Chụp lại hình ảnh,Một thuyền cao su chở người di cư trái phép vượt eo biển Manche vào Anh hôm 6/3/2024. Ảnh: GETTY IMAGES – BBC Việt ngữ

 

 

 

ANH QUỐC – Theo Telegraph vào hôm 14/04, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết “Số lượng người di cư Việt Nam vượt biển vào Anh ngày càng tăng”.

 

Ông nói đây là lý do tại sao Dự luật Rwanda của chính phủ cần được Nghị viện thông qua càng sớm càng tốt “để cứu mạng sống của những người bị những băng đảng buôn người bóc lột”.

 

Số người Việt Nam vượt eo biển Manche đã tăng gấp đôi năm ngoái, từ 505 năm 2022 lên 1.323 năm 2023.

 

Theo thống kê, trong số người vượt biển trái phép vào Anh, người Việt đứng đầu về số lượng trong năm 2024.

 

The Telegraph đưa tin rằng làn sóng này được cho là nguyên nhân chính khiến con số người di cư trái phép vào Anh tăng kỷ lục vào năm nay.

 

Chỉ riêng hôm Chủ nhật (14/4), 534 người đã vượt biển vào Anh – mức cao nhất tính trong một ngày trong năm nay – nâng con số người vượt biển vào Anh lên 6.265 trong năm 2024, cao hơn 28% cùng thời điểm năm ngoái vào cao hơn 7% so với năm 2022.

 

Cũng trong ngày 14/4, các nghị sĩ Anh đã phủ quyết bảy thay đổi đối với Dự luật Rwanda do Hạ viện đề xuất.

 

Việc này khiến dự luật được gửi trở lại Hạ viện nơi Công đảng và các thành viên độc lập của Hạ viện sẽ tiếp tục một nỗ lực mới để Quốc hội thông qua và gửi dự luật tới Thượng viện.

 

 

 

Thảm kịch 39 người không ngăn nổi làn sóng di cư từ Việt Nam

 

 

39 người Việt tử nạn trong thảm kịch Essex. Ảnh: BBC Việt ngữ

 

 

Năm 2019, 39 người Việt đi lậu vào Anh đã chết trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, trong đó có 31 nam và 8 nữ.

 

Tuy nhiên, thảm kịch này không làm làn sóng di cư trái phép giảm xuống.

 

Ngày càng có nhiều người di cư Việt Nam mạo hiểm vượt eo biển Manche bằng những chiếc thuyền chở tối đa 20 người, thay vì đến Vương quốc Anh bằng đường bộ.

 

Người di cư Việt Nam thường bị các băng đảng chuyển lậu sang Anh để làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail và nhà hàng. Họ cũng bị phát hiện làm việc trong các đường dây tình dục và trại trồng cần sa.

 

Đây là lý do tại sao các tay chủ thường thích nhận người di cư đi bằng xe tải hơn so với đường biển – nơi họ có nhiều khả năng bị Tuần duyên Anh bắt giữ.

 

Một số người vào châu Âu qua cửa ngõ Serbia hoặc Romania thông qua hộ chiếu lao động, chủ yếu làm những việc lương thấp, trong điều kiện tồi tệ.

 

Nhiều người ở Việt Nam đã phải trả từ 15.000 đến 20.000 bảng (từ 470 đến 630 triệu đồng) cho các băng đảng buôn người.

 

Bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam, Tô Lâm, nói gì?

 

 

Tô Lâm tái khẳng định việc "không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại Âu châu ". Ảnh: VGP, BBC Việt ngữ

 

 

 

Hôm 15/4, ông James Cleverly, Ngoại trưởng Anh, đã điện đàm với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, về vấn đề người di cư Việt Nam tăng vọt.

 

Báo Công an Nhân dân đưa tin về buổi điện đàm, cho biết hai bên "thường xuyên trao đổi thông tin" và "khai triển có hiệu quả" “Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh”; “Bản ghi nhớ về về hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người”…

 

Ông Tô Lâm tái khẳng định việc "không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại châu Âu".

 

Báo Telegraph của Anh viết rằng phía Anh đã đạt được một thỏa thuận mới với Việt Nam trong nỗ lực hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp từ Việt Nam sang Anh.

 

Bộ Nội vụ Anh tháng trước đã tung ra một chiến dịch truyền thông mới trên mạng xã hội nêu bật những rủi ro của việc thực hiện hành trình bất hợp pháp như vậy.

 

Đối thoại Di cư Anh-Việt lần thứ hai sẽ được tổ chức ngày 17/4 tại London.

 

 

 

 

Chương trình Rwanda có gì?

 

 

Thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong chiếc xe tải chở đồ đông lạnh vào ngày 23/10/2019. Ảnh: PA Media, BBC Việt ngữ

 

 

Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Anh Matthew Rycroft nói với các nghị sĩ rằng chương trình Rwanda, với kinh phí 370 triệu bảng Anh, chỉ được coi là hiệu quả nếu giảm được 1/3 số người nhập cư lậu. Tức là phải ít hơn 10.000 người so với 29.437 vào năm ngoái.

 

Giới chức Anh cho hay hiện có 40.000 người di cư trái phép đang trong tình trạng "treo". Họ đã bị từ chối đơn xin tỵ nạn. Những người này lẽ ra "đã phải được đưa đến Rwanda".

 

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Tim Loughton cảnh báo rằng sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc cho phép những người này ở lại vì chỉ có các chuyến bay hạn chế tới Rwanda.

 

Dự luật Rwanda cho phép chính phủ Anh đưa người vào Anh trái phép tới Rwanda.

 

Chính phủ Anh đang cố gắng để dự luật này được thông qua, sau khi Tòa án Tối cao cho rằng kế hoạch này là trái luật.

 

Rwanda là một nước ở Trung Phi, có biên giới giáp Uganda, Tazania, Burundi và Congo với tổng diện tích hơn 26.000 km2, mật độ khoảng 445 người/km2.

 

Hồi năm 2022, chính phủ Anh cho biết họ sẽ trả cho chính phủ Rwanda một khoản ban đầu là 120 triệu bảng Anh cho chương trình thử nghiệm tiếp nhận di dân, sau đó sẽ trả thêm các khoản khác.