Một nhân viên an ninh đứng bên ngoài tòa nhà của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế ( SMIC ) trong lễ khánh thành tại Thượng Hải ngày 22/11/2001. (Ảnh: Reuters).
Giá cổ phiểu SMIC ngay lập tức giảm mạnh.
Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung leo thang, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét liệu có nên đưa SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc vào danh sách đen thương mại hay không. Theo đó, cấm những công ty có tên trong danh sách tiếp nhận những mặt hàng cụ thể do Mỹ sản xuất. Ngay sau khi tin tức này được công bố, giá cổ phiếu của SMIC đã giảm mạnh tới 23% khi mở cửa thị trường hôm thứ Hai (7/9).
Tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 7/9 rằng, một số cơ quan Hoa Kỳ đang cân nhắc xem có nên đưa SMIC vào danh sách trừng phạt hay không, và sau khi triển khai, các công ty Hoa Kỳ phải được sự cho phép đặc biệt của Bộ Thương mại để giao dịch với SMIC, theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhà thầu quốc phòng điều tra lý lịch quân sự của SMIC
Tại sao Mỹ bất ngờ chú ý tới SMIC? Tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng, SMIC bị nghi ngờ hỗ trợ xây dựng quân đội cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điều này khiến chính phủ Mỹ phải gióng lên hồi chuông báo động và có ý định trừng phạt SMIC, theo báo cáo của một nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ.
Vào tháng trước, báo cáo nghiên cứu do nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ SOS International xuất bản đã đề cập đến việc SMIC đang giúp đỡ công cuộc xây dựng quốc phòng của ĐCSTQ. Báo cáo đã được phổ biến rộng rãi giữa các quan chức Hoa Kỳ, đồng thời cũng đã được chia sẻ với nhiều cơ quan của chính quyền TT Trump, bao gồm cả Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại.
Báo cáo tiết lộ rằng SMIC đang hợp tác với một nhóm doanh nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu từ các trường cao đẳng và đại học của ĐCSTQ có nền tảng quân sự đã tham gia phát triển các công nghệ tương ứng phù hợp với yêu cầu sản phẩm của SMIC. Một trong những trường học này đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen xuất khẩu vào năm 2015 vì bị nghi ngờ thiết kế siêu chip máy tính dùng để mô phỏng các vụ thử hạt nhân.
Ngoài ra, báo cáo nêu rõ: “Các nhà nghiên cứu của Học viện Quân sự ĐCSTQ và khu công nghiệp Quốc phòng quốc gia đã sử dụng công nghệ và chip của SMIC khi tiến hành nghiên cứu. Điều này cho thấy họ tiến hành nghiên cứu dựa trên các thông số kỹ thuật sản xuất của SMIC và do đó chip sẽ không được sản xuất ở các nhà máy khác”.
Báo cáo cũng trích dẫn các bài báo do Đại học Quân sự ĐCSTQ xuất bản để làm chứng, hỗ trợ những kết luận này.
SMIC sẽ là Huawei thứ hai? Lệnh trừng phạt vẫn chưa đến, giá cổ phiếu đã giảm mạnh tới 23%
Theo Hoa Nhật báo, nếu chính quyền Trump đưa SMIC vào danh sách đen, thì điều đó cũng giống như các lệnh trừng phạt đối với Huawei. Sau khi Hoa Kỳ thêm Huawei Technologies vào danh sách các thực thể, hành động này đã bù đắp cho hàng loạt lỗ hổng mà Huawei đã có thể lợi dụng, đồng thời làm giảm nguồn cung cấp các bộ phận và linh kiện, đe dọa sự sinh tồn của Huawei.
Hôm thứ Hai (7/9), giá cổ phiếu của SMIC giảm mạnh 23% khi đóng cửa tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 16/7 khiến chỉ số Công nghệ Hang Seng (HSI) giảm 4,6%. Giá cổ phiếu của các khách hàng và nhà cung cấp của SMIC cũng giảm, Zhaoyi Innovation và North China Huachuang giảm hơn 9%, và Datang Telecom giảm 3,1%. Đồng thời, đối thủ Đài Loan của SMIC là UMC đã tăng hơn 9%.
Bất kỳ biện pháp kiểm soát xuất khẩu nào do Hoa Kỳ áp đặt lên SMIC đều sẽ đánh dấu sự leo thang đáng kể trong việc trừng phạt các công ty công nghệ của ĐCSTQ. Điều này sẽ giáng một đòn nặng nề vào các lĩnh vực kỹ thuật quan trọng của ĐCSTQ.
Vào thứ Bảy tuần trước (5/9), SMIC đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản WeChat của mình rằng, các sản phẩm và dịch vụ của họ chỉ dành cho mục đích dân sự và thương mại, chứ không phải cho mục đích quân sự.
(Theo dkn.tv)