Ngày 12/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca trong vòng 24 giờ qua.

 

 

 

Các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 từ 300.000 trở lên tính đến 7h ngày 13/7. (Nguồn: Worldometers)

 

 

 

Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 10/7 với 228.102 ca nhiễm/ngày. Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức 5.000 ca/ngày.

 

Theo báo cáo cập nhật theo ngày về tình hình dịch Covid-19, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.

 

 

 

Trong khi đó, theo thống kê của trang mạng Worldometers, tính đến 6 giờ ngày 13/6, toàn cầu ghi nhận 13.022.994 người mắc bệnh, trong đó có 571.000 ca tử vong và 7.573.583 bệnh nhân bình phục.

 

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động năng nề nhất thế giới với hơn 3,41 triệu ca mắc, trong đó có gần 138.000 ca tử vong.

 

Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 56.336 người mắc mới, trong đó, tiểu bang Florida ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục với 15.300 trường hợp, tiếp đó là California với 7.004 trường hợp, và Texas 5.500 ca.

 

Một số quốc gia ở Đông Âu đang phải đối mặt với nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, dẫn đến các biện pháp hạn chế mới như bắt buộc sử dụng khẩu trang ở Croatia và cấm đi du lịch hay thực hiện kiểm dịch ở Hungary.

 

Chính quyền Hungary thông báo áp dụng các biện pháp hạn chế mới với hoạt động đi lại qua biên giới từ ngày 14/7 tới, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi số ca mắc mới tại một số quốc gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

 

 

 

Theo đó, các công dân Hungary trở về từ những quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao, ở các thang đánh giá nguy cơ "vàng" và "đỏ", sẽ được kiểm tra y tế tại biên giới và sẽ được cách ly 14 ngày kể cả khi không mắc bệnh. Những người có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus 5 ngày trước khi nhập cảnh sẽ không phải thực hiện những quy định này.

 

Người nước ngoài đến từ các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "vàng" sẽ phải tuân thủ những quy định tương tự. Còn lại, những người nước ngoài đến từ quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "đỏ" sẽ không được phép nhập cảnh.

 

Các hoạt động vận chuyển hàng hóa hoặc trung chuyển con người, các chuyến đi công tác tới Hungary, được miễn áp dụng các quy định trên nhưng vẫn có khả năng phải trải qua quá trình kiểm tra y tế tại biên giới.

 

Tại Croatia, nước này đã yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng từ ngày 13/7. Ở Ba Lan, nơi đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng 2, các cử tri cũng phải đeo khẩu trang và găng tay, duy trì giãn cách xã hội và sử dụng chất khử trùng. Các cử tri cũng được phép sử dụng bút riêng để đánh dấu phiếu bầu và những thùng phiếu được khử trùng thường xuyên.

 

Trong khi đó, tại Anh, Cơ quan Y tế công England và Hội đồng vùng Herefordshire thông báo đã yêu cầu cách ly khoảng 200 nhân viên làm việc tại một nông trang vùng West Midlands của vùng England sau khi ít nhất 73 người trong số họ dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Hiện nông trang AS Green & Co thuộc hạt Herefordshire cũng đã được phong tỏa để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. AS Green & Co là nông trang rau chủ yếu gồm súp xơ xanh, các loại đỗ xanh để cung cấp cho các siêu thị Sainsbury’s, Asda, M&S và Aldi.

 

 

Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, mỗi tuần ở Anh phát hiện ra hơn 100 ổ dịch nhỏ lẻ tại các địa phương, chính quyền phải tiến hành phong tỏa khoanh vùng, đồng thời tiến hành xét nghiệm tại nhà cho mọi người dân sống trong khu có ổ dịch.

 

Thống kê của Worlodmeters cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 ở Anh đã giảm từ mức đỉnh hơn 6.000 hồi tháng 4 xuống còn 650 trong ngày 12/7, trong bối cảnh nhà chức trách đã tăng cường xét nghiệm.

 

Vùng Andalusia ở miền Nam Tây Ban Nha sẽ trở thành vùng thứ 4 ở nước này quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, cả ở không gian trong nhà và ngoài trời. Quy định này, có hiệu lực từ ngày 14/7 tới, được đưa ra nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong bối cảnh xuất hiện các ổ dịch lớn tại nhiều khu vực trên cả nước.

 

Tại châu Á, chỉ trong một ngày, Ấn Độ phát hiện thêm 29.108 ca nhiễm SARS-CoV-2, mức cao nhất tính theo ngày, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 849.553 người, trong đó có 22.674 trường hợp tử vong. Hiện Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm và thứ 8 về số ca tử vong.

 

Do nóng lòng muốn khởi động nền kinh tế bị tê liệt do dịch bệnh và đưa hàng triệu người dân quay trở lại làm việc, đầu tháng 6, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa với 1,3 tỷ dân được áp đặt hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới đã buộc một số bang và thành phố công nghiệp lớn tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

 

 

 

Tại Trung Quốc, sau 5 ngày liên tiếp không phát hiện thêm ca mắc Covid-19, thủ đô Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế đi lại được áp đặt sau khi bùng phát ổ dịch tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa hồi đầu tháng 6. Theo đó, người dân từ các khu vực có nguy cơ rủi ro thấp có thể tự do ra vào Bắc Kinh.

 

Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế Bắc Kinh hôm 12/7, tổng số ca nhiễm tại thành phố này kể từ khi cụm dịch mới được phát hiện tại chợ đầu mối Tân Phát Địa ngày 11/6 là 335. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) đã công bố báo cáo cho biết tình hình dịch bệnh liên quan tới chợ đầu mối này đã được kiểm soát hiệu quả.      

 

Trong khi đó, tại đặc khu hành chính Hong Kong tiếp tục ghi nhận 38 ca mới mắc Covid-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 8 ca “ngoại nhập”. Ngoài ra, có hơn 20 ca xét nghiệm sơ bộ dương tính với SARS-CoV-2. Trong số các ca nhiễm mới có 13 ca không rõ nguồn lây. Tổng cộng, Hong Kong ghi nhận 1.469 ca nhiễm, trong đó có 7 ca tử vong.

 

Theo nhà chức trách Hong Kong, tình hình có phần mất kiểm soát, nếu người dân tiếp tục buông lỏng các biện pháp phòng dịch thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh. Trên truyền thông xã hội, người đứng đầu chính quyền Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga bày tỏ lo ngại dịch bệnh đã lại trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây.

 

Ở Nhật Bản, thủ đô Tokyo thông báo thêm 206 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 200 ca mắc mới/ngày. Tới nay, Tokyo ghi nhận tổng cộng 7.927 ca mắc bệnh, chiếm khoảng 1/3 tổng cố ca mắc trên cả nước. Hiện người dân và giới chức đang ngày càng lo ngại nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố có 14 triệu dân này.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 15 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày qua, là những công dân Campuchia trở về nước từ Saudi Arabia hôm 10/7.

 

Trong khi đó, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia khi ghi nhận thêm 1.681 ca mắc bệnh trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 75.699 người. Số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 71 ca lên 3.606 ca. Hiện Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Đáng chú ý, Indonesia mới phát hiện một ổ dịch liên quan tới một học viện quân sự, ghi nhận gần 1.300 người có kết quả dương tính với virus. Trong số 1.280 ca được xác nhận nhiễm virus, có 991 học viên còn lại là các nhân viên nhà trường và người thân trong gia đình.

 

Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramphosa tuyên bố tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 song sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó trước sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này gần chạm mốc 300.000 người.

 

Bên cạnh đó, Tống thống Nam Phi yêu cầu siết chặt quy định về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, công sở và trường học.

 

Tính đến hết ngày 12/7, Nam Phi ghi nhận 276.242 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có 4.079 trường hợp tử vong và 127.715 người khỏi bệnh. Hiện tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này nằm ở mức 1.5%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 4.4% trên thế giới.