Tiêm kích cơ Rafale của Pháp bay biểu diễn tại Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget, Paris, Pháp, ngày 17/06/ 2025. AP - Michel Euler
Cơ quan tình báo Pháp đã tiết lộ rằng Trung Quốc đang thực hiện các chiến dịch phối hợp, với mục đích lan truyền thông tin sai lệch trên mạng về chiến đấu cơ Rafale của Pháp, cũng như vận động hành lang nhằm thuyết phục các quốc gia đã đặt mua, đặc biệt là Nam Dương (Indonesia), nên đổi sang chọn tiêm kích cơ do Trung Quốc sản xuất.
Nguồn cơn sự việc
Theo hãng tin AP, chiến dịch "bôi nhọ" tiêm kích cơ Rafale, do Pháp sản xuất, được tung ra vào lúc đang diễn ra đụng độ kéo dài bốn ngày giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng Năm, với sự tham gia của hàng chục tiêm kịch cơ từ cả hai bên. Sau đó, Pakistan khẳng định không quân nước này, với sự đóng góp không nhỏ từ những chiếc phi cơ J-10 của Trung Quốc, đã bắn hạ 5 phi cơ của Ấn Độ trong cuộc giao tranh, trong đó có 3 chiếc Rafale.
Về phần mình, Ấn Độ thừa nhận có tổn thất về phi cơ, nhưng không nói rõ con số. Trong khi đó, tư lệnh không quân Pháp Jérôme Bellanger đã đưa ra các bằng chứng cho thấy Ấn Độ chỉ mất tổng cộng 3 chiếc phi cơ, và trong đó chỉ có một chiếc Rafale. Hai chiếc còn lại gồm một chiếc Sukhoi do Nga sản xuất và một chiếc Mirage 2000, dòng phi cơ phản lực thế hệ trước do Pháp chế tạo.
Hãng tin AP cho biết đây là lần đầu tiên một chiếc Rafale được ghi nhận bị bắn rơi trong chiến đấu, dù loại phi cơ này đã được Pháp bán cho tám quốc gia. Dù vậy, thông tin mà Pakistan lan truyền về việc bắn rơi 3 tiêm kích Rafale đã đi trước một bước, khiến các quốc gia đã mua loại tiêm kịch cơ do hãng Dassault Aviation (Pháp) sản xuất nghi ngờ về hiệu suất của phi cơ đó. Hơn nữa, vì các dữ liệu liên quan đều mang tính bảo mật cao, nên quân đội Pháp cũng như Dassault Aviation không thể đưa ra thông tin công khai, từ đó lại càng tạo điều kiện lý tưởng cho tin giả lan rộng.
Cách thức hoạt động
Cụ thể, theo các quan chức Pháp, hàng loạt bài đăng và hình ảnh giả do Pakistan và đồng minh Trung Quốc phát tán, đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, nhằm bôi xấu Rafale. Họ lợi dụng trí tuệ nhân tạo và thậm chí lấy nguồn từ các trò chơi điện tử để ngụy tạo các hình ảnh về những mảnh vỡ của tiêm kích Rafale. Theo các chuyên viên nghiên cứu Pháp chuyên về tin giả, có tới hơn 1.000 tài khoản mạng xã hội mới được tạo ra khi xung đột Ấn Độ - Pakistan bùng nổ, từ đó góp phần lan truyền câu chuyện về sự "kém cỏi" của tiêm kích Rafale cũng như sự "vượt trội" của công nghệ Trung Quốc.
Trả lời kênh France 24, ông Olivier Arifon, giáo sư tại Đại học Nice, chuyên gia về truyền thông, nhận định chiến lược của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc khai thác “những sự kiện có thật” để lan truyền thông tin sai lệch. Các tác nhân lan truyền đã lợi dụng những sự kiện này để tạo ra một hệ sinh thái thông tin sai lệch, mập mờ giữa thế giới ảo và thế giới thực. Hơn nữa, vì nhận thức của công chúng về thông tin sai lệch đã được cải thiện, nên các nhân tố Trung Quốc đã kết hợp yếu tố hài hước rồi cài cắm thêm một vài chi tiết giả, khiến chiến dịch trở nên hiệu quả hơn và dễ được phát tán, chia sẻ hơn.
Nhân tố đứng sau
Vẫn theo ông Olivier Arifon, nghiên cứu hiện tại cho thấy Trung Quốc đã thiết lập một hệ sinh thái hỗn hợp về tuyên truyền sai lệch, với sự tham gia của nhiều tác nhân khác nhau, từ cơ quan nhà nước đến cơ quan bán nhà nước, các hãng truyền thông có độ tin cậy khác nhau, cùng với các kênh tuyên truyền thân cận. Trước đây, mô hình này chủ yếu được ghi nhận trong chiến lược tuyên truyền sai lệch của Nga.
Ngoài ra, trong hệ sinh thái này còn cần phải kể tới tác nhân dân sự. Ông Olivier cho rằng: “Rõ ràng một bộ phận người dân Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh, sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ lợi ích của đảng Cộng sản Trung Quốc và quảng bá hình ảnh đất nước.” Ông nhận xét thêm rằng trong tình hình đó, các đơn vị chuyên trách thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân, các cơ quan tình báo và các cơ quan chính phủ đã cố tình “buông lỏng kiểm soát”, ngầm cho phép các cá nhân thực hiện hoạt động tuyên truyền.
Không chỉ tạo các bài đăng và hình ảnh giả để lan truyền thông tin sai lệch, các tùy viên quốc phòng của đại sứ quán Trung Quốc tại các nước đã lặp lại cùng một luận điệu trong các cuộc họp với các quan chức an ninh và quốc phòng từ các quốc gia khác, cho rằng tiêm kích cơ Rafale hoạt động kém hiệu quả và quảng bá cho tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất. Theo cơ quan tình báo, các tùy viên quốc phòng Trung Quốc tập trung vận động hành lang ở những quốc gia đã đặt mua Rafale, cũng như các nước tiềm năng đang cân nhắc mua loại phi cơ này. Phía Pháp cho biết họ nắm được thông tin về các cuộc gặp này thông qua các quốc gia đã có được thông tin.
Khi được hãng tin AP yêu cầu bình luận về cáo buộc nỗ lực làm giảm sức hấp dẫn của Rafale, bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh đã phủ nhận và tố cáo: “Những tuyên bố liên quan hoàn toàn là tin đồn vô căn cứ và vu khống. Trung Quốc luôn duy trì cách thức thận trọng và có trách nhiệm đối với xuất cảng quân sự, đóng vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên toàn cầu.”
Mục đích
Bộ Quân lực Pháp viết trên trang mạng chánh thức rằng “Rafale không phải là mục tiêu bị nhắm đến một cách ngẫu nhiên. Đây là một loại tiêm kích cơ có năng lực cao, được xuất cảng ra nước ngoài và khai triển tại các khu vực có tầm nhìn chiến lược cao.” Việc bán Rafale và các loại võ khí khác là một ngành kinh doanh lớn đối với công nghiệp quốc phòng Pháp và giúp Paris củng cố quan hệ với các quốc gia khác, bao gồm cả các nước ở Á châu, nơi Trung Quốc đang cố gắng để trở thành cường quốc thống trị.
Ngoài ra, hạ thấp Rafale cũng là một cách để Trung Quốc có được đòn bẩy để quảng bá cho tiêm kích J-10 do Trung Quốc thiết kế. Trung Quốc bắt đầu phát triển J-10 từ những năm 1980, nhưng phải đến năm 2003 phi cơ này mới chính thức ra mắt. Với buồng lái được trang bị màn hình hiển thị góc rộng và đa chức năng, J-10 được coi là một tiêm kích cơ tân tiến. Phi công được trang bị kính ngắm gắn trên mũ bay và hệ thống điều khiển HOTAS (Hands On Throttle And Stick – cho phép điều khiển phi cơ bằng hai tay mà không cần rời khỏi cần ga và cần lái). Quan trọng hơn là giá của chiếc J-10 rất hấp dẫn, được cho chỉ là 40-60 triệu euro.
Tuy nhiên, dù được trang bị như vậy, hiệu quả thực sự của J-10 vẫn còn là dấu hỏi, theo nhận định của các chuyên gia; vì loại phi cơ này rất hiếm khi được xử dụng trong bối cảnh “chiến tranh thực sự”.
Bắc Kinh đặc biệt nhắm tới các quốc gia đang có ý định hiện đại hoá không quân, chẳng hạn như Indonesia. Theo tờ The Diplomat, khi tìm kiếm các nguồn cung, Jakarta đã để mắt tới tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Nam Dương (Indonesia), ông Donny Ermawan Taufanto, xác nhận với Reuters rằng mẫu phi cơ này nằm trong danh sách được đánh giá, đồng thời nhấn mạnh các đề nghị khác, bao gồm tàu chiến và hệ thống võ khí, cũng đang được xem xét. Tuy nhiên trước đó, vào năm 2022, Indonesia đã đặt mua 42 chiến đấu cơ Rafale với trị giá khoảng 8 tỷ đô-la, sẽ được giao trong năm 2026.
(Theo RFI)