cho phép của Donald Trump. Vì vậy, chúng ta cảm thấy cùng lúc có sự tăng cường, có những giới hạn của nó. Đây là điều cần hiểu rõ! »

 

 

Cảnh giác trước lập trường "bắt cá hai tay" của Anh

Về nguy cơ Anh phụ thuộc vào Mỹ cản trở các phối hợp với Pháp, thượng nghị sĩ Christian Cambon, đặc phái viên của chủ tịch Thượng Viện Pháp về quan hệ quốc tế, giải thích:  

« Tôi nghĩ rằng sự phối hợp đang được đề cập ngược lại cũng có thể sẽ cho phép người Mỹ trở lại cuộc chơi, đáng buồn thay, khi Anh Quốc gần đây đã mua tiêm kích cơ F-35 có thể mang hỏa tiễn của Mỹ. Vì vậy, tôi muốn nhắc nhở các vị rằng có sự khác biệt lớn giữa hai lực lượng của chúng ta, giữa hai thành phần răn đe nguyên tử của Pháp và Anh. Về phía Pháp, chúng ta có toàn quyền quyết định, một quyền quyết định từ trên xuống, từ tổng thống. Ở Anh thì không phải như vậy. Người Mỹ vào một thời điểm nào đó có thể can thiệp. Vậy nên điều này sẽ gây ra vấn đề, vì lần này không phải là một ‘‘cuộc hôn nhân của hai người’ mà là của ba người, đặt ra một vấn đề thực sự. Tướng de Gaulle trước đây đã từng cảm nhận được điều này. Đó là lý do tại sao ông đã rút Pháp khỏi Ủy ban Kế hoạch phòng thủ của khối NATO, ủy ban Kế hoạch nguyên tử của khối NATO. »

 

Nước Anh cách đây không lâu đã đứng về phía Mỹ trong vụ tước đoạt hợp đồng tiềm thủy đỉnh trị giá 50 tỉ đô-la với Úc. « Chủ nghĩa thực dụng kiểu Anh », và sự phụ thuộc của Anh vào Mỹ cũng là điều mà chuyên viên phân tách địa chiến lược Michel Fayard nhấn mạnh: « Trong mọi trường hợp, thách thức thực sự đối với Vương quốc Anh là thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ về nguyên tử. Có lẽ việc hợp tác với Pháp có thể giúp điều này trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề nan giải ở đây là người Anh thường chơi trò hai mặt, nghĩa là cùng lúc chơi cả quân bài Âu châu và quân bài Mỹ. Họ gọi đó là ‘‘chủ nghĩa thực dụng’’. Vâng, có thể nói đó là chủ nghĩa thực dụng kiểu Anh. »

 

 

Hướng đến hệ thống răn đe nguyên tử riêng của Âu châu?

Trên thực tế, việc Pháp chánh thức thiết lập với Anh chủ trương phối hợp các lực lượng răn đe nguyên tử nằm trong đường hướng chung của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được xác định đặc biệt rõ ràng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine: Xây dựng một sự tự trị về quốc phòng của Âu châu trong lòng NATO. Sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về mặt an ninh vào Mỹ đang đặt Liên Âu nói riêng và châu lục nói chung trước thử thách sống còn, vì các tham vọng của Nga không chỉ dừng ở Ukraine.

 

Tháng 3 vừa qua, tổng thống Macron đã nhấn mạnh đến việc Paris sẵn sàng đặt Âu châu dưới sự bảo vệ của hệ thống răn đe nguyên tử của Pháp. Thủ tướng Đức sau đó cũng phát tín hiệu hưởng ứng. Trong giới chánh trị và chuyên gia Âu châu, đã bắt đầu có nhiều thảo luận về ý tưởng xây dựng hệ thống răn đe nguyên tử của riêng Âu châu. Võ khí nguyên tử Âu châu hay lực lượng quốc phòng chung của Âu châu đang là các vấn đề gây rất nhiều bất đồng sâu sắc trong nội bộ Âu châu.

 

Chuyên gia về lịch sử chánh trị thế giới đương đại Gilles Richard, giáo sư danh dự các trường đại học, Đại học Rennes 2 (Pháp), trả lời phỏng vấn The Conversation, nhấn mạnh là việc hướng đến xây dựng một nền quốc phòng chung của khối đặt ra khẩn cấp vấn đề xây dựng « một quyền lực chánh trị chung », một thể chế kiểu liên bang, mà thiếu định chế này thì sẽ khó lòng mà có được một nền quốc phòng chung. Đe dọa từ Nga, nguy cơ bị Mỹ ngoảnh mặt, đang « đẩy Âu châu vào chân tường », theo sử gia Gilles Richard (bài về nền Quốc phòng Âu châu, hệ thống răn đe nguyên tử Pháp mở rộng : Phải chăng đây là một thời điểm de Gaulle mới / un nouveau moment gaullien, ngụ ý nhắc đến việc tổng thống de Gaulle trong thập niên 60 từng đề xuất đặt nước Đức dưới sự bảo trợ của nguyên tử Pháp).

 

 

Âu châu tăng cường răn đe nguyên tử và năng lực « đối thoại chiến lược » với Nga?

Âu châu– khu vực lâu nay nằm dưới cái ô nguyên tử của Mỹ, một thời tưởng như được hưởng nền hòa bình vĩnh viễn - đứng trước đe dọa bị tấn công, kể từ chiến tranh Ukraine. Võ khí nguyên tử, sau nửa thế kỷ bị quên lãng, đang bắt đầu được coi như một phương tiện tự vệ thiết yếu trước đại cường nguyên tử Nga. Nhìn chung, xét về viễn cảnh tăng cường năng lực tự trị quốc phòng của Âu châu, việc nước Pháp đạt được một thỏa thuận phối hợp răn đe nguyên tử với Anh vừa qua chỉ là bước đầu của việc xây dựng một kiến trúc an ninh Âu châu mới, trong đó vai trò của Mỹ có thể sẽ khác trước rất nhiều.

 

 

Trong giai đoạn trước chiến tranh Ukraine, các nước Âu châu đã gần như không có tiếng nói nào trong các « đối thoại chiến lược » với Nga. Võ khí nguyên tử răn đe Pháp – Anh có giúp dẫn đến một thế cân bằng chiến lược mới với Nga, giúp duy trì một nền hòa bình dựa trên thỏa hiệp? Liệu Pháp, Anh cùng các quốc gia trụ cột khác của Âu châu có vượt qua được các thách thức để xác lập được một hệ thống an ninh tập thể mới?

 

 

(Theo RFI)