Ảnh: Reuters

 

 

 

 

 

Chiến dịch tranh cử của TT Trump kiện bang Nevada gian lận phiếu bầu

Theo Fox News, chiến dịch tranh cử của TT Trump đang đệ đơn kiện liên bang ở Las Vegas sáng thứ năm giờ Mỹ (rạng sáng thứ sáu hôm nay theo giờ GMT+7) yêu cầu ngừng kiểm đếm các “phiếu bầu bất hợp pháp” ở bang Nevada.

 

 

Chiến dịch TT Trump cáo buộc có “hàng chục nghìn” người đã bỏ phiếu ở bang Nevada nhưng không còn là cư dân của bang, đồng thời tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy những người đã chết cũng được phát hiện có tên trong phiếu bầu, một vấn đề cũng được ghi nhận tại bang New York và Florida.

 

 

Không chỉ vậy, các quan chức bầu cử bang Nevada cũng không đưa ra câu trả lời cho việc tại sao họ không tiến hành “kiểm tra” các lá phiếu qua thư, mà chiến dịch TT Trump cáo buộc đã được gửi đến các căn hộ nơi các cá nhân không còn lưu trú nhưng vẫn được điền đầy đủ và gửi trở lại điểm bầu cử.

 

 

Nguồn tin cũng cho biết “hoàn toàn chưa có cơ chế kiểm soát trùng khớp chữ ký” đồng thời về cơ bản không có quan sát viên nào ở đó để theo dõi toàn bộ quá trình kiểm đếm phiếu bầu – cụ thể là ở Hạt Clark.

 

 

Nevada, với sáu phiếu đại cử tri, là một bang chiến trường quan trọng trong cuộc đua năm 2020. Ứng viên Biden, với 264 phiếu đại cử tri tính đến hiện tại, chỉ cần thắng được bang này là sẽ đạt 270 phiếu đại cử tri và giành phần thắng.

 

 

 

 

 

 

Tòa án ra phán quyết có lợi cho chiến dịch TT Trump ở Philadelphia

 Theo Fox News,   một tòa án phúc thẩm ở bang Pennsylvania đã trao chiến thắng cho chiến dịch TT Trump hôm thứ Năm bằng cách cho phép họ cử quan sát viên đứng sát 1,8 m với người kiểm phiếu tại Trung tâm Hội nghị ở thành phố Philadelphia

 

 

Một nhân chứng chiến dịch Trump ra làm chứng đã tuyên bố rằng khu vực xử lý phiếu bầu được giữ khoảng cách khá xa với những quan sát viên, chiếc bàn gần nhất cách anh ta đến khoảng 4,5 m và chiếc bàn xa nhất cách đến khoảng 32m so với nơi anh này được phép đứng quan sát.

 

 

Nhân chứng cho biết do khoảng cách khá xa nên anh này không thể nhìn thấy những lá phiếu được đựng trong phong bì kín, và liệu những lá phiếu này có vấn đề gì hay không. Nhân chứng cũng tuyên bố các nhân viên ở đây mang phiếu bầu đến một cái bàn nằm phía sau tất cả các cái bàn làm việc của họ, nên “chúng tôi không thể thấy họ đang làm gì [với những lá phiếu] đó”.

 

 

Nhân chứng cũng khai rằng do có tiếng vọng khá lớn trong Trung tâm Hội nghị nên rất khó nghe thấy chuyện gì đang xảy ra.

 

 

 

 

 

 

Các nhóm cánh tả biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ

 Theo the BL,  lực lượng Vệ binh Quốc gia Oregon đã được cử đến thành phố Portland, bang Oregon sau khi nhóm người biểu tình cánh tả tràn xuống đường phố trung tâm phá hoại tài sản vào đêm thứ Tư giờ Mỹ (trưa thứ Năm giờ VN), kích khởi làn sóng bạo lực lan rộng. Cảnh sát đã phải can thiệp và tiến hành một số vụ bắt giữ. Các thành phố khác trên khắp nước Mỹ như New York và Minneapolis cũng ghi nhận các cuộc bạo động tương tự.

 

 

Sự bùng nổ của các cuộc biểu tình phá hoại xảy ra một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống gay cấn chưa có hồi kết, trong đó Đảng Dân chủ đang bị cáo buộc gian lận ở một số quận quan trọng hòng tìm cách thay đổi kết quả.

 

 

---

 

 

---

 

 

 

 

Một số nhóm cánh tả đã tập dượt trong nhiều tháng trước khi xuống đường biểu tình và tổ chức bạo loạn trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử.

 

 

Một số nhóm cánh tả, chủ yếu dẫn đầu bởi Black Lives Matter (BLM) và Shutdown DC đã tổ chức các buổi tập huấn biểu tình trong nhiều tháng trước khi triển khai vào Ngày bầu cử và trong khoảng thời gian theo sau.

 

 

Trong các cuộc biểu tình tối thứ Tư, một nhóm người biểu tình được ghi hình đang đốt cờ Mỹ.

 

 

Tại thành phố New York, các cuộc biểu tình bạo lực cũng bùng nổ. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động để đối đầu với các nhóm biểu tình có vũ trang. Sở Cảnh sát New York thông báo đã có khoảng 50 vụ bắt giữ liên quan đến biểu tình. Cảnh sát đã tịch thu một số vũ khí, bao gồm dao, súng gây choáng và chất nổ.

 

 

 

 

 

 

 

Đức tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, coi Trung Quốc là một ‘thách thức hệ thống’

Theo SCMP,   Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã gọi Trung Quốc là một “thách thức có hệ thống” trong lời kêu gọi hợp tác quân sự nhiều hơn với các nước “cùng chí hướng”, bao gồm Australia, viện dẫn việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 để cảnh báo nguy cơ xung đột lãnh thổ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 

 

Trong những lời phát biểu thẳng thắn được đưa ra trong bối cảnh bất định về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm thứ Năm (5/11) cho biết Berlin sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc và các quốc gia khác trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

 

 

Nhận xét của quan chức quốc phòng hàng đầu nước Đức được đưa ra sau khi Berlin tuần này thông báo họ sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ đến tuần tra Ấn Độ Dương từ năm sau, và triển khai các sĩ quan Quân đội Đức cùng với hải quân Úc như một phần trong quá trình gia tăng sự hiện diện chưa từng có tiền lệ ở châu Á.

 

 

Trong một cảnh báo mang tính ám thị trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác, bà Kramp-Karrenbauer cho biết quan điểm của Đức được định hình bởi việc Nga tiếp tục chiếm đóng Crimea, khiến quốc tế lên án và áp lệnh trừng phạt.

 

 

Trong khi mô tả Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng và cốt yếu để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bà Kramp-Karrenbauer nói rằng siêu cường đang trỗi dậy này cũng là một “thách thức hệ thống” cần được thảo luận cởi mở.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuần duyên Trung Quốc được phép nổ súng vào tàu nước ngoài theo luật mới

 Theo Nikkei Asia,  lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của họ theo dự thảo luật được công bố trong tuần này.

 

 

Động thái của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này mà họ gọi là Điếu Ngư, và các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu tuần duyên, gần như hàng ngày đều tuần tra trong khu vực.

 

 

Luật mới sẽ giúp lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí so với đối thủ Nhật Bản, vốn phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ.

 

 

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sở hữu 130 tàu vào cuối năm 2019, gần gấp đôi số tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là những con tàu có trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm – tạo nên hạm đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.

 

 

Dự kiến, dự thảo này sẽ được thông qua sớm nhất vào tháng 12.

 

 

 

 

 

 

 

Cảnh sát Hong Kong khởi động ‘đường dây truy quét tội phạm an ninh quốc gia’

 Theo Nikkei Asia,   hôm thứ Năm,  cảnh sát Hong Kong đã mở một đường dây nóng chuyên dụng để báo cáo các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đã áp đặt lên thành phố vào đầu năm, làm dấy lên sự báo động về những người chỉ trích đạo luật gây tranh cãi

 

 

Đường dây nóng, được thiết kế để giúp trấn áp các tội phạm tiềm ẩn gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, sẽ gửi ảnh, âm thanh và video thông qua tin nhắn và ứng dụng nhắn tin WeChat. Cảnh sát cho biết họ sẽ chỉ nhận các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và sẽ không tiết lộ chi tiết cá nhân của người cung cấp thông tin.

 

 

Nhiều hãng tin Hong Kong đã lên án đường dây nóng, nói rằng việc khuyến khích người dân thành phố báo cáo lẫn nhau nhau gợi nhớ đến cuộc Cách mạng Văn hóa kinh hoàng ở Trung Quốc đại lục, trong đó nhà nhà người người đấu tố lẫn nhau để bảo toàn tính mạng. Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ James To Kun-sun cho biết, cơ chế báo cáo này sẽ làm suy yếu các quyền tự do và có ảnh hưởng rất xấu đối với Hong Kong.

 

 

Một nhân viên văn phòng 20 tuổi cho biết: “Sẽ còn khó hơn để giờ đây đề cập đến chính trị ở nơi công cộng”. Có lo ngại rằng đường dây nóng có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa phe ủng hộ dân chủ và phe thân Bắc Kinh của thành phố từng có nền tự trị cao độ.

 

 

Giới chức trách tài chính cũng đã bắt đầu yêu cầu các ngân hàng báo cáo bất kỳ giao dịch nào có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có thể là trong nỗ lực xác định các nhà hoạt động dân chủ thông qua các dòng tiền chuyển đến và đi từ các tổ chức nước ngoài.

(Theo dkn.tv)