"Trung Quốc đã hủy hiện trường coronavirus ở Vũ Hán để che đậy quy mô của đại dịch"- nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung ở Đại học Hong Kong vừa cáo buộc.

 

 

 

Nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung (phải), người đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã hủy hiện trường coronavirus ở Vũ Hán trong một sự kiện gần đây. Ảnh: AP

 

 

Phát biểu trong chương trình đặc biệt “Toàn cảnh” của kênh BBC có chủ đề “Trung Quốc che giấu đại dịch coronavirus", phát sóng hôm thứ Hai (27 tháng 7), nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung và các chuyên gia y tế đến từ khắp nơi trên thế giới đã cùng thẳng thắn chia sẻ những thông tin xung quanh sự bùng phát của đại dịch chết chóc Covid-19.

 

Ông Yuen cho biết, ông là một trong những bác sĩ dẫn đầu tiến hành điều tra các trường hợp lây nhiễm coronavirus ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc- nơi khởi phát đại dịch ngay trong những ngày đầu. Theo đó, ông tin rằng các quan chức Trung Quốc đã cố tình trì hoãn phúc đáp những phát hiện lâm sàng, nhằm hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh.

 

Tại sự kiện cáo buộc "Trung Quốc đã hủy hiện trường coronavirus ở Vũ Hán" này, nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung cũng cho biết, chính ông là người đã thông báo cho cơ quan chức năng về sự lây truyền của virus nguy hiểm này từ người sang người ngay từ hôm 12 tháng 1, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân ở Thâm Quyến, cách Vũ Hán khoảng 1.100 km. Tuy nhiên, điều mà ông cảnh báo đã không được công bố mãi cho tới ngày 20 tháng 1.

 

 

 

 

Cảnh sát địa phương canh gác bên ngoài chợ hải sản Hoa Nam ngày 24/1/2020, nơi được cho là giới chức Trung Quốc đã hủy hiện trường coronavirus. Ảnh: Getty Images.

 

 

Ông Yuen cũng đồng thời chỉ ra rằng, chợ hải sản Hoa Nam, nơi được cho là nguồn gốc của coronavirus đã được xóa dấu vết và làm sạch vào thời điểm ông và các chuyên gia Trung Quốc khác, bao gồm cả bác sĩ chuyên khoa phổi nổi tiếng Zhong Nanshan đến kiểm tra Vũ Hán vào ngày 17 tháng 1. Do đó, ông và các đồng nghiệp không thể xác định được bất kỳ vật chủ nào của virus bởi vì "không có gì để xem".

 

Dựa theo những kinh nghiệm từ sự bùng phát của dịch SARS hồi năm 2002-2004, ông Yuen đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ứng nhanh, bởi trong khủng hoảng thì bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

 

Ông Yuen ước tính, số trường hợp lây nhiễm Covid-19 đã có thể đã giảm tới 95% nếu chính phủ Trung Quốc can thiệp sớm ngay từ đầu tháng 1, theo đúng cách mà họ đã làm vài tuần sau đó.