Tàu Hải cảnh Trung Quốc 5205 (T) đâm vào tàu Tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần bãi cạn Sa Bin ngày 31/08/2024 (ảnh chụp từ phía tàu Philippines). AP
Trong thời gian những tuần gần đây, một địa danh mới tại Biển Đông đang thu hút sự quan sát quốc tế: Bãi cạn Sa Bin, nơi Philippines và Trung Quốc đang đối đầu nhau. Nhiều người lo ngại đây sẽ là điểm có nguy cơ đụng độ bùng phát thành xung đột vũ trang. Vì sao lại là bãi Sa Bin?
Một lằn ranh đỏ trong các tranh chấp ở Biển Đông giữa Philipppines và Trung Quốc đã được vạch rõ hôm 09/09/2024. Trả lời phỏng vấn báo This Week in Asia, đại tá Xerxes Trinidad, người phụ trách truyền thông của quân đội Philippines, cảnh cáo Trung Quốc không được phép dùng vũ lực để di dời tàu thuyền của Philippines. Thông báo được đưa ra vào lúc Bắc Kinh bắn tiếng là đang xem xét khả năng kéo tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines ra khỏi bãi cạn Sa Bin. Liên tục trong những tuần trước đó, Manila đã cáo buộc tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng vào tàu Philippines, bắn pháo sáng vào máy bay Philippines tập trung tại khu vực này.
Sa Bin, điểm trung chuyển cho việc tiếp tế Bãi Cỏ Mây
Về hồ sơ này, báo Hồng Kông South China Morning Post có bài ‘‘Tại sao bãi cạn Sa Bin trở thành điểm đối đầu Trung Quốc – Philippines?’’ nhấn mạnh trước hết đến ‘‘ý nghĩa chiến lược’’ của bãi cạn Sa Bin đối với Philippines như ‘‘một trạm trung chuyển’’ của các hoạt động tiếp tế cho đơn vị quân đội đồn trú Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), được coi là một tiền tiêu của Philippines trong thế phòng ngự chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, phía nam Biển Đông.
Bãi cạn Sa Bin, Philippines gọi là bãi Escoda, Trung Quốc gọi là Xianbin (Tiên Tân Tiêu), nằm cách đảo Palawan khoảng 146 km về phía tây. Từ đây để đến được Bãi Cỏ Mây, phía tây quần đảo Trường Sa, còn khoảng 65 km. Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, bãi cạn Sa Bin thường được dùng làm nơi trú ẩn cho các chuyến tàu tiếp tế của Philippines : “Nếu gặp thời tiết xấu, (tàu thuyền) có thể trú ẩn một thời gian tại đây, trước khi tiếp tục chuyến đi đến Bãi Cỏ Mây, thay vì phải quay ngược lại đảo (Palawan)’’, cách đó rất xa.
Chuyên gia Trung Quốc Ding Duo, phó giám đốc Viện Luật và Chính sách Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) ở Hải Nam, cũng dự báo ‘‘rất có khả năng sẽ xảy ra nhiều cuộc đối đầu trên biển gay gắt và dữ dội hơn giữa hai lực lượng tuần duyên Trung Quốc và Philippines gần vùng biển ngoài khơi bãi cạn Sa Bin, do giá trị chiến lược của bãi cạn này đối với hoạt động tiếp tế của Manila cho Bãi Cỏ Mây’’.
Reed Bank giàu tài nguyên dầu khí
Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, làm chủ bãi cạn Sa Bin cũng cho phép ngăn chặn tàu thuyền đến đảo Thị Tứ, một hòn đảo lớn do Philippines kiểm soát ở Biển Đông, nơi có khoảng 400 thường dân sinh sống.
Theo nhiều nhân vật quan sát, bãi cạn Sa Bin cũng được coi là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Manila vì nằm gần Reed Bank, một khu vực cách Palawan khoảng 85 hải lý được cho là có trữ lượng dầu khí đáng kể. Hồi tháng 4/2024, cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết cần bảo vệ bãi cạn Sa Bin vì lý do này. Trả lời đài GMA Network, ông Carpio cho biết trữ lượng khí đốt tại Reed Bank có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của Philippines đến 75 năm.
''Ác mộng’’ với Manila: Trung Quốc lập căn cứ hoặc kiểm soát như Scarborough
Điểm trung chuyển cho các hoạt động tiếp tế cho vị trí tiền tiêu Bãi Cỏ Mây của Philippnes, và nguồn năng lượng dồi dào là hai trong số các lý do chính khiến Manila coi bãi cạn Sa Bin là một khu vực có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, lý do trực tiếp khiến Manila quyết định khẩn cấp tăng cường sự hiện diện tại khu vực này là để ngăn ngừa viễn cảnh Bắc Kinh chiếm lĩnh bãi cạn , biến nơi đây thành một căn cứ quân sự như tại 7 thực thể địa lý khác ở quần đảo Trường Sa, và trước mặt có thể chiếm lĩnh khu vực này, như đã làm ở bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Kịch bản Scarborough là cơn ‘‘ác mộng’’ với Manila.
Tháng 5/2024, Manila bắt đầu lên án các hoạt động ‘‘cải tạo’’ của Trung Quốc tại bãi cạn Sa Bin.Phát ngôn nhân của Tuần duyên Philippines, chuẩn tướng Jay Tarriela, cho biết lực lượng cảnh sát biển của nước này đã phát hiện ra nhiều đống san hô chết và bị nghiền nát, được đổ lên các bãi cát của bãi cạn. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc của Manila về mưu toan xây dựng đảo nhân tạo ở Sa Bin.
Cả hai đều mất nhiều thứ nếu từ bỏ bãi cạn Sa Bin
Cả Manila và Bắc Kinh đều coi đây là điểm đối đầu số một hiện nay. Kể từ tháng 4/2024, Manila đã khai triển tàu BRP Teresa Magbanua, một trong những tàu tuần duyên tối tân nhất đến khu vực Sa Bin, trong lúc Trung Quốc điều động nhiều tàu lớn, trong đó có tàu CCG-5901, với tải trọng 12.000 tấn, được coi là ‘‘tàu tuần duyên lớn nhất thế giới’’.
Theo ông Ray Powell, giám đốc SeaLight, một dự án về minh bạch hàng hải tại Đại học Stanford, ‘‘cả hai nước đều có nhiều thứ để mất nếu họ từ bỏ bãi cạn Sa Bin, một phần vì cả hai đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ’’ (báo Anh The Guardian).
Bãi cạn Sa Bin dường như đang trở thành điểm đối đầu không thể khoan nhượng giữa Manila và Bắc Kinh. Bãi cạn Sa Bin, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippnines, cách lãnh thổ Trung Quốc cả nghìn cây số, có tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn với chính quyền Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr quyết tâm không để mất bãi cạn với cam kết không nhượng bộ ‘‘một mét vuông chủ quyền lãnh thổ’’. Điều này đặc biệt quan trọng với chính quyền của ông Marcos Jr. đặc biệt vào lúc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm tới.
Với Bắc Kinh, đây cũng là một điều không thể nhân nhượng. Theo chuyên gia Collin Koh, Singapore, ‘‘đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, đối với Tập Cận Bình, điều đó rõ ràng là không khả thi vì dẫn đến những tổn thất chính trị rất lớn’’. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn bị hạ nhục nếu phải chấp nhận lui bước trước ‘‘một đối thủ nhỏ hơn và yếu hơn nhiều’’.
Trung Quốc lấn tới, Philippines, với hậu thuẫn của Mỹ, không lùi bước?
Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Philippines đang cố gắng sử dụng tàu Teresa Magbuana để tạo ra một ‘‘căn cứ quân sự bán chính thức’’ tại bãi cạn Sa Bin, tương tự như với con tàu BRP Sierra Madre, chiếc tàu rỉ sét thời Thế chiến Hai, đã được Philippines cố tình cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây hồi 1999 để khẳng định chủ quyền.
Theo The Economist, thái độ của Mỹ trong cuộc đối đầu tại bãi Sa Bin đang được các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á cũng như nơi khác, và Bắc Kinh theo dõi sát, trong bối cảnh Washington đang phải chia sẻ lực lượng trên nhiều ‘‘mặt trận’’. Mỹ sẽ hậu thuẫn Manila hay buộc nước này phải nhân nhượng các tham vọng bành trướng của Trung Quốc ? Các diễn biến tại khu vực bãi cạn Sa Bin sẽ cho thấy nhiều điều về cục diện của thế giới trong thời gian sắp tới.
Về phía Philippines, trong một bài viết trên Nikkei Asia, chuyên gia địa chính trị học Don McLain Gill, đại học De La Salle ở Manila, nhấn mạnh đến quyết tâm chính trị của chính quyền Philippines tăng cường các nỗ lực bổ trợ, mạnh mẽ hơn, phối hợp hiệu quả với các đối tác chiến lược để đối phó hiệu quả với Trung Quốc.
(Theo RFI Việt ngữ)