Ảnh chụp màn hình trang Temu phục vụ người mua hàng Việt Nam, 11/10/2024.

 

 

 

Nền tảng bán hàng giảm giá trực tuyến Temu, do người Trung Quốc sở hữu, đang bành trướng tới Việt Nam và Brunei để tăng mạnh hoạt động của hãng ở Đông Nam Á cho dù Indonesia mới ra tay cấm ứng dụng thương mại điện tử được nhiều người biết đến này.

 

Cả các báo mạng Việt Nam như Dân Trí, CafeF… lẫn các trang tin nước ngoài gồm The Low Down, South China Morning Post… đưa tin trong các ngày từ 8 đến 11/10 cho hay website của Temu đã hiện diện ở Việt Nam.

 

Theo quan sát của VOA, trang này hiện chỉ sử dụng tiếng Anh, chưa có tiếng Việt, với các mức giá được thể hiện bằng tiền đồng Việt Nam, phần thanh toán chỉ có thể thực hiện bằng thẻ tín dụng hoặc qua ứng dụng Google Pay, chưa chấp nhận ví điện tử Momo, là dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động hàng đầu của Việt Nam.

 

Các báo nước ngoài trong đó có South China Morning post cho rằng Temu dường như đã vội vã đưa trang web vào hoạt động ở Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

 

Dân Trí và CafeF dẫn thông tin từ website của Temu Việt Nam nói rằng việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Việt Nam sẽ mất 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày đến Malaysia và Philippines, do Trung Quốc gần Việt Nam và đi lại dễ dàng bằng đường bộ. Temu cũng miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng.

 

Động thái vươn tới Việt Nam và Brunei thể hiện nỗ lực của sàn bán lẻ thương mại điện tử Temu nhằm phát triển ở Đông Nam Á, khu vực có 700 triệu dân và gộp lại cùng nhau là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

 

Một số trang tin Việt Nam trong đó có Dân Trí cho rằng Temu “âm thầm” đi vào Việt Nam và theo quan sát của VOA, chính quyền đất nước chưa có phản ứng gì về động thái này.

 

Trong khi đó, như VOA đã đưa tin, nhà chức trách Indonesia mới đây tuyên bố cấm Temu ở đất nước họ để “chủ động ra tay” bảo vệ các nhà kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong nước cũng như ngăn chặn hàng giá rẻ từ nơi khác tràn ngập Indonesia.

 

Bộ trưởng Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi nói hôm 11/10 rằng mô hình kinh doanh của Temu, kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá đáng kể, là "sự cạnh tranh không lành mạnh".

Vị bộ trưởng nói trong một bản tin của Reuters, "Chúng tôi không ở vào vị trí để bảo vệ thương mại điện tử, mà chúng tôi bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hàng triệu doanh nghiệp mà chúng tôi phải bảo vệ".

 

Jakarta cũng sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào thương mại điện tử địa phương nếu hãng này có động thái như vậy, vẫn lời Bộ trưởng Budi.

 

VOA liên lạc với Bộ Công Thương Việt Nam để hỏi liệu họ có cân nhắc hành động tương tự như Indonesia nhưng không có hồi đáp.

 

Theo tìm hiểu của VOA, trước khi hiện diện ở Việt Nam và Brunei, Temu đã xâm nhập vào Philippines, Malaysia và Thái Lan.

 

Mới ra đời cách đây 2 năm, Temu – do tỷ phú Trung Quốc Colin Huang, 43 tuổi, thành lập – đã phát triển nhanh chóng và giờ đây có mặt ở hơn 80 nước và vùng lãng thổ.

 

Bản tin của South China Morning Post dẫn thông tin từ hãng phân tích về mạng internet Similarweb cho hay vào tháng 9, Temu là sàn thương mại điện tử lớn số 2 thế giới, với lượng ghé thăm trang trung bình mỗi tháng là 662,5 triệu lượt trong quý 3, thấp hơn con số 2,7 tỷ lượt của Amazon.com.

 

Bên cạnh việc bị Indonesia cấm, Temu cũng đang bị Mỹ và Liên hiệp Âu châu đưa vào tầm ngắm, theo South China Morning Post.

 

Hồi tháng trước, Washington thông báo về các biện pháp nhằm bịt lỗ hổng trong quy định về hàng giá trị thấp vốn cho phép các gói hàng có giá dưới 800 đô-la được miễn thuế nhập cảng và các loại thuế trong nước, cũng như được miễn kiểm tra nghiêm ngặt, là điều có lợi cho các trang thương mại điện tử như Temu và Shein.

 

Trong khi đó, Ủy ban Âu châu đang xem xét thực hiện một loạt các hành động, kể cả có thể đưa ra mức thuế quan mới áp vào các vật phẩm có giá trị dưới 150 Euro (167 đô-la) là ngưỡng áp thuế nhập cảng.

 

(Theo VOA Việt ngữ)