Các bác sĩ giương cao biểu ngữ "Hãy dừng việc tăng số lượng tuyển sinh trường y!" ở Seoul vào ngày 25/2/2024 khi họ tuần hành về phía Văn phòng Tổng thống Nam Hàn. Đây là cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm tại các trường y của chính phủ Nam Hàn. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)

 

 

NAM HÀN - Khoảng 13.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh y khoa Nam Hàn đã đình công từ ngày 20/2 để phản đối việc chính phủ tăng số lượng tuyển sinh trong các trường y. Chính phủ Nam Hàn cảnh báo, những người này có nguy cơ bị đình chỉ giấy phép hành nghề và bị truy tố nếu họ không quay trở lại bệnh viện làm việc trước thứ Năm (ngày 29/2).

 

Ở Nam Hàn hiện nay, số lượng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ hàng năm được cố định ở mức 3.058 người trong suốt gần 20 năm nay, từ năm 2006. Điều này cho thấy đầu vào ngành y ở Nam Hàn rất khắt khe, khi mỗi năm có hàng chục nghìn thí sinh ứng tuyển vào các trường y trên khắp nước này.

 

 

Nguyên nhân xảy ra cuộc đình công

Cuộc đình công này xảy ra sau khi chính phủ Nam Hàn công bố kế hoạch tăng thêm 2.000 sinh viên tuyển sinh vào các trường y bắt đầu từ năm tới, tức là từ năm 2025 số sinh viên đầu vào khoa y sẽ là 5.058 người.

 

Chính phủ Nam Hàn cho biết họ đặt mục tiêu bổ sung thêm 10.000 bác sĩ mới vào năm 2035 để đối phó với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng của đất nước này.

Ông Andrew Eungi Kim, Giáo sư xã hội học và văn hóa tại Đại học Nam Hàn ở Seoul, cho biết: “Vấn đề này thực sự là thế, Nam Hàn hiện là xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Chúng tôi sẽ trở thành một ‘xã hội siêu già’ vào năm tới”. Một xã hội siêu già là xã hội có hơn 20% dân số từ 65 tuổi trở lên.

 

 

Các quan chức Nam Hàn còn cho biết, kế hoạch trên được đưa ra do tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Nam Hàn thuộc hàng thấp nhất trong số các nước phát triển. Cụ thể là ở Nam Hàn, trung bình 2,6 bác sĩ phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân.

 

Một cuộc thăm dò gần đây do Gallup Korea thực hiện cho thấy kế hoạch tăng cường tuyển sinh trường y của chính phủ Nam Hàn được nhiều người ủng hộ, với khoảng 76% số người được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ, bất kể họ thuộc đảng phái chính trị nào.

 

Chính phủ Nam Hàn đã ra lệnh cho những bác sĩ này quay trở lại làm việc, cũng như đe dọa bắt giữ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề y của họ. Nhà chức trách nói rằng, hành động tập thể của họ là không chính đáng và mạng sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

 

Nhiều bác sĩ tham gia cuộc đình công cho rằng, lệnh này của chính phủ là vi hiến khi buộc họ phải làm việc trái với ý muốn của mình.

 

 

Các bác sĩ trẻ mang biểu ngữ có nội dung "Các các sĩ không phải là tội phạm!" khi họ tuần hành về phía Văn phòng Tổng thống v ở Seoul vào ngày 25/2/2024. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)

 

 

Những bác sĩ nội trú và thực tập sinh đình công nói gì?

Nhiều bác sĩ Nam Hàn cho rằng kế hoạch này của chính phủ không bền vững vì các trường đại học chưa sẵn sàng cung cấp nền giáo dục chất lượng cho nhiều sinh viên mới như vậy. Họ cũng nói rằng kế hoạch này cũng sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ trong nhiều năm ở các khoa thiết yếu nhưng được trả lương thấp như khoa nhi và khoa cấp cứu.

 

Một số người tham gia đình công cho biết, các bác sĩ cấp dưới, một mắt xích quan trọng trong hệ thống y tế được đánh giá cao của Nam Hàn, đang phải làm việc quá sức, bị trả lương thấp và không được lắng nghe.

 

Các bác sĩ trẻ tham gia đình công nói rằng, lương và điều kiện làm việc của họ phải được ưu tiên hơn là kế hoạch tăng số lượng bác sĩ của chính phủ. Chính phủ Nam Hàn nói rằng cần có thêm nhân viên y tế để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

 

Theo Hiệp hội Bác sĩ nội trú và thực tập Nam Hàn, các bác sĩ thực tập và nội trú ở Nam Hàn làm việc 36 tiếng mỗi ca, trong khi một ca làm việc ở Mỹ là dưới 24 tiếng. Một nửa số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm việc 60 tiếng một tuần hoặc ít hơn, trong khi các bác sĩ Nam Hàn thường làm việc hơn 100 tiếng.

 

Ngoài ra, theo dữ liệu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, một bác sĩ nội trú ở Mỹ trong năm làm việc đầu tiên thường kiếm được trung bình khoảng 5.000 USD (123 triệu VND) một tháng.

 

Anh Ryu Ok Hada, một bác sĩ thực tập 25 tuổi, cho biết anh làm việc hơn 100 giờ một tuần tại một trong những bệnh viện đại học danh tiếng nhất Nam Hàn, với mức lương từ 2 đến 4 triệu won (khoảng 37 - 74 triệu VND) một tháng, bao gồm cả tiền tăng ca, chứ không phải là hàng chục triệu won như những bác sĩ lâu năm. “Hệ thống y tế đang vắt kiệt sức lực của các thực tập sinh như chúng tôi".

 

Theo những bác sĩ này, còn một vấn đề khác là tình trạng chênh lệch lớn về thu nhập và điều kiện làm việc ngay bên trong ngành y, giữa các lĩnh vực và vùng miền ở Nam Hàn. Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết, việc tăng thêm nhân sự sẽ chỉ càng khiến sinh viên y ra trường nhảy vào các ngành hấp dẫn như phẫu thuật thẩm mỹ hay da liễu, hoặc đổ về thủ đô Seoul làm việc.

 

Anh Park Dan, 33 tuổi, một bác sĩ cấp cứu, mong muốn chính quyền đưa các bác sĩ vào những khoa thiết yếu như khoa nhi và khoa cấp cứu tại các bệnh viện lớn.

 

Anh Park còn cho biết, các bác sĩ cũng muốn nhận được sự bảo vệ tốt hơn về mặt pháp lý trong các vụ kiện sơ suất khi cứu chữa bệnh nhân. Họ cũng muốn có những thay đổi về mặt hệ thống trong khi nhiều bệnh viện dựa vào lực lượng lao động được trả lương thấp và các dịch vụ ngoài bảo hiểm để duy trì hoạt động.

 

Anh Park nói rằng bản thân bị giằng xé giữa bệnh nhân của mình và chính sách ép buộc cũng như không lắng nghe các bác sĩ của chính phủ, nhưng anh có rất ít sự lựa chọn. "Với niềm tự hào được cứu bệnh nhân, tôi đã đi xa đến mức này. Như nhiều bác sĩ nói, thật đau lòng và khó khăn khi phải để bệnh nhân lại phía sau. Nhưng hệ thống [y tế] hiện tại đã bị méo mó nên chúng tôi cần điều tốt hơn thế”.

 

 

Chính phủ và người dân Nam Hàn nói gì?

 

Theo Bộ Y tế Nam Hàn, tính đến tối thứ Tư (ngày 28/2), có khoảng 9.076 trong số 13.000 thực tập sinh và bác sĩ nội trú được xác nhận là đã rời bệnh viện sau khi họ nộp đơn từ chức. Bộ này cho biết thêm, có 294 người đình công đã trở lại làm việc.

 

Giới quan sát cho rằng nhiều người đình công có khả năng sẽ bất chấp thời hạn nêu trên và sẽ tiếp tục đình công trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Chính phủ Nam Hàn dự kiến ​​sẽ bắt đầu áp đặt các hình phạt vào thứ Hai tuần tới (ngày 4/3), vì thứ Sáu vừa qua là ngày lễ quốc gia ở Nam Hàn (Phong trào Độc lập ngày 1/3).

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nam Hàn Park Min-soo phát biểu trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không buộc họ phải chịu trách nhiệm vì rời khỏi nơi làm việc nếu họ quay trở lại vào hôm nay (ngày 29/2)”. “Các bác sĩ ở đó để phục vụ bệnh nhân, và những bệnh nhân đó đang nóng lòng chờ đợi bác sĩ. Đây không phải là cách để phản đối chính phủ".

 

 

Vào cuối ngày 29/2, ông Park đã gặp một số bác sĩ đình công trong hơn ba giờ đồng hồ nhưng không có đột phá gì. Các quan chức đã mời 94 đại diện của những người đình công đến họp, nhưng ông Park cho biết có không đến 10 người đến dự và họ là những người đình công bình thường, không phải người lãnh đạo. Ông Park cho biết những người đến họp đã hỏi ông về kế hoạch tuyển sinh của chính phủ và ông đã kêu gọi họ chấm dứt cuộc đình công.

 

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nam Hàn Park Min-soo phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp vào ngày 29/2/2024 với một số bác sĩ tham gia cuộc đình công tại Seoul. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)

 

 

Anh Ryu Ok Hada, một trong những bác sĩ đình công, nói với phóng viên rằng anh đã không tham dự cuộc họp. Anh Ryu cáo buộc chính phủ đối xử với các bác sĩ đình công “như tội phạm và làm nhục họ”.

 

 

Theo luật pháp Nam Hàn, chính phủ có thể yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc nếu nhận thấy có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Những người từ chối tuân theo mệnh lệnh này có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề y tới 1 năm và cũng phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc phạt tiền 30 triệu won (khoảng 555 triệu VND). Những người bị lãnh án tù sẽ bị tước giấy phép hành nghề y.

 

Bên cạnh đó còn có một luồng ý kiến chỉ trích những bác sĩ đình công này vì cho rằng, họ chỉ lo lắng về thu nhập của mình sẽ thấp đi trong tương lai khi số lượng bác sĩ tăng mạnh.

 

Ông Kim Sung-ju, Chủ tịch Hội đồng Quyền của bệnh nhân ung thư Nam Hàn, cho biết đã vô cùng thất vọng khi thấy truyền hình đưa tin về cuộc đình công tập thể của hàng nghìn bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa.

 

Bà Yu, một bệnh nhân 60 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú cách đây 6 tuần, cho biết bà hy vọng cuộc đình công sẽ sớm kết thúc để bệnh viện có thể trở lại hoạt động bình thường và quá trình điều trị của bà được diễn ra suôn sẻ. Bà chỉ nêu họ của mình là Yu do lo ngại về quyền riêng tư.

 

Bà Kim Young-ja, một bà nội trợ 89 tuổi ở gần một bệnh viện tại Seoul, nói rằng: “Bác sĩ phải chữa bệnh cho người bệnh. Nếu tất cả họ rời đi, ai sẽ chữa trị cho họ? Mọi người sẽ chết”.

 

 

13.000 bác sĩ thực tập này chỉ là một phần trong số 140.000 bác sĩ của Nam Hàn, nhưng họ lại chiếm khoảng 30 - 40% tổng số bác sĩ tại một số bệnh viện lớn và phụ trách nhiều vị trí quan trọng để hỗ trợ đội ngũ y tế cấp cao.

 

Theo Bộ Y tế Nam Hàn, cuộc đình công này đã khiến hàng trăm ca phẫu thuật và các dịch vụ điều trị y tế khác tại bệnh viện của họ phải hủy bỏ hoặc bị trì hoãn. Bộ này cho biết, nhờ có các cơ sở y tế công kéo dài thời gian làm việc và các bệnh viện quân đội mở cửa phòng cấp cứu cho công chúng, việc xử lý các bệnh nhân cấp cứu và nguy kịch nhìn chung vẫn ổn định.

 

Các chuyên gia cho rằng nếu các bác sĩ cấp cao tham gia cuộc đình công này, ngành dịch vụ y tế của Nam Hàn sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiệp hội Y khoa Nam Hàn, nơi đại diện cho 140.000 bác sĩ của đất nước này, cho biết họ sẽ hỗ trợ các bác sĩ thực tập này nhưng vẫn chưa quyết định có tham gia cuộc đình công hay không.

 

(Theo APReuters, v.v.)

(ntdvn.net, Đông Phương tổng hợp)