Phần lớn dự án đầu tư mà Trung Quốc cấp vốn ở Phi Luật Tân vẫn còn nằm trên giấy, trong khi nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ còn chưa đầy một năm.

 

 

Cuối tháng 6.2016, ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Phi Luật Tân. Nhà lãnh đạo 71 tuổi khi đó chọn chính sách tạm gác bất đồng để ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là kinh tế với Trung Quốc, bất chấp việc hai bên đang căng thẳng về vấn đề Biển Đông.

 

 

Phi Luật Tân được Trung Quốc cam kết cung cấp 24 tỉ USD vốn vay và đầu tư cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà ông Duterte theo đuổi. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte đã bước vào giai đoạn cuối, chỉ có 3 dự án được khởi công, còn lại hầu hết đều còn nằm trên giấy, theo Bloomberg.

 

 

Các công nhân đang chạy nước rút để hoàn thành cây cầu Binondo-Intramuros trị giá 69 triệu USD do Trung Quốc đầu tư, trước khi hết năm nay. Cây cầu gần trung tâm thủ đô Manila sẽ là dự án đầu tiên hoàn thành trong số 14 dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc cấp vốn.

 

 

 

 

Tổng Bí Thư Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte trong cuộc gặp năm 2018 tại Manila – REUTERS

 

 

 

 

 

Theo Bloomberg, vẫn có nhiều nghi ngại về việc có điều kiện đi kèm khi Trung Quốc cho Phi Luật Tân vay. Thậm chí, giáo sư Philamer Torio tại Trường chính phủ Ateneo (Manila) cho rằng Trung Quốc tính lãi suất cao hơn đối với một số khoản vay của Phi Luật Tân.

 

 

Mặc dù có những chỉ trích từ nhiều quan chức, chính quyền Tổng thống Duterte vẫn bảo vệ chính sách của mình với Trung Quốc. Phát ngôn viên tổng thống Harry Roque nói rằng chính quyền Duterte mong muốn Trung Quốc đầu tư thêm và cảm thấy hài lòng vì trước đây không có gì cả. Tổng thống Duterte thì gọi mối quan hệ với Trung Quốc là win-win (hai bên cùng có lợi) và tiếp tục đặt nhiềm kỳ vọng lẫn niềm tin.

 

 

Liên quan Biển Đông, Tổng thống Duterte nhiều lần bày tỏ ý định gạt phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc được chính quyền tiền nhiệm thúc đẩy sang một bên. Phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Bắc Kinh từng được xem là chiến thắng của Manila. Chính quyền ông Duterte khẳng định chính sách Biển Đông của Phi Luật Tân đã có tác dụng. Tuy nhiên thực tế cho thấy suốt 5 năm qua Trung Quốc vẫn không hề tuân thủ phán quyết, liên tục có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

 

 

Giới quan sát đánh giá chính sách “xoay trục” về Trung Quốc đã không mang lại lợi ích nhiều cho Phi Luật Tân như kỳ vọng và các hứa hẹn của Bắc Kinh cũng chưa được thực hiện đầy đủ trong 5 năm qua.