Tính đến 6h ngày 22/4, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 2,552,491 người nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 177,234 ca tử vong và 688,430 người bình phục.

Tổng thống Trump trong cuộc họp báo hằng ngày về Covid-19 tại Nhà Trắng, ngày 21/4. (Nguồn: ABC)

 

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 816,385 người mắc bệnh (tăng 23,626 ca trong 24 giờ qua), trong khi số người thiệt mạng tăng thêm 2,660 ca lên 177,234.

 

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo - bang chịu thiệt hại nặng nề nhất trong dịch Covid-19 - gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào chiều 21/4 (theo giờ Mỹ) nhằm bàn thảo phương hướng khả thi để có thể mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong thời gian tới.

 

Ông Cuomo cho rằng, chỉ có xét nghiệm diện rộng mới có thể giúp bang New York nới lỏng được các lệnh hạn chế đang áp dụng hiện nay và mở cửa lại các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, New York chưa thể tiến hành xét nghiệm rộng rãi bởi thiếu một số chất phản ứng cần có trong các bộ xét nghiệm và Thống đốc Cuomo hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ nguồn cung chất này từ chính quyền liên bang.

 

New York ghi nhận thêm 481 ca tử vong trong 24 giờ qua, tăng 3 ca so với mức tăng của ngày hôm trước, nâng tổng số ca tử vong của bang lên 14,828 người.

 

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump ngày 21/4 cho biết, ông sẽ ban hành sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 60 ngày và sẽ đánh giá lại sau thời hạn trên nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho biết, sắc lệnh cấm nhập cảnh này sẽ chỉ áp dụng đối với những người có ý định nhập cư vào Mỹ theo diện thẻ xanh, và không ảnh hưởng đến các lao động nhập cư tạm thời. Thẻ xanh còn gọi là thẻ thường trú hay giấy nhập cư cho những người không phải công dân Mỹ được hưởng chế độ thường trú tại Mỹ. Nói cách khác, người được cấp thẻ xanh được hưởng quy chế thường trú tại Mỹ và có thể định cư tại đây.

 

Ông Trump cho biết thêm, sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày và được đánh giá lại sau thời gian trên. Ngoài ra, chính quyền sẽ nghiên cứu các biện pháp liên quan đến nhập cư để "bảo vệ người lao động Mỹ".

 

Tổng thống Trump nói."Chúng ta sẽ bảo vệ họ ngày càng nhiều hơn. Việc tạm ngừng nhập cảnh này cũng sẽ giúp bảo tồn các nguồn lực y tế cần thiết cho công dân Mỹ",

“Sắc lệnh hành pháp này đang được soạn thảo khi chúng ta nói chuyện ở đây, có thể là ngày mai”, ông Trump nói và nhấn mạnh thêm rằng sẽ có một số ngoại lệ trong sắc lệnh sắp ban hành.

 

Trước buổi họp báo, kế hoạch tạm ngừng nhập cư của ông Trump vẫn khá mơ hồ và khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chạy đua với thời gian để chuẩn bị sắc lệnh.

 

8/10 người chết vì COVID-19 ở Quebec là tại các viện dưỡng lão

Các quan chức tại Quebec, tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nhất Canada, ngày 21-4 tiết lộ hơn 8/10 ca tử vong vì dịch bệnh này xảy ra tại các viện dưỡng lão.

 

Hãng tin AFP cho biết con số này được đưa ra sau làn sóng phản đối của công chúng trước việc một viện dưỡng lão ở ngoại ô Montreal có tới 31 người chết trong vài tuần khi các nhân viên của viện này bỏ đi.

 

Theo đó, trong 1.041 ca tử vong vì COVID-19 tại Quebec cho đến nay, có 850 ca là những người lớn tuổi ở các viện dưỡng lão. Với hơn 20.000 ca nhiễm virus và hơn 1.000 ca tử vong vì COVID-19, tỉnh Quebec đã chiếm hơn nửa trong tổng 37.000 ca nhiễm và 1.700 ca tử vong vì COVID-19 của Canada.

 

 

Châu Âu tiếp tục là "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay. Tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20,000 ca. 

 

Trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu Âu (5.642 ca). Tiếp sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (+4.611 ca), Anh (+4.301 ca), Tây Ban Nha (+3.968 ca), Ý (+2.729 ca), Pháp (+2.667 ca), Hà Lan (+ 729 ca). 

 

* Tính đến 6h ngày 22/4 (giờ GMT+7), Bộ Y tế Anh cho biết ghi nhận thêm 828 ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại bệnh viện ở nước này lên 17,337 người. Anh là nước có số ca tử vong trong ngày cao nhất tại khu vực châu Âu trong 24 giờ qua.

 

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Anh đã lên tới 129,044 người, tăng 4,301 ca trong 24 giờ qua, đứng thứ 6 trên thế giới về số ca nhiễm bệnh.

 

* Giới chức y tế Pháp thông báo, số ca tử vong do SARS-CoV-2 đã lên tới 20,796 người (tăng 531 ca trong 24 giờ), trong đó có 12,900 ca ở bệnh viện và 7,896 ca ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

 

Số bệnh nhân được xác nhận nhiễm bệnh qua xét nghiệm tại Pháp là 117,324 người. Hiện 30,106 người đang nằm viện (giảm 478 trường hợp so với một ngày trước đó), trong đó 5,433 người trong tình trạng nghiêm trọng phải chăm sóc đặc biệt (giảm 250). Ngoài ra, 30,106 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.

 

Tuy nhiên, theo thống kê của Worldometers, số ca nhiễm tại Pháp đã lên tới 158,050.

 

* Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, ghi nhận thêm 2,729 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 183,957 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã lên tới 24,648 (tăng 534); số ca hồi phục là 51,600 (tăng 2,723).

 

* Ngày 21/4, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 4,611 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 95.591. Số ca tử vong hiện là 2,259 sau khi có thêm 119 trường hợp được ghi nhận trong ngày 21/4.

 

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn tuyên bố của Tổng thống Tayyip Erdogan cho hay, dịch Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu đạt đỉnh và nước này hướng tới mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường sau khi kết thúc tháng lễ Ramadan vào cuối tháng 5 tới.

 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của các quan chức đảng AKP cầm quyền, ông Erdogan cho rằng “đại dịch này đã trở thành cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II xét về những hậu quả kinh tế. Mục tiêu của chúng ta là nhằm duy trì tối đa việc tuân thủ các biện pháp chống dịch trong tháng Ramadan”.

 

Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày sẽ được áp đặt tại 31 thành phố từ 23/4. Ngày 23/4 là ngày nghỉ lễ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khi ngày 24/4 đánh dấu bắt đầu tháng lễ Ramadan truyền thống của người Hồi giáo.

 

* Bộ Y tế Ai Cập phát hiện thêm 157 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-9 lên 3.490 người.

 

Theo Bộ Y tế Ai Cập, tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 hiện là 264 người, trong đó có 14 người mới tử vong được thống kê trong ngày 21/4. Ngoài ra, đã có 49 bệnh nhân mắc Covid-19 bình phục và xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 870.

 

Ai Cập hiện đã triển khai một loạt biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, trong đó có đóng cửa các trường phổ thông và đại học, các cơ sở tôn giáo và tạm dừng hoạt động giao thông đường không. Ngoài ra, Ai Cập đang áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 20h tối đến 6h sáng hôm sau.

* Tại Algeria, ngày 21/4, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch Covid-19 cho biết có thêm 89 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 2,811 người, trong đó có 392 ca tử vong.

 

Hiện Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Đồng thời, để tránh lây nhiễm bệnh, chính quyền yêu cầu tất cả mọi người bắt buộc tôn trọng các quy định về phòng chống sự lây lan, phải ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

 

Nam Phi ghi nhận 3.465 ca mắc Covid-19 (tăng 165 ca trong 24 giờ qua) với 58 trường hợp tử vong. Hiện quốc gia này đã tiến hành đo thân nhiệt cho hơn 2 triệu người và xét nghiệm Covid-19 cho 127,000 trường hợp.

 

Tối 21/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 500 tỷ Rand (tương đương 26 tỷ USD) nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế cũng như đời sống người dân tại quốc gia phát triển nhất châu Phi.

 

Gói hỗ trợ nằm trong giai đoạn 2 của chiến lược ứng phó dịch Covid-19 do Chính phủ đề ra. Theo đó, 130 tỷ Rand sẽ được trích từ ngân sách quốc gia, số còn lại được huy động từ các nguồn tài chính trong nước và quốc tế.

 

Tổng thống Ramaphosa cho hay, gói hỗ trợ tài chính tương đương 10% GDP của Nam Phi sẽ được phân bổ tới các lĩnh vực đang chịu tác động nhiều nhất của dịch Covid-19, gồm y tế, an sinh xã hội và kinh tế.

 

Liên quan đến kế hoạch hỗ trợ tài chính cho hệ thống y tế, Tổng thống Nam Phi cho biết, Chính phủ sẽ dành 20 tỷ Rand để cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ y tế, trang bị đủ số giường bệnh và máy thở tại tất cả các bệnh viện trên cả nước nhằm đảm bảo mọi bệnh nhân Covid-19 đều được chữa trị trong điều kiện tốt nhất.

 

Trong khi đó, Chính phủ sẽ dành 50 tỷ Rand để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt trong công tác hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch như người nghèo, vô gia cư và trẻ em. Theo kế hoạch, trẻ em thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được nhận 500 Rand trong khoảng thời gian từ tháng 5-10 tới. Ngoài ra, trong vòng 6 tháng tới, những người vô gia cư hoặc thất nghiệp mỗi tháng sẽ được nhận từ 250-350 Rand.

 

Bên cạnh đó, 20 tỷ Rand sẽ được tập trung vào công tác hỗ trợ dịch vụ thiết yếu tại các khu dân cư nghèo bao gồm cung cấp nước sạch khẩn cấp, hỗ trợ người dân di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, công tác vệ sinh phòng dịch. Số tiền này cũng sẽ được dùng để dựng những khu nhà tạm và cung cấp thực phẩm cho người vô gia cư.

 

Cũng theo ông Ramaphosa, khoảng 140 tỷ Rand sẽ được dành riêng để hỗ trợ người lao động không được trả lương vì doanh nghiệp họ làm thuê gặp khó khăn do tác động của Covid-19. Ngoài ra, số tiền này cũng được dùng để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt.

 

Theo thống kê, cho đến ngày 21/4, Quỹ thất nghiệp Nam Phi đã chi trả 1,6 tỷ Rand cho khoảng 600,000 nhân công bị mất việc làm.

 

Tại Trung Đông, Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong. 

 

Mexico đã có hơn 9.000 ca nhiễm

 

Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận hơn 700 ca nhiễm mới và 145 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 21-4, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.501 ca và 857 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Bộ Y tế Panama ngày 21-4 cho biết nước này có thêm 162 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 4.821 trường hợp và 141 ca tử vong, theo Reuters.

 

Tỉnh Nagasaki, Nhật Bản ngày 22-4 ghi nhận 33 ca nhiễm mới từ một du thuyền Ý đang đậu lại để sửa chữa. Chính quyền Nagasaki cho biết sẽ thực hiện thêm xét nghiệm với các thành viên thủy thủ đoàn khác.

 

Theo Thống đốc Nagasaki Hodo Nakamura, những người nhận xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng sẽ được giữ trên tàu để giám sát, trong khi những người còn lại sẽ được chuyển đến nơi điều trị. Những người âm tính với virus sẽ được phép về nước.

 

Truyền thông địa phương cho biết con tàu Costa Atlantica này chở theo 623 thủy thủ đoàn và không có hành khách.