Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tham gia một cuộc họp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/08/2024. REUTERS - Umit Bektas

 

 

Ngày 03/09/2024, phát ngôn viên đảng cầm quyền Ömer Çelik thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức xin gia nhập nhóm BRICS, quy tụ năm nước : Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

 

Nếu được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đầu tiên gia nhập câu lạc bộ các nước đang trỗi dậy. Theo giải thích của Anne Andlauer, thông tín viên tại Ankara, động cơ chính của yêu cầu này là cảm giác hụt hẫng ngày càng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đối tác phương Tây truyền thống.

"Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định : Ankara không xem BRICS như một giải pháp thay thế cho NATO hay Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng họ cũng không che giấu những căng thẳng tái diễn với các đồng minh của NATO và hơn thế nữa, những cản trở tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu khuyến khích Ankara tìm kiếm những diễn đàn hợp tác khác. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn từ nhiều năm qua.

Ankara cũng hiểu rằng Liên Hiệp Châu Âu vẫn là đối tác hàng đầu, chiếm đến hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2023. Nhưng việc châu Âu từ chối hiện đại hóa liên minh thuế quan kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với khối từ năm 1996, trong khi tiến trình này hoàn toàn độc lập với các cuộc đàm phán gia nhập EU, khiến Ankara cảm thấy hụt hẫng. Đây là một trong số những nguyên nhân chính cho nỗ lực xin gia nhập nhóm BRICS.

Cách tiếp cận này của tổng thống Erdogan thực sự không vấp phải phản đối trong nước. Các đảng đối lập chính, mặc dù vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ bám chặt phương Tây, không bác bỏ ý tưởng thắt chặt quan hệ với nhiều diễn đàn khác hay các nước lớn khác, kể cả nước Nga"

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)