Các nước trên thế giới mỗi năm chi ra hàng tỷ USD để ngăn chặn thảm họa gây ra bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, liệu thảm họa có thực sự tồn tại hay không? (Ảnh: Carsten Koall/Getty Images)

 

 

 

 

QUỐC TẾ - Biến đổi khí hậu đã trở thành mối bận tâm lớn của thời đại. Nhiều quốc gia trên thế giới, gồm 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc đều đã lên tiếng cam kết chống biến đổi khí hậu. Tuy vậy, cả 2 quốc gia này đang gặp phải vô số trở ngại khi thực hiện cam kết của họ, từ đó làm dấy lên câu hỏi về tính khả thi của các biện pháp chống nóng lên toàn cầu. Những yêu cầu từ thực tế cuộc sống, xã hội, và kinh tế khác xa với những cuộc thảo luận trên các bàn hội nghị chính trị.

 

 

Từ ngày 31/10 sắp tới, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow, vương quốc Anh. Khoảng 20.000 nguyên thủ quốc gia, các nhà ngoại giao, và các nhà hoạt động dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp để đặt ra các mục tiêu mới nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 từ than đá, dầu mỏ, và khí đốt. Các nhà khoa học cho rằng thế giới phải ngay lập tức hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhằm ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5°C so với mức trước Cách mạng Công nghiệp. 

 

 

Biến đổi khí hậu đã trở thành mối bận tâm lớn của thời đại dù còn rất nhiều tranh cãi. Mỗi năm, các nước trên thế giới chi ra tổng cộng hàng tỷ USD để ngăn chặn ‘thảm họa’ trong tương lai. Tuy nhiên, liệu thảm họa có thực sự xảy ra hay không? NTDVN đã có bài phân tích về những sai sót của các mô hình khí hậu đang được sử dụng để đưa ra dự báo về thảm họa.

 

 

Rõ ràng là con người phải bảo vệ môi trường tự nhiên, nhưng chúng ta cần hành động một cách có lý trí. Nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động, và giới phân tích đã dựa trên những dữ liệu thực tế và thực trạng cuộc sống mà cất tiếng nói lương tri rằng: ‘Bảo vệ môi trường’ đã bị biến thành một loại chủ nghĩa cực đoan, và ‘chống biến đổi khí hậu’ đã trở thành một công cụ để kiểm soát xã hội, lũng đoạn tài chính, và một cái cớ để bành trướng chủ nghĩa toàn cầu. Mời quý độc giả ghé đọc chuyên đề: "Biến đổi khí hậu: Công cụ kiểm soát xã hội, lũng đoạn tài chính tiến lên Chủ nghĩa toàn cầu" của NTDVN để hiểu rõ về ‘thể chế’ chống biến đổi khí hậu hiện nay.

 

 

Lễ khai mạc hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21 diễn ra vào ngày 30/11/2015 tại Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp. Hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp trong điều kiện an ninh được nâng cao. (Ảnh: LOIC VENANCE / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Quay trở lại Hội nghị COP26, vào tháng 9/2021, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng: Mục tiêu mà các nước đưa ra là chưa đủ để làm giảm mức độ nóng lên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới - vẫn chưa đệ trình NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Các nhà cung ứng nhiên liệu hóa thạch lớn như Ảrập Xêút, Nga, và Úc dường như không muốn tăng cường cam kết của họ. Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ, sản xuất, và nhập khẩu than lớn thứ 2 thế giới - cũng chưa đưa ra cam kết... 

 

 

Tại sao lãnh đạo các quốc gia kể trên và nhiều quốc gia khác lại dè dặt trong việc đưa ra các mục tiêu mà đáng lẽ theo các nhà khoa học thì chúng sẽ ngăn chặn lũ lụt, hạn hán, cháy rừng… từ đó tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD giải quyết thiệt hại, đồng thời đảm bảo cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho người dân toàn thế giới cũng như thế hệ tương lai? Có lẽ nào người trong cuộc mới hiểu cuộc chơi? Phải chăng các vị lãnh đạo đều biết rõ về công cụ ‘chống biến đổi khí hậu’? Nếu như dự báo về ‘Ngày tận thế’ do biến đổi khí hậu là lời nói dối thế kỷ thì phải chăng những công ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu chỉ là bước đi chính trị, và chúng đang đi ngược lại với lợi ích của người dân toàn cầu? 

 

 

Trước các áp lực ngày càng gia tăng về phục hồi kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân hậu đại dịch, chúng ta đang chứng kiến sự khác biệt to lớn giữa những lời tuyên bố của các vị nguyên thủ và hành động thực tế của họ. Hãy cùng nhìn vào 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

 

 

Mỹ

 

Những gì truyền thông dòng chính quảng bá rầm rộ.

Tổng thống Joe Biden đã vận động tranh cử với lời hứa khôi phục vai trò đầu tàu của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Biden đã ban hành một lượng lớn các lệnh hành pháp và các mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải.

 

 

 

 

 

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký các lệnh hành pháp sau bài phát biểu về chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm, và khôi phục tính toàn vẹn khoa học tại Nhà Trắng ở Washington DC, ngày 27/1 /2021. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Tổng thống Mỹ cũng đã đưa quốc gia này quay lại hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, huỷ bỏ dự án đường ống dẫn dầu thô Keystone XL từ Canada, tạm dừng các hợp đồng cho thuê dầu khí mới trên các vùng đất liên bang, đồng thời đình chỉ quyền khoan tại Khu bảo tồn Quốc gia động vật hoang dã Bắc Cực. 

 

 

Chính quyền Biden cũng đặt mục tiêu loại bỏ khí CO2 trong ngành điện vào năm 2035, một dấu mốc quan trọng trên con đường hướng tới mục tiêu của thỏa thuận Paris về không phát thải vào năm 2050.

 

 

 

 

Những gì truyền thông ít đề cập.

 

Trong 9 tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ông Biden đã có nhiều bước đi hỗ trợ phát triển nhiên liệu hóa thạch ở cả trong và ngoài nước Mỹ. 

 

 

Chính quyền Biden đã ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng dầu khí như đường ống Line 3 của Enbridge từ Canada, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý giấy phép khoan dầu khí. Các quan chức dưới thời Tổng thống Biden đã phê duyệt hơn 2,600 giấy phép cho các hợp đồng khoan dầu trên đất liền, điều này thậm chí còn nhanh hơn tốc độ dưới thời cựu Tổng thống Trump.

 

 

 

Tổng thống Joe Biden huỷ bỏ dự án đường ống dẫn dầu thô Keystone XL từ Canada nhưng lại ủng hộ đường ống dẫn dầu cát Line 3 của Enbridge cũng từ Canada. (Ảnh: KEREM YUCEL/AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Vào tháng 08/2021, Nhà Trắng đã thúc giục Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ  (OPEC) nâng sản lượng nhằm giúp phục hồi nền kinh tế sau tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời giúp giữ giá xăng bán lẻ ở mức mà những người lái xe ở Mỹ có thể chi trả được.

 

 

Hiện tại, các phản đối về mặt chính trị khiến kế hoạch của chính quyền Biden liên quan đến chống biến đổi khí hậu khó có thể được thông qua tại quốc hội Mỹ. Ngay cả Thượng Nghị sĩ Joe Manchin, một thành viên Đảng Dân chủ, đã chỉ trích các chính sách chống biến đổi khí hậu của Đảng mình trên kênh CNN. Ở bang West Virginia của ông, khoảng 91% lượng điện toàn bang đến từ than đá. Trong một cuộc phỏng vấn với đài địa phương, ông Machin đã phản bác quan điểm cho rằng nền công nghiệp than đá của Mỹ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khí hậu. Theo ông Manchin, nền công nghiệp than đá cần được bảo vệ, vì nước Mỹ không thể tồn tại nếu thiếu than đá, theo Theo Epoch Times.

 

 

The Epoch Times cũng đưa tin, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ Viện, dẫn đầu là lãnh đạo phe thiểu số Kevin McCarthy, đã kêu gọi Tổng thống Biden huỷ bỏ các lệnh hành pháp và các chính sách khác trong việc hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên ở Mỹ. 

 

 

 

Dưới thời chính quyền Trump, vào năm 2019 Mỹ đã lần đầu tiên trong 62 năm trở thành nước độc lập về năng lượng. Tháng 4/2020, những chính sách của ông Trump đã khiến giá dầu giảm xuống chỉ còn khoảng 1,94 USD/gallon. Tuy nhiên, những quyết định hành pháp ngay trong những ngày đầu nhậm chức của ông Biden đã đảo ngược các thành quả của ông Trump. Dữ liệu từ EIA - cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ - cho thấy giá dầu đã liên tục tăng trong các tháng qua, từ 2,42 USD/gallon vào tháng 1 lên 3,272 USD/gallon vào tháng 9. Giá dầu thô cũng đạt mức cao nhất trong 7 năm qua, lên mức 80 USD/thùng. 

 

 

Ông McCarthy cũng chỉ trích các cuộc thương thảo của ông Biden với OPEC+, tổ chức bao gồm cả Nga, Iran, và Venezuela, cho rằng Mỹ không nên dựa vào những quốc gia này để đảm bảo nhu cầu năng lượng của mình. Theo ông McCarthy, việc nới lỏng các hạn chế về sản xuất năng lượng sẽ cải thiện tình hình kinh tế và việc làm của Mỹ, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, đồng thời giảm giá năng lượng cho các hộ gia đình Mỹ.  

 

 

Theo Reuters, trên thực tế, một số cử tri và lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng hòa luôn nghi ngờ về việc liệu biến đổi khí hậu có thật sự là do con người gây ra hay không.

 

 

 

Trung Quốc

 

Những gì Trung Quốc tuyên bố

Vào tháng 9 năm ngoái, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt tới ngưỡng tối đa về khí thải carbon (CO2) trước năm 2030 và đạt tới trung hoà carbon vào năm 2060, theo South China Morning Post.

 

Ngành thép của Trung Quốc, ngành chiếm đến 15% lượng khí thải carbon của quốc gia này, nhắm tới một mục tiêu sớm hơn là đạt ngưỡng tối đa vào năm 2025, và sẽ cắt giảm 30% lượng khí thải vào 5 năm sau.

 

 

Một công nhân đang làm việc tại một nhà máy thép ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 12/02/2021. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Theo tờ Nhật báo thông tin kinh tế của nhà nước Trung Quốc, 237 doanh nghiệp sản xuất thép, chiếm 60% sản lượng toàn Trung Quốc, đã hoàn thành hoặc bắt đầu quá trình cải cách hướng tới giảm thiểu lượng khí thải.

 

 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu rằng, cắt giảm CO2 là nhu cầu cấp bách không chỉ vì chống biến đổi khí hậu mà còn vì mục tiêu hiện đại hoá của quốc gia này.

 

 

 

Tại cuộc họp bộ chính trị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thúc ép các tỉnh thành hạn chế các dự án tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra nhiều khí thải. Sau đó, các tỉnh thành này đã yêu cầu các nhà máy thép hạn chế sản xuất để giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.

 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ dừng việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than tại nước ngoài - một động thái thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc với việc phát triển năng lượng xanh. 

 

 

Cơ quan quản lý năng lượng Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ phần trăm năng lượng từ than đá từ 57% vào năm 2020 xuống còn 56% vào năm 2021.

 

 

 

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào than đá 

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch CREA và Cơ quan Giám sát năng lượng toàn cầu GEM, trong nửa đầu năm 2021, có tới 35 triệu tấn thép của Trung Quốc được sản xuất bằng than, nhiều hơn số lượng của cả năm ngoái. Điều này cho thấy ngành thép Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào than. Báo cáo này cũng đặt ra câu hỏi rằng, liệu chính phủ Trung Quốc có ủng hộ việc ‘giảm nhiệt’ ở các ngành tạo ra nhiều khí thải, hay vẫn thúc đẩy các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng, vốn là các hoạt động làm gia tăng nhu cầu cho ngành sắt thép và ngành năng lượng, từ đó tạo ra nhiều khí thải hơn?

 

 

Nhà nghiên cứu Yang Fuqiang tại Viện năng lượng Đại học Bắc Kinh đánh giá, tuy Trung Quốc đã tăng cường sản xuất điện hạt nhân và các nguồn năng lượng xanh khác nhưng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cộng với áp lực kinh tế, đã khiến lượng tiêu thụ than ở nước này tiếp tục tăng. 

 

 

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về điện than. Trong năm 2020, nước này tạo ra tổng lượng công suất điện than mới nhiều hơn 3 lần tổng lượng công suất mới của tất cả các nước khác trên thế giới. Trung Quốc hiện có kế hoạch xây mới 43 nhà máy điện than và 18 lò luyện. 

 

 

 

 

Một nhà máy điện than thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc ở thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 16/6/2017. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

 

 

 

 

 

Phó tổng thư ký Su Wei của Uỷ ban phát triển và cải cách quốc gia phát biểu rằng: “Cấu trúc năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào than đá. Đây là một thực tế khách quan”. Ông Su Wei cũng cho rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài năng lượng than đá bởi các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió hay năng lượng mặt trời thường bị gián đoạn và không ổn định. Theo báo cáo của Tổ chức Phục hưng Trung Quốc, than đá vẫn luôn là lựa chọn phù hợp nhất với nền kinh tế Trung Quốc.

 

 

Hiện tại, tình trạng thiếu điện đang khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nước này đã tăng đáng kể sản lượng nhiệt điện vào ngày 13/10. Các mỏ than chưa có giấy phép bị đóng cửa trước đó đã được mở cửa trở lại. Các mỏ than và nhà máy nhiệt điện đóng cửa để nâng cấp công nghệ cũng được khởi động lại. Chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra các ưu đãi thuế với các nhà máy điện than. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được lệnh cung cấp nhiều khoản vay lớn cho các công ty khai thác than. Theo CNBC, có thể khẳng định, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào than đá.

 

 

Qua dẫn chứng từ 2 quốc gia Mỹ và Trung Quốc, hẳn độc giả cũng nhận ra sự khác biệt to lớn giữa những bước đi chính trị nhằm ‘phụ họa’ cho trào lưu chống biến đổi khí hậu với hành động thực tế của các vị lãnh đạo nhằm cứu vãn tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Khi mà giả định về một trái đất ngày càng nóng hơn chưa được xác thực, thì quá trình khử cacbon lại đang 'hút hết oxy' ra khỏi các nền kinh tế, tạo sức ép cực lớn lên thế hệ lao động hiện tại và tương lai. Và khi các chính sách chống biến đổi khí hậu chưa mang lại lợi ích gì, thì các nhà chức trách buộc phải quay trở về với thực tế và sử dụng đến các nguồn năng lượng truyền thống.

(Theo ntdvn.com)