Giáo sư Trương Văn Hoành vào ngày 20/12 đã thẳng thừng tuyên bố rằng "hãy để các nhà lãnh đạo tiêm thử vaccine trước" - trong một cuộc họp tại Thượng Hải hôm 20/12... (Ảnh chụp màn hình video)

 

 

 

 

Trước thái độ tiêu cực đối với việc tiêm vaccine từ cả chính phủ và nhân viên y tế tại Trung Quốc, một số chuyên gia đã đề xuất: "Hãy để các nhà lãnh đạo tiêm thử vaccine trước"...

 

 

Thế giới đang tỏ ra nghi ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine COVID-19 được sản xuất tại Trung Quốc Đại Lục. Theo một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, cả các cơ quan chính phủ lẫn nhân viên y tế tại Trung Quốc đều có thái độ tiêu cực đối với việc tiêm ngừa vaccine COVID-19. 

 

 

Với lý do trên, một số chuyên gia đề xuất: “Hãy để các nhà lãnh đạo tiêm thử vaccine trước”, nhưng họ không ngờ cụm từ này lại nhanh chóng lan truyền trên mạng và hiện đang trở thành câu nói cửa miệng ở Trung Quốc.

Hiện nay, khi virus Vũ Hán ở Đại Lục lại một lần nữa bùng phát và lây lan nhanh chóng, kế hoạch chính thức để đối phó với đại dịch của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là: tiêm vaccine trên diện rộng; tuy nhiên, họ chỉ nhận được phản ứng lạnh nhạt của người dân. 

 

 

Gần đây, một thông báo khẩn cấp về việc tiêm phòng virus Vũ Hán của thành phố Trấn Giang tỉnh Giang Tô đã được đăng tải lên mạng; tuy nhiên, không một quan chức địa phương nào của chính quyền đăng ký tiêm chủng.

 

 

Chính quyền thành phố Thượng Hải cũng đã tiến hành một cuộc điều tra tương tự vào tháng 11/2020, và sự thật khá hài hước là nhân viên y tế tại đây không muốn tiếp nhận vaccine trong nước. Trong số đó, hơn 90% nhân viên y tế tại Bệnh viện Trung Y của quận Dương Phổ đã từ chối tiêm vaccine COVID-19 Trung Quốc.

 

 

Vào ngày 22/12, Giáo sư Trương Văn Hoành, trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), trong cuộc họp, đã bày tỏ quan điểm cá nhân về việc nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine Trung Quốc.

 

 

GS Trương Văn Hoành nói: “10% các vị tiêm vaccine cũng được, 20% cũng được, kỳ thực chúng tôi không quá sốt ruột”.

 

 

Ông Trương còn nói thẳng thừng: “Thế hôm nay ai nên tiêm (vaccine) trước? Cá nhân tôi cho rằng cán bộ lãnh cần phải tiêm vaccine trước”.

 

 

Lời đề nghị hãy để các nhà lãnh đạo tiêm vaccine trước của GS Trương Văn Hoành đã dấy lên một làn sóng bàn luận sôi nổi trong các cộng đồng cư dân mạng và nhanh chóng trở thành một cụm từ thông dụng ở TQ Đại Lục. 

Một số cư dân mạng còn nói đùa: “vaccine khẳng định phải được tiêm trước cho nhóm ‘nguy cơ cao’, người dân bình thường có thể để muộn hơn một chút”.

 

 

Lý Đại Đồng, cựu biên tập viên của tạp chí Thanh niên Trung Quốc nói với đài VOA Hoa Kỳ rằng: “Thông tin về vaccine COVID-19 của Trung Quốc quá mơ hồ. Có bao nhiêu người đã được thử nghiệm vaccine? Kết quả thử nghiệm ở giai đoạn I, giai đoạn II, và giai đoạn III ra sao? Tác dụng phụ thì như thế nào? Hiện tại, tất cả thông tin đều không minh bạch, và chẳng ai được biết. Vậy thì ai dám tiêm đây?"

 

 

Ông Lý ấy cũng bày tỏ: “(GS) Trương Văn Hoành nói rất đúng, khi nào nên tiêm vaccine đây? Chỉ khi các nhà lãnh đạo tiêm xong thì chúng ta có thể tiêm”.

 

 

Ông Châu, một cư dân tỉnh An Huy nói rằng, việc để các nhà lãnh đạo tiêm vaccine trước không nhất định là hữu ích. Thay vào đó, mọi người nên xem xét việc người tiêm trước đó là thuộc cấp lãnh đạo nào: 

 

“Việc để lãnh đạo thực hiện việc này trước là tốt, nhưng nó phụ thuộc vào việc lãnh đạo đó thuộc cấp nào, lãnh đạo cấp quận hay lãnh đạo cấp tỉnh, phải không?”

 

 

Tờ Nghị Báo (Yi Pao) của Trung Quốc cũng đã đăng một bài báo có tiêu đề "Tiếng nói của người dân Trung Quốc: Hãy để các nhà lãnh đạo tiêm vaccine trước" vào ngày 24/12/2020. Bài báo nêu ra lý do tại sao lời kêu gọi "hãy để các nhà lãnh đạo tiêm vaccine trước" được người dân Trung Quốc hưởng ứng rộng rãi. 

 

 

Thứ nhất, đó là vì công chúng đã có những nghi ngờ về tính an toàn trước vaccine COVID-19 của Trung Quốc.

 

 

Thứ hai, bởi vì các quan chức ĐCSTQ đã lũng đoạn quyền lực; và khi có nguy hiểm xảy ra, các lãnh đạo đương nhiên đẩy người dân ra trước để đối mặt với rủi ro - vì vậy đương nhiên lãnh đạo sẽ để người dân tiêm vaccine trước. Người dân vừa lo lắng về độ an toàn của vaccine, vừa sợ trở thành sản phẩm thử nghiệm của vaccine Trung Quốc nên họ mong muốn các nhà lãnh đạo sẽ tiên phong tiêm trước.

 

 

Bài báo cũng cho biết, tại sao ở Hoa Kỳ không có câu hỏi "ai là người nên tiêm chủng trước"? Chính vì sự an toàn trong nghiên cứu khoa học và sản xuất vaccine ở Hoa Kỳ được đảm bảo, điều này khiến người dân Hoa Kỳ yên tâm hơn. 

 

 

Nữ y tá Sandra Lindsay ở trung tâm y tế Do Thái Long Island (New York, Mỹ) là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech ở Mỹ, phó tổng thống Mike Pence và phu nhân cũng là những người đi đầu trong việc tiêm vaccine của Pfizer.

 

 

Đài VOA Hoa Kỳ đã đưa tin về những lý do khiến thế giới phải quan ngại về vaccine Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các vụ bê bối về “vaccine độc” của Trung Quốc thường xuyên xảy ra đã khiến những chế phẩm đến từ Trung Quốc Đại Lục đã trở nên thiếu uy tín.

 

 

Ông Châu (cư dân An Huy kể trên) cho biết thêm: “Nếu tôi được tiêm vaccine, tôi chắc chắn sẽ không phải là người đầu tiên xin được thử nghiệm, vì loại vaccine này không đáng tin cậy và cần được quốc tế công nhận”.

 

 

Theo phân tích của tờ New York Times, từ năm 2018 đến năm 2020, đã có 59 vụ kiện tham nhũng liên quan đến các công ty vaccine Trung Quốc. Trong đó, có 54 vụ liên quan đến việc hối lộ các quan chức địa phương ở Trung Quốc Đại Lục. Việc quản lý yếu kém đã dẫn đến việc nhiều loại “vaccine độc” xâm nhập vào thị trường, chẳng hạn như vaccine phòng dại do công ty Trường Xuân Biology sản xuất năm 2018; hay 145 trẻ sơ sinh và trẻ em ở huyện Kim Ngưu, tỉnh Giang Tô đã được vaccine quá hạn sử dụng vào năm 2019, v.v..

 

 

Hãng thông tấn AP đưa tin vào ngày 25/12 rằng, mặc dù không có lý do rõ ràng nào để nghi ngờ vaccine Trung Quốc không có hiệu lực, nhưng trước đây, Trung Quốc từng có nhiều vụ bê bối vaccine. Còn đối với COVID-19, các nhà máy dược phẩm Trung Quốc đã không công bố kết quả cuối cùng của các thử nghiệm vaccine ở trên người. Tuy vậy, sản phẩm này đến nay đã được sử dụng hơn 1 triệu liều ở Đại Lục - với danh nghĩa “tình trạng khẩn cấp”.

 

 

Japan Times cũng chỉ ra rằng, việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng vaccine COVID-19 đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính an toàn và độ tin cậy của nó. Các tiêu chuẩn và biện pháp an toàn mà nhân viên nghiên cứu và phát minh vaccine COVID-19 thực hiện thiếu minh bạch. Đồng thời, vaccine đã được gửi đến nhiều nơi khác nhau trong trường hợp khẩn cấp mà không có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

 

 

Trước những nghi ngờ của thế giới về vaccine COVID-19 của Trung Quốc, vào ngày 31/12/2020, trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên CCTV, ông Trương Nam San - chuyên gia phòng chống dịch COVID của ĐCSTQ - đã nói thẳng rằng cũng cần phải... dè chừng. Ông còn nói: “tiêm vaccine xong liệu có còn bị nhiễm bệnh không? Không ai biết”.

(Theo ntdvn.com)