13/03/2020 06:23 GMT+7

(theo tuoitre.vn)

Số ca tử vong tại Ý tiếp tục tăng trong ngày 12-3 với 189 người, đẩy tổng số người chết vì COVID-19 tại nước này vượt ngưỡng 1.000, trong khi số ca nhiễm tăng lên hơn 15.000. Ở Hàn Quốc là 7.979 ca nhiễm, 72 ca tử vong.

 

 Bản tin cập nhật lúc 18h00 ngày 13-3 giờ VN

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Bộ Y tế Iran ngày 13-3 cho biết số ca bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng lên 11.364 ca, còn số ca tử vong đến nay là 514 ca.

* Thủ tướng lâm thời Romania, ông Ludovic Orban ngày 13-3 cho biết ông và toàn bộ nội các của mình sẽ tự cách ly sau khi họ tiếp xúc với một nghị sĩ nhiễm virus corona chủng mới. Đến nay Romania đã ghi nhận 70 ca bệnh COVID-19.

 

Hàn Quốc: Số ca nhiễm mới thấp hơn số người khỏi bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính đến hết ngày 12-3, Hàn Quốc có 110 ca nhiễm mới, trong khi 177 người khỏi bệnh hoàn toàn và đã xuất viện.

Hiện tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc là 7.979 ca, trong đó số ca tử vong đã lên đến 72.

Kenya có ca nhiễm đầu tiên, Indonesia ghi nhận ca tử vong thứ 2

Bộ trưởng Y tế Mutahi Kagwe xác nhận Kenya đã có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Bệnh nhân trở về Kenya từ Mỹ qua ngả London. Giới chức Kenya đã cấm tổ chức các sự kiện đông người, nhưng vẫn mở cửa trường học.

Trong khi đó Indonesia ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì COVID-19. Đến nay nước này đã có 34 ca nhiễm.

 

Argentina ban bố tình trạng khẩn cấp y tế

Chính phủ Argentina đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, ngừng cấp thị thực cho công dân của các nước đang có sự bùng phát mạnh của SARS-CoV-2 gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Anh và tất cả các nước trong khối Schengen.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong tình trạng khẩn cấp, các cơ sở y tế Argentina sẽ phân phối thuốc điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 miễn phí, được phép mua trang thiết bị trực tiếp và thuê nhân sự một cách linh hoạt.

 

Đến nay tổng số ca nhiễm tại Argentina lên 31 người.

* Quốc hội Bulgaria cũng đã bỏ phiếu nhất trí tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 13-4 để ngăn chặn dịch lây lan sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng lên 23.

Tình trạng khẩn cấp cho phép áp đặt lệnh cấm du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch, đóng cửa trường học và cho phép cảnh sát can thiệp khi có bệnh nhân từ chối cách ly.

 

Số ca nhiễm, tử vong tại Trung Quốc giảm còn một con số

Trung Quốc chỉ có thêm 8 ca nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) trong ngày 12-3, giảm so với 15 ca trong ngày 11-3, và thêm 7 ca tử vong. Như vậy, tổng cố ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính đến nay là 80.813 ca và 3.176 ca tử vong. 

Riêng tại Hồ Bắc, số ca nhiễm mới trong ngày 12-3 cũng giảm còn năm ca so với tám ca của ngày 11-3. Số ca tử vong tại tỉnh này cũng giảm từ 10 ca của ngày 11-3 xuống còn 6 ca trong ngày 12-3.

 

Ý: 15.113 người nhiễm 1.016 ca tử vong

Số liệu chính thức được công bố lúc 18h ngày 12-3 (giờ Ý) tức 0h ngày 13-3 (giờ VN) cho thấy trong ngày 12-3 đã ghi nhận thêm 189 ca tử vong tại Ý, nâng tổng số người chết vì dịch COVID-19 lên 1.016.

Số ca nhiễm mới trong ngày là 2.651 trường hợp, tăng hơn 300 trường hợp so với một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) là 15.113.

Trong đó 1.258 người đã được chữa khỏi và cho xuất viện, cộng thêm số ca đã tử vong nên số ca nhiễm hiện đang điều trị của Ý chỉ còn 12.839 trường hợp.

 

Thủ hiến bang Victoria của Úc Daniel Andrews sáng 13-3 thông báo cuộc đua F1 phải hủy bỏ do COVID-19. Giải đua này dự kiến diễn ra tại thành phố Melbourne từ ngày 13 đến 15-3.

Ban tổ chức giải cho biết đã phải rất khó khăn để đưa ra quyết định này. Trước đó ngày 11-3 khi di chuyển tới Úc, 3 thành viên của hai đội đua Hass và McLaren đã phải cách ly do có các triệu chứng của bệnh COVID-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm, thành viên của đội đua McLaren được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, do đó đội đua này đã chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đua.

* Ban tổ chức Premier League ngày 13-3 thông báo HLV Mikel Arteta (Arsenal) bị dương tính với COVID-19 và trận đấu giữa Arsenal với Brighton vào cuối tuần này sẽ bị tạm hoãn.

 

Nhiều nước châu Âu đóng cửa trường học

Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ ngày 12-3 đã đồng loạt yêu cầu đóng cửa các trường học tại nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại châu Âu đang lan nhanh.

Tại Bỉ, chính phủ nước này đã ra lệnh các quán cà phê, nhà hàng và trường học tạm thời đóng cửa từ 0h ngày 13-3 (giờ địa phương) đến hết ngày 3-4. Chính phủ Bỉ khẳng định sẽ không có phong tỏa và cấm giao thương buôn bán. Các siêu thị và nhà thuốc vẫn sẽ mở cửa hoạt động trong thời gian này.

"Chúng tôi muốn tránh giống như Ý và sẽ tránh chuyện phong tỏa", Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cam kết.

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa thông báo đóng cửa tất cả các trường học cho tới 9-4-2020. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc. 

Đến nay Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm COVID-19. Nhà chức trách nước này đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

 

New York cấm tụ tập trên 500 người

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 12-3 (giờ Mỹ) thông báo bang này sẽ cấm các sự kiện, địa điểm có từ 500 người trở lên trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2.

Ông Cuomo giải thích cụ thể hơn rằng lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các "không gian hội nghị". Ví dụ một tòa nhà văn phòng có sức chứa khoảng 500 người sẽ không phải tuân theo quy định hạn chế nhưng một văn phòng với không gian mở và chứa được 500 người sẽ phải tuân thủ.

Thống đốc New York không nói lệnh cấm sẽ được duy trì trong bao lâu nhưng cho biết nó sẽ được điều chỉnh mỗi ngày dựa trên tình hình thực tế.

Trong khi đó tại bang láng giềng New Jersey, Thống đốc Phil Murphy đề nghị hủy bỏ tất cả các cuộc tụ tập có từ 250 người trở lên, theo Hãng tin Reuters.

 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 12-3 phát đi thông cáo cho biết Trung Quốc đã gởi một lô hàng viện trợ gồm 1,8 triệu khẩu trang cho Ý và Tây Ban Nha. Một nguồn tin của Reuters trong chính phủ Tây Ban Nha tiết lộ Bắc Kinh đã chủ động đề nghị hỗ trợ Madrid chống dịch COVID-19.

Xứ sở bò tót bắt đầu nâng cao cảnh giác trong những ngày gần đây khi yêu cầu đóng cửa trường học, tạm ngừng họp quốc hội sau khi một bộ trưởng của nước này dương tính với SARS-CoV-2.

 

Chứng khoán Mỹ rớt giá

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư trong mùa dịch COVID-19.

Chỉ số Dow Jones đã mất 2.350 điểm, tương đương 10%, xuống còn 21.200,62 điểm. Chỉ số S & P 500 cũng giảm 9,5% xuống còn 2.480,64, trong khi chỉ số Nasdaq công nghệ giảm 9,4% xuống còn 7.201,80.

Triển vọng ảm đạm cho các hãng hàng không cũng một lần nữa đè nặng lên Boeing. Cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm tới 18% trong phiên giao dịch ngày 12-3, trở thành "người thua cuộc" lớn nhất trong ngày giao dịch.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam Hàn: Số ca khỏi bệnh nhiều hơn số ca mắc mới coronavirus Covid-19 trong ngày