Với những gì đang được trang bị cũng như danh mục vũ khí dự kiến mua, Úc có vai trò quan trọng trong thế trận kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Tàu HMAS Canberra của hải quân Úc trong lần tham gia tập trận RIMPAC
Thời gian qua, bên cạnh nhiều động thái ngoại giao nhằm vào Trung Quốc, Úc cũng tiến hành một loạt hoạt động quân sự, đẩy mạnh vũ trang để ứng phó các thách thức an ninh trong khu vực.
Sức mạnh hàng không mẫu hạm
Cuối tháng 7, Úc đã điều động 5 chiến hạm cùng tham gia tập trận với hải quân Mỹ và Nhật ở biển Philippines. Danh sách tàu phía Úc bao gồm: tàu đổ bộ tấn công HMAS Canberra, 2 tàu hộ tống lớp Anzac là HMAS Stuart và HMAS Arunta, tàu khu trục HMAS Hobart thuộc lớp Hobart và tàu hậu cần HMAS Sirius. Đây là một trong các hoạt động mà Mỹ thực thi theo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở.
Trong danh sách này, HMAS Canberra có thể xem là một biểu tượng sức mạnh của hải quân Úc. Thực tế, trong những năm qua, Mỹ cùng nhiều nước dần phát triển phương án sử dụng tàu đổ bộ tấn công kích thước lớn mang theo máy bay tiêm kích loại cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng, hoặc cất/hạ cánh thẳng đứng. Điển hình như Mỹ đang triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 cho tàu đổ bộ tấn công lớp America và lớp Wasp. Nhờ đó, những tàu đổ bộ có thể triển khai tác chiến như tàu sân bay. Tàu HMAS Canberra cũng có thể đáp ứng khả năng tương tự.
Phân tích với Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Úc đã bắt đầu mua máy bay F-35 và Mỹ cũng đã thành lập cơ sở bảo trì cho dòng máy bay này tại Úc. Nước này cũng sở hữu đến 2 chiến hạm lớp Canberra là HMAS Canberra và HMAS Adelaide sở hữu thiết kế mũi hếch lên để tạo bệ phóng cho máy bay cất cánh”.
Trong danh mục F-35 mà Úc đặt mua thì chưa có phiên bản cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng, nhưng việc phát triển 2 chiến hạm lớp Canberra có khả năng tác chiến như hàng không mẫu hạm không quá khó khăn. Gần đây, Úc đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ, tàu HMAS Canberra cũng tham gia tập trận cùng hải quân Mỹ nên việc phối hợp tác chiến dựa trên nền tảng tàu Canberra hoàn toàn khả thi.
Ngoài chiến hạm lớp Canberra, hải quân Úc còn sở hữu tàu khu trục lớp Hobart. Đây là lớp tàu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân, dựa trên hệ thống Aegis của Mỹ vốn được trang bị phổ biến trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Hiện nay, Úc đã sở hữu 3 tàu khu trục lớp Hobart và 1 trong 3 chiến hạm này đã tham gia cuộc tập trận cùng Mỹ, Nhật Bản ở biển Philippine hồi cuối tháng 7.
Tăng cường tên lửa chống hạm
Đầu tháng 7, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông tin về chiến lược quốc phòng của nước này trong thời gian tới. Trong kế hoạch trên, theo giới chuyên gia nước này, Canberra đang xem xét mua tên lửa chống tàu chiến tầm xa AGM-158C có tầm bắn lên đến 370 km. Tầm bắn này xa hơn hẳn so với mức 280 km của tên lửa đối hạm Harpoon mà Úc đang sử dụng.
Dự kiến, AGM-158C sẽ được Úc dùng để thay thế cho tên lửa Harpoon trên các chiến đấu cơ F/A-18 của nước này. Bên cạnh đó, AGM-158C cũng có thể được sử dụng cho chiến đấu cơ F-35 mà nước này đã đặt mua. Định hướng phát triển tên lửa đối hạm tầm xa của Canberra khá tương đồng với Washington trong chiến lược ở Indo-Pacific mà cả hai bên đang phối hợp đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, TS Nagao phân tích thêm: “Úc cũng dự kiến mua 12 tàu ngầm. Số tàu ngầm này có thể được triển khai rộng khắp từ Ấn Độ Dương đến nam Thái Bình Dương, hay đến Biển Đông. Với Úc, tàu ngầm có công dụng quan trọng trong việc thu thập thông tin”. Đây là yếu tố quan trọng để “tứ giác an ninh” gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ phối hợp trong chiến lược Indo-Pacific, nhằm kiềm chế hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở vùng biển từ tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.
Chính vì thế, nền tảng quân sự hiện có của Úc bao gồm cả trên không lẫn trên biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chung của “tứ giác an ninh”.
(Theo Thanh niên)