Josh Hatfield, đầu bếp sáng chế các món ăn. Nguồn: AP

 

Khuynh hướng sử dụng các sản phẩm thay thế thịt ngày càng tăng, trong bối cảnh lo ngại về lượng khí thải nhà kính, phát sinh từ chăn nuôi. Một công ty công nghệ sinh học ở Luân Đôn, hiện tập trung vào sản xuất chất béo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, với hy vọng tạo ra các loại thịt thay thế ngon lành hơn.

 

Có một khuynh hướng ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm thay thế thịt trong những năm gần đây, với hy vọng giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với khí hậu do chăn nuôi gây ra.

 

Giờ đây, một công ty kỹ thuật sinh học ở Luân Đôn đang tập trung vào sản xuất chất béo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, tìm cách làm cho các lựa chọn thay thế thịt ngon hơn.

 

Ý tưởng của họ là thuyết phục nhiều người ăn ít sản phẩm chăn nuôi truyền thống như thịt bò và thịt gà, có vẻ như bí quyết là sản xuất chất béo bền vững từ tế bào gốc.

 

Ông Josh Hatfield là đầu bếp vốn phát triển sản phẩm nầy tại phòng thí nghiệm Hoxton Farms ở Luân Đôn.

 

Là một đầu bếp, ông quan tâm đến việc làm cho các sản phẩm hấp dẫn hơn.

Ông Josh Hatfield nói "Trong các công thức và sản phẩm dựa trên thực vật thông thường, bạn có rất nhiều dầu cọ và rất nhiều dầu dừa, nó không có hương vị đó".

"Bạn biết đấy, điều tôi theo đuổi với tư cách là một đầu bếp là hương vị như số một, đó là thứ còn thiếu trong tất cả các sản phẩm này”.

 

Theo dữ liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc trong năm 2022, có 14,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra, là do chăn nuôi.

 

Công ty Hoxton Farms cho biết, chất béo nuôi cấy tốt hơn với môi trường, sử dụng ít đất, ít năng lượng hơn và phương pháp sản xuất ít thâm canh hơn.

 

Một báo cáo hồi tháng Giêng về thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, của các nhà phân tích Research and Markets tuyên bố, ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ trị giá dưới 3 tỷ đô la Úc hay 2 tỷ Mỹ kim vào năm 2035.

 

Tuy nhiên có thể có những trở ngại trong việc đạt được con số này, bao gồm nhu cầu cao đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật và rào cản tâm lý đối với việc ăn thực phẩm trong phòng thí nghiệm.

 

Cũng có chi phí cao trong sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm, nhưng một báo cáo do các nhà phân tích toàn cầu McKinsey and Company đưa ra vào năm 2021 cho thấy, các công ty đã có thể giảm 99% chi phí, kể từ khi phát triển các nguyên mẫu đầu tiên.

 

Ông Ed Steele, người đồng sáng lập Hoxton Farms, nói "Ban đầu, chi phí của những thứ như thịt nuôi trồng và các sản phẩm có chứa chất béo nuôi cấy, có thể cao hơn bánh mì kẹp thịt hoặc xúc xích mà bạn mua trong siêu thị".

"Nhưng theo thời gian, điều đó sẽ thay đổi và những gì chúng tôi làm được thực hiện một cách thực sự hiệu quả".

"Nó có rất nhiều lợi ích khác, nhưng về chi phí chúng tôi sẽ cố gắng giảm chi phí xuống dưới chi phí ăn thịt truyền thống".

 

Thế nhưng còn lượng khí thải carbon của ngành thì sao?

 

Theo một số nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thực phẩm, mặc dù thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm có thể làm giảm lượng khí thải nông nghiệp, nhưng nó không nhất thiết tạo ra lượng khí thải carbon nhỏ hơn.

 

Một nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, từ Đại học California Davis đưa ra lập luận này.

 

Báo cáo có tiêu đề ‘Tác động môi trường của thịt nuôi cấy: Đánh giá vòng đời từ nôi đến cổng’ cho biết, thịt nuôi trồng có khả năng gây ra hậu quả môi trường lớn hơn, dựa trên các phương pháp sản xuất hiện tại.

 

Nó cho thấy, một trong những trở ngại lớn nhất là môi trường tăng trưởng tinh chế cao, trong đó các tế bào động vật được phát triển.

 

Một trong những tác giả của báo cáo, Tiến sĩ Ned Spang, giải thích.

"Những gì chúng ta cần hiểu ở đây, là nó không nhất thiết phải tốt hơn cho môi trường, rằng nó không phải là một điều chắc chắn là thịt nuôi trồng tốt hơn cho môi trường".

"Nó phải được thiết kế vào công việc sản xuất".

 

Tuy nhiên sự thành công của các sản phẩm thịt thay thế, vẫn còn một đoạn đường dài trước mắt.

 

Các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ, hồi tháng Sáu, đã phê duyệt việc bán thịt gà làm từ tế bào động vật, cho phép hai công ty California cung cấp thịt nuôi trong phòng thí nghiệm cho người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, nước Ý đang xem xét một dự thảo có thể dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn đối với cái gọi là ‘thực phẩm tổng hợp’.