Những người của tổ chức Greenpeace kêu gọi cần nên có một thỏa ước đại dương toàn cầu tại Hội Nghị Đại Dương Liên Hợp Quốc ở thành phố Lisbon, tháng Sáu 2022. Nguồn: Armando Franca/AP

 

QUỐC TẾ - Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Đại dương vừa kết thúc tại Bồ Đào Nha, với các nhà lãnh đạo cam kết bảo vệ biển và đối phó với biển đổi khí hậu. Cuộc họp cũng đề cập đến dự án mới ‘thán khí màu xanh dương’ của Úc, mặc dù tổ chức tranh đấu cho môi sinh Greenpeace cảnh cáo Úc cần phải làm nhiều hơn nữa.

 

Trong suốt năm ngày, các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà khoa học từ hơn 120 quốc gia đã tập trung tại Lisbon, Bồ Đào Nha, để tham dự Hội nghị về Đại dương của Liên Hiệp Quốc.

 

Các khoa học gia cho biết, có từ 50 đến 80% sự sống trên trái đất là sống dưới biển.

 

Ngoài ra các đại dương cũng tạo ra khoảng một nửa lượng oxy trong khí quyển và hấp thụ một phần tư lượng khí thải các bon.

 

Trong khi các mục tiêu không phát thải ròng là trọng tâm lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thì hội nghị thượng đỉnh LHQ này nhằm mục đích thiết lập một thỏa thuận tương tự, để bảo vệ đại dương.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn.

Ông nói “Thưa Chủ tịch Hội nghị và tất cả quí vị thân mến, những gì chúng tôi đang cố gắng phát động và tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc ở đây, đó là đánh giá những bước tiến mà chúng tôi đã đạt được trong những tháng qua và đặt ra chương trình nghị sự cho những tháng và tuần tiếp theo".

"Cam kết của chúng tôi là toàn diện, toàn cầu".

"Cùng nhau chúng ta phải đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với đại dương, giống như chúng ta đã làm với Thỏa thuận khí hậu Paris”.

 

Ông Macron hiện đẩy mạnh việc ký kết một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ đại dương, tương tự như hiệp định khí hậu Paris có tính cách ràng buộc.

 

Vào ngày 15 đến 26 tháng 8, các cuộc thương thuyết của LHQ về đa dạng sinh học biển, ngoài quyền tài phán quốc gia, sẽ được tiếp tục tại New York.

 

Hiệp ước này còn được gọi là ‘Hiệp ước Biển cả’, mà ông Macron nói rằng, cần phải bao gồm một cơ chế giải quyết vấn đề bảo tồn đại dương và tính bền vững của sinh vật biển.

Ông nói “Cũng chính vì lý do này mà chúng tôi muốn đạt được Hiệp ước Đại dương, nhằm đạt được một khuôn khổ cho các sinh vật biển và đại dương bị đe dọa do việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm".

"Chúng tôi đã thảo luận về văn bản đó trong bảy năm, bây giờ là lúc để đạt được nó một cách nhanh chóng”.

 

Trong khi đó Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc FAO, đã đưa ra báo cáo về tình trạng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của thế giới, tại hội nghị Lisbon.

 

Đặc phái viên Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry, nói về cam kết của đất nước ông trong việc giải quyết tình trạng giảm nồng độ pH của đại dương, do bởi sự gia tăng thán khí carbon trong khí quyển.

Ông John Kerry nói “Tôi hãnh diện loan báo rằng, Hoa Kỳ sẽ tham gia liên minh quốc tế trong việc chống lại tình trạng acit hóa đại dương".

"Ngoài nhiều chuyện khác, chúng tôi dự định sẽ giữ lời hứa giữ nhiệt độ giảm 1 độ rưỡi bách phân và lượng khí thải giảm xuống từ 50 đến 52 phần trăm trong 8 năm tới”.

 

Hồi đầu tuần này, Tổng trưởng Môi Sinh Úc, Tanya Plibersek, tham dự hội nghị và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các viên chức.

 

Trong một bài diễn văn, bà nói về một số dự án mới được gọi là ‘thán khí màu xanh dương’ sẽ khởi động ở Úc.

Bà Tanya Plibersek nói “Các dự án nầy sẽ phục hồi vùng ngập mặn, đầm lầy nước mặn và cỏ biển trên khắp các bờ biển của chúng ta và ở chung quanh nước Úc".

"Chúng sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ carbon, đa dạng đại dương và giảm thiểu lũ lụt”.

 

‘Blue carbon’ hay ‘thán khí màu xanh dương’ là một từ ngữ để mô tả tình trạng thán khí bị đại dương và các hệ sinh thái ven biển hấp thụ.

 

Bà cho biết, 5 dự án sẽ bao gồm việc trợ giúp các quốc gia đang phát triển, bảo đảm việc gìn giữ đại dương.

 

Bà Tanya Plibersek nói “Chúng tôi cũng là đối tác và bạn hữu trên khắp Thái Bình Dương, để hỗ trợ cho dự án ‘khí thải màu xanh dương’, nhằm chia sẻ nhiều kiến thức mới nhất trong lãnh vực nầy và dĩ nhiên là những tính toán".

"Với chính phủ mới ở Úc, môi trường là mặt trận trước mặt, đàng sau và ở trung tâm mọi chính sách của chúng tôi".

 

Bà cho biết, tân chính phủ Anthony Albanese cam kết về biển đổi khí hậu. Bà nói “Tình hình này chưa bao giờ cấp bách hơn. Như các diễn giả trước đây đã nói, có tới 50% hệ sinh thái ven biển trên hành tinh của chúng ta đã bị mất đi trong thế kỷ qua".

"Không có thứ gì gọi là môi trường trong lành hay đại dương lành mạnh, nếu không có hành động về khí hậu thay đổi".

"Chúng ta hoàn toàn không thể đối phó với biến đổi khí hậu, mà không hành động trên đại dương của chúng ta".

"Tham vọng chính là lựa chọn duy nhất của chúng ta.”

 

Thế nhưng những người thuộc tổ chức Greenpeace, biểu tình ở Bồ Đào Nha, muốn hành động ngay bây giờ.

 

Các nhà hoạt động bên ngoài hội nghị đã tổ chức các dấu hiệu cho thấy, cá mập bị giết do không hành động chính trị, với thông điệp có nội dung 'Hiệp ước mạnh mẽ về đại dương ngay bây giờ'.

 

Phát ngôn nhân của Greenpeace, bà Laura Meller có mặt tại cuộc biểu tình giải thích.

 

Bà Laura Meller nói “Chúng tôi ở đây để nói với các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung ở đây rằng, họ cần phải chuyển từ lời nói sang hành động".

"Trong khi họ ở bên trong nói những lời tốt đẹp về bảo vệ đại dương, thì các đại dương đang bị phá hủy và cạn kiệt trước mắt họ”.

 

Thế nhưng không lâu sau đó, cảnh sát đẩy họ ra khi những người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ đứng trước các bảng hiệu chính thức của hội nghị.

 

Bà Jess Panegyres là người đứng đầu bộ phận chuyển đổi năng lượng sạch của Greenpeace tại vùng Úc Châu Thái Bình Dương.

 

Với những người biểu tình đang tìm kiếm hành động nhanh chóng, bà Panegyres đã nói với SBS News về tầm quan trọng của hội nghị này.

Bà nói “Đây là thời điểm chính trị sau cùng, trước khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau vào tháng 8, để thảo luận về việc thống nhất một hiệp ước đại dương toàn cầu, vì vậy đây là một thời điểm thực sự rất quan trọng".

"Đã quá lâu, các nhà lãnh đạo thế giới đã giống như 'tất cả- chỉ nói và không hành động' về việc bảo vệ đại dương toàn cầu và các đại dương của chúng ta đang thực sự gặp khó khăn".

"Đây là thời điểm quan trọng để kết thúc lại, với yêu cầu bảo vệ 30% biển cả”.

 

Được biết 5 dự án phục hồi carbon xanh mới của Úc, có tổng vốn đầu tư 9 triệu rưỡi đô la.

 

Tổ chức Hòa bình xanh Úc Châu-Thái Bình Dương hoan nghênh cam kết này, mặc dù bà Panagyres nói rằng cần phải thực hiện nhiều hơn nữa về biến đổi khí hậu, vì tất cả đều kết nối với nhau.

Bà Jess Panegyres nói “Chúng tôi biết cần phải bảo vệ các hệ sinh thái nguyên vẹn của mình, cho dù ở trên đất liền hay trên biển, để hành động với biến đổi khí hậu, vì vậy tất cả điều đó đều rất được hoan nghênh".

"Thế nhưng có những vấn đề cấp bách mà đại dương của Úc cũng như khí hậu phải đối mặt các vấn đề".

"Chúng tôi thấy ví dụ, trong hệ sinh thái biển hàng đầu của Úc, rặng san hô Great Barrier, với việc bảo vệ là rất quan trọng".

"Chúng tôi cũng cần hành động thực sự mạnh mẽ đối với biến đổi khí hậu, bởi vì chúng ta không thể cứu các đại dương nếu chúng ta không đồng thời thực hiện hành động mạnh mẽ đối với khí hậu”.

 

Với việc đảng Lao động đưa ra những cam kết mạnh mẽ về môi trường trên trường toàn cầu, họ cũng đã ủng hộ dự án khí đốt Scarborough ngoài khơi của Tây Úc, trị giá 16 tỷ rưỡi đô-la.

 

Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King nói rằng, khí đốt có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang thế giới khử cacbon.

 

Thế nhưng người ta ước tính rằng dự án Woodside Energy sẽ thải ra hàng triệu tấn carbon, trong vòng đời của nó.

 

Việc nầy sẽ liên quan đến việc khai thác khí đốt từ đáy biển, của các mỏ khí đốt Scarborough ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của tiểu bang nầy và có khả năng gây ra mối đe dọa đối với các đại dương và môi trường sống ở biển.

 

Trong khi chính phủ liên bang cam kết đạt được mục tiêu mạnh mẽ hơn đến năm 2030, trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng không, bà Panagyres nói rằng việc bảo vệ đại dương và khí hậu, không thể được thực hiện cùng với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.

Bà Jess Panegyres nói “Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng, các công ty nhiên liệu hóa thạch ở Úc đã được trao quá nhiều quyền lực trong thời gian quá dài, để tiến hành các dự án mà chúng ta biết là sẽ gây hại cho khí hậu".

"Có rất nhiều động lực đằng sau rất nhiều dự án đó, tôi nghĩ đây là điều mà chính phủ liên bang mới sẽ phải giải quyết”.