Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên hạ cánh từ chuyên cơ để thăm Âu châu từ ngày 5 đến ngày 10/5/2024. Ảnh chụp từ video youtube của CCTV tiếng Anh.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đã đến Paris và được Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đón tiếp tại sân bay ngày 5/5.
Tháp tùng ông Tập còn có Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Thái Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Đây là chuyến thăm Âu châu của ông Tập Cận Bình sau 5 năm. So với chuyến thăm lần trước vào năm 2019, chuyến thăm lần này có thể nói là quan hệ Trung - Âu đang có chiều hướng xấu đi và Trung - Âu đang càng ngày càng xa cách.
Ý đã rút lui khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ khiến Trung - Âu xa cách, bởi vì Trung Quốc kiên trì ủng hộ Nga. Hiệp định Đầu tư Trung - Âu đã bị đóng băng. Liên minh Âu châu đang chuẩn bị áp đặt thuế quan lên xe điện và các sản phẩm khác của Trung Quốc, và đang tiến hành bắt giữ một lượng lớn gián điệp của Trung Quốc tại Âu châu. Tổng thống Pháp Macron, từ một người muốn làm ăn với Trung Quốc, giờ đây đã trở thành người gia tăng áp lực lên ông Tập, yêu cầu Trung Quốc dừng hỗ trợ cho Nga...
Ông Macron yêu cầu Trung Quốc giảm thiểu mất cân bằng trong thương mại và cố gắng thuyết phục ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga để giải quyết vấn đề chiến tranh Ukraine.
Một điều đặc biệt trong chuyến đi lần này, đó là mặc dù Tập Cận Bình đang thăm Pháp, nhưng Tổng thống Pháp Macron đã mời Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, là bà Ursula von der Leyen, cùng tham dự cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Điều này đã tạo thành một cuộc họp ‘tam phương’ giữa Âu châu, Pháp và Trung Quốc. Sắp xếp này cho thấy ông Tập Cận Bình không chỉ đang thảo luận với Pháp mà còn với toàn bộ Âu châu.
Chuyến thăm cuối cùng của ông Tập Cận Bình đến Âu châu là vào năm 2019, khi ấy ông Tập thăm Ý. Ông Tập đã được chào đón nồng hậu, và đỉnh điểm là Ý quyết định gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, vào tháng 3/2023, Ý chính thức rút lui khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ý là quốc gia duy nhất trong G7 gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường. Sau khi đại dịch bệnh bùng phát, Ý là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất ở Âu châu. Năm năm trước, trong thời gian Ý gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường, Thủ tướng Ý lúc bấy giờ là ông Giuseppe Conte rất thân với Trung Quốc. Hiện nay, Thủ tướng Ý là bà Giorgia Meloni là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Trong khi tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ý thực sự không nhận được lợi ích gì. Mặc dù tổng kim ngạch xuất cảng của nước này với Trung Quốc đã tăng từ 13 tỷ euro vào năm 2019 lên 16,4 tỷ euro vào năm 2022, nhưng kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc đến Ý đã tăng từ 31,7 tỷ euro lên 57,5 tỷ euro. Điều này nghĩa là Ý bị thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc. Cho nên, việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường không mang lại lợi ích cho Ý.
Năm 2021, Liên minh Âu châu gần như sắp ký kết Hiệp định Đầu tư Trung - Âu. Trong hiệp định này có điều khoản quy định rằng: Liên minh Âu châu sẽ đầu tư 100 tỷ euro mỗi năm cho Trung Quốc. Đây là một số tiền lớn. Nhưng khi hiệp định đầu tư này sắp được ra Nghị viện Âu châu để biểu quyết, Nghị viện Âu châu khi ấy đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số quan chức của Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách trừng phạt các nghị sĩ của Liên minh Âu châu. Cho nên, trong năm đó (2021), Hiệp định Đầu tư Trung - Âu đã bị đình chỉ. Nếu Trung Quốc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nghị sĩ Âu châu thì Âu châu có thể tiếp tục đầu tư 100 tỷ euro mỗi năm vào Trung Quốc. Nhưng vào năm 2022, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, bởi vì Trung Quốc ủng hộ Nga, cho nên Hiệp định Đầu tư Trung - Âu đã trở thành một ‘văn kiện lịch sử’, cả hai bên đều không muốn đề cập lại.
Cho nên từ năm 2019, quan hệ Trung - Âu đã xấu đi nhanh chóng. Chỉ trong vài tuần qua, Liên minh Âu châu đã khởi động các cuộc điều tra thương mại đối với các sản phẩm như turbine gió và thiết bị y tế của Trung Quốc. Gần đây, Đức và Anh đã bắt giữ và buộc tội ít nhất 6 người về hành vi gián điệp liên quan đến Trung Quốc.
Lần này ông Tập thăm Pháp, ngoài gặp Tổng thống Pháp Macron, ông Tập còn gặp Chủ tịch Ủy ban Âu châu là bà Ursula von der Leyen. Mặc dù bà ấy có vẻ như là một phụ nữ dịu dàng, nhưng bà Ursula von der Leyen là người đầu tiên trong Liên minh Âu châu đề xuất việc ‘giảm rủi ro' trong quan hệ với Trung Quốc, tức là tách rời chuỗi cung ứng. Cho nên, cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với ông Emmanuel Macron và bà Ursula von der Leyen sẽ là một cuộc gặp khó khăn.
Khi ông Tập thăm Âu châu, lục địa già đã chuẩn bị cho ông một món quà lớn.
Chúng ta biết rằng, vào tháng 9/2023, Chủ tịch Ủy ban Âu châu đã đề cập đến việc xe điện giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào thị trường toàn cầu, và Âu châu bắt đầu điều tra về việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành xe điện của họ.
Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban Âu châu về ‘Một nền Kinh tế vì con người’ nói với tờ Politico rằng: Sau 9 tháng điều tra, vào ngày 4/7, Liên minh Âu châu sẽ áp dụng biện pháp tạm thời về thuế hoặc hạn ngạch đối với xe điện, tức là có thể áp dụng thuế quan hoặc hạn chế số lượng xe điện Trung Quốc nhập cảng vào Âu châu. Ngày 4/7 là hạn cuối cùng, tức là vẫn còn hai tháng nữa để thực hiện, nhưng việc công bố một tin tức lớn như vậy khi ông Tập thăm Âu châu đã cho thấy mối quan hệ rạn nứt giữa Trung Quốc và Âu châu.
Vấn đề hiện nay là xe điện của Trung Quốc đang tràn vào Âu châu như thác lũ, đe dọa nhiều công ty xe điện Âu châu. Việc áp dụng bất kỳ mức thuế nào cũng không đủ để ngăn chặn sự cạnh tranh từ các hãng xe điện Trung Quốc. Cho nên, nếu muốn thực sự ngăn chặn các loại xe điện của Trung Quốc tiếp cận thị trường Âu châu, hoặc ít nhất tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, mức thuế quan cần phải được nâng lên từ 45% đến 55% mới có thể ngăn chặn được (theo báo cáo của Rhodium Group).
(Theo Thiên Lượng thời phân)
(ntdvn.net; Thuần Phong biên dịch)