(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Michael Kimmage và Maria Lipman, “Exiles Cannot Save Russia,” Foreign Affairs, 18/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Nhưng Tây phương có thể học hỏi – và nên ủng hộ – những người đã chạy trốn khỏi Putin.
Cuối năm 2022, một tòa án ở Moscow đã tuyên án nhân vật phê bình Điện Kremlin Ilya Yashin tám năm rưỡi tù giam. Ông là một thành viên nổi bật và thẳng thắn của phe đối lập Nga, đồng thời là đồng minh của Boris Nemtsov và Alexei Navalny, những nhân vật đối lập hàng đầu, hiện đều đã qua đời. Nếu ông không được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân với Mỹ hồi tháng trước, có lẽ Yashin cũng đã chết. Giờ đây, khi sống lưu vong ở Berlin, ông có thể thực hiện công việc chính trị của mình mà không bị cản trở.
Thật ra, Yashin không muốn rời khỏi Nga. Ông muốn ở lại. Ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Đức, “Tôi xem việc mình bị giam cầm không chỉ là một cuộc tranh đấu phản chiến, mà còn là cuộc tranh đấu cho quyền được sống ở đất nước mình, được tham gia vào nền chính trị độc lập ở đó.” Ông đã khẳng định một quyền mà chính phủ của ông đã thẳng thừng bác bỏ. Navalny cũng đã khẳng định quyền tương tự khi ông từ Đức trở về Nga vào năm 2021, dù biết rõ những đau khổ mà ông sẽ phải chịu đựng.
Mong muốn của Yashin – được theo đuổi chính trị độc lập ở Nga, ngay cả sau khi bị cầm tù vì theo đuổi chính trị độc lập – là điều dễ hiểu. Tương lai chính trị của đất nước ông sẽ không được viết ở Berlin hay London hay New York, mà là ở chính nước Nga. Tương lai sẽ được viết bởi những người sống sót sau cuộc chiến ở Nga, bất kể họ có ủng hộ nó hay không. Rời đi là đánh mất cơ hội tham gia vào quá trình này và từ bỏ đất nước trong thời chiến, khiến bản thân trở nên đáng xấu hổ và đáng bị kỳ thị, đặc biệt là đối với những người đến định cư ở Tây phương. Rời đi cũng là tham gia vào phe đối lập lưu vong, một mạng lưới phi cấu trúc, tách biệt hoàn toàn khỏi các thế lực ở Moscow.
Không ai mong đợi chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm bị thay thế bởi một nhóm các nhà lãnh đạo theo Tây phương. Nga và Tây phương đang vướng vào một cuộc xung đột lâu dài, và Điện Kremlin đã xây dựng chế độ dựa trên sự thù địch với Tây phương, trục xuất hoặc bịt miệng những cá nhân bị “Tây hóa” – tức là những người Nga vẫn coi Tây phương là hình mẫu của nền dân chủ tự do. Nhưng các kịch bản chuyển đổi vẫn có sức hút nhất định. Chúng vẫn có thể định hướng cách thức mà các chính phủ Tây phương tiếp cận cộng đồng người Nga di cư. Thay vì mơ mộng về một cuộc cách mạng chính trị, Tây phương nên thừa nhận rằng giá trị của cộng đồng người Nga hải ngoại nằm ở nhiều hình thức năng lực và chuyên môn, từ học thuật đến báo chí đến nghệ thuật. Tây Phương có lợi ích riêng khi cấp quyền tị nạn chính trị cho những người Nga chạy trốn chế độ chuyên chế của Putin, và nên tài trợ theo cách thúc đẩy những đóng góp về văn hóa và trí tuệ của họ.
HÀNH ĐỘNG TỪ CHỐI CỦA SOLZHENITSYN
Từng có một phe đối lập Nga được Tây phương hậu thuẫn đã giúp định hình lại toàn bộ nền chính trị Nga. Năm 1917, sau nhiều năm sống lưu vong, các nhà lãnh đạo Bolshevik đã trở về nước. Đế quốc Đức đã tạo điều kiện cho chuyến đi của Vladimir Lenin, đưa nhà cách mạng đi tàu lửa qua châu Âu để về Nga. Hình ảnh Lenin về đến Petrograd bằng tàu lửa từ Zurich là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20. Choáng váng khi người Mỹ tham gia Thế chiến I, Bộ Tổng tham mưu Đức đã quyết định lây nhiễm cho Nga “vi khuẩn cách mạng,” toan tính rằng nó sẽ giúp Đức giành chiến thắng. Nhưng đến năm 1945, trong một ví dụ nổi bật về hậu quả không mong muốn, Liên Xô đã tái thiết thành một lực lượng quân sự đáng gờm ở châu Âu, chiến thắng Đức Quốc Xã, và sau đó, với tư cách là một trong hai siêu cường của thế giới, đã chủ trì việc phân chia nước Đức.
Ví dụ về những người Bolshevik là độc nhất trong lịch sử Nga. Đây là lần duy nhất một nhóm người lưu vong chính trị trở về và tiến hành một cuộc cách mạng. Bởi nước Nga, tuy cởi mở với các chương trình hiện đại hóa của Tây phương, nhưng lại xa cách với cộng đồng lưu vong của mình, cả trong thời kỳ ổn định lẫn những giai đoạn biến động. Vào thế kỷ 19 và 20, nhiều trí thức Nga đã lên đường đến châu Âu để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, thử nghiệm các ý tưởng tự do và xã hội chủ nghĩa. Nhưng cuộc tìm kiếm của họ thường kết thúc trong thất vọng – đôi khi là thất vọng với việc quê hương họ từ chối Tây hóa, và đôi khi là thất vọng với chính Tây phương. Thật vậy, các nhà văn lưu vong Alexander Herzen và Aleksandr Solzhenitsyn đã vỡ mộng trước nhiều tệ nạn của Tây phương – đối với Herzen là thói đạo đức giả và chủ nghĩa thực dân, còn với Solzhenitsyn là chủ nghĩa duy vật và thiếu ý chí chống cộng.
Cách mạng Bolshevik và cuộc nội chiến sau đó đã tạo nên làn sóng di cư chính trị mới. Giống như nhiều chính phủ Tây phương vào thời điểm đó, những người lưu vong hy vọng Liên Xô sẽ sụp đổ. (Mỹ đã không công nhận Liên Xô mãi cho đến năm 1933, một phần vì các quan chức Mỹ chắc chắn rằng Liên Xô sẽ sớm tan rã.) Cộng đồng hải ngoại đã hình dung ra nhiều kịch bản thay thế cho nước Nga. Nhưng thay vì sụp đổ, Liên Xô đã trở thành một thế lực chính trị mạnh mẽ, và trong Thế chiến II, họ thậm chí còn là đồng minh của Mỹ và Vương quốc Anh.
Không quốc tịch và không định hướng, những người Nga di cư từ Liên Xô đã tập hợp thành những cộng đồng sôi động ở Paris, Berlin, London, New York, và nhiều nơi khác. Chúng ta sẽ không thể viết ra lịch sử của nhảy hiện đại, nghệ thuật, âm nhạc, văn học, và công nghệ mà không nhắc đến những nhân vật như nhà soạn nhạc Igor Stravinsky, nghệ sĩ sản xuất ballet Sergei Diaghilev, nhà văn Vladimir Nabokov, và chuyên gia hàng không Igor Sikorski. Tại các trường đại học Tây phương, các học giả Nga đã phát triển các nghiên cứu về Sla-vơ và Liên Xô, vốn là những nghiên cứu hiếm hoi trước khi họ đến vào những năm 1920 và 1930. Cộng đồng người Nga hải ngoại có thể không giúp người Mỹ lật đổ Liên Xô, nhưng họ đã đóng góp nhiều vào việc hiểu Liên Xô và văn hóa chính trị của nó.
Solzhenitsyn là chính trị gia lưu vong nổi tiếng nhất của Nga. Bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1974, ông đến sống ở Vermont từ năm 1976 đến năm 1994, rồi trở về sống ở nước Nga hậu Xô-viết. Solzhenitsyn là biểu tượng của sự bất đồng chính kiến chống cộng, và những người Mỹ theo chủ nghĩa Chiến tranh Lạnh đã muốn ông làm đại sứ văn hóa và chính trị của Tây phương. Nhưng Solzhenitsyn từ chối. Ông là người Nga chứ không phải người Mỹ chống cộng. Vài tháng sau khi được bầu làm tổng thống Nga năm 2000, Putin đã gặp Solzhenitsyn. Ông sẽ dựa vào niềm tin của Solzhenitsyn rằng Nga, Ukraine, và Belarus là một quốc gia Slavơ – mà nổi bật nhất là trong một bài báo về “sự thống nhất lịch sử” của các quốc gia mà Putin đã xuất bản vào tháng 7/2021, bảy tháng trước khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
PHE ĐỐI LẬP BỊ RẠN NỨT
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng thêm mức độ chuyên chế ở Nga, nơi mà việc chỉ trích cuộc chiến này khiến người ta trở thành tội phạm và mọi hành động phản đối Điện Kremlin đều sẽ bị đàn áp. Cũng dễ hiểu khi nhiều nhân vật đối lập đã rời khỏi đất nước, và đó là điều mà Điện Kremlin muốn. Đối với Putin, điều duy nhất tốt hơn một phe đối lập không tồn tại là một phe đối lập xa cách ở nước ngoài, mà ông có thể gọi là công cụ của một Tây phương thù địch.
Những người Nga lưu vong phải đối mặt với những thách thức gần như không thể vượt qua. Họ thiếu sự thống nhất về ý thức hệ, họ thiếu một đảng phái chính trị, và khác với những người Bolshevik, họ thiếu một ý thức rõ ràng về mục đích. Thật vậy, những gì thường được gọi là “phe đối lập” này đang bị chia cắt và dễ xảy ra cãi vã. Những người bất đồng chính kiến Nga ở nước ngoài không chia sẻ sự đồng thuận về việc nước Nga hậu Putin sẽ trông như thế nào. Thật khó để tưởng tượng phe đối lập bị chia rẽ và phân tán này sẽ sớm đạt được sự đồng thuận.
Bên trong nước Nga, những thách thức của phe đối lập còn lớn hơn nhiều. Một phe đối lập khả thi cần có một nhóm cử tri ủng hộ trong nước. Những người Bolshevik có công nhân, nông dân, những người lính vỡ mộng, và những trí thức tiến bộ; vào năm 1917, họ cũng có một làn sóng phản đối sau lưng và một chính phủ đang sụp đổ trước mắt. Nhưng “phe đối lập” ở nước Nga đương đại không có cơ sở ủng hộ rõ ràng. Những trí thức ở các trung tâm đô thị lớn của Nga không thể huy động được dân chúng. Họ cũng không thể đối chọi lại sức mạnh cưỡng bức và bạo lực của nhà nước. Ngay cả khi chế độ Putin sụp đổ và những nhân vật đối lập lưu vong vội vã trở về nhà, họ vẫn sẽ chật vật để thâu tóm quyền lực. Và còn phải đối phó với các quan chức và thể chế – đặc biệt là quân đội và các cơ quan an ninh – đang sẵn sàng và mong muốn đè bẹp họ.
Ở Tây phương, ủng hộ việc đánh bại Nga là một điều kiện tiên quyết để được công nhận trong giới trí thức và công chúng chính thống. Những người Nga chỉ trích lệnh trừng phạt của Tây phương, hoặc đưa ra bất kỳ ám chỉ tích cực nào đến những người chiến đấu cho phía Nga đều phải đối mặt với sự phản đối dữ dội. Sau khi được thả khỏi tù, Yashin đã bị người Ukraine chỉ trích gay gắt khi ông kêu gọi tái cấu trúc hệ thống biện pháp trừng phạt để gây áp lực lên chính quyền trong khi vẫn bảo vệ công dân Nga. Liên hoan Phim Quốc tế Toronto gần đây đã hủy chiếu Russians at War, bộ phim tài liệu của một nhà làm phim người Canada gốc Nga, khi ban tổ chức liên hoan phim phải hứng chịu những lời chỉ trích rằng bộ phim tài liệu này đã nhân từ hóa quân đội Nga được cử đến chiến đấu ở Ukraine; quyết định hủy chiếu sau đó đã bị thu hồi. Tuy nhiên, các lập trường chính trị mà những người Nga lưu vong có xu hướng ủng hộ ở Tây phương, hoặc vì niềm tin cá nhân, hoặc để tránh bị chỉ trích, đang đe dọa uy tín chính trị của họ ở Nga. Có lẽ thất bại của Nga trong cuộc chiến sẽ tiết lộ rằng một nhóm đông đảo người Nga im lặng thực sự mong muốn đất nước của họ thua cuộc. Dù vậy, điều đó không có khả năng xảy ra. Theo cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập, tình cảm chống Tây phương vẫn ở mức cao trong số người Nga đang ở Nga, và tình cảm chống lại những người phản đối chiến tranh cũng đang tăng lên đáng kể. Sẽ không có một chính trị gia hậu Putin đầy tham vọng nào dám công khai bày tỏ mong muốn Ukraine giành chiến thắng hoặc xem quân đội Nga là tội phạm chiến tranh.
Cuộc xâm lược của Ukraine vào khu vực Kursk ở phía tây nước Nga và sự gia tăng gần đây của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào cơ sở hạ tầng của Nga đã làm tình hình thêm phức tạp. Lúc này đây, hơn bao giờ hết, nhà nước Nga có thể coi lập trường phản chiến của phe đối lập là phản quốc. Điện Kremlin có thể dễ dàng lập luận rằng những người phản đối chiến tranh đang thờ ơ với sự toàn vẹn của biên giới đất nước và cuộc sống của các công dân Nga. Căng thẳng này có thể không quan trọng ở Tây phương. Nhưng nó lại rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo phe đối lập, những người hy vọng một ngày nào đó sẽ quay trở lại với nền chính trị Nga.
MỘT MÓN QUÀ VĂN HÓA VÀ TRI THỨC
Các chính phủ Tây phương hầu như luôn chào đón những người bất đồng chính kiến Nga nhưng lại ngây thơ áp đặt niềm tin của riêng mình lên nhóm người này. Nhìn về phía trước, Tây phương nên ghi nhớ một vài điều. Đầu tiên, phe đối lập sẽ không có cơ hội giành được quyền lực ở Nga trong tương lai gần. Trước chiến tranh, triển vọng của phe này đã rất mờ nhạt, và giờ đây lại càng mờ nhạt hơn. Hàng trăm nghìn người Nga đã rời khỏi đất nước trong hai năm qua; đối với Điện Kremlin, chiến tranh là một cuộc thanh lọc chính trị. Thứ hai, các chính phủ Tây phương không thể hy vọng sử dụng phe đối lập để tạo ra sự chuyển đổi chính trị ở Nga. Chiến thuật này, được Đức khai triển ở Nga năm 1917 và được Mỹ khai triển ở Iraq của Saddam Hussein năm 2003, chắc chắn sẽ phản tác dụng.
Các chính phủ Tây phương nên nỗ lực một cách có chủ đích để không đưa phe đối lập Nga vào các dự án và kế hoạch củ Tây a phương. Các chính phủ Tây phương có thể muốn tài trợ cho các nhóm đối lập độc lập của Nga, nhưng họ không nên tìm cách liên kết các nhóm này với các lợi ích của Tây phương, bất kể chúng là gì. Các nhân vật đối lập của Nga không thể giải quyết các vấn đề của Tây phương với Nga, vốn là các vấn đề có nguồn gốc lịch sử và địa chính trị.
Tuy nhiên, Tây phương vẫn có thể hưởng lợi từ dòng người di cư từ Nga. Vào thời điểm mà sự tiếp xúc giữa người với người giữa Nga và Tây phương bị hạn chế hơn so với thời Chiến tranh Lạnh, thì việc di cư khỏi Nga là một món quà văn hóa và tri thức. Nó không ẩn chứa khả năng tái thiết nước Nga từ bên ngoài, nhưng là hiểu nước Nga từ bên trong. Các chính phủ và xã hội dân sự Tây phương nên khuyến khích tiềm năng sáng tạo của những người Nga lưu vong, từ các chuyên gia về khoa học xã hội và nhà báo hiểu chủ nghĩa Putin, cho đến các nhà thơ viết sonnet và các họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật. Các quan chức Tây phương không nên áp dụng bất kỳ phép thử thái độ chính trị nào đối với cộng đồng người Nga hải ngoại. Họ không nên viết bất kỳ kịch bản nào trong đó phe đối lập Nga ở nước ngoài được giao cho vai trò đấng cứu tinh. Thay vào đó, họ nên xóa bỏ sự thống trị của những kỳ vọng chính trị không thực tế. Làm như vậy sẽ giúp mở ra cánh cửa cho những đóng góp đáng ngạc nhiên và đầy hiểu biết mà những người lưu vong thường dành cho quê hương thứ hai của họ.
Michael Kimmage là giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm Mỹ ở Berlin. Ông là tác giả cuốn sách “Collisions: The Origins of the War in Ukraine and the New Global Instability.”
Maria Lipman là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Châu Âu, Nga và Á-Âu thuộc Đại học George Washington và là đồng biên tập trang web của viện, Russia.Post.
(nghiencuuquocte.org)