ĐÀI LOAN - Dẫn đầu thế giới về chế tạo chất bán dẫn, thế nhưng Đài Loan lại không hài lòng với vị trí này và đang dần lấn sân sang lĩnh vực thiết kế, vượt lên các doanh nghiệp Mỹ vốn chỉ xem hòn đảo này chỉ là cứ điểm sản xuất.

 

Bảng xếp hạng 10 công ty thiết kế chip hàng đầu tính theo doanh thu năm 2021 của hãng nghiên cứu Đài Loan TrendForce đã xếp MediaTek của Đài Loan ở vị trí thứ 4. Cùng đó là đồng hương Novatek Microelectronics đứng thứ 6 và Realtek Semiconductor ở vị trí thứ 8. Himax Technologies lần đầu tiên tham gia danh sách này, xếp vị trí thứ 10. Các công ty Mỹ giữ sáu vị trí còn lại. Đây là lần đầu tiên sự hiện diện của các công ty Đài Loan chiếm tỷ lệ lớn như vậy.

 

Bà Lisa Su – CEO của hãng chip Advanced Micro Devices – là công dân Mỹ nhưng sinh ra ở Đài Loan. Các mối liên hệ với hòn đảo như là thứ tài sản mới, công cụ thương thuyết của Đài Loan trong các vụ M&A ngành chip trong tương lai. Ảnh: AMD

 

 

Thành công của mô hình fabless

Xu hướng này làm dấy lên sự lo ngại về việc thế giới ngày càng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất cho các thành phần thiết yếu cho một loạt các sản phẩm dân dụng từ nồi cơm điện đến smartphone và xe hơi.

 

Khả năng thiết kế tiên tiến là yếu tố bắt buộc để phát triển chip hiệu suất cao. Mỹ đã được biết đến như một siêu cường bán dẫn vì lợi thế vượt trội của mình trên mặt trận này, với danh sách bao gồm Qualcomm, Broadcom, Nvidia và Advanced Micro Devices.

 

Mô hình fabless (không sản xuất, chỉ chuyển sang nơi khác gia công) được ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ tiên phong áp dụng trong thập niên 1980 như là cách đối phó với các rào cản lớn trong việc gia nhập ngành này. Đây là cách tiếp cận phổ biến để xử lý mọi khâu từ thiết kế đến sản xuất, đòi hỏi các công ty phải chia nhỏ nguồn lực ra và đầu tư mạnh mẽ vào các các cơ sở chế tạo đắt tiền.

 

Các công ty Mỹ đã chọn đi một con đường khác: giữ nguyên quy trình thiết kế giá trị cao ở Mỹ trong khi chuyển hướng sản xuất giá trị thấp hơn sang các thị trường châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Sự lớn mạnh của Qualcomm, thành lập năm 1985 và Nvidia, thành lập năm 1993, là minh chứng cho sự thành công của mô hình này.

 

Giờ đây, các công ty Đài Loan đang bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực này, tạo ra mối đe dọa cho các nhà thiết kế Mỹ mà trước đây về cơ bản coi họ là nhà thầu phụ.

 

Sự thăng tiến nhanh chóng của các nhà thiết kế chip Đài Loan một phần là do ở vị trí địa lý rất gần với TSMC – nhà gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới – và United Microelectronics Corp (UMC) xếp hạng thứ ba.

 

Các hãng chip fabless cần phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng các thiết kế bán dẫn của họ thực sự có thể được sản xuất. Đối với các doanh nghiệp Đài Loan, việc TSMC và UMC ở rất gần giúp giao tiếp dễ dàng hơn nhiều. Lợi thế này đã được tăng lên rất nhiều trong hai năm qua do việc đóng cửa biên giới để phòng Covid.

 

Những mối quan hệ bền chặt này đã “đơm hoa kết trái” trong tình trạng thiếu chip hiện nay. Với lượng đơn đặt hàng liên tục đến từ khắp nơi trên thế giới, TSMC và UMC đã ưu tiên các công ty thiết kế Đài Loan mà họ đã có quan hệ chặt chẽ, tạo thêm sức bật cho các hãng thiết kế.

 

Điều này đặc biệt rõ ràng ở chip điện thoại thông minh. MediaTek, công ty có mối quan hệ mật thiết với TSMC, đã vượt qua Qualcomm để dẫn đầu thị trường toàn cầu trong lĩnh vực này.

 

Trong tuần MediaTek đã công bố lợi nhuận ròng tăng 30% trong năm lên 33,2 tỉ NTD (tân Đài tệ, tương đương 1 tỉ đô la Mỹ ) trong quí 1-2020 – mức cao nhất mọi thời đại. Doanh thu tăng 32% lên mức kỷ lục 142,7 tỉ NTD (4,85 tỉ đô la) nhờ nhu cầu về chip điện thoại thông minh 5G tăng cao. CEO Rick Tsai cho biết hãng sẽ không chỉ duy trì mà còn mở rộng thị phần vào năm 2022, với sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Bắc Mỹ và Ấn Độ.

 

Trong khi Qualcomm cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của TSMC trong bối cảnh thiếu chip. Mối quan hệ dưới cơ của công ty Mỹ với hãng chip Đài Loan khiến TSMC xếp hạng thấp trong danh sách ưu tiên, khiến hãng Mỹ bị thu hẹp thị phần.

 

Các hãng thiết kế chip Mỹ giữ vị trí thống lĩnh trong một thời gian dài. Hiện các hãng Đài Loan đang cạnh tranh ngang ngửa với các hãng Mỹ, nhưng có thêm lợi thế là các hãng đồng hương là những nhà gia công chip danh tiếng như TSMC và UMC. Ảnh: Nikkei Asia

 

Bốn hãng thiết kế chip mới trong top 10 đều dựa vào sự hỗ trợ của TSMC và UMC làm bệ phóng. Sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp địa phương là bước đệm giúp họ bước lên bục vinh quang.

 

Chris Hung, Phó tổng giám đốc Viện Tư vấn & Tình báo thị trường có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết Đài Loan là quê hương của mọi ngóc ngách, lĩnh vực của ngành công nghiệp bán dẫn và các công ty rất gần nhau về mặt địa lý. Điều này giúp các công ty nổi tiếng chuyên thiết kế chip hoạt động hiệu quả hơn dễ dàng hơn.

 

Vai trò ngày càng tăng của Đài Loan trong thiết kế chip cũng mở rộng sang các công ty thiết kế có trụ sở tại Mỹ. Nvidia, AMD và Xilinx – xếp thứ hai, thứ năm và thứ chín trong danh sách của ForceTrend – là do các vị CEO được sinh ra ở Đài Loan điều hành. TSMC là do các giám đốc điều hành sinh ra ở Đài Loan đứng đầu. TSMC là nhà thầu chính cho cả ba.

 

Nhìn chung, 7/10 doanh nghiệp fabless hàng đầu đều có các nhà lãnh đạo gốc Đài Loan. Mối liên hệ của họ với hòn đảo sẽ là một tài sản hay công cụ thương thuyết trong các thương vụ mua bán và sáp nhập trong ngành trong tương lai.

 

Các hãng chip ở Trung Quốc đại lục hiện đang nhắm vào Đài Loan như một nguồn cung cấp nhân lực và cả các bí quyết công nghệ mà Trung Quốc có thể “học lóm” – hay thẳng thắn như cựu Tổng thống Donald Trump gọi là “ăn cắp công nghệ”. Dường như, cả ngành công nghệ chip toàn cầu đang tập trung vào hòn đảo nhỏ này bất chấp tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng có thể xảy ra. Tình trạng này cũng có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới nếu quan hệ giữa hai eo biển Đài Loan trở nên xấu đi.