Các thành viên của Phi đoàn Cơ động số 60 chuẩn bị rời Căn cứ Không quân Travis trong một nhiệm vụ giải cứu khẩn cấp đến bờ biển Thái Bình Dương của Nga, ở Fairfield, California, ngày 05/08/2005. (Ảnh: David W. Cushman/U.S. Air Force/Getty Images)

 

 

Á CHÂU THÁI BÌNH DƯƠNG - Mỹ đang có kế hoạch hồi sinh lại một sân bay trên đảo Thái Bình Dương để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực. Đây là nơi từng chứng kiến các vụ ném bom nguyên tử nhằm vào Nhật Bản trong Thế chiến II.

 

Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF), một đơn vị của Không quân Mỹ đồng thời cũng là bộ phận cấu thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực xây dựng tại Sân bay Bắc Tinian, một hòn đảo gần Guam, nơi tiếp đón phi đội máy bay ném bom B-29 lớn nhất trong Thế chiến II.

 

Ông Wilsbach nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia hôm 17/12 rằng “Nếu để ý trong vài tháng tới, quý vị sẽ chứng kiến sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt là ở Bắc Tinian”.

 

Ông Wilsbach cho biết quân đội Hoa Kỳ đang dọn sạch khu rừng rậm “từ nay đến mùa hè” và đường băng sẽ biến thành “một cơ sở rộng lớn” sau khi công việc xây dựng hoàn tất.

 

Chỉ huy PACAF không nêu rõ thời điểm sân bay sẽ hoạt động trở lại.

 

Đảo Tinian nằm cách đảo Guam khoảng 200 km về phía bắc và cách Tokyo khoảng 1.500 dặm (khoảng 2.400 km) về phía nam. Tinian là một trong ba hòn đảo thuộc Quần đảo Bắc Mariana, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ nằm ở góc tây bắc của Thái Bình Dương.

 

Sân bay Bắc Tinian từng là một trong những căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Mỹ, và là nơi phi đội máy bay ném bom B-29 lớn nhất của Mỹ trong Thế chiến II đồn trú.

 

Việc Mỹ hồi sinh tiền đồn này là nhằm thúc đẩy chiến lược hoạt động của lực lượng không quân được gọi là cơ chế chiến đấu linh hoạt. Chiến lược này nhấn mạnh việc điều động máy bay đến càng nhiều địa điểm càng tốt ở Tây Thái Bình Dương để tránh các cuộc tấn công tên lửa của kẻ thù.

 

 

Chiến lược Thái Bình Dương 2030

Hôm 11/9, ông Wilsbach đã công bố “Chiến lược PACAF 2030: Phát triển sức mạnh không quân”, nêu ra bốn ưu tiên cho khu vực Thái Bình Dương - bao gồm nâng cao lợi thế chiến đấu, thúc đẩy thế trận, tăng cường liên minh và quan hệ đối tác, cũng như định hình môi trường thông tin.

 

Chiến lược này đảm bảo "46.000 phi công và dân thường của các bộ chỉ huy tiếp tục phát triển năng lực trong các lĩnh vực như bố trí chiến đấu linh hoạt, tấn công trên biển, phi công đa năng, căn cứ kiên cố, chia sẻ thông tin và tình báo cũng như hậu cần đầy cạnh tranh”.

 

Ông Wilsbach cho biết PACAF sẽ trở thành một “cường quốc không quân đang phát triển” và đặt ra “tốc độ duy trì hòa bình và nếu cần thiết sẽ chiến đấu và giành chiến thắng”.

 

Ông nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi hiểu những thách thức vốn có trong việc tạo ra sức mạnh không quân trong môi trường tranh chấp, đồng thời nhận ra rằng điều đó khác về cơ bản so với việc triển khai sức mạnh từ các căn cứ trú ẩn an toàn”.

“Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc tăng tốc thay đổi, tận dụng sự đổi mới để mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ cũng như nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

 

Tài liệu phác thảo môi trường chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, môi trường này mở rộng sang các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ và “cách họ cố gắng phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thông qua các hành động cưỡng bức”.

 

Chiến lược nêu rõ: “Nếu khả năng ngăn chặn thất bại, PACAF sẽ sẵn sàng chiến đấu. Những ưu tiên hoạt động này phản ánh sự cấp thiết phải đẩy nhanh sự thay đổi nhằm đáp ứng những thách thức của thập kỷ quyết định này”.

 

Chính quyền ông Biden đã ưu tiên hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương như một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng nỗ lực này nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của họ trên toàn cầu.

 

Việc hồi sinh Tinian được coi là phản ứng chiến lược của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái, điều mà nhiều nước lo ngại có thể cho phép Bắc Kinh đồn trú quân, vũ khí và tàu hải quân trên đảo.

 

 

Trung Quốc thâm nhập vào Quần đảo Solomon ‘ngày càng mạnh mẽ’

Theo ông Peter Kenilorea Jr., một thành viên quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quần đảo Solomon, ĐCSTQ đang tăng cường thâm nhập vào đất nước này kể từ khi Thủ tướng thân Trung Quốc Manasseh Sogavare lên nắm quyền trở lại vào năm 2019.

 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, ông Kenilorea cho biết Quần đảo Solomon hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dư luận, trong đó các diễn ngôn ủng hộ và chống ĐCSTQ đang chia rẽ người dân nước này.

 

Ông Kenilorea nói “Sự xâm nhập đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đó thực sự là một cuộc chiến của trái tim và tâm trí. Đó là những gì đang diễn ra ở Quần đảo Solomon lúc này”,

“Không chỉ có chính phủ. Sự xâm nhập đó thực sự đang được chính công chúng hợp pháp hóa… Tại Quần đảo Solomon, chúng tôi gọi đó là ‘sự chuyển đổi”.

 

“Sự chuyển đổi” kể trên ám chỉ quyết định của ông Sogavare vào năm 2019 về việc rút lại sự công nhận ngoại giao của quốc gia này đối với Đài Loan để xoay trục sang ủng hộ ĐCSTQ.

 

 

Ông Sogavare được Trung Quốc hậu thuẫn nhằm làm suy yếu Mỹ

Ông Kenilorea cho biết, chính quyền ông Sogavare (được ĐCSTQ hậu thuẫn) đã tìm cách làm hoen ố ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” trên trường quốc tế, thậm chí đi xa đến mức loại bỏ cụm từ này khỏi các tài liệu công.

 

Ông Kenilorea nói “Đối với Thủ tướng Sogavare mà nói, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ là một lời nguyền rủa. Ông ấy căm ghét những cụm từ đó”,

“Nếu có bất kỳ tuyên bố nào có cụm từ [‘Ấn Độ - Thái Bình Dương’], ông ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để tống khứ nó”.

 

Ông Kenilorea cho hay, những nỗ lực của Washington hồi đầu năm nay nhằm soạn thảo các thỏa thuận mới với chính quyền ông Sogavare đã bị đình trệ vì những nỗ lực của ông Sogavare nhằm loại trừ bất kỳ đề cập nào đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một khu vực gắn kết.

 

Ông Kenilorea nói về chính quyền ông Sogavare: “Tôi có thông tin rằng họ đang đấu tranh quyết liệt để tống khứ những tham chiếu đó”.

 

Ngoài ra, ông Kenilorea cho biết có rất nhiều thông tin sai lệch đang lan truyền cho thấy khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mâu thuẫn với lợi ích của Quần đảo Solomon hoặc các cấu trúc chính trị hiện có như Đối tác Thái Bình Dương Xanh (Partners in the Blue Pacific), một nhóm không chính thức nhằm thúc đẩy kinh tế và tương tác ngoại giao giữa các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông nói, do đó, Mỹ và Quần đảo Solomon cần đảm bảo “tiếp tục cam kết” ở cấp lãnh đạo trên khắp Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác quốc tế liên tục.