Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tác giả, Laura Bicker
Vai trò, Phóng viên chuyên về Trung Quốc
Nếu nhắc đến cái tên Donald Trump trong các khu chợ đầu mối và hội chợ thương mại ở Trung Quốc, bạn sẽ nghe thấy tiếng cười khúc khích.
Tổng thống Mỹ và mức thuế 145% của ông không hề gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều thương nhân Trung Quốc.
Thay vào đó, chúng đã truyền cảm hứng cho một đội quân những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên mạng tạo ra những bức ảnh chế giễu trong một loạt video và thước phim lan truyền chóng mặt – một số trong đó còn có hình ảnh Tổng thống Trump, Phó Tổng thống JD Vance và ông trùm công nghệ Elon Musk do AI tạo ra, đang vất vả làm việc trên dây chuyền lắp ráp giày dép và iPhone.
Trung Quốc không hề tỏ ra như một quốc gia đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước.
Ông nói, "Trong hơn 70 năm qua, Trung Quốc luôn dựa vào tự lực tự cường và lao động cần cù để phát triển... chưa bao giờ dựa vào quà tặng của ai và không sợ bất kỳ sự đàn áp vô lý nào."
Sự tự tin của ông có thể một phần đến từ việc Trung Quốc ít phụ thuộc vào xuất cảng sang Mỹ hơn so với 10 năm trước.
Nhưng sự thật là chiến thuật "đẩy tới miệng vực" và việc tăng thuế của ông Trump đang tác động vào những điểm yếu vốn đã tồn tại trong nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc.
Với cuộc khủng hoảng nhà ở, tình trạng mất việc làm ngày càng gia tăng và dân số già hóa, người dân Trung Quốc đang không chi tiêu nhiều như chính phủ mong muốn.
Ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012 với giấc mơ về một Trung Quốc hồi sinh. Giấc mơ đó giờ đang gặp thử thách nghiêm trọng – và không chỉ từ thuế quan của Mỹ.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu thuế quan của ông Trump có làm lu mờ giấc mơ kinh tế của ông Tập hay không, hay nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể biến những trở ngại hiện tại thành cơ hội?
Thách thức trong nước của ông Tập
Với dân số 1,4 tỷ người, về lý thuyết, Trung Quốc có một thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng tồn tại một vấn đề. Người dân dường như không sẵn lòng chi tiêu khi triển vọng kinh tế của đất nước còn bất ổn.
Điều này không phải do chiến tranh thương mại gây ra mà bởi sự sụp đổ của thị trường nhà ở. Nhiều gia đình Trung Quốc đã đầu tư tiền tiết kiệm cả đời vào nhà cửa rồi chứng kiến giá nhà lao dốc trong 5 năm qua.
Các công ty phát triển bất động sản vẫn tiếp tục xây dựng ngay cả khi thị trường nhà đất sụp đổ. Nhiều người tin rằng toàn bộ dân số Trung Quốc cũng không thể lấp đầy tất cả các căn hộ trống trên khắp đất nước.
Ông He Keng, cựu phó cục trưởng cục thống kê Trung Quốc, đã thừa nhận hai năm trước rằng "ước tính cực đoan nhất" là hiện có đủ nhà trống cho 3 tỷ người.
Đi du lịch vòng quanh các tỉnh của Trung Quốc, bạn sẽ thấy đầy những dự án trống rỗng – những dãy nhà bê tông cao chót vót được gọi là "thành phố ma". Những dự án khác đã được hoàn thiện, khu vườn được quy hoạch, rèm cửa được treo, dường như hứa hẹn một tổ ấm mới.
Nhưng chỉ vào ban đêm, khi bạn không thấy ánh đèn nào, bạn mới biết rằng các căn hộ đó trống rỗng. Đơn giản là không có đủ người mua để đáp ứng tốc độ xây dựng này.
Chính phủ đã hành động cách đây 5 năm để hạn chế số tiền mà các công ty phát triển có thể vay. Nhưng thiệt hại đối với giá nhà cũng như niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đã xảy đến. Các chuyên gia phân tích đã dự đoán giá nhà sẽ giảm 2,5% trong năm nay, theo một cuộc thăm dò của Reuters vào tháng Hai.
Trung Quốc có nhiều nhà ở hơn cần thiết. Ảnh: Getty Images
Và không chỉ giá nhà khiến các gia đình trung lưu Trung Quốc lo lắng.
Họ còn băn khoăn liệu chính phủ có thể bảo đảm lương hưu cho họ hay không. Trong thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người, hiện ở độ tuổi 50 đến 60, sẽ rời lực lượng lao động Trung Quốc.
Theo ước tính năm 2019 của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thuộc nhà nước, quỹ hưu trí của chính phủ có thể cạn kiệt vào năm 2035.
Cũng có những lo ngại về việc liệu con cháu của họ có thể tìm được việc làm hay không, khi hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang khổ sở tìm việc.
Hơn một phần năm số người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở khu vực thành thị của Trung Quốc không có việc làm, theo dữ liệu chính thức được công bố vào tháng 8/2023. Kể từ đó, chính phủ đã không công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nữa.
Vấn đề là Trung Quốc không thể chỉ việc bật công tắc và chuyển từ bán hàng cho Mỹ sang bán cho người mua trong nước.
"Với áp lực giảm phát lên nền kinh tế, khó có khả năng chi tiêu trong nước có thể tăng đáng kể trong ngắn hạn. Việc thay thế xuất cảng bằng nhu cầu nội địa sẽ mất thời gian," Giáo sư Nie Huihua tại Đại học Nhân dân cho hay.
Theo Giáo sư Zhao Minghao, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, "Trung Quốc không kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán với chính quyền Trump... Mặt trận thực sự nằm ở việc điều chỉnh các chính sách trong nước của Trung Quốc, chẳng hạn như thúc đẩy nhu cầu nội địa."
Để vực dậy một nền kinh tế đang chậm lại, chính phủ đã công bố hàng tỷ đô-la trợ cấp chăm sóc trẻ em, tăng lương và cải thiện chế độ nghỉ phép có lương. Họ cũng đã đưa ra một chương trình trị giá 41 tỷ đô-la cung cấp ưu đãi cho các mặt hàng như đồ điện tử tiêu dùng và xe điện (EV) để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, Giáo sư Zhang Jun, trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Phúc Đán, tin rằng điều này là không "bền vững".
Ông nói: "Chúng ta cần một cơ chế dài hạn. Chúng ta cần bắt đầu tăng thu nhập khả dụng của người dân."
Điều này là cấp bách đối với ông Tập. Giấc mơ thịnh vượng mà ông đã vẽ ra khi lên nắm quyền 13 năm trước vẫn chưa thành hiện thực.
Phép thử chính trị cho ông Tập
Ông Tập cũng nhận thức rõ rằng Trung Quốc đang có một thế hệ trẻ mất động lực, lo lắng về tương lai của họ. Điều đó có thể gây ra rắc rối lớn hơn cho Đảng Cộng sản: các cuộc biểu tình hoặc bất ổn.
Các cuộc biểu tình xuất phát từ những bất mãn về tài chính đã tăng mạnh trong vài tháng qua, theo một báo cáo công cụ dữ liệu China Dissent Monitor thuộc tổ chức phi chính phủ Freedom House có trụ sở tại Washington.
Tất cả các cuộc biểu tình đều nhanh chóng bị dập tắt và kiểm duyệt trên mạng xã hội, vì vậy, hiện tại, điều đó khó có khả năng gây ra mối đe dọa thực sự cho ông Tập.
"Chỉ khi đất nước tốt đẹp, dân tộc tốt đẹp thì mỗi người mới có thể phát triển," ông Tập nói vào năm 2012.
Lời hứa này được đưa ra khi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc dường như không thể ngăn cản. Giờ đây, điều đó có vẻ bất định.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, đất nước đã có những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực như điện tử tiêu dùng, pin, xe điện và trí tuệ nhân tạo như một phần của sự chuyển hướng sang sản xuất tiên tiến.
Trung Quốc đã cạnh tranh với sự thống trị công nghệ của Mỹ bằng chatbot DeepSeek và BYD, công ty đã vượt qua Tesla vào năm ngoái để trở thành hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thuế quan của ông Trump đe dọa gây cản trở cho những nỗ lực này.
Ví dụ, các hạn chế đối với việc bán các chip quan trọng cho Trung Quốc, bao gồm cả động thái thắt chặt xuất cảng gần đây nhất từ gã khổng lồ chip Mỹ Nvidia, nhằm mục đích kiềm chế tham vọng bá chủ công nghệ của ông Tập.
Bất chấp điều đó, ông Tập biết rằng các công ty sản xuất Trung Quốc đang có lợi thế kéo dài hàng thập kỷ, đến mức các hãng sản xuất Mỹ đang vật lộn để tìm kiếm quy mô cơ sở hạ tầng và lao động lành nghề tương đương ở những nơi khác.
Tình trạng bất ổn chính trị do bất bình về tài chính đang gia tăng ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Biến thách thức thành cơ hội
Chủ tịch Tập cũng đang cố gắng sử dụng cuộc khủng hoảng này như chất xúc tác cho những thay đổi sâu rộng hơn và tìm kiếm thêm các thị trường mới cho Trung Quốc.
Giáo sư Zhang nhận định, "Trong ngắn hạn, một số công ty xuất cảng Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn. Nhưng các công ty Trung Quốc sẽ chủ động điều chỉnh điểm đến xuất cảng để vượt qua khó khăn. Các công ty xuất cảng đang chờ đợi và tìm kiếm khách hàng mới."
Nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump đã là tín hiệu để Trung Quốc tìm kiếm những khách hàng khác. Nước này đã mở rộng quan hệ với khắp Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi.
Sáng kiến Vành đai và Con đường về thương mại và cơ sở hạ tầng đã củng cố quan hệ với phương Nam toàn cầu.
Trung Quốc đang gặt hái những thành quả từ sự đa dạng hóa đó. Theo Viện Lowy ở Úc, hơn 145 quốc gia có giao thương với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ.
Vào năm 2001, chỉ có 30 quốc gia chọn Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của họ thay vì Washington.
Lợi thế địa chính trị
Khi ông Trump nhắm mục tiêu vào cả bạn lẫn thù, một số người tin rằng ông Tập có thể tiếp tục đảo lộn trật tự thế giới hiện tại do Mỹ dẫn đầu và xây dựng hình ảnh đất nước mình như một đối tác và nhà lãnh đạo thương mại toàn cầu ổn định, mang tính thay thế.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi vị tổng thống Mỹ công bố thuế quan, cảm nhận được sự lo lắng của các nước láng giềng về mức thuế của Mỹ.
Khoảng một phần tư hàng xuất cảng của Trung Quốc hiện được sản xuất hoặc vận chuyển qua một nước thứ ba, bao gồm Việt Nam và Campuchia.
Những hành động gần đây của Mỹ cũng có thể mang đến cơ hội để ông Tập định hình tích cực vai trò của Trung Quốc trên thế giới.
Giáo sư Zhang nhận định:
"Chính sách thuế quan mang tính cưỡng ép của Trump là một cơ hội cho ngoại giao Trung Quốc."
Trung Quốc sẽ phải hành động thận trọng. Một số quốc gia sẽ lo ngại rằng các sản phẩm được sản xuất cho Mỹ có thể tràn vào thị trường của họ.
Thuế quan của ông Trump vào năm 2016 đã khiến một lượng lớn hàng nhập cảng giá rẻ của Trung Quốc, ban đầu dành cho Mỹ, tràn vào Đông Nam Á, gây tổn hại cho nhiều công ty sản xuất địa phương.
Theo Giáo sư Huihua, "khoảng 20% hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ - nếu lượng hàng xuất cảng này tràn vào bất kỳ thị trường hoặc quốc gia khu vực nào thì có thể dẫn đến bán phá giá và cạnh tranh khốc liệt, do đó gây ra những căng thẳng thương mại mới".
Ông Tập thăm Việt Nam hồi giữa tháng 4/2025. Ảnh: Getty Images
Có những rào cản khiến ông Tập khó có thể tự xưng là trọng tài của thương mại tự do trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với các quốc gia khác.
Năm 2020, sau khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc và cách ứng phó ban đầu về đại dịch Covid - điều mà Bắc Kinh cho là một động thái chính trị chống lại họ - Trung Quốc đã áp đặt thuế quan lên rượu vang và lúa mạch của Úc, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đối với một số thịt bò và gỗ, cũng như cấm nhập cảng than đá, bông và tôm hùm. Một số mặt hàng xuất cảng của Úc sang Trung Quốc đã giảm xuống gần bằng không.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hồi đầu tháng Tư cho hay quốc gia của ông sẽ không "nắm tay Trung Quốc" khi Washington leo thang cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Những hành động trong quá khứ của Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực tiếp cận toàn cầu hiện tại của ông Tập và nhiều quốc gia thì có thể không muốn chọn giữa Bắc Kinh và Washington.
Ngay cả với tất cả những thách thức khác nhau, ông Tập vẫn tin rằng Bắc Kinh sẽ có thể chịu đựng được bất kỳ tổn thất kinh tế nào lâu hơn Washington trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Và dường như ông Trump đã nhượng bộ trước khi bóng gió về một sự đảo ngược tiềm năng về thuế quan, nói rằng các loại thuế mà ông đã áp đặt lên hàng nhập cảng của Trung Quốc sẽ "giảm đáng kể, nhưng sẽ không phải bằng 0".
Trong khi đó, mạng xã hội Trung Quốc đã sôi động trở lại.
"Trump đã hèn nhát" là một trong những chủ đề tìm kiếm hàng đầu trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc sau khi tổng thống Mỹ dịu giọng về thuế quan.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán có thể diễn ra, Trung Quốc đang chơi một ván cờ dài hơi hơn.
Cuộc chiến thương mại trước đây đã buộc nước này phải đa dạng hóa thị trường xuất cảng, không chỉ dựa vào Mỹ mà còn hướng tới các thị trường khác, đặc biệt là ở Nam Toàn cầu.
Cuộc thương chiến này khiến Trung Quốc nhìn lại chính mình để thấy những khiếm khuyết. Và liệu họ có thể khắc phục chúng hay không sẽ phụ thuộc vào các chính sách được đưa ra ở Bắc Kinh, chứ không phải Washington.
(Nguồn: BBC)