Thủ tướng Anh Keir Starmer đến thăm trụ sở công ty Mỹ Palantir Technologies ngày 27/02/2025 tại Washington, Hoa Kỳ. AP - Carl Court

 

 

 

ANH QUỐC - Khai mạc Tuần lễ Công nghệ Luân Đôn (London Tech Week 09-13/06/2025), thủ tướng Anh Quốc, Keir Starmer, tuyên bố mở ra một chương mới, trong đó trí tuệ / trí thông minh nhân tạo là trọng tâm, cho ngành công nghệ cao của Vương quốc Anh. Chánh phủ công bố bản tổng dự toán chi tiêu công quốc gia giai đoạn 2025-2030, với con số khổng lồ là 86 tỷ bảng Anh (116 tỷ Mỹ kim) dành cho các ngành công nghệ cao, giáo dục và trí tuệ nhân tạo AI.

 

Vậy tham vọng của Luân Đôn là gì và cơ hội nào để Anh Quốc trở thành cường quốc về ‘trí tuệ nhân tạo’? Tường thuật của thông tín viên tại Luân Đôn Nguyễn Giang. 

 

Nguyễn Giang : Trước tiên xin giải thích rõ hơn về các con số lớn mà chánh phủ Anh đưa ra để đầu tư vào phát triển công nghệ cao, gọi chung là R&D (Research & Development – Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm mới). Khoản chi của ngân sách hàng năm từ nay đến năm 2029-2030 là 22,6 tỷ bảng, và đến cuối nhiệm kỳ Quốc Hội này, tổng mức sẽ là 86 tỷ bảng Anh, tương đương 116 tỷ đô-la Mỹ.

 

Trong các lĩnh vực, ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu và phát triển các cơ sở trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) để ứng dụng ngay vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ tài chánh (fintech). Ngoài ra, AI cũng sẽ được đưa vào như một giải pháp công nghệ nhằm giảm chi phí dài hạn cho y tế, quốc phòng và an ninh biên giới. Tôi sẽ nói rõ hơn về các ngành kỹ thuật, bộ môn khoa học, công nghệ nhận được khoản đầu tư lớn sau, nhưng tổng thể thì thông điệp của chánh phủ Starmer là muốn tạo ra sự thay đổi cả về lượng và chất để đưa Anh trở thành một cường quốc hàng đầu trong cạnh tranh quốc tế về công nghệ cao và AI.

 

 

RFI: Cụ thể hơn, Anh Quốc muốn chi tiền vào lĩnh vực nào và đặt ra các mục tiêu cụ thể ra sao?

 

Nguyễn Giang : Về giáo dục, riêng khoản tiền dành cho ứng dụng AI trong giảng dạy và đào tạo nhân công có khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo là 2 tỷ bảng mỗi năm. Anh muốn thúc đẩy dự án AI trong giáo dục từ trung học tới đại học và sau đại học nhằm huấn luyện kỹ năng AI cho hơn 7 triệu nhân công (được hiểu là thế hệ trẻ) và đào tạo 1 triệu kỹ sư chuyên về AI trong 5 năm tới.

 

Ngân sách dành cho y tế công (National Health Service – NHS) là 10 tỷ bảng để hiện đại hóa công nghệ và chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số từ nay đến 2028-2029. Xin nhắc lại, ngân sách y tế công hiện đã là 29 tỷ bảng, nên khoản đầu tư thêm vào công nghệ cao cho y tế là rất lớn.

 

Luân Đôn cũng sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bằng cách điều chỉnh quy định tài chánh để các ngân hàng thử nghiệm AI trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Một số ngân hàng như HSBC đã sử dụng AI từ lâu, nhưng tổng thể thì thị trường công nghệ tài chánh (fintech) của Anh Quốc đã trở thành một lĩnh vực rất lớn, với hàng nghìn công ty, thu hút hàng tỷ đô-la đầu tư, chủ yếu phục vụ doanh nghiệp và thương mại quốc tế, hơn là phục vụ người dân. Chánh phủ muốn số hóa dịch vụ khách hàng, khai triển mạnh các ứng dụng ngân hàng (in-bank app) thay thế dịch vụ truyền thống dùng giấy tờ và thư bưu điện.

 

Điều đáng chú ý là chánh phủ Anh nói họ sẽ đầu tư vào AI để giải quyết nhanh hơn các hồ sơ xin tỵ nạn, tăng tốc thủ tục trục xuất người trượt tị nạn. Bộ trưởng Tài Chánh, Rachel Reeves, cho biết chỉ riêng việc nâng cao hiệu quả giải quyết giấy tờ cư trú, tị nạn sẽ giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 1 tỷ bảng khi chương trình này hoàn tất.

 

Gần 300 triệu bảng cũng sẽ được đầu tư vào Bộ Tư lệnh An Ninh Biên Giới (thành lập năm 2024) và các đơn vị biên phòng của Anh sẽ sử dụng AI để nâng cao hiệu quả trong việc ngăn chặn người nhập cư trái phép. Thêm vào đó, Anh Quốc cũng sẽ tiến hành nghiên cứu chế tạo vũ khí sử dụng AI nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và an ninh Âu châu.

 

 

RFI : Để thực hiện các mục tiêu này, chánh phủ Anh sẽ phải làm gì? Chiến lược của họ là gì?

 

Nguyễn Giang : Chiến lược của Anh là “dựa trên vai của những người khổng lồ”. Trong Tuần lễ Công nghệ Luân Đôn, đã có hàng trăm công ty tham dự, gồm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon Web Services, Google Cloud và NVIDIA. Ngay trong buổi khai mạc, thủ tướng Anh Keir Starmer đã đứng cạnh ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), tỷ phú Mỹ gốc Đài Loan, chủ hãng Nvidia. Ông Jensen Huang khen Anh có “hệ sinh thái tuyệt vời cho công nghệ trí tuệ / trí thông minh nhân tạo”, nhưng còn thiếu hạ tầng cơ sở.

 

Cụ thể, ông Jensen Huang cho biết Anh có các trường đại học hàng đầu thế giới, các nhà sáng chế, các nhà tư tưởng, và các công ty khởi nghiệp (startup) trong môi trường lý tưởng, nhưng thiếu một thứ quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng cho AI. Ông cam kết sẽ đầu tư vào lĩnh vực này tại Anh, nhằm đáp ứng sự đón nhận tích cực từ công chúng dự hội nghị London Tech Week.

 

Ngay lập tức, Anh Quốc sẽ dùng 10 nghìn GPU (vi mạch tính toán  đồ họa) của Nvidia để xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn, phục vụ hạ tầng AI tại Loughton, Essex, phía Đông Luân Đôn. Tuy nhiên, cách làm của Anh không dựa vào một hoặc hai công ty lớn, mà phân chia thị phần cho nhiều doanh nghiệp của Mỹ, Hà Lan, và các quốc gia khác tham gia.

 

Ví dụ, Vantage Data Centres sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu tại xứ Wales; Latos Data Centres của tỷ phú người Anh Mike Carlin cũng sẽ xây dựng trung tâm ở Wales; tập đoàn Kyndryl thành lập trung tâm tại Liverpool; trong khi Nscale (dùng GPU của Nvidia) sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD để phát triển mạng lưới dữ liệu toàn quốc.

 

Tham vọng của Anh là đến năm 2030, sẽ có tới 40 trung tâm dữ liệu chuyên về AI trên khắp đất nước.

 

 

RFI: Vì sao chánh phủ của đảng Lao Động muốn thúc đẩy số hóa và áp dụng trí tuệ nhân tạo vào thời điểm này?

 

Nguyễn Giang : Ở đây chúng ta cần nhìn bức tranh toàn cảnh quốc tế, gồm mối quan hệ Anh – Liên Hiệp Âu Châu và Anh – Hoa Kỳ sau Brexit. Ngoài lý do rõ ràng là AI ngày càng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế và giáo dục, còn có hai vấn đề lớn đặt ra thách thức cho Anh.

 

Một, là thiếu hệ sinh thái hạ tầng tốt cho R&D. Nhiều khoa học gia Anh Quốc đã từng đoạt giải Nobel, sở hữu các phát minh, sáng chế hàng đầu thế giới trong di truyền học, y sinh, điện toán, nhưng thiếu hệ sinh thái để biến các ý tưởng, bằng sáng chế thành sản phẩm thương mại. Nhiều khoa học gia này buộc phải sang Mỹ, hoặc hợp tác với các đại học, tập đoàn công nghệ của Mỹ để phát triển sản phẩm. Chánh sách của Anh nhằm xây dựng các trung tâm công nghệ như Hành lang Oxford-Cambridge nhằm kết nối các đại học danh tiếng, tạo ra sức mạnh về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (critical mass). Trước đó, ngành xe hơi chạy động cơ điện (EV) cũng cần hạ tầng số, vệ tinh dân sự, AI, nhưng tới nay, Anh mới bắt đầu thử nghiệm xe tự lái và dự kiến đến 2027 mới chánh thức cho xe tự lái hoạt động trên đường.

 

Hai, là yếu tố địa chánh trị. Tháng 2/2025, Pháp khai mạc Hội nghị về Trí tuệ Nhân tạo (AI Summit) và cam kết đầu tư hơn 100 tỷ euro vào AI, mong muốn dẫn đầu khối Liên Âu trong lĩnh vực này. Bruxelles còn hứa sẽ chi 200 tỷ euro cho AI. Trong khi đó, Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump muốn bỏ ra hơn 500 tỷ đô-la để dẫn đầu cuộc đua AI.

 

Tuy nhiên, cả Anh và Mỹ đều từ chối ký Tuyên bố chung Paris về AI tại Paris vài tháng trước. Như vậy, Luân Đôn đã chọn hướng đi riêng, muốn có chủ quyền về AI (AI sovereignty) và không muốn bị Âu Châu kiểm soát chặt chẽ. Tổng thể, Anh mong muốn có một vị trí vững chắc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo AI toàn cầu – của Mỹ, Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu. Để đạt được điều đó, Anh Quốc sẽ kết nối với Hoa Kỳ qua các hệ thống cáp dưới biển, tăng cường khả năng tính toán của các trung tâm dữ liệu và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI và công nghệ cao.

 

Trong bức tranh lớn, các ngành công nghệ của Vương quốc Anh đã đạt giá trị thị trường tổng hợp lên tới 1,2 nghìn tỷ đô-la vào năm 2025, đứng vị trí số một trong hệ sinh thái công nghệ Âu châu. Tuy nhiên, nếu không tăng cường đầu tư, Anh Quốc sẽ gặp khó khăn cạnh tranh với các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan, các nước Á châu và Mỹ, Trung Quốc.

 

Năm 2023, Anh đã tổ chức Hội nghị về quản trị toàn cầu của AI tại Bletchley (tham khảo Bletchley Declaration on Frontier AI and AI Governance), nhấn mạnh nhu cầu quản lý, xây dựng khung pháp lý để giảm thiểu các rủi ro do công nghệ AI gây ra. Hiện nay, thái độ của chánh giới Luân Đôn đã hướng tới đổi mới, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm, kinh tế và tăng trưởng. AI đang được xem là điểm mấu chốt để tạo đà phát triển cho kinh tế Anh trong những năm tới. Khả năng thành công của chiến lược này còn phụ thuộc vào thực tế và còn phải chờ xem.

 

(RFI)