Hình bên trái: Nhà văn Dương Thu Hương, nhà văn bất đồng chính kiến với chính phủ đương thời Việt Nam (Wiki Peace Women). Hình bên phải: Nhà văn Dương Thu Hương đã được trao Giải Cino-Del-Duca 2023 (Institut de France). Nguồn: Supplied / hình bên trái: Wiki Peace Women. Hình bên phải: Institut de France
PARIS, PHÁP - Nhà văn bất đồng chính kiến, Dương Thu Hương, vừa được trao giải thưởng văn học danh tiếng Cino-Del-Duca 2023, trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris.
Ban Giám khảo giải Cino Del Duca, gồm 14 thành viên, đa số là thành viên Viện Hàn Lâm Pháp Ngữ, đã trao giải thưởng cho bà Dương Thu Hương, để "tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại".
Giải thưởng Cino-Del-Duca là một giải thưởng quan trọng, được ví như một "phòng chờ" của giải Nobel Văn học, theo một số đánh giá của các tạp chí văn chương uy tín châu Âu.
Với 200,000 euro (328.000 Úc kim), Cino-del-Duca cũng là giải thưởng văn học có số tiền lớn thứ nhì, chỉ sau giải Văn Chương Nobel.
Được biết trong 54 năm qua chỉ có hai người gốc Việt được giải này. Người đầu tiên là Giáo sư vật lý thiên văn kiêm nhà văn Trịnh Xuân Thuận, đang sống và giảng dạy ở Hoa Kỳ, được trao giải năm 2012.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo giải Cino-Del-Duca, nhà văn Dương Thu Hương, sinh năm 1947 ở Thái Bình, là một nhà văn dấn thân.
Các tác phẩm của nhà văn Dương Thu Hương được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Tại Pháp, nơi bà đang sinh sống, tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp của bà chủ yếu là do nhà xuất bản Sabine Wespieser lưu hành.
"Chốn vắng", năm 2016, là tác phẩm được đọc nhiều nhất của bà, đến "Đồi bạch đàn", năm 2014, và "Đỉnh cao chói lọi", năm 2009, viết về Hồ Chí Minh.
Nhà văn Thu Hương đã mô tả cuộc sống thường nhật của nhân dân Việt Nam, gánh nặng từ quá khứ và một xã hội bị chiến tranh hằn sâu. Tác phẩm của bà thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản.
Năm 1994, tác phẩm của bà đã nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, ông Jacques Toubon trao tặng.
Cuốn tiểu thuyết "Chốn vắng" đã giúp bà được xuất hiện trên truyền hình Pháp. Cuốn tiểu thuyết này cũng nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Đọc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.
Bà đã từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản, năm 1991.
Tháng Tư 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp.
Với sự trợ giúp của các hội đoàn hải ngoại, bà được định cư tại Pháp. Hiện nay quốc tịch của nhà văn Dương Thu Hương không rõ ràng. Theo Wikipedia, bà vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Bốn tiểu thuyết đầu tay của bà, "Hành trình ngày thơ ấu", "Bên kia bờ ảo vọng", "Những thiên đường mù", và "Quãng đời đánh mất" từng được xuất bản tại quê nhà và nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất tại Việt Nam trước khi bị cấm.
Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị.
Tiểu thuyết của tác giả Dương Thu Hương theo trình tự thời gian:
1. Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), năm 1985
2. Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), năm 1987
3. Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles),năm 1988
4. Quãng đời đánh mất, năm 1989
5. Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name)
6. Lưu ly (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996; bản tiếng Pháp: Myosotis, 1998)
7. Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), năm 2002.
8. Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), năm 2009.
9. Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur) , năm 2011.
10. Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus) , năm 2013.