Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị quân đội Mỹ bắn hạ ngoài bờ biển Surfside Beach, South Carolina, Mỹ vào ngày 04/02/2023. (Video quay bởi casual_Photoholic. Ảnh chụp màn hình bởi NTDVN)
QUỐC TẾ - Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Không quân Mỹ bắn hạ vào thứ Bảy tuần trước (4/2) có thể chỉ là một trong vô số sự cố đã được Bắc Kinh tính toán trước nhằm tăng khả năng thương lượng trong cuộc đàm phán tuần này với Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken.
Ngoại trưởng Blinken dự kiến công du Bắc Kinh vào ngày 5/2, nhưng đã phải hủy chuyến đi vào phút chót trước sự phản đối kịch liệt của công chúng Mỹ về việc Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ. Chuyến đi của ông ban đầu được lên kế hoạch trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11/2022.
Để hiểu lý do khiến giới chức Bắc Kinh mạo hiểm kích động sự phẫn nộ của công chúng Mỹ khi đưa một khinh khí cầu vào không phận nước này, chúng ta cần quay lại và xem xem chuyến thăm của ông Blinken tới Bắc Kinh ban đầu được lên kế hoạch như thế nào.
An ninh của Đài Loan là vấn đề trọng tâm trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập vào tháng 11/2022. Do đó, chuyến thăm của ông Blinken tới Bắc Kinh được cho là sự kiện tiếp nối cuộc hội đàm trước đó của lãnh đạo hai nước để hai bên dàn xếp các chi tiết an ninh bổ sung nhằm mục đích ủng hộ hòa bình ở Eo biển Đài Loan.
Mặt khác, Đài Loan vốn là một “lằn ranh đỏ” đối với chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn mạo hiểm chứng kiến cảnh ông Blinken rời khỏi bàn đàm phán với một thỏa thuận hòa bình tạm thời về Eo biển Đài Loan mà không phải trả giá đắt.
Theo cách tiếp cận của cái gọi là “ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh, có thể giới lãnh đạo Trung Quốc đã lên kế hoạch chiến lược cho một loạt sự cố sau cuộc họp G20, với mục đích tạo ra một cái giá đắt cho các cuộc đàm phán của ông Blinken tại Bắc Kinh.
Vào ngày lễ Giáng sinh năm 2022, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận tấn công đường không lớn nhất ở Eo biển Đài Loan, với 71 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận, trong đó 47 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan để khiêu khích hòn đảo.
Đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan được coi là đường biên giới trên thực tế giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Vào ngày 21/12/2022, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiếp cận trực tiếp một máy bay trinh sát của quân đội Hoa Kỳ đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Đông. Theo báo cáo từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, máy bay chiến đấu của Trung Quốc chỉ cách máy bay Hoa Kỳ 6 mét. Để tránh nguy cơ va chạm thực sự, máy bay Mỹ buộc phải đổi hướng bay.
Ngày 16/12/2022, tàu sân bay Liêu Linh của Trung Quốc dẫn đầu hai tàu khu trục đi qua eo biển Miyako và sau đó tiến hành một cuộc diễn tập tấn công hải quân ở khu vực cách Okinawa của Nhật Bản khoảng 240 km và cách đảo Guam 800 m. Cả Okinawa và Guam đều là nơi đặt căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.
Trung Quốc tuyên bố ‘Đài Loan là lằn ranh đỏ số 1’
Vào ngày 30/1, chỉ vài ngày trước chuyến thăm dự kiến của ông Blinken tới Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố rằng Đài Loan là "lằn ranh đỏ số 1" đối với Trung Quốc và ông Blinken không nên vượt qua lằn ranh này.
Bà Mao Ninh cũng cáo buộc Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và tạo điều kiện để cuộc chiến kéo dài quá lâu.
Sau lời phát biểu của bà Mao Ninh, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự khác vào ngày 31/1, lần này với 9 tàu chiến hải quân và 34 máy bay quân sự. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, 24 máy bay quân sự của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan vào ngày 30/1.
Cũng trong ngày 30/1, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, sẽ thăm Moscow vào ngày 20/2 để hoàn tất kế hoạch cho chuyến thăm mùa xuân của ông Tập. Mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa chính thức xác nhận chuyến thăm của ông Tập, nhưng tin tức này đã góp phần nâng tầm cho chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc.
Cùng với các hoạt động khác của Bắc Kinh, sự cố khinh khí cầu do thám có thể là sự cố mới nhất nhằm thử thách sức mạnh của chính phủ Hoa Kỳ và đảm bảo rằng ông Blinken sẽ phải trả giá đắt để ngồi vào bàn đàm phán ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tính toán sai một điều, đó là áp lực của dư luận Mỹ.
Giới chức Trung Quốc không bao giờ coi trọng ý kiến công khai của người dân nước này, bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể dễ dàng kiểm duyệt dư luận để đưa nó vào tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không ngờ rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Blinken phải hứng chịu áp lực dư luật lớn như vậy sau khi người Mỹ phát hiện ra một khinh khí cầu do thám Trung Quốc lơ lửng trên bầu trời của họ.
Sự phản đối kịch liệt của công chúng Mỹ đã trở thành giọt nước tràn ly cuối cùng, chấm dứt mọi khả năng Ngoại trưởng Blinken đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là: liệu ông Tập có tiếp tục chuyến công du tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Putin nữa hay không?
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net; Huyền Anh biên dịch)