Một ngôi đền bị hư hại do nước lũ ở Nam Phí. Nguồn: AAP

 

QUỐC TẾ - Tổ chức từ thiện quốc tế hàng đầu Oxfam đang kêu gọi các nước phát triển thành lập một quỹ đặc biệt trị giá hàng tỷ đô la để chống lại tác động của biến đổi khí hậu đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Một phúc trình của Oxfam cho thấy trung bình hàng năm, các khoản kêu gọi tài trợ nhân đạo liên quan đến thời tiết khắc nghiệt đã lên tới gần 21 tỷ đô-la Úc.

 

Báo cáo "Footing the Bill" của Oxfam có các cuộc phỏng vấn với những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

 

Những nạn nhân như nông dân Santo Ramata, đến từ quốc gia Châu Phi bị hạn hán và nghèo đói ở Burkina Faso.

"Năm nay tôi bị thất thu nhiều lắm. Trước đây tôi có 12 con cừu nhưng giờ chỉ còn lại một con. Tôi có 42 con gà, giờ chỉ còn lại 10 con. Ngày xưa có bảy con bò, giờ chỉ còn lại ba con. Tôi thấy bất hạnh khi có một ngôi nhà trống không còn động vật. Hầu như không còn vật nuôi nào."

 

Cô nói rằng tất cả là do lượng mưa giảm xuống.

"Trời mưa ngày càng ít trong vài năm qua, nhưng năm ngoái thậm chí còn tồi tệ hơn. Trời hầu như không mưa. Vì thiếu nước, vật nuôi của chúng tôi bị giảm cân và chúng tôi buộc phải bán chúng với giá lỗ. Tôi không đủ khả năng trả tiền học cho con tôi, khi nhà còn không có đủ thức ăn."

 

Phúc trình của Oxfam nêu bật chi phí ngày càng leo thang của bão, hạn hán và lũ lụt với các khoản kêu gọi tài trợ nhân đạo trung bình hiện đạt mức 21.4 tỷ đô la, tăng 819% so với số liệu năm 2002.

 

Nhưng nhu cầu đang không được đáp ứng, hiện có một khoảng cách lớn với nguồn tài chính hiện có.

 

Oxfam tính toán rằng đã có sự thiếu hụt gần 50% trong những năm gần đây giữa số lượng được quyên tặng so với những gì cần thiết.

 

Quyền giám đốc điều hành của Oxfam Australia , bà Anthea Spinks cho biết tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu xảy ra đối với những người có nguy cơ cao nhất.

"Không may là những cộng đồng này thường bị ảnh hưởng bởi những cú sốc khác, họ dễ bị tác động bởi những điều thay đổi rất nhỏ. Ví dụ, một thành viên trong gia đình mất việc làm.

“Chúng tôi biết rất nhiều người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID, họ mất kế sinh nhai, mất gia súc, bãi chăn thả bị ngập năm này qua năm khác với nước mặn.”

“Những điều này đang cộng dồn lại để chúng ta thấy rằng, những người ít gây ra khủng hoảng khí hậu nhất là những người bị ảnh hưởng bởi khí hậu khủng khiếp nhất.”

 

Theo báo cáo, các nước giàu và có nền công nghiệp phát triển đã đóng góp khoảng 92% lượng khí thải vượt quá mức lịch sử và 37% khí nhà kính hiện tại.

 

Con số này so với chỉ 4% ở châu Phi.

 

Kenya, Somalia, Nam Sudan và Ethiopia - nơi có hơn 24 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng và mất nguồn lương thực - chỉ đóng góp 1% vào lượng khí thải toàn cầu hiện nay.

 

Anthea Spinks của Oxfam đang kêu gọi các nước phát triển thành lập một cơ sở tài chính để giúp đỡ những người khó khăn nhất - một đề xuất đã bị tất cả các nước từ chối tại hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow, trừ chủ nhà Scotland.

"Phần còn lại trong thế giới phải thúc đẩy, đặc biệt là những chính phủ và tổ chức thực sự có đủ khả năng để đẩy mạnh dự án này.”

“Toàn bộ vấn đề của quỹ tổn thất và thiệt hại về căn bản không chỉ thực hiện viện trợ cứu con người, mà chúng ta làm trong lĩnh vực nhân đạo, mà còn thực sự thừa nhận và chi trả một cách công bằng cho những tác động lâu dài hơn nhiều đến các cộng đồng này."

 

Đây không chỉ là chi phí tài chính.

 

Oxfam cũng chỉ ra những mất mát xã hội và văn hóa khôn lường mà nhiều cộng đồng nghèo hơn phải trải qua khi đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.