Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dự tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Mỹ, vào ngày 01/12/2022. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP qua Getty Images)

 

Phép thuật của ông Kissinger đã từng có tác dụng với Trung Quốc. Giờ đây, Bắc Kinh có thể lại đang đặt niềm tin vào hiệu quả của phép thuật đó sau hơn 50 năm.

 

Các bài báo gần đây chỉ ra rằng con tàu kinh tế Trung Quốc đang ở vùng nguy hiểm, theo như Forbes (“Liệu Trung Quốc cuối cùng sẽ nổ tung vào lúc này?”), CNN (“Rất cần có thêm kích thích kinh tế…”), The Epoch Times (“Nền kinh tế Trung Quốc đang trong rắc rối lớn…”), cùng các phương tiện truyền thông phương Tây khác.

 

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng bằng những lời đảm bảo sáo rỗng rằng tất cả đều ổn, đồng thời chỉ trích việc tách rời kinh tế, “giảm thiểu rủi ro”, thuế quan, trừng phạt công nghệ và các biện pháp thích đáng khác, những điều đang hủy hoại nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc.

 

Ngoài việc quảng cáo cho các biện pháp mới để kích thích sự phát triển của khu vực tư nhân của Trung Quốc (một lời hứa thú vị!), Bắc Kinh đang dành nhiều lời khen ngợi cho “người bạn lâu năm” của mình, ông Henry A. Kissinger (HAK). Đây dường như là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thuyết phục chính quyền Biden quay trở lại chính sách hợp tác với Trung Quốc trước thời chính quyền Trump.

 

Liệu một người đàn ông một trăm tuổi có thể cứu vớt nền kinh tế Trung Quốc? Sự thật thì, ông Kissinger đã từng làm được điều đó.

 

 

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/03/2015. (Ảnh: Feng Li/Pool/Getty Images)

 

 

'Những cánh tay Trung Quốc' thời hiện đại

Ông Kissinger đã sống một cuộc đời kì diệu kể từ khi ông bước xuống máy bay ở Trung Quốc vào tháng 07/1971 với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon để tiến hành một cuộc gặp bí mật với Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai. Cuộc gặp đó đã dẫn đến chuyến đi của ông Nixon tới Trung Quốc năm 1972 và việc “mở cửa” sau đó của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

 

Nó cũng khởi động một ngành công nghiệp “những cánh tay Trung Quốc” thời hiện đại, nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác ở mọi cấp độ - đặc biệt là kinh tế - của Mỹ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). “Những cánh tay Trung Quốc cũ” thường dùng để ám chỉ các quan chức ngoại giao, nhà ngoại giao và chuyên gia về Trung Quốc của Mỹ trong những năm 1940, những người đã ảnh hưởng đến chính sách Trung Quốc của Mỹ. Những người này đã làm giàu cho bản thân bằng những công việc "ngồi mát ăn bát vàng" do Trung Quốc tài trợ và việc luân chuyển nghề nghiệp giữa Bộ Ngoại giao Mỹ, các tổ chức tư vấn, các công ty luật và học viện. Nhiều người trong số họ đã trở nên giàu có và nổi tiếng, không ít trong số họ bao gồm cả chính HAK. Ông HAK có một công ty tư vấn có tên Kissinger Associates chuyên về “quan hệ đối tác chiến lược, cơ hội đầu tư và quan hệ chính phủ” kể từ khi thành lập vào năm 1982. Ông Kissinger vẫn có ảnh hưởng lớn trong giới tinh hoa Mỹ. Nhiều "cánh tay Trung Quốc" còn hoạt động vẫn tôn kính và hướng về ông Kissinger vì họ mắc nợ ông ấy đối với sự nghiệp và tài sản cá nhân của họ.

 

Ngành công nghiệp "cánh tay Trung Quốc" là hạt nhân trong chiến lược thâu tóm giới tinh hoa cực kỳ thành công của ĐCSTQ trong những thập kỷ gần đây, điều được Viện Khám phá mô tả chi tiết vào năm ngoái. Từ bài báo của Viện Khám phá: “Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ thâu tóm giới tinh hoa lớn nhất của ĐCSTQ là gia đình Joe Biden, bắt đầu ít nhất từ năm 2013 khi Hunter đi cùng cha mình trong một chuyến đi đến Trung Quốc. … Ngày nay, có tài liệu chứng minh rằng gia đình Biden đã nhận được ít nhất 31 triệu USD từ các thực thể do ĐCSTQ kiểm soát, với những khoản tiền thù lao lớn hơn từ Trung Quốc vẫn chưa đến”.

 

Có một con đường liên hệ giữa việc mở cửa Trung Quốc, chiến lược hợp tác với Trung Quốc, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc với cái giá phải trả của Mỹ và phương Tây (qua thặng dư thương mại với Trung Quốc), và chiến lược thâu tóm giới tinh hoa của Trung Quốc, và ông Kissinger đã vạch ra con đường kể từ năm 1971.

 

Lưu ý rằng các mục tiêu theo đuổi về an ninh quốc gia và học thuật của ông Kissinger hầu như chỉ tập trung vào châu Âu (và đặc biệt là lấy Liên Xô làm trung tâm) trước chuyến đi của ông tới Trung Quốc. Ông dường như không có kinh nghiệm hay kiến thức cụ thể nào về Trung Quốc hay Đông Á nói chung trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia của Nixon vào năm 1969. Điều mang lại sự nổi tiếng vào giai đoạn đầu sự nghiệp của ông Kissinger là việc ông chủ trương vào năm 1960 về một “chiến lược phản ứng linh hoạt”, kết hợp việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và các lực lượng thông thường thay cho sự trả đũa quy mô lớn (“sự hủy diệt chắc chắn lẫn nhau”) trong một cuộc chiến tranh chiến lược tiềm năng với Liên Xô. Ông cũng tham gia phát triển chính sách hòa dịu với Liên Xô. Là Bộ trưởng Ngoại giao thời bấy giờ, ông Kissinger đã nói về chính sách đó vào năm 1974: “một quá trình quản lý các mối quan hệ với một quốc gia có khả năng thù địch nhằm duy trì hòa bình trong khi vẫn duy trì các lợi ích sống còn của chúng ta”.

 

Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời của mình sau khi phục vụ chính phủ tại Kissinger Associates, một phần nào đó, ông HAK đã sử dụng kiến thức chuyên môn về Trung Quốc của mình để xây dựng được khối tài sản có giá trị ròng hiện tại là 50 triệu USD, theo thông tin của Celebrity Net Worth. Điều này diễn ra song song với mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 113,69 tỷ USD năm 1972 lên 17,734 nghìn tỷ USD vào năm 2021, theo Macro Trends.

 

Sự chào đón nồng nhiệt

Các chuyến đi liên tiếp tới Bắc Kinh của ba thành viên hàng đầu của chính quyền Biden trong vài tuần qua không đạt được kết quả gì thực chất, như Japan Forward đã ghi nhận. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rõ ràng đã trải thảm đỏ đón ông Kissinger trong chuyến thăm bất ngờ vào ngày 20/07 – có lẽ không bất ngờ như chuyến đi năm 1971 của ông, nhưng dù sao cũng là một động thái khá khó hiểu.

 

 

Tổng thống Mỹ Richard Nixon duyệt đội danh dự tại sân bay Bắc Kinh (Bắc Kinh) với Thủ tướng Trung Quốc Chu n Lai, ở Trung Quốc, vào ngày 21/02/1972. (Ảnh: Keystone/Getty Images)

 

 

Trong khi ông Tập về cơ bản đã quay lưng với Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và chuyên gia khí hậu John Kerry, ông Kissinger đã được gặp riêng ông Tập tại Biệt thự số 5 của Nhà khách Điếu Ngư Đài. Đây cũng chính là nơi ông Kissinger gặp ông Chu năm 1971. Điều này có ý nghĩa biểu tượng rõ ràng: “Chúng tôi cần các bạn cố gắng hết sức để 'mở cửa Trung Quốc' một lần nữa”.

 

Theo China Daily, ông Tập được cho là đã nói: “Chúng tôi sẽ không quên những đóng góp lịch sử mà bạn đã thực hiện cho sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ và tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ”. Ông Tập đang tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Kissinger trong việc dàn dựng một "phần phim tiếp nối" tồi tệ của mối quan hệ hợp tác.

 

Chuyến thăm của ông Kissinger đã dẫn đến một loạt các bài viết trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa Mỹ để “hợp tác với Trung Quốc”: “Mỹ cần sự khôn ngoan kiểu Kissinger” (China Daily), “Vương [Vương Nghị] gặp Kissinger; Bắc Kinh đưa ra thông điệp rõ ràng tới Washington” (Global Times), “Tại sao Mỹ cần sự khôn ngoan ngoại giao của Kissinger” (China Military Online), và “Henry Kissinger hy vọng khôi phục quan hệ Trung - Mỹ” (Global Times).

 

Điều này phản ánh cuộc chiến tranh chính trị và tâm lý của ĐCSTQ đang được vận hành ở mức cao nhất.

 

Phép thuật cũ tái diễn?

Có gì đó đáng ngờ ở đây. Bắc Kinh trình làng một con ngựa chiến lâu đời ủng hộ hợp tác với Trung Quốc và đã một trăm tuổi trong một màn biểu diễn công khai về “tình cảm ngoại giao”. Nếu nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, thì tại sao lại có sự phô trương náo động xung quanh chuyến thăm mới nhất của ông Kissinger tới Trung Quốc?

 

Rõ ràng, các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của Trung Quốc được truyền thông phương Tây nói đến là có thật, và ông Tập đang dốc hết sức lực để khởi động lại nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc bằng cách sử dụng một “người bạn cũ thân mến” để thuyết phục chính quyền Biden hợp tác với Trung Quốc theo cách của Trung Quốc. Cách thức mà Trung Quốc mong muốn bao gồm “tôn trọng Trung Quốc”, chấm dứt “việc ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc” thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ, ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Phép thuật của ông Kissinger đã từng có tác dụng với Trung Quốc; họ có thể đang tin tưởng vào hiệu quả của phép thuật đó sau hơn 50 năm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net - Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

Stu Cvrk

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.