Không quân Hoàng gia Mã Lai Á cho biết, hệ thống radar quân sự phát hiện các máy bay Trung Quốc vào khoảng trưa 31/5. Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein khẳng định, không nhượng bộ an ninh quốc gia. (Nguồn: Reuters)

 

 

 

 

MÃ LAI Á - Liên quan vụ việc 16 máy bay quân sự của Trung Quốc được cho là tiếp cận không phận Mã Lai Á, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein cho biết nước này sẽ trao công hàm phản đối và khẳng định không nhượng bộ an ninh quốc gia.

 

 

 

Huấn luyện thông thường hay hành động đe dọa chủ quyền?

Ngày 1/6, Không quân Malaysia cho biết, 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiếp cận “đáng ngờ” không phận Malaysia, đồng thời cho rằng, vụ việc là mối đe dọa đối với chủ quyền, cũng như an ninh hàng không của quốc gia này.

 

 

Tuy nhiên, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur phủ nhận mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng, đây chỉ là “hoạt động huấn luyện thông thường” của Lực lượng không quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

 

 

Theo Kyodo, Không quân Hoàng gia Mã Lai Á cho biết hệ thống radar quân sự phát hiện các máy bay Trung Quốc vào khoảng trưa 31/5. Các máy bay này đã đi vào vùng thông báo bay Kota Kinabalu (FIR), sau đó tiếp tục hướng thẳng vào vùng biển và vùng trời Mã Lai Á ở phạm vi chỉ cách bang Sarawak trên đảo Borneo khoảng 60 hải lý.

 

 

Không quân Mã Lai Á nhấn mạnh rằng, các máy bay Trung Quốc không liên lạc với kiểm soát viên không lưu khu vực dù đã được hướng dẫn nhiều lần. Cơ quan trên cũng tuyên bố, phi đội Trung Quốc - gồm các máy bay vận tải chiến lược Ilyushin Il-76 và Xian Y-20 - đã bay theo đội hình chiến thuật ở độ cao từ khoảng 7,000 – 8,000m so với mặt nước biển.

 

 

Trang Defense News đặt câu hỏi, không rõ liệu các máy bay của không quân Trung Quốc có liên lạc với các kiểm soát viên không lưu Singapore khi họ bay qua không phận quốc tế mà nước này quản lý hay không, trong khi các trang mạng theo dõi chuyến bay cho thấy một máy bay cảnh báo sớm trên không mẫu Gulfstream G550, của Không quân Singapore, đã bay về phía Biển Đông ngay sau khi các máy bay của PLAAF xuất hiện trên radar của Mã Lai Á.

 

 

 

“Đặc biệt nghiêm trọng”

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, nước này sẽ trao công hàm phản đối và yêu cầu đại sứ Trung Quốc tại Mã Lai Á giải thích về việc “xâm phạm không phận và chủ quyền của Mã Lai Á”.

 

 

Tuyên bố của Ngoại trưởng Hishammuddin nhấn mạnh: “Lập trường của Mã Lai Á rất rõ ràng - duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện với tất cả các quốc gia không đồng nghĩa với việc nhượng bộ an ninh quốc gia”.

 

 

Trang mạng freemalaysiatoday.com dẫn lời lãnh đạo Hiệp hội quốc gia yêu nước Mã Lai Á, Mohamed Arshad Raji, cho rằng vụ việc ngày 31/5 là “đặc biệt nghiêm trọng”.

 

 

Ông Mohamed Arshad Raji tuyên bố: “Không phải là vấn đề chúng ta cần vaccine Covid-19 của Trung Quốc hay quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất,… Chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc của chúng ta đang bị đe dọa”.

 

 

Đại sứ quán Trung Quốc trước đó khẳng định, các máy bay của PLAAF chỉ thực hiện lịch trình huấn luyện thông thường và “tuân thủ chặt chẽ” luật pháp quốc tế, không hề xâm phạm không phận của các quốc gia khác.

 

 

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nói: “Trung Quốc và Mã Lai Á là những láng giềng thân thiện và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham vấn song phương thân thiện với Mã Lai Á để cùng nhau duy trì hòa bình, cũng như ổn định trong khu vực”.

 

 

Đây không phải là lần đầu tiên PLAAF tiếp cận Mã Lai Á, song chưa từng ghi nhận những hoạt động với lực lượng quy mô như trên.