Ảnh ghép từ video Youtube của China Uncensored, Al Jazeera English, Formosa TV English News.

 

 

 

 

 

 

Microsoft: tin tặc Trung-Nga-Iran tấn công bầu cử Mỹ

Theo Politico , các tin tặc Nga, Trung Quốc và Iran đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào hàng trăm tổ chức và những người liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, họ hướng mục tiêu vào cả chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump và Joe Biden, Microsoft cho biết thông tin hôm thứ Năm (10/9).

 

 

Microsoft nói rằng các mục tiêu của tin tặc Nga lần này bao gồm các đảng chính trị ở Mỹ và châu Âu, trong khi tin tặc Trung Quốc bám theo những người trong chiến dịch tranh cử của Biden và phía Iran thì cố gắng xâm phạm tài khoản của các nhân viên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

 

 

Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang cố gắng giúp đỡ Biden. Một tuyên bố chính thức của cộng đồng tình báo vào tháng trước cho biết chính quyền Trung Quốc muốn ông Trump thua cuộc, trong khi Nga đang gièm pha Biden và Iran thì cùng “chí hướng” với Bắc Kinh trong mục tiêu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

 

 

 

 

Tướng Mỹ: Bắc Hàn không cho thấy dấu hiệu khiêu khích

Theo Yonhap, người đứng đầu Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nam Hàn (USFK), tướng Robert Abrams, hôm thứ Năm (ngày 10/9) nói rằng Bình Nhưỡng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu khiêu khích nào, ví dụ như tung ra một hệ thống vũ khí chiến lược mới, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Bắc Hàn có thể đã gặp khó khi vướng vào đại dịch COVID-19 và các tác động từ những biện pháp trừng phạt.

 

 

Nhận định của ông Abrams được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Bắc Hàn  có thể tiết lộ một hệ thống vũ khí mới trong tương lai gần để đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động cầm quyền vào ngày 10/10.

 

 

Ông Abrams cho rằng Bắc Hàn đang vướng phải các khó khăn nên chưa thể có các động thái quân sự. Người đứng đầu USFK lưu ý rằng nhập khẩu của Triều Tiên từ Trung Quốc giảm khoảng 50% sau khi Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối nước này sau vụ thử hạt nhân vào tháng 9/2017.

 

 

 

 

AFA đề nghị Mỹ lập nhóm bảo vệ nhân quyền Tân Cương

SCMP đưa tin, các đại diện cho một nhóm công ty may mặc lớn nhất của Mỹ và quốc tế đã kêu gọi Washington thuyết phục các nước khác cùng gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc chấm dứt lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương.

 

 

Một quan chức của Hiệp hội May mặc và Giày dép (AFA) Hoa Kỳ – đại diện cho The Gap, Versace, Jimmy Choo và các thương hiệu khác – hôm thứ Năm (10/9) nêu ý kiến rằng nhiều quốc gia khác cần tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn lao động cưỡng bức ở khu vực phía Tây Trung Quốc, nơi có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động.

 

 

Trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung tổ chức, ông Nate Herman, phó chủ tịch cấp cao về chính sách của AFA, nói rằng Mỹ cần thuyết phục các quốc gia Châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc tham gia cùng trong cuộc chiến bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương.

 

 

 

 

 

Đài Loan lên án hành động khiêu khích của Bắc Kinh

Theo Straitstimes, Đài Loan đã lên án “hành động khiêu khích nghiêm trọng” của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Năm (10/9) sau khi máy bay phản lực quân sự của Bắc Kinh đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo hai ngày liên tiếp.

 

 

Các nhà chức trách Đài Loan cho biết nhiều máy bay Trung Quốc, bao gồm tiêm kích Su-30, tiêm kích J-10 và máy bay chống ngầm Y-8, đã liên tiếp xâm phạm ADIZ của Đài Loan vào thứ Tư và thứ Năm trong cuộc tập trận quy mô lớn mà quân đội Trung Quốc (PLA) đang thực hiện.

 

 

 

“Các cuộc diễn tập quân sự của chính phủ Trung Quốc tạo thành một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Đài Loan và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nêu quan điểm trong một tuyên bố, và cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng: “Hôm nay, PLA tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan; ngày mai, PLA có thể tham gia vào các mối đe dọa tương tự gần các quốc gia khác”.

 

 

 

 

Sau UAE, Israel có thể sắp có thêm bạn ở Trung Đông

Theo Straitstimes, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (10/9) cho biết, nhiều khả năng một quốc gia khác ở Trung Đông có thể tiếp bước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ với Israel.

 

 

Tổng thống Trump sẽ tổ chức một buổi lễ ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai phái đoàn quan chức Israel và UAE vào thứ Ba tới tại Hoa Kỳ.

 

 

Các nhà đàm phán của chính quyền Trump đã cố gắng kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh khác, như Bahrain và Oman, bình thường hóa quan hệ với Israel.

 

 

Vào tháng trước, Israel và UAE đã đồng ý bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận mà Tổng thống Trump làm người trung gian kết nối.

 

 

Reuters cho hay, ông Trump không tiết lộ tên của quốc gia có thể sẽ tham gia vào hiệp ước hòa bình với Israel, nhưng nhiều khả năng đó là Ả Rập Xê Út.

(Theo dkn.tv)