Hoa Kỳ đang sử dụng các công nghệ cao như “tầm nhìn máy tính” ở Trung Đông để giúp xác định các mục tiêu cần tấn công. Hình ảnh cho thấy vào đêm 22/1/2024, máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của quân đội Mỹ cất cánh từ boong tàu sân bay USS Eisenhower và tiến hành cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của tổ chức Houthi ở Yemen. ở Biển Đỏ. (Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ)

 

 

THẾ GIỚI - Ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã phát biểu trong bài “Vàng và tự do kinh tế” như sau: “Trong tình huống [tiền tệ] không có bản vị vàng, sẽ không có bất cứ biện pháp nào để bảo hộ sự tích luỹ của dân chúng khỏi sự thống soái của nạn lạm phát, và điều này cũng có nghĩa là nguồn tài sản của dân chúng sẽ không có được nơi cất giữ an toàn”.

 

 

Nợ công kỷ lục: Vàng còn tăng giá trong dài hạn

Và đúng như những gì mà vị Cựu Chủ tịch Fed đã lo lắng, khi không có bản vị vàng, tiền do chính phủ quản lý đã chìm nổi trong chu kỳ lạm phát, tài sản của người dân nhanh chóng mất mát theo. Để bảo vệ tài sản, không ai muốn giữ tiền giấy, người dân có xu hướng muốn đổi tiền mà chính phủ in thành vàng và trữ nó trong nhà.

 

Theo Giáo sư Mankiw, nhà kinh tế học lỗi lạc của Harvard, nguyên nhân của lạm phát luôn là do chính phủ in tiền vượt quá tổng sản lượng mà cả nền kinh tế sản xuất ra. Vì sao các chính phủ lại lờ đi chỉ trích về lạm phát, sẵn sàng đẩy nền kinh tế vào rủi ro bằng quyết định in tiền quá nhiều so với tổng sản lượng tăng thêm? Câu trả lời là chính phủ sẽ cần in nhiều tiền hơn tổng sản lượng nền kinh tế khi chính phủ vướng vào nợ nần. Nợ thường được tạo ra nếu chính phủ tham chiến, chạy đua vũ trang, bù đắp nợ xấu cho các ngân hàng, hay để mở rộng chi tiêu dưới danh nghĩa kích thích tăng trưởng hoặc chi tiêu do bệnh dịch, thiên tai,... Cứ khi nào nợ, dù ở khu vực chính phủ hay tư nhân, trở nên quá lớn và thành mối đe doạ thì thời đại vàng lên giá sắp bắt đầu. Rõ ràng, nợ nần khiến đồng tiền mất giá và vì thế mà vàng lên giá. Vì vàng định giá theo USD nên nợ nần của chính phủ Mỹ có mối tương quan rất lớn với giá vàng. Hiện nay, nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ đang ở mức kỷ lục.

 

 

Đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa giá vàng (đường màu vàng) và tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ (đường màu xanh), các cột màu xanh là tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Mỹ so với GDP danh nghĩa (Nguồn: Micro - Macro, ảnh chụp màn hình ngày 12/3/2024).

 

 

 

Số liệu lịch sử về giá vàng trong mối tương quan với nợ công/GDP và thâm hụt ngân sách của Mỹ được mô tả ở đồ thị trên. Có mối quan hệ đồng thuận ở mức chặt chẽ giữa tốc độ tăng của giá vàng và mức độ mở rộng nợ của chính phủ Mỹ. Đặc biệt 4 năm gần đây, khi nợ chính phủ Mỹ theo GDP liên tiếp thiết lập kỷ lục mới, thâm hụt ngân sách so với GDP ở mức kỷ lục, giá vàng đã đạt đỉnh chưa từng có trong lịch sử.

 

Nợ toàn cầu nói chung và nợ công nói riêng không chỉ tăng mạnh ở Mỹ, nó đang là vấn nạn của các chính phủ trên khắp toàn cầu.

 

Nợ toàn cầu số tuyệt đối và nợ toàn cầu theo tỷ lệ GDP tái lập kỷ lục vào Quý 3/2023 sau khi giảm vào năm 2022 do hoạt động kinh tế đình trệ và nhu cầu vốn giảm bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD trong Quý 3/2023, đưa tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu lên tới 336%, cao hơn 1,4 lần so với năm 2019 (trước đại dịch) và 1,5 lần so với năm 2010. Trong đó, nợ toàn cầu bùng phát chủ yếu từ khu vực nợ công sau đại dịch. Nợ toàn cầu tăng thêm 97 nghìn tỷ USD năm 2023, tăng 40% so với năm 2019.

 

 

Nợ toàn cầu và tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu giai đoạn 2014 - 2023. (Nguồn: IIF)

 

 

 

Hơn 80% số nợ tăng mới nhất đến từ các nước phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp có mức tăng lớn nhất. Năm 2023, tổng nợ chính phủ tại các nước phát triển đạt 59,7 nghìn tỷ USD, tăng 60% so với 37,4 nghìn tỷ USD sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (GFC 2008), tương đương 113,6% GDP toàn cầu. Trong đó, nợ công của Mỹ và Nhật Bản lần lượt đạt 30,1 và 10,2 nghìn tỷ USD trong Quý 1/2023. Khác với các quốc gia phát triển, nợ trên các thị trường mới nổi, trong đó, mức nợ tăng lớn nhất đến từ các nền kinh tế lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Chủ yếu là nợ hộ gia đình và nợ của khu vực doanh nghiệp phi tài chính. Theo IIF, nợ toàn cầu ước tính sẽ đạt 310.000 tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng hơn 25% trong 5 năm và cảnh báo nợ có thể tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

 

Như vậy, nợ công mới là nguyên nhân thúc đẩy chính phủ in tiền quá mức (nhằm phục vụ cho các tham vọng chính trị) và khiến tiền mất giá - đây mới chính là nguyên nhân gốc rễ nhất giải thích cho sự tăng giá của vàng. Với kết luận như vậy thì vàng còn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh gánh nặng nợ công còn tiếp tục mở rộng, các chính phủ sẽ phải tiếp tục in vượt xa sản lượng nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ.

 

Mỹ hiện không chỉ tài trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga suốt hơn 2 năm qua, Mỹ còn đang trực tiếp tham chiến trên biển Đỏ (xung đột Houthi). Nhưng quan trọng hơn, chính sách mở rộng tài khoá để chi tiêu khổng lồ đã tiếp tục thúc đẩy thâm hụt ngân sách ở mức cao.

 

Theo số liệu trên CEIC data, tổng nợ cả nền kinh tế Mỹ tương đương với 723,7% tổng GDP năm 2023 của Mỹ. Trong đó, nợ công/GDP của Mỹ liên tiếp tạo kỷ lục mới, ở mức 127% GDP trong năm 2023. Dự báo khối nợ công Mỹ tiếp tục tăng mạnh do xung đột địa chính trị toàn cầu, chiến tranh và chính sách mở rộng chi tiêu công thúc tăng trưởng.

 

Tất cả đều khiến đồng bạc xanh, đồng tiền thống trị thế giới, bị mất giá và mất niềm tin khắp toàn cầu. Đồng bạc xanh của Mỹ từng uy tín nhất thế giới vì được neo vào vàng; gọi là chế độ bản vị vàng. Nhưng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam khiến Mỹ "bội ước", Mỹ "chơi xấu" khi in tiền nhiều hơn năng lực sản xuất của quốc gia (giá trị tính theo vàng mà Mỹ sở hữu).

 

 

Sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam, USD ngày một rời xa vàng

Đồng bạc xanh của Hoa Kỳ từng được cố định theo vàng (còn gọi là chế độ bản vị vàng) và các nền kinh tế khác từng cam kết sẽ neo giữ đồng nội tệ của họ vào đồng bạc xanh của Mỹ sau cuộc họp tại Bretton Woods năm 1971; khi đó mỗi ounce vàng tương đương với 35 USD. Lý do đơn giản là Mỹ có trữ lượng vàng lớn nhất và nắm giữ hầu hết vàng sau khi trở thành "người thắng cuộc" sau Thế chiến I và II. Các khoản đền bù chiến tranh khi đó đều bằng vàng vật chất.

 

Chiến tranh luôn là cỗ máy tạo nợ khủng khiếp cho nhân loại. Chỉ khác là chiến tranh khiến các chính phủ chứ không phải là khu vực tư nhân trở thành con nợ lớn. Khi các quốc gia có khối nợ khổng lồ, các chính phủ sẽ liều lĩnh in tiền để giải quyết nợ nần, khiến đồng tiền của họ trở thành "đồng tiền xấu"; lạm phát bùng phát và kinh tế điêu tàn sau đó. Những quốc gia thua cuộc sau Thế chiến I, II còn phải đền bù chiến tranh cho người thắng cuộc bằng vàng. Giải pháp lúc này là in tiền vô tội vạ để đền bù chiến tranh, mua hàng hoá đang khan hiếm. Các nền kinh tế khác, gồm cả kẻ chiến thắng, cũng thiệt hại nặng nề khi các nền kinh tế thua cuộc phá giá đồng nội tệ để trả nợ chiến tranh và bán hàng hoá của họ đổi lấy USD - một đồng tiền vốn cố định vào vàng. Hậu chiến tranh khiến Mỹ cũng phải từ bỏ bản vị vàng. Đó là lý do cuộc họp về chế độ tiền tệ toàn cầu do Mỹ cầm đầu được tổ chức ở Bretton Woods năm 1971. Một cam kết quay lại chế độ bản vị vàng của đồng USD và các nền kinh tế khác lại neo tỷ giá cố định theo USD.

 

 

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục vào thứ Sáu (8/3/2024) vừa qua, đạt mức 2.200 USD/ounce. Giá vàng trong nước thậm chí còn cao hơn giá vàng thế giới 10-25% do khan hiếm vàng nguyên liệu. (Nguồn: Trading Economics)

 

 

Là kẻ chiến thắng suốt hai Thế chiến và không tiêu hao nhiều trong 2 cuộc chiến này, Mỹ hưởng lợi từ chiến tranh cho tới khi quốc gia này sa lầy vào cuộc chiến ở Việt Nam. Cũng như các quốc gia thua cuộc khác, Mỹ nếm "trái đắng" của nợ nần khổng lồ. Chính phủ Mỹ lúc đó đã "âm thầm bội ước" với các nền kinh tế khác về việc đồng USD sẽ neo vào vàng. Chính phủ của cố tổng thống Nixon đã in thêm USD để ném vào cỗ máy chiến tranh. Khi kẻ cầm đầu bất tín, cuộc chơi lập tức tan rã ngay sau đó. Lạm phát đồng USD tăng mạnh, các quốc gia khác buộc phải bỏ chính sách neo tỷ giá cố định vào USD để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Chế độ bản vị vàng của tiền tệ chấm dứt từ đây. Lúc này, các chu kỳ của lãi suất thấp - lạm phát - khủng hoảng, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ, đã lặp đi lặp lại; các cuộc khủng hoảng sau lớn hơn cuộc khủng hoảng trước, nợ chính phủ ngày một lớn, thị trường ngày càng mất tự do.

 

 

 

Xung đột leo thang đến đâu, vàng tăng giá đến đó

Trong 4 năm qua, chúng ta chứng kiến Đại dịch lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Covid-19. Sau đại dịch, chiến tranh và xung đột không ngừng mở rộng. Một thời kỳ hỗn loạn đến mức câu hỏi về khả năng xảy ra thế chiến thứ 3 vẫn còn bỏ ngỏ. Mọi rủi ro đều có thể.

 

Chỉ 8 tháng kể từ khi thừa nhận đại dịch Covid-19 và các nền kinh tế hầu hết phải đóng biên giới để ngăn đà lây lan, vàng tăng 39,5% giá trị. Sau cú sốc đại dịch, tiền cứu trợ được ào ào bơm vào các nền kinh tế, thúc đẩy các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản (BĐS) khiến vàng tạm thời hạ nhiệt.

 

 

Nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu từ 24/2/2022 đã thúc đẩy một cơn sốt giá vàng mới. Trong vài tháng trước và sau khi đưa quân vào Ukraine, giá vàng tăng thêm 12,7%. Dù sau đó có đà điều chỉnh mạnh, chủ yếu vì Fed tăng lãi suất và đồng USD lên giá cũng như hy vọng cuộc chiến chỉ là một xung đột khu vực, nhưng các xung đột địa chính trị khác lại xuất hiện trong bối cảnh nợ công kỷ lục, rủi ro khủng hoảng hiện hữu, đồng USD mất giá như "lửa đổ thêm dầu" vào giá vàng.

 

Kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra giữa Israel và Palestine vào ngày 7/10/2023 và các cuộc xung đột ở Biển đỏ giữa liên minh Mỹ - Anh và lực lượng Houthi xảy ra, giá vàng không ngừng tăng. Cho tới nay, giá vàng tăng thêm 18,5%; có thời điểm lập đỉnh chưa từng có trong lịch sử 2.200 USD/ounce.

 

 

Giá vàng trong mối tương quan với dịch bệnh và chiến tranh. (Nguồn: Trading Economics và NTDVN tổng hợp)

 

 

Sự tăng giá vàng này không phải do xung đột vũ trang giữa hai chủ thể này mà do sự tham gia của các nền kinh tế có đồng tiền mạnh là Mỹ và EU và khả năng leo thang chiến sự phức tạp từ cuộc xung đột này. Ví dụ về xung đột dải Gaza, trong khi Lebanon, thông qua Hezbollah, cảnh báo về khả năng trả đũa trừ khi vụ thảm sát ở Gaza chấm dứt, thì Israel lại tăng cường ném bom ở Syria và Mỹ đã cử hai nhóm tàu sân bay tới khu vực, đồng thời chỉ ra Iran là thủ phạm dẫn tới cuộc xung đột.

 

Thời gian và sự leo thang của chiến tranh ở Trung Đông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân phối và giá dầu, tạo ra "cơn bão hoàn hảo" để vàng tăng giá. Mặc dù vậy, sự phục hồi giá trị của vàng do cuộc xung đột Palestine - Israel này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, như đã từng thấy trong quá khứ.

 

Đối với cuộc chiến ở Ukraine, giá vàng tăng chủ yếu là do các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, khiến giá năng lượng và các hàng hóa khác tăng cao, gây ra lạm phát tàn phá các nền kinh tế châu Âu, cũng như sự tăng tốc trong quá trình phi đô la hóa của các quốc gia muốn bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có Trung Quốc.

 

Lịch sử tiền tệ cho ta thấy rằng vàng luôn phản ứng mạnh mẽ với chiến tranh. Nguyên nhân sâu xa sau đó chính là chiến tranh khiến chính phủ nợ nần. Nợ khiến chính phủ in thêm tiền để trang trải và đồng tiền mất giá. Dĩ nhiên, các cuộc chiến có tham dự của các nền kinh tế có ngoại tệ mạnh, ở vị thế dẫn dắt thế giới - như Mỹ - sẽ tác động trực tiếp nhất đến giá vàng. Các xung đột khác có thể chỉ gây ra các nhiễu loạn với giá vàng. Trong giai đoạn lịch sử này, dù chiến tranh không xảy ra trên đất Mỹ, nhưng Mỹ đã tham chiến sâu hơn, chi tiêu nhiều hơn cho chiến tranh trong khi nợ công liên tục thiết lập kỷ lục mới.

 

Với tất cả các lý do ở trên, vàng sẽ còn tăng giá trong ngắn và trung hạn.

 

Đằng sau câu chuyện của vàng là câu chuyện của tiền tệ và các cuộc chiến tranh tiền tệ. Dường như sự thất bại của các đồng tiền giấy không có bản vị vàng đã trở thành nỗi ám ảnh về niềm tin, nó xảy ra trên khắp toàn cầu.

 

Mời quý vị đón đọc Phần 3: "Giống như tự do, vàng chưa bao giờ phải hạ thấp giá trị của nó".

 

(ntdvn.net; Thanh Đoàn)