Các thủy thủ Đài Loan chào quốc kỳ của hòn đảo này trên boong tàu tiếp tế Bàn Thạch (Panshih) sau khi tham gia cuộc tập trận thường niên tại căn cứ hải quân Tả Doanh ở Cao Hùng, Đài Loan, vào ngày 31/01/2018. (Ảnh: Mandy Cheng/AFP qua Getty Images)
Các hướng dẫn tư pháp mới được ban hành của Bắc Kinh nhắm vào những người “ngoan cố” ủng hộ nền độc lập của Đài Loan khiến người Đài Loan đi đến Trung Quốc, Hồng Kông, và Ma Cao gặp nguy hiểm.
Đài Loan đã nâng cảnh báo đi lại tới Trung Quốc lên mức cao thứ hai, yêu cầu công dân tránh “đi lại không cần thiết” tới nước này, sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ áp dụng án tử hình đối với những người “ngoan cố” ủng hộ nền độc lập của hòn đảo này.
Theo một thông cáo báo chí hôm 27/06, Hội đồng các Vấn đề Đại lục của Đài Loan, một cơ quan hành chính cấp nội các chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đã nâng cảnh báo đi lại từ “vàng” lên “cam” trong hệ thống khuyến cáo bốn cấp độ của hòn đảo này.
Ngoài đại lục, cảnh báo đi lại mới nhất còn có Hồng Kông và Ma Cao.
Cảnh báo “vàng” có nghĩa là cần xem xét lại việc đi lại. Cảnh báo cấp cao nhất, “đỏ,” có nghĩa là mọi người nên cố gắng không đi đến khu vực được đề cập.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, thường cáo buộc người Đài Loan là “những kẻ ly khai” hoặc “những kẻ chủ trương ly khai” khi họ lên tiếng bảo vệ chủ quyền của hòn đảo này hoặc gọi hòn đảo này là một “quốc gia có chủ quyền và độc lập.”
Hôm 21/06, Bắc Kinh đã công bố hướng dẫn tư pháp mới nhắm vào những cá nhân này. Hướng dẫn liệt kê vài hoạt động—chẳng hạn như thúc đẩy tư cách thành viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế—là hành vi phạm tội. Tòa án Trung Quốc sẽ được phép xét xử vắng mặt những cá nhân này, và hình phạt bao gồm án tù dài hạn và án tử hình.
Hôm thứ Năm, ông Lương Văn Kiệt (Liang Wen-chieh), phó chủ tịch và phát ngôn viên của Hội đồng các Vấn đề Đại lục, đã tổ chức một cuộc họp báo để công bố bản cập nhật cảnh báo đi lại, nói rằng các hướng dẫn của Trung Quốc “làm tăng thêm rủi ro an toàn cá nhân cho người Đài Loan khi đi đến Trung Quốc, Hồng Kông, và Ma Cao.”
Ông Lương nói thêm rằng quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Đài Loan đã có “đánh giá toàn diện.”
Đối với những người phải đi lại, ông Lương nói rằng họ nên tránh một số hoạt động, như thảo luận các vấn đề chính trị nhạy cảm, chụp ảnh cảng biển, phi trường, hoặc các cơ sở quân sự, và mang theo sách về chính trị, lịch sử, hoặc tôn giáo.
Ngoài ra, theo ông Lương, công dân Đài Loan nên trình bày các kế hoạch di chuyển của mình trên trang web của hội đồng này trước khi thực hiện chuyến đi đến Trung Quốc, Hồng Kông, hoặc Ma Cao.
Tuần trước, Hội đồng các Vấn đề Đại lục đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói rằng các hướng dẫn mới “sẽ chỉ tạo ra sự đối kháng và cản trở sự tiếp xúc giữa người dân qua Eo biển Đài Loan.”
Cơ quan này cũng nói rằng quyết định của Bắc Kinh “giúp làm nổi bật sự tương phản rõ rệt giữa hệ thống chính trị của ĐCSTQ và hệ thống lập hiến dân chủ, tự do tồn tại ở Đài Loan.”
Ông Lương cũng trả lời một câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có thể tìm cách dẫn độ những người Đài Loan ở ngoại quốc bị ĐCSTQ cáo buộc có hành vi ly khai hay không.
“Cái gọi là tội ly khai là một tội chính trị. Và đó là tội chính trị đặc trưng của Trung Quốc, thứ mà các nước khác không có. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rằng tất cả các quốc gia phát triển và tiên tiến sẽ không dẫn độ người Đài Loan sang Trung Quốc vì cái gọi là tội ly khai,” ông Lương cho biết.
Ông nói thêm mà không nêu tên quốc gia nào, rằng, “Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ khả năng một số quốc gia có thể đặc biệt hợp tác. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải nhắc nhở người dân của mình chú ý.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
(Epochtime Việt ngữ - Cẩm An lược dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)
BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH
Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.