Chủ tịch Tòa án Nhân quyền Âu Châu, Mattias Guyomar, phát biểu trước khi đưa ra phán quyết về các hành vi vi phạm bị cáo buộc của Nga tại Ukraine kể từ năm 2014, bao gồm vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, thứ Tư, ngày 9 tháng Bảy năm 2025 tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. (Ảnh AP/Antonin Utz) Nguồn: AP / Antonin Utz/AP
Tòa án tối cao Nhân Quyền Âu Châu vừa tuyên một bản án lịch sử, khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm trong việc bắn rơi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia năm 2014. Phán quyết được đưa ra, sau khi Tòa tiếp nhận 4 vụ khởi kiện do Ukraine và Hoà Lan đệ trình, kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ năm 2014. Dù mang tính biểu tượng, nhưng bản án được tuyên trong bối cảnh Nga đang gia tăng các đợt tấn công vào lãnh thổ Ukraine, với kỷ lục 728 máy bay không người lái phóng vào Ukraine chỉ trong 1 đêm.
Vào tháng Bảy năm 2014, một chuyến bay thương mại từ Amsterdam đi Kuala Lumpur mang số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia, đã bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine.
Toàn bộ 253 hành khách thiệt mạng, trong đó có 38 công dân Úc.
Vào thời điểm đó, các lực lượng ly khai chống Kyiv, được Nga hậu thuẫn, đang giao tranh với quân đội Ukraine sau cuộc xâm lăng và việc sáp nhập Crimea của Nga.
Chính các lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn, đã bắn rơi chiếc Boeing 777 bằng một hỏa tiễn do Nga chế tạo.
Sau hơn một thập niên, Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu đã đưa ra phán quyết lịch sử, khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.
Chủ tịch phiên Tòa, ông Mattias Guyomar tuyên bố.
"Tòa xác định rằng, hỏa tiễn bắn hạ chuyến bay MH17 được phóng đi bởi một thành viên quân đội Nga điều khiển hệ thống Buk Telar, hoặc một chiến binh thuộc nhóm ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Dẫu chưa xác định được người bắn cụ thể, nhưng mọi hành vi của quân đội Nga và lực lượng ly khai do họ hỗ trợ, đều thuộc trách nhiệm của Nga. Không có biện pháp nào được thực hiện, để xác minh mục tiêu trước khi phóng hỏa tiễn, đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. Việc sát hại thường dân trên chuyến bay MH17, không thể xem là hành vi chiến tranh hợp pháp và đã vi phạm quyền sống, theo Công ước Nhân quyền Âu Châu”.
Phán quyết này nằm trong một bộ hồ sơ gồm 4 đơn khiếu nại, nộp lên tòa từ năm 2014 đến 2022, trong đó 3 hồ sơ từ phía Ukraine và một từ Hoà Lan.
Trong khi đó Hội đồng 17 vị thẩm phán nhận định rằng kể từ năm 2014, Nga đã thực hiện hàng loạt vi phạm trắng trợn và chưa từng có tiền lệ đối với Công ước Nhân quyền Âu Châu, bao gồm sát hại dân thường và binh sĩ không trong tình trạng giao tranh, tra tấn, cưỡng bức lao động và giam giữ trái phép người dân
Chủ tịch phiên tòa cho biết thêm.
"Toàn bộ những bằng chứng thu thập được cho thấy, một hình ảnh thống nhất về những hành vi trái phép có hệ thống, với quy mô lớn, do chính các cơ quan thuộc nhà nước Nga, thực hiện trên lãnh thổ Ukraine. Trong đó có những cuộc tấn công quân sự mang tính bất phân biệt, quá mức cần thiết, trực tiếp nhắm vào khu dân cư và vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.
Sau khi bị trục xuất khỏi Hội đồng Âu Châu vì xâm lược Ukraine, Nga đã chính thức rút khỏi Công ước Nhân quyền Âu Châu vào tháng Chín năm 2022.
Do đó phán quyết vừa ban hành, mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chế và phía Điện Kremlin thông qua người phát ngôn Dmitry Peskov, tuyên bố sẽ phớt lờ.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, gọi đây là một ‘phán quyết lịch sử’, một ‘chiến thắng không thể phủ nhận’ cho Ukraine và thân nhân các nạn nhân thì xem, đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình 11 năm đi tìm công lý.
Trong khi đó, Nga vừa mở cuộc tấn công bằng drone lớn nhất kể từ khi chiến sự bùng nổ. với 728 máy bay không người lái cùng 13 hỏa tiễn, đã được phóng đi chỉ trong một đêm.
Hơn 10 vùng lãnh thổ Ukraine bị tấn công, trong đó Lutsk vốn là trung tâm tiếp nhận viện trợ quân sự từ nước ngoài, bị thiệt hại nặng nhất.
Friedrich Merz nói, "Nga giờ đây đang cố ý oanh tạc các thành phố Ukraine mỗi đêm, một cách quy mô và có hệ thống. Đêm qua là một trong những đợt tấn công bằng hỏa tiễn và bom lớn nhất, từ khi chiến tranh bắt đầu. Mục tiêu không còn là quân sự, họ tấn công cả vào dân thường. Đây là khủng bố, chứ không còn là chiến tranh”.
Còn Tổng thống Zelenskyy cho rằng, hành động leo thang này là cách để ông Putin, đưa ra thông điệp về việc đàm phán hòa bị đình trệ do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Trong nhiều tuần gần đây, Nga tăng cường sử dụng drone giả, để làm lục lượng phòng không Ukraine mất phương hướng.
Trong một diễn biến mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, sau một thời gian tạm dừng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga là Maria Zakharova, cho biết:
"Sau khi tuyên bố tạm ngưng viện trợ quân sự cho chính quyền Kyiv để kiểm tra kho vận, Washington nay lại tuyên bố sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí. Hậu quả còn chưa rõ, nhưng có thể nói chắc rằng những hành động như vậy chỉ làm tình hình xấu thêm, hoàn toàn không giúp tiến tới giải pháp hòa bình, dù đó là điều mà cả thế giới, kể cả Tòa Bạch Ốc đang kêu gọi”.
Tổng thống Zelenskyy cũng kêu gọi các nước Tây phương siết chặt trừng phạt Nga về mặt dầu mỏ, đặc biệt là đối với những bên tiếp tay tài trợ cho chiến tranh bằng cách mua dầu từ Moscow.
Trong chuyến công du Ý trước một hội nghị về tái thiết Ukraine, ông Zelenskyy gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, ông Keith Kellogg, để thảo luận về viện trợ vũ khí và tăng cường phòng không.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tham dự một cuộc họp của liên minh ‘Các quốc gia sẵn lòng’, gồm những nước Âu Châu hậu thuẫn Ukraine.
Kyiv đang đặt yêu cầu mua thêm hệ thống phòng không Patriot, được xem là yếu tố sống còn để bảo vệ các thành phố.
Ông Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc.
“Họ muốn có hỏa tiễn Patriot và đã yêu cầu. Đây là hệ thống vô cùng hiếm, vì chúng tôi đã chuyển giao nhiều rồi. Nhưng họ cần nó, chúng tôi đang xem xét. Đây là hệ thống rất đắt đỏ, một hệ thống vô cùng tinh vi, thật đáng tiếc khi phải đổ nhiều tiền cho một cuộc chiến, mà đã không xảy ra nếu tôi còn là Tổng thống. Chiến tranh đó thật khốc liệt, người dân đang bị đánh rất mạnh. Họ cần giúp đỡ, muốn tránh thêm tổn thất nhân mạng. Chúng tôi sẽ cân nhắc”.